Đừng Trốn Chạy Cuộc Sống Hiện Tại

Thật là một phước duyên khi sưu tập lại các bài học quý giá từ các tông môn trong cẩm nang mà tôi đã ghi chép từ nhiều năm trước và bây giờ được phân loại lại theo nhóm (Tịnh độ tông, Thiền tông, Mật tông và nhất là giáo lý căn bản của Phật Giáo nguyên thủy từ các bộ Nikaya).

Không hiểu vì sao khi tôi đọc lại những lời vàng từ Thiền Sư Ajahn Chah trong tiêu đề XÚC GIÁC – CỘI NGUỒN TRÍ TUỆ thì tìm thấy nó chứa đựng bài giảng về Tứ Đế và Thập nhị nhân duyên mà sau này thỉnh thoảng trong các bài pháp thoại của nhiều giảng sư đã mượn từ những ý tưởng của Ngài vì toàn bộ bài pháp đều dựa vào “Khổ là điều phải cần nhận diện khi khổ vừa khởi lên và khi đã hiểu rõ sự khổ rồi thì nơi nào có khổ thì chính nơi đó có sự không khổ, KHỔ DIỆT NGAY NƠI NÓ PHÁT SINH.

Kính xin ghi lại lại những điều tóm tắt theo trình độ của một người học Phật còn sơ cơ nhưng quyết tâm nỗ lực không bao giờ làm suy yếu tinh thần tu tập của mình dù cho trải qua hà sa kiếp. Kính trân trọng chia sẻ cùng quý đạo hữu và kính xin nhận sự chỉ bảo của quý thiện hữu tri thức để cùng nhau sách tấn trên đường thực tập vì Đức Phật đã từng nhấn mạnh VIỆC THỰC TẬP LÀ NƠI MỖI CÁ NHÂN.

Kính quý lắm thay,

Và bây giờ là những lời được ghi chép của người viết đã thu thập từ nguồn tài liệu : XÚC GIÁC – CỘI NGUỒN TRÍ TUỆ( Thiền Sư Ajahn Chah ).

— Chúng ta là những hành giả thực tập giáo pháp- Hãy quán chiếu và kinh nghiệm các pháp.
Tất cả cảm thọ của chúng ta phát triển trong Tâm sẽ được Chánh Kiến soi rọi.

Khi thấy cảnh sắc, nghe âm thanh, ngửi hương, nếm vị Tâm kéo chúng ta vào bên trong để Chánh kiến chuyển hoá và các cảm thọ như vậy trở thành kinh nghiệm và tạo động lực hình thành trí tuệ.

1- THỰC TẬP TỈNH GIÁC KHÔNG KỂ NGÀY ĐÊM, có nghĩa là tinh cần liên tục không còn nhớ đến thời gian nữa.

Chẳng có gì làm suy yếu tinh thần tu tập của chúng ta, hoặc nếu có chúng ta nhận biết tức khắc ngay. Hãy giữ ý thức TRẠCH PHÁP trong tâm chúng ta không gián đoạn.

2– Nếu sự thực tập của chúng ta nhu nhuyễn như một dòng chảy, Tâm sẽ hướng đến trạng thái thích thú này ” Vạn pháp đều là đối tượng để thực tập nhận diện giáo pháp” .

Người luôn trốn chạy cuộc sống hiện tại thì TRÍ TUỆ chẳng bao giờ phát sinh.

“Hãy bảo vệ chính mình- Quan sát chính mình- Luôn đối mặt với những thử thách-Đòi hỏi sự chú tâm và đặt nghi vấn vì Nghi vấn không bao giờ kết thúc nên ta phải tỉnh giác- Phải luôn luôn giải quyết vấn đề cho chính mình và cho người khác bằng cách thiện xảo trong mọi tình huống”.

Nên nhớ : Thiện xảo khởi lên từ sự tiếp xúc, và chạm, nên phải cần giải quyết ổn thỏa chứ đừng bỏ cuộc ( đừng bỏ chạy trong tâm nữa ) phải dùng trí tuệ của ta, ĐÂY CHÍNH LÀ CỘI NGUỒN TRÍ TUỆ .

Vì sao vậy?

Khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần trong mọi hoạt động với nhiều hoàn cảnh khác nhau, lúc nào chúng ta cũng phải tự chủ và thận trọng.

Khi cảm thấy khổ não ta hãy tư duy và tự hỏi mình hay ai đang khổ não đây? Và tại sao khổ này lại phát sinh?

Do đó điều cần thiết là chúng ta phải nhận biết khi nào khổ vừa khởi lên, phải tự xác quyết rằng nếu ta sợ khổ và không muốn giáp mặt với nó, chúng ta sẽ đi đâu để chiến bại nó và phải hiểu rõ rằng nếu khổ xuất hiện mà ta không nhận diện được nó thì không thể nào chúng ta đối phó với nó được. Vậy thì điều quan trọng nhất vẫn là PHẢI NHẬN DIỆN MỘT CÁCH RÕ RÀNG VỀ KHỔ.

Vậy thì : Muốn hiểu khổ bạn phải quan sát rõ hoàn cảnh trong tầm tay, nghĩa là nơi nào khó khăn xuất hiện, tại nơi đó phải được giàn xếp ngay. Vì rằng NƠI NÀO CÓ KHỔ THÌ CHÍNH NƠI ĐÓ CÓ SỰ KHÔNG KHỔ, khổ diệt ngay nơi nó phát sinh.

Thiền Sư Ajahn Chah dạy rằng:

3- Người bỏ chạy tránh khổ là người ngốc nghếch nhất trong đời, phải nhận diện được khổ, đừng nhìn nó một cách qua loa và thờ ơ.

Đỉnh điểm của người học đạo là phải tìm ra nguyên nhân nào làm cho ta khổ, tâm ta dính mắc ở chỗ nào và ta phải tìm cho được đầu mối để nhận diện và theo dõi ngay. Chính khi quan sát, ta sẽ có kinh nghiệm về nó như nó đang ở trước mặt ta ngay tại đây bây giờ.

Và cũng cần lưu ý là việc thực tập này cần sự bền bỉ và không dao động. Đó là hết sức tinh tấn liên tục.

4- Với sự quyết tâm không thối chuyển, khi có niềm khổ đau nào vừa khởi dậy trong tâm, bạn ơi hãy cố gắng nhổ bật phiền não đoạn trừ sạch chúng. Như vậy sự quyết tâm này phải luôn hiện diện , không được lơ là, vắng mặt dù trong giây lát và cuối cùng phiền não sẽ bị khuất phục.

5- Có lẽ nhiều người sẽ hỏi Duyên gì thúc đẩy cho Trí Tuệ sớm phát sinh?

Hãy giữ lấy nguyên tắc này : Các Pháp khởi lên đều do Nhân, Nhân diệt thì Quả diệt.

Bất cứ điều gì dù hạnh phúc hay khổ đau chúng ta cũng đừng nắm giữ, đừng bám víu, cũng đừng dồn hết sự quan tâm vào nó, cứ xem như điều ấy không có mặt ở đó.

6- Đến đây có lẽ trở về vòng thập nhị nhân duyên của nhân và quả sẽ rõ hơn.

Này nhé Khổ phát sinh từ HỮU, Khổ sẽ không còn nữa khi ta không còn nắm giữ. Như vậy Bám Víu hay Tham Chấp là điều kiện tiên quyết tạo nên khổ.

Thử thực tập quan sát khi hạnh phúc đến! Tự hỏi: Nguyên nhân gì đưa đến hạnh phúc?- Cảm thọ này khởi sinh từ đâu? Tư duy trong chánh niệm ta sẽ trực nhận rằng Hạnh phúc và Khổ đau đều khởi lên từ tham chấp và cũng như mọi hành giả đầy kinh nghiệm đã từng quán chiếu sâu sắc từ mọi góc độ đã chỉ day khi nhận diện được rằng :

KHÔNG CÓ GÌ NƠI TÂM NÀY LÀ BỀN VỮNG, TẤT CẢ CHỈ LÀ SINH RỒI DIỆT, DIỆT RỒI SANH -KHÔNG CÓ MỘT THỰC THỂ NÀO TỒN TẠI LÂU DÀI CẢ .

Có nghĩa là có HỮU thì sẽ có SANH.

– Đừng rơi vào SANH nữa, hãy nhận biết dòng diễn biến của SANH.

Đừng khởi lên “Ta không đồng ý với ông ấy” cũng đừng nghĩ rằng “ Ồ, ta rất thích như thế “ mà chỉ có một điều còn lại là: Lời nói chỉ tùy duyên theo những quy ước tiêu chuẩn thế gian, thích, hay không thích, còn ngoài ra trong tâm ta thì phải tư duy theo chiều hướng khác nghĩa là TÂM PHẢI ĐỂ TRỐNG RỖNG thì trí tuệ sẽ phát sanh vì khi ấy tâm đã vượt qua được những thói quen quy ước này rồi.

Có thể nói đây là chỗ an trú tâm của bậc thánh, chúng ta phải thực tập với mục tiêu này, đừng để rơi vào lưới nghi.

Muốn đạt được như thế chỉ có cách quán chiếu cuộc đời mình như chỉ còn một ngày đêm để từ bỏ hết rồi ra đi, do vậy phải bằng lòng cuộc sống vừa đủ không tham luyến. Vì càng sống đơn giản vừa đủ trong cuộc sống tu tập bạn sẽ nhận rõ nội tâm mình.

– Phải nhận chân giáo pháp ở nơi chính mình, thực tập nơi chính mình (chỉ dựa vào Thầy 50%) — Một khi nghe, hiểu lời dạy, thấy được lợi ích của nó thì hãy vận dụng nó vào việc thực tập của chính mình và nhận chân vị ngọt của giáo pháp từ chímh mình do sự tự thực hành sẽ được hữu dụng vô cùng.

Lời kết:

Bạn ơi, có nghe lời Thiền Sư Ajahn Chah giảng dạy chúng ta mới hiểu thế nào là đời sống của các Thầy Tổ và truyền thừa trong Tổ sư thiền, thât giống như những lời dạy tâm huyết của người cha truyền lại cho những đứa con thân yêu để chỉ ra cái gia tài thiêng liêng mà con mình sẽ thọ hưởng.

Mời bạn nghe tiếp thêm;

– Kết quả của thực tập giáo pháp cần phải tự mình nhận biết rõ ràng, có sự chứng mỉnh rõ ràng của tự thân sẽ thoát khỏi hoài nghi khi một ai đó cho rằng minh đã thực tập sai mà ta vẫn không dao động vì đã thử nghiệm, chiêm nghiệm nhận biết ( tức là chánh kiến có mặt ).

Bất cứ đến nơi nào ta cũng sống trong giáo pháp như sau :

– Các giác quan của ta phải luôn luôn hoạt động để nhận ra cái nào vừa ý thích hay bất mãn thì liền tỉnh thức ngay, còn cảm thọ nào thích hay ghét vừa xuất hiện cũng phải nhận biết ngay. Cũng vậy Thiện và Ác phải nhận diện đồng thời cùng một lúc.

– Sống trong giáo pháp, luôn rèn luyện tâm mình ý thức hòa ái và tự nhiếp phục thì mọi công việc sẽ hoàn tất một cách đơn giản và nhẹ nhàng.

Điều quan trọng là nếu ta chưa giữ vững lập trường chưa điều phục được nội tâm mình chớ cho phép hành động theo ý muốn trở thành thói quen vì chỉ một lần không nỗ lực tâm sẽ nghiêng theo xu hướng đó dễ dàng.

– Thực tập không có giới hạn không gian nào cả, phải làm sao cho chánh niệm luôn có mặt bởi vì ta chỉ có thể nhận chân giáo pháp mọi lúc mọi nơi nếu ta tinh cần trong sự thực hành.

Bạn ơi, Ngài đã căn dặn rất nhiều lần ĐỪNG XAO LÃNG – HÃY LƯU Ý TỈNH GIÁC – KIÊN TRÌ NỖ LỰC THỰC TẬP SẼ ĐẠT ĐƯỢC TRÍ TUỆ.

Và Yếu tố đạt đến giác ngộ giải thoát là các con nhận chân được giáo pháp khi các căn tiếp xúc với vạn pháp là đối tượng để thực tập mà không tham chấp, vướng mắc.

Bài pháp vì liên quan đến HỮUSANH nên ta sẽ mang tâm đầu thai đi vào lúc tái sinh và được gọi là nghiệp duyên hay tiền nghiệp nên đã gợi ý cho người viết một trích đoạn trong lời dạy của những minh sư được gần gũi ngày nào …

Đôi khi ta cũng đừng quá bận tâm do nhân duyên gì mà mình gặp cảnh ngộ trong đời mà chỉ cần chấp nhận mọi sự đến đi trong đời mình như một bài học để phát huy trí tuệ và đạo đức mà TRÍ TUỆ cao nhất là đủ sáng suốt và ĐẠO ĐỨC cao nhất là đủ trầm tỉnh để tìm ra bí ẩn mầu nhiệm của Pháp khi các giác quan tiếp xúc với trần cảnh vậy.

Kính xin tặng bạn,

Bạn ơi, thiện xảo khởi lên
trong mọi tình huống lúc giao tiếp
Giải quyết ổn thỏa, không bỏ cuộc giữa chừng
Trốn chạy cuộc sống hiện tại … khuyên ĐỪNG
Cội nguồn trí tuệ chỉ đến …
khi tự chủ, tỉnh giác !

Vạn pháp đều là thực nghiệm đối tác
Kiên trì nỗ lực đôi lúc phải trầm tư
Thiện, ác gì cũng phải nhận diện giống như
Luôn rèn luyện tâm mình hoà ái nhiếp phục !
Khi sáu căn tiếp xúc sáu trân mọi lúc,
Đừng cho phép,
Ý nghĩ thoáng qua thành thói quen !
Đừng màng chi đến người khác chê khen
Lời nói chỉ là tuỳ duyên theo quy ước chế định.

Đừng rơi vào lưới nghi, hướng về nẻo chính!
Nhủ thầm:
Nơi tâm này chẳng có gì bền vững đâu
Từng sát na chúng thay đổi cực kỳ mau
Mọi thực thể đều diệt sinh và sinh diệt !
Bạn ơi,
Trốn chạy tránh khổ là người không thấu triệt,
Hạnh phúc chỉ là một giải pháp tạm thời
Bằng lòng cuộc sống đừng tham luyến đi thôi
Ngày nào đó…
Nhận chân được vị ngọt cuộc sống là BIẾT ĐỦ !
Càng giản dị, sẽ không dao động trước mọi thứ !

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.