Thử Đi Tìm Hành Trình Giảm Bớt Phiền Não Qua Học Hỏi Về Ngũ Uẩn.

Gần đây các khoá tu học khắp nơi đều chú trọng về Bài “BÁT NHÃ TÂM KINH” mà Bắc Tông và Nam Tông đều chấp nhận là tinh yếu cốt lõi của Giáo lý Phật.

Vì chỉ câu đầu của bài kinh 260 chữ “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến Ngũ Uẩn Giai Không độ nhất thiết khổ ách “.đã nói lên cách giải quyết những khổ ách phiền não mà kiếp người đang mang nặng trên đôi vai.

“Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người,
Cầm lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn bỏ gánh nặng xuống xong,
Tức là lạc không khổ,
Gánh nặng bỏ xuống xong,
Không mang theo gánh khác.
Nếu nhổ khát Ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Được giải thoát tịnh lạc” ̣(Kinh Tương Ưng)

Một Giảng Sư đã từng cho rằng: Hành trình sinh tử của chúng ta được bắt đầu từ sự ngộ nhận về Năm Uẩn. Và chính vì không thấy được rằng chúng là những thứ đau khổ, ta sống hài lòng với các Uẩn của chính mình và thường hay phân biệt so sánh với Năm Uẩn ở người khác.

May thay khi học online với mục hỏi đáp trên mạng Trung Tâm hộ Tông do HT Viên Minh chủ giải người viết đã góp nhặt những tìm hiểu về thế nào Ngũ Uẩn qua những câu hỏi rời rạc trải qua nhiều năm và đúc kết tổng thể lại để làm tư lương cho mình.

Và một đại duyên khác gần đây từ khi học lại Kinh Tương Ưng nhất là đến Tập 3 Thiên Uẩn chương 1 Tương Ưng Uẩn phẩm 9 Trưởng Lão – Bài 8, 9,10.

Đó là những bài nói về Trưởng Lão Xa Nặc sau khi Đức Thế Tôn viên tịch đã bị Tăng Đoàn trừng phạt bằng cách im lặng không giao tiếp (sau lần kiết tập lần thứ nhất ) và cuối cùng Trưởng Lão Xa Nặc tìm đến Ngài A Nan để xin được nghe về một bài pháp về “Tại sao Ngài vẫn hiểu sắc, thọ, tưởng, hành thức là Không… nhưng vẫn không tiến bộ gì trong tu tập” thì Ngài A Nan (lúc bấy giờ đã có lục thông vì chứng đắc A La Hán nên thấu rõ căn cơ Ngài nên đã dạy hãy quán chiếu về Duyên sinh “Tất cả đều do Duyên mà có, có rồi sẽ tan biến, rời xa không có gì miên viễn” thì sẽ lìa được đoạn kiến và thường kiến sẽ không còn chấp thủ những tà kiến nữa.

Và những bài kế tiếp Ngài La Hầu La được Đức Phật dạy về cách lìa bỏ Chấp thủ về Năm Uẩn.

Theo đó chúng ta có thể hiểu Đức Phật thuyết giáo lý Ngũ Uẩn là vì muốn diệt trừ sự khổ đau cho chúng sinh. Con người có khổ cũng vì tham Ái. Một khi trạng thái luyến ái bám vào thì con người phải nắm chặt lấy đối tượng nên gọi là Thủ. Cũng do nơi Thủ mà chúng ta làm nô lệ cho khát vọng của mình mà nhắm mắt chạy theo dục lạc.

Và điều Ngài nhắn nhủ hãy luôn sống trong chánh niệm và luôn nhớ đến mọi vật hữu vi đều phải chịu theo định luật Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

Ngoài ra còn rất nhiều bổ sung cho những điều tìm hiểu của người viết, với bản chất một người cầu học, tôi đã tự mình đúc kết, phối hợp và ghi lại trong cẩm nang mình để nhớ và thực hành. Trong tinh thần cùng nhau sách tấn, kính xin mạn phép chia sẻ và kính tha thiết các bạn hữu đồng cảm tha thứ cho những khiếm khuyết và bổ túc cho nhau các điều cần và có để chúng ta cùng tiến bước vào biển pháp mênh mông vậy!

Kính trân trọng,

Nào cùng khái quát về Ngũ Uẩn , được biết theo định nghĩa phổ thông của Phật Học thì: Uẩn có nghĩa là tích tụ thành một khối cho nên con người chỉ là một hợp thể của năm món gọi là SẮC UẨN, THỌ UẨN, TƯỞNG UẨN, HÀNH UẨN , THỨC UẨN.

Hoặc thực ra nếu nói thông thường Ngũ uẩn chỉ là tên gọi của Thân và Tâm hoặc cao hơn một chút thi gọi tên là Sắc và Danh (Thọ, Tưởng, Hành, Thức).

Lấy thí dụ 1;

Khi ta thấy một sự kiện (đống cỏ) và hồi tưởng đến những người làm cỏ với tâm hoan hỷ thì trong đó có những hoạt động như sau:

1) Mắt tiếp xúc với sắc (đống cỏ).
2) Cảm thọ hỷ.
3) Tưởng nhận ra đống cỏ.
4) Nhớ lại những người làm cỏ với phản ứng tâm hoan hỷ.
5) Thu nhận những diễn biến trên vào bộ nhớ (nên bây giờ mới kể lại với thầy được).

Năm giai đoạn thu thập kinh nghiệm trên được gọi là ngũ uẩn (theo thứ tự sắc –> thọ –> tưởng –> hành –> thức).

Như vậy quá trình Ngũ Uẩn diễn ra khi Căn tiếp xúc với đối tượng Trần cảnh tương ứng, đó là SẮC, sự tiếp xúc ấy sinh ra những cảm giác, đó là THỌ, nhận biết xúc và thọ và đối tượng là TƯỞNG, có thái độ phản ứng trên đối tượng là HÀNH, và tùy phản ứng ấy là loại tâm gì thì đó là THỨC.

Nhưng thật ra chỉ nên nói “thân ngũ uẩn” khi chấp hoạt động của 5 uẩn là “ta” hoặc “của ta” gọi là thân kiến.  Nếu bình thường không có cái “ta 5 uẩn” khởi lên thì chỉ có “thân ngũ đại” thôi.

Một thí dụ khác:

– Khi Tai nghe một âm thanh, đó là SẮC, có cảm giác dễ chịu, đó là THỌ, nhận biết âm thanh và sự dễ chịu là TƯỞNG, ham thích âm thanh ấy là HÀNH, chuỗi diễn biến này có nội dung là tham nên THỨC lúc đó chính là tâm tham. Tiến trình này có thể lặp đi lặp lại rất nhiều lần do đó tâm tham này mới kéo dài lâu được.

Khi quá trình 5 uẩn này diễn ra thì một cái “Ta” khởi lên có ảo tưởng rằng “Ta” nghe, “Ta” cảm thấy dễ chịu, “Ta” thích, rồi cái “Ta” cố gắng duy trì sự ưa thích đó và ghi nhớ vào bhavanga (tiềm thức, Alaya thức).

Quá trình này lặp đi lặp lại từ hữu thức đến vô thức nên ngày càng chồng chất phức tạp mà gọi là UẨN.

Muốn hóa giải sự hình thành 5 uẩn – tức tiến trình tâm này – thì không thể dùng TƯỞNG UẨN hay THỨC UẨN của chính tiến trình tâm ấy, vì tiến trình hiện tại không thể tự quan sát chính nó.

– Thật ra “Nếu 5 yếu tố thuộc danh sắc này đứng riêng thì có thật do duyên sinh. Còn khi nó thành uẩn thì đó là tiến trình tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức và bản ngã”.

Khi trí tuệ soi sáng khiến không thành uẩn được thì trả 5 yếu tố ấy về với thực tánh của chúng.

Như vậy:

– Ngũ uẩn nguyên là gốc của quá trình nhận thức và xử lý thông tin tự nhiên, mà yếu tố cơ bản không thể thiếu là xúc, thọ, tưởng, tư, tác ý… trong đó nếu hành mà cơ bản là tư không phải là phản ứng tạo tác lăng xăng để trở thành và chồng chất thêm nhân quả nghiệp báo của cái ta lý trí vọng thức, mà là sự soi chiếu từ gốc của tánh biết là ngũ căn tín-tấn-niệm-định-tuệ thì nó trở thành đại dụng của hậu đắc trí trên đường hoàn thành phần tướng dụng của tuệ giác.

– Năm uẩn không phải là Tự Ngã mà là cái ngã ảo tưởng, do đó năm uẩn không thật. Nó như bức vẽ cảnh chứ không phải cảnh tự nhiên. Tự nhiên mới là bản chất thật của pháp được gọi là pháp tánh hoặc thực tánh pháp.

Trở về câu đầu tiên của Bát Nhã Tâm kinh “ Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến Ngũ Uẩn Giai Không độ nhất thiết khổ ách “.

– Ngũ uẩn chính là tiến trình hình thành bản ngã. Ngũ uẩn Không thì bản ngã cũng Không. Khi ta nhìn thấy một đoá hoa,ta cho là đẹp với cảm giác dễ chịu và ham muốn sở hữu nó là một tiến trình ngũ uẩn đã hình thành. Mắt tiếp xúc với hoa là sắc uẩn, cảm thấy dễ chịu là thọ uẩn, cho là đẹp là tưởng uẩn, ham muốn sở hữu là hành uẩn và hình thành bản ngã tham là thức uẩn.

– Tâm mình có rỗng lặng trong sáng mới thấy ra ngũ uẩn sinh diệt được. Quán không phải là suy nghĩ về mà là thấy ra.

– Chính vì Ngũ uẩn là quá trình tạo tác của bản ngã cho nên nói “ngũ uẩn giai không” có nghĩa là không còn khởi tâm vọng động tạo tác, hay hoàn toàn vô ngã của các bậc Thánh trí tuệ thâm sâu (thâm bát-nhã). Chúng sanh thì còn vọng động tạo tác nên đều gọi là “ngũ uẩn giai hữu“.

– Một người không hiểu đúng Ngũ Uẩn, còn ngũ uẩn lăng xăng thì luân hồi sinh tử nên không thể nào mà khứ lai tự tại được. Chỉ có người giác ngộ mới thấy ngũ uẩn giai không và khứ lai tự tại.

– Đối cảnh mà tâm vẫn rỗng lặng trong sáng hay chánh niệm tỉnh giác là ngũ uẩn giai không. Hoặc khi thấy ngũ uẩn sinh diệt mà không bị nó cuốn đi cũng là ngũ uẩn giai không.

– Sở dĩ ta vui sống với năm Uẩn vì không thấy chúng là Vô Thường. Chính sự Vô Minh này dẫn đến niềm vui đầu tư hạnh phúc của mỗi người. Niềm vui đó chính là Tham Ái trong năm Uẩn… nên có thương có thích người hay vật nào đó, chúng ta tự nhiên muốn ôm giữ chúng trong tay mình mãi mãi.

Chúng ta sợ chết, cái chết của mình và những người thân thương. Nên luôn bám giữ và chăm sóc cái thân này bằng đủ mọi phương tiện tìm kiếm dù phải trả cho cái giá là bao nhiêu.

Kết luận:

Biết rõ thấu đáo sự vận hành của ngũ uẩn, chúng ta thấy rõ rằng không có một xác thân nào cả mà chỉ là sự vận hành của ngũ uẩn mà con người lầm lẫn cho rằng đó là thân của Ta.

Tuy con người là sự kết hợp của ngũ Uẩn, nhưng mỗi Uẩn là vô thường vô ngã nên toàn khối cũng là vô thường vô ngã tức là Không, chẳng khác nào như cây chuối không có lõi, chỉ là sự kết tập của các bẹ chuối mà thôi.

Thực ra, tiến trình nhận thức vẫn có nhưng Tưởng, Hành, Thức đã được trí tuệ soi sáng nên vẫn Giai Không.

Cho nên muốn diệt trừ phiền não lần lần ta phải thấy trong mắt vốn không có sắc và sắc ái, trong tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy, không có thanh, hương, vị, xúc, pháp và các ái tương hệ. Chỉ khi có cái ta muốn thấy muốn biết mới sinh xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư mới có 6 trần, 6 ái mà hình thành ngũ uẩn, tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm.

Và phương pháp hay nhất là ta phải từng giờ từng phút thu thúc lục căn.

Điều đó có nghĩa là để phòng hộ các giác quan với hai nhiệm vụ chính cần phải làm. Đó là :

– Một, phải học cách kiểm soát ham muốn của mình khi căn tiếp xúc với trần.

– Hai, học cách nhìn rõ bản chất vô thường, biến đổi..

Hơn thế nữa… Phòng hộ các căn không có nghĩa là đóng bít các giác quan không cho tiếp xúc với các trần cảnh. Điều này là không thể.

Chỉ luôn chánh niệm tỉnh giác, phòng hộ các căn không để cho tâm rong ruổi tìm cầu rồi dẫn đến khổ đau.

Trong kinh Tương ưng bộ, Đức Phật trình bày về phòng hộ các căn như sau:“Và làm thế nào, này các Tỷ-kheo, một người luôn phòng hộ các căn môn?

“Ở đây, vị Thánh đệ tử, khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng “.

Lời kết:

Một lần nữa kính xin người đọc thông cảm cho người viết, đây chỉ là cái hiểu của người sơ cơ vì đáng lẽ phải được giấu kín nhưng với tâm niệm phấn đấu để càng hiểu rõ được giáo lý căn bản từ các bậc cao nhân và cùng nhau thực tập sống từng giờ trong Chánh niệm tỉnh giác tại đây và bây giờ, nên kính nguyện mong được chia sẻ.

Và người viết xin tha thiết được chỉ dạy thêm và kính xin chú thích một lần nữa, đây là những gì người viết đã chiêm nghiệm và học hỏi sưu tầm và chọn lọc từ tiêu đề về Ngũ Uẩn với lời dạy của HT Viên Minh trong mục hỏi đáp trên trang Trung Tâm Hộ Tông chứ không phải của cá nhân người viết cũng như qua các bài giảng về kinh tạng Tươmg Ưng,

Đại phước duyên ngày ngày tụng Tâm kinh Bát Nhã
Thấy ra rằng:
Sẽ diệt trừ bao phiền não khổ đau
Nếu không ái, thủ, hữu do Xúc mang vào
Làm sao có thân kiến và tích lũy ngã chấp?

Học về Ngũ uẩn, sẽ nhìn rõ chúng không thật
Phật dạy La Hầu La mỗi phút mỗi giây
Khổ, vô thường, vô ngã… tam pháp ấn này
Mọi vật từ lý duyên sinh, gá hợp như bẹ chuối!

Hãy phòng hộ các căn đừng cho chúng dong ruổi
Tránh giữ trong tâm đừng thương, ghét điều chi
Vì sẽ tạo Nhân cho tham, sân đến bất kỳ
Mầm Quả dị thục của ngày sau tương lai đó !

Hành trình giảm bớt phiền não do
… suy ngẫm về Ngũ Uẩn KHÔNG, CÓ !!

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.