Yếu Tố Tinh Tấn, Chánh Niệm & Tỉnh Thức Cần Thiết Nhất

Phải chăng 3 yếu tố Tinh tấn và Chánh niệm, Tỉnh thức cần thiết nhất cho Đạo & Đời.

Với thời gian dài miên man dành hết thời gian cho việc nghe pháp thoại từ các danh tăng các tông môn chánh phái và học kinh sách từ Phật giáo Nguyên Thuỷ đến Đại thừa cũng như Tổ Sư Thiền và Mật Tông bổng nhiên một ngày tôi bổng nhận được một thông điệp rằng:

– Hành trì tu tập là hành trình của nhận thức và giác ngộ là thay đổi nhận thức mà thôi.Khi ta nói đoạn diệt phiền não chính là thay đổi cách nhìn về thân kiến của mình chẳng hạn như ngày trước khi ta còn thấy Cái Tôi, Của Tôi thì nay đã được thay thế bằng Danh và Sắc, lại hiểu được thế nào là cái gì cũng do Duyên mà có và có rồi phải mất…. để ta không còn tham đắm và buồn đau khi bất mãn và tuyệt vọng cũng như sẽ đi đến sự ly tham khi thấy thân ngũ uẩn này chỉ là túi da để không bồi bổ thêm những chất độc từ tư tường hoặc sách nhảm nhí có hại cho một nhà máy bên trong của túi da này.

Tôi còn học được thông điệp khác, đó là:

– Một nhận thức đúng đắn luôn có tác dụng làm quân bình trí tuệ và khả năng yêu thương tất cả hiện tượng sống.

Từ dạo ấy..
Nhìn cuộc sống với niềm tri ân tất cả
Bao hân hoan phúc lạc tràn ngập mãi hồn ta
Mọi ưu phiền nhẹ hẳn thoáng bay qua
Du dương điệu nhạc “hãy đón nhận ân hưởng!”
Phút mầu nhiệm ấy …
Chỉ có… khi thay đổi cái nhìn về đối tượng
Nhận ra mình thừa tự một chút duyên
Gần gũi kinh sách pháp thoại mật miên
Đến một ngày,
Hiểu về ảo vọng và tham vọng !
Và … Niềm tin nhân quả
Đã chuyển hoá dị kỳ… phương cách sống!
Mỗi khi tương tác với thế giới bên ngoài
Biết trách nhiệm bổn phận nào …
trở thành chất liệu tốt đẹp ở tương lai ?
Khi lời dạy Đức Phật tăng trường hiệu lực
“ Dừng mọi phân biệt sai lầm trong tâm thức! “

Qua thấu kính vũ trụ duyên sinh bất tận này
Từng khoảnh khắc đồng điệu trái tim ai
Thì cảm giác an lạc hiện hữu ngay lúc ấy!
Không muộn lắm khi điều thật đơn giản … được thấy !
( Thơ Huệ Hương )

Thì ra những điều mà lâu chúng ta được day đã thấm nhuần vào trong tâm khảm như người đi trong sương đêm thấm ướt mà không hay biết gì …

Mà muốn có được một nhận thức đúng đắn như vậy thì sự tu hành đích thực cần có những yếu tố sau :

1- TINH CẦN ( Siêng năng, nỗ lực tu tập liên tục, tâm ý không xao lãng hiện tại.

2- SÁNG SUỐT ( thấy biết rõ ràng về Thân, Tâm, cảnh )

3- TỈNH THỨC ( có mặt trọn vẹn với thực tại đang là )

Cũng cần nên nhớ là TINH CẦN không phải là sự nỗ lực nôn nóng tìm cầu theo sở thích ham muốn và SÁNG SUỐT NHƯ THỰC là hoàn toàn vắng bóng các ý niệm thêu dệt, thêm thắt, hoặc chọn lựa chiếm hữu đó chính là Chánh niệm Tỉnh giác.

Như chúng ta đã biết:

Chánh niệm (sati) và tỉnh giác (sampajañña) là hai tâm pháp hợp tác chặt chẽ với nhau giúp cho sự tiến triển ở cả hai lãnh vực chỉ và quán được dễ dàng hơn. Niệm là sự ghi nhớ đối tượng, trong nội dung thiền nó có nghĩa là luôn luôn ghi nhớ đề mục thiền trong tâm. Bởi vì niệm là một trạng thái rất trong sáng và kiên định nên nó được nói là có đặc tính của sự “không trôi nổi” (apilāpanat)[ Chú giải (aṭṭhasālini) so sánh niệm với người giữ gìn kho báu của nhà vua, luôn luôn nhắc cho vua biết những thứ mà vua hiện có trong kho; niệm nhắc hành giả biết những cái tốt, xấu của hành giả và cũng nhắc họ tránh ác tu thiện ].

Tỉnh giác về bản chất cũng như trí tuệ (paññā), có đặc tánh của sự phân minh và liễu tri. Chú giải nói rằng tỉnh giác có đặc tính của sự vô si, nhiệm vụ xem xét kỹ lưỡng và sự dò xét là biểu hiện của nó.

Như vậy phải chăng TU TẬP là ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày và chỉ cần ghi nhận đơn thuần các trạng thái đang diễn ra ở thân tâm mình một cách tự nhiên minh mẫn và sáng suốt.

Muốn thế một người tu Phật phải Tinh-tấn tu trì để dẹp bỏ cái xấu, ác (tham, sân, si) hướng tới lộ trình giác ngộ giải thoát (lộ trình này không phải chỉ một đời tu mà được) mà phải tinh tấn lâu dài mới liễu ngộ được vấn đề sinh tử khổ đau của kiếp luân hồi.

Và điều hiển nhiên là … muốn tinh tấn có kết quả tốt đẹp, cần phải làm việc một cách có phương pháp, phải loại trừ tánh hiếu thắng, tánh nóng nảy gấp gáp đừng tham lam bắt cá hai tay. Ta có thể đặt mục đích cao xa, nhưng hãy tuần tự mà tiến, hết bước này đến bước khác; đi từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó.

Hãy tiến lên một cách đều đặn, đừng có khi chạy thật mau, rồi có khi ngồi nghỉ để thở, hay quá mệt nằm xuống không thể dậy được nữa!

Trong công việc diệt trừ tánh ác, theo cố HT. Thích Thiện Hoa dạy: “Nuôi dưỡng tánh thiện, để đi dần đến mục đích giải thoát, là phải sắp đặt một chương trình dài hạn: ta phải tìm tới tất cả những quân địch trong người ta là những tánh xấu gì, kể chúng nó ra cho rõ ràng; ta lại tìm những chiến hữu trong ta là những tánh tốt gì, nếu thiếu ta phải tiếp viện từ bên ngoài vào; rồi ta tuần tự mở những mặt trận, diệt trừ hết địch quân này đến địch quân khác (tánh xấu), đừng cho chúng liên kết, tập hợp với nhau, vì như thế chúng sẽ tạo một sức chống đối mạnh mẽ, khó tiêu trừ. Mỗi khi một tánh ác bị loại trừ, ta thay vào một tánh thiện đối lập lại, và cứ như thế cho đến khi không còn một tánh ác nào nữa, mà chỉ toàn là những tánh thiện”.

Ta cũng nghe Đức Bổn Sư Thích Ca dạy: “Các Thầy hãy tinh tấn nỗ lực thêm lên mãi, để đạt được mục đích cao thượng nào mà mình chưa đạt được, để làm chủ các phép mà ta chưa làm chủ được, để thực hiện những đức tính nào ta chưa thực hiện được. Siêng năng tinh tấn thì không việc gì là khó. Giọt nước tuy nhỏ mà thường chảy cũng làm xuyên thủng đá. Nếu các thầy hành đạo mà tâm còn biếng nhác, trễ lười, thì đạo quả khó thành, ví như người dùi cây lấy lửa, cây chưa nóng mà đã thôi không dùi nữa, thì lửa làm sao có được? Thế cho nên các thầy phải chuyên cần tinh tấn”.

Với cá tính thích nghiên cứu thêm tôi đã tìm vài định nghĩa khác, và có lẽ định nghĩa này có thể giải thích thêm cho việc tu học chúng ta:

– Tinh là tinh chuyên, thuần nhất, không xen tạp, Tấn là đi tới không thoái lui.

Tinh tấn là luôn luôn chuyên tâm nhất trí, cố gắng không ngừng để tiến tới một mục đích toàn thiện, tốt đẹp, sáng sủa, an vui.

Theo nghĩa thông thường, tinh tấn nghĩa là siêng năng, chuyên cần.

Nhưng trong chữ tinh tấn có hàm nghĩa chuyên cần, siêng năng để đạt một mục đích chân chính tốt đẹp, đó là mục đích giải thoát chứ không phải siêng năng, chuyên cần trong mục đích thiếu tốt đẹp, hẹp hòi, ích kỷ.

Người tu hành không có tinh tấn chẳng khác gì kẻ muốn vượt qua biển rộng mà chẳng có thuyền bè. Bao nhiêu những đức tính quý báu như: Từ-bi, Trí-tuệ,
Bình-đẳng, Lợi-tha… sẽ trở thành những tiếng nói suông, không có tác dụng gì, nếu thiếu tinh tấn.

Cho nên lời dặn cuối cùng của Đức Phật Thích Ca với các đệ tử, trước khi từ giã cõi đời để nhập Niết-bàn Ngài nói: “Hỡi các đệ tử! Hãy tinh-tấn lên để được giải thoát”.

Tinh tấn còn là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy ta tiến mau trên con đường thiện. Không có tinh tấn thì dù có sáng suốt bao nhiêu, có dự định bao nhiêu công trình tốt đẹp, ta cũng không làm được việc gì có ích lợi cho đời ta và cho xã hội.

Tinh tấn như dầu xăng trong bộ máy xe hơi. Máy dù tốt, người lái dù giỏi, mà không có xăng, chiếc xe hơi vẫn nằm ỳ một chỗ.

Những bậc vĩ nhân danh lưu muôn thủa cũng nhờ luôn luôn tinh tấn, với một ý chí dũng mãnh, quyết tâm giúp ích cho đời. Thất bại không làm cho họ ngã lòng. Trở ngại không làm cho họ thối chí. Nhờ tinh tấn, họ đã chiến thắng tất cả, từ ngoại cảnh đến nội tâm, họ đã đạt được những nguyện ước tốt đẹp, cao quý nhất của nhân loại và nêu cao gương sáng cho hậu thế soi chung.

Lời kết :

Một nhà Triết học Tây phương có nói: “Thế giới này thuộc về những ai có ý chí và nghị lực”.

Tinh tấn chính là ý chí và nghị lực sắt đá của những ai muốn tiến bước vào biển rộng mênh mông của Đạo Pháp.

Cũng cần phân biệt:

– Chí khí là ý chí và tinh thần

Chí phải nghĩa là cực kỳ đúng đắn, rất đúng đắn, dùng để biểu thị sự đúng đắn ở mức độ cao và đáng tin cậy và đôi khi sử dụng để biểu đạt sự đồng tình.
Nghị lực là sức mạnh tinh thần tạo cho con người sự kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước khó khăn, thử thách.

Lại thêm yếu tố Kiên nhẫn để có khả năng tiếp tục làm việc đã định một cách bền bỉ, không nản lòng, mặc dù thời gian kéo dài, kết quả còn chưa thấy nhưng khi đã nhận ra cốt lõi của Chánh Pháp (Lý) thì liền ngay đó tự mình sống trải nghiệm, chiêm nghiệm (Sự) để khám phá Sự Thật.

Và lẽ tất nhiên trong cuộc sống hằng ngày chúng ta có thể đối diện với lắm điều thử thách, đầy mọi bất an nhưng nếu đã tôi luyện với 3 yếu tố trên (Tinh tấn, Chánh niệm, Tỉnh thức) và ra sức chiêm ngắm tất cả kinh nghiệm của mình thì dù ở bất cứ nơi đâu, lúc nào ta cũng sẽ thấy chúng đều là những pháp môn mà mình đã tu tập cả, bởi đời sống luôn tự trình bày bản chất của nó và ta chỉ việc trông thấy và nhận thức mà thôi.

Kinh nghiệm đời sống dạy ta về vô thường, đau khổ, nghiệp lý . Một thi sĩ đông phương nào đó đã từng phát biểu rằng : “Khi biết lắng tai và mở to đôi mắt thì đến cả những chiếc lá trên cây cũng có thể truyền dạy cho ta lắm điều kỳ diệu chẳng khác gì những trang thánh thư cao siêu nhất” nhưng có mấy ai khi đối diện một đối phương đã có thể tự đặt mình vào tâm trạng người ấy khi đang ở vào một môi trường hoàn cảnh mà họ không thể diễn tả cho người bên ngoài hiểu được.

Thế cho nên rất cần thay đổi một cái nhìn mà trong 37 phẩm trợ đạo có Trạch Pháp giác chi cho phép ta nhìn thẳng vào tất cả kinh nghiệm, và để đi qua đoạn đường nầy ta có thể sẽ phải trải qua những giai đoạn cay đắng của hoài nghi, nản chí, bức xúc và thậm chí của cả những bối rối, hoảng loạn. Nhưng đó cũng chính là lúc ta có dịp bắt gặp cơ hội kiểm nghiệm trọn vẹn bản thân mình để khả dĩ có được một cái hiểu biết cũng như lấy lời đi ngôn của Đức Phật làm đuốc sáng soi đường : “Nếu các con nhận ra được là tâm thức các con đang có xu hướng bám níu hay vướng mắc và ham muốn, các con hãy chặn đứng sự cám dỗ đó. Các con phải làm chủ được tâm thức các con. Tâm thức có khả năng biến một con người thành một vị Phật hay một con thú từ sự giác ngộ hay mê lầm. Vì thế, các con phải kiểm soát lấy tâm thức các con không đi lạc ra ngoài Chánh Đạo.
Này các đệ tử, các vị nên nhận thức rằng mọi vật thể, hiện tượng trên thế gian này đều chuyển biến, vô thường, có kết hợp thì phải có tan rã, chẳng có gì để quyến luyến, thương tâm.
Cuộc đời là như thế, các vị phải nỗ lực tinh-tấn để tự giải thoát. Dùng ánh sáng trí tuệ để tiêu diệt bóng tối si mê.
Đời là một sự vận hành không kiên định”.

Kính hy vọng được chia sẻ những điều đã học và kính mong các bạn đóng góp thêm để chúng ta không thối lùi trong việc học giáo lý căn bản từ những kinh tạng trong kho tàng trân báu mà Đức Từ Phụ đã để lại cho chúng ta hơn 2500 năm nay vậy.

Kính trân trọng
Huệ Hương
Melbourne 12/4/2023

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.