Tìm Hiểu Tại Sao Lễ Vesak Và Lễ Phật Đản Các Chùa Tổ Chức Khác Nhau ?

Vesak là tiếng Sinhalese của người dân đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan), tiếng Pali là Vesakha, tiếng Phạn (Sanskrit) là Vaisakha, Vesak là tên gọi của một tháng theo lịch xưa của nước Ấn Độ trong thời Đức Phật, tháng Vesak tương đương tháng Năm dương lịch, và tháng Tư âm lịch.
(Nhưng vì năm nay, lịch Việt nhuận tháng hai nên tháng năm Dương lịch mà tháng ba vẫn còn).
Theo truyền thống của Phật giáo Nam truyền (Theravada – Phật giáo Nguyên thủy) và Bắc truyền (Mahayana – Phật giáo Đại thừa) đều công nhận: “Đức Phật Đản Sanh vào ngày trăng tròn tháng Vesak”.

Tại Hải ngoại, nhiều chùa VN thường theo Bắc truyền, và các chùa bạn như Tích Lan, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện đều theo Nam truyền nên có sự tổ chức riêng biệt.

Riêng trong truyền thống của Phật giáo Nam truyền (Tích Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia…), Vesak được xem là tháng thiêng liêng nhất, bởi theo truyền thống này Đức Phật Đản sanh, Thành đạo và Niết Bàn đều vào ngày trăng tròn tháng Vesak. Do vậy, Lễ Vesak (ngày trăng tròn tháng Vesak) trong truyền thống Phật giáo Nam truyền là ngày Đại Lễ vô cùng quan trọng và được gọi là Lễ Tam Hợp (Hợp nhất 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật: Đản sanh, Thành đạo và Niết Bàn).

Tại nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Nepal, SriLanka, Malaysia, Mianmar, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia, v.v…, Ngày lễ Vesak là ngày nghỉ lễ quốc gia.

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ, bi hỷ, xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.

Kỷ niệm lễ Vesak cũng có nghĩa là làm những nỗ lực đặc biệt để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho những người bất hạnh như người già cao niên, người khuyết tật và người bệnh, chia sẻ niềm vui và hòa bình với mọi người.

Như chúng ta được biết nghị quyết của Liên Hiệp Quốc bao gồm:

1. Công nhận Lễ Vesak là ngày Đại lễ của thế giới, là Lễ Hòa bình LHQ;
2. Công nhận Lễ Vesak là ngày Lễ thiêng liêng nhất của thế giới;
3. Công nhận sự đóng góp của Phật giáo là những đóng góp thiết thực cho thế giới như: Đạo đức, Hòa
Bình, Tâm linh, Bình đẳng, bảo vệ môi trường, v.v…,

LHQ yêu cầu sự hổ trợ tổ chức Đại lễ Vesak hằng năm, không những tại trụ sở chính thành phố New York, nước Mỹ mà các trụ sở tại các nước thành viên cũng đều tổ chức bắt đầu từ năm 2000 trở đi. Vào năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở chính LHQ New York, Hoa Kỳ với sự tham dự của các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.

Kể từ đó đến nay Đại lễ Vesak đã được tổ chức nhiều năm liền ở trụ sở chính Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ và ở các nước có Phật giáo đăng cai.

Phải công nhận Thái Lan đã là nơi đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak nhiều nhất (2004-2005-2006-2007-2010-2011-2013-2015-2023).

Riêng Việt Nam đã rất thành công khi tổ chức vào năm ( 2008-2014-2019 ).

Từ năm 2000 đến năm 2003, trải qua 4 năm liên tiếp, LHQ đã đứng ra tổ chức; từ năm 2004 Phật giáo Thái Lan xin đăng cai tổ chức, và đây được xem là Lễ Vesak lần thứ I do các nước Phật giáo xin đăng cai, từ 2004 đến nay:

Lần I: Tháng 5 năm 2004, PL.2548 Hội thảo Phật giáo quốc tế (International Buddhist Conference, viết tắt là IBC) đã được chính phủ Hoàng gia Thái Lan bảo trợ và trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn tổ chức tại Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, với sự tham dự của trên 35 quốc gia và hàng trăm phái đoàn Phật giáo quốc tế. Tháng 6 cùng năm, các hoạt động đại lễ Phật đản đã được tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp quốc, New York, Hoa Kỳ. Tháng 7 cùng năm, Hội thảo Phật giáo quốc tế về chủ đề “Phật giáo Thượng tọa bộ và Đại thừa” (Theravada and Mahayana Buddhism) được tổ chức tại hội trường Buddha-monthon và trung tâm Liên hợp quốc, Bangkok, dưới sự bảo trợ của chính phủ hoàng gia Thái Lan và sự đồng thuận của Hội đồng Tăng thống Thái Lan (Thai Sangha Supreme Council). Tại Hội thảo lịch sử này, các quốc gia tham dự đồng thuận Thái Lan làm nước đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc vào năm 2005.

Và vào những năm sau đây:

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc diễn ra ở các nước đăng cai với nhiều nội dung, bên cạnh nội dung sinh hoạt tôn giáo, còn có hội thảo bàn về những nội dung Phật giáo quan tâm để đóng góp vì lợi ích phát triển xã hội tốt đẹp, theo các chủ đề Phật giáo đối với đời sống xã hội. Ngoài ra còn có triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật Phật giáo của nước đăng cai và các nước tham gia; du lịch thăm quan thắng cảnh, thắng tích Phật giáo. Thời gian và địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc do nước đăng cai quyết định.

Và điều cần hãnh diện nhất của người Phật Tử khi nghe Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã từng phát biểu nhân Đại lễ Vesak 2007: “Hơn 2.500 năm qua, những lời dạy của Đạo sư Giác ngộ, Đức Phật Thích Ca vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hàng năm. Đại lễ này là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo lý của Ngài, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi-Trí tuệ và Hòa bình mà đức Phật Tổ đã truyền trao”.

Riêng năm 2023, sau những năm vì đại dịch COVID, Chương trình Đại lễ sẽ diễn ra tại Thái Lan diễn ra từ ngày 31-5 – 1-6-2023, tại Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Thái Lan.

Được biết sau 2 tiếng làm việc, thảo luận trực tuyến, thành viên Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc thống nhất chủ đề chính của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2023 là “Trí tuệ Phật giáo đối phó các vấn nạn toàn cầu” (Buddhist Wisdom Coping with Global Crises).

Chủ đề của các diễn đàn học thuật bao gồm: Trí tuệ Phật giáo đạt được hòa bình thế giới (Buddhist Wisdom Achieve World Peace), Lời khuyên Phật giáo đối phó với biến đổi khí hậu (Buddhist Advice Coping with Climate Change), Đóng góp của Phật giáo phát triển xã hội và nhân đạo sau đại dịch Covid-19 (Buddhist Contribution to Further Social and Humanatarian Development after Covid Pandemic).

Do khó khăn về tài chính, Thái Lan dự kiến Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2023 sẽ mời 400 đại biểu chính thức đến từ 87 quốc gia.

Dịp này, căn cứ vào thư yêu cầu, Hòa thượng Dhammaratana cho biết việc hai nước Việt Nam và Singapore đều muốn tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025.

Tin từ báo Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Thành viên ICDV đã đề xuất đến ICDV, GHPGVN là đơn vị đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc vào năm 2025 nhân Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Sau khi thảo luận, Thành viên ICDV tham dự buổi họp đã biểu quyết ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc vào năm 2025 và Singapore sẽ đăng cai vào năm 2026. Chưa nghe năm 2024 nước nào đăng cai, có lẽ phải chờ đến 31/5 chúng ta mới biết vậy.

Kính xin trích đoạn trong bài Trường Ca Vesak của HT Giới Đức, vì bản thân người viết không thể lột tả được sự huyền nhiệm của Đại Lễ Vesak,
Kính trân trọng mời.

Melbourne 13/5/2023
Huệ Hương

Đón Vesak về
Tôi nghe sáng ấm cả không gian
Bốn biển, năm châu thơm ngát hương trầm
Mừng Đản Sanh, bậc Xuất Trần Vô Thượng Sĩ
NGƯỜI đến từ huyền nhiệm, linh thiêng
Phúc lành vô khả tỷ
Rồi Xuất Gia, Đắc Đạo, Niết Bàn!
Đại lễ Vesak hôm nay
Thông điệp viết giữa nhân gian
Về tự do tâm linh
Đã gần ba ngàn năm mà chưa hề ráo mực!
…….

Phật lại do dự Chuyển Luân
Vì Sự Thật vừa chứng đắc vô cùng vi tế
Mắt chúng sanh lấm bụi làm sao có thể
Thấy được pháp mầu vô nhiễm, sạch trong?
Chúng đã quen mê đắm giữa dòng
Việc cứu độ, có phải chăng là dã tràng xe cát?
Đức Phạm thiên Sa-ham-pa-tí
Chợt hiện một bên cung kỉnh chấp tay:
” Chúng sanh bụi phủ lâu ngày,
Không chùi rửa sẽ dày sâu thêm nữa
Cầu Đại Giác lên đường Chuyển Pháp
Mắt kẻ hữu duyên
Ít buị cũng nhiều
Nếu chúng thấy được diệu pháp cao siêu
Thì có thể vào dòng Bất Tử!”

Thế rồi,
Đức Đại Giác lặng im hứa khả
Ôm bát lên đường
Nhắm hướng Vườn Nai
Và tại đây
Kinh Chuyển Pháp Luân
Được thuyết giảng
Cho nhóm Kiều-trần-như đạo sĩ 5 ngài
Tứ Diệu Đế là nội dung
Là tuyên ngôn Bất Tử
4 Sự Thật hiển bày Diệu Lý
Cho chúng sanh thoát khổ ách trầm luân…

Rồi cứ thế,
45 năm Chuyển Luân quanh lưu vực sông Hằng
Muôn triệu Trời, Người đi vào dòng
Tự do tâm linh giải thoát
80 tuổi
Khi cái cỗ xe đã hao mòn, suy kiệt
Tại Kusinara Phật chọn Niết-bàn
Cả rừng cây Sala hoa nở ngạt ngào hương
Như đưa tiễn
Vào thiên thu một hiện thân siêu việt
Cũng đúng độ trăng tròn Vesakha Ấn Độ
Và Xá-lợi di lưu vạn thuở còn đây…

Vậy thì kỷ niệm
Đản Sanh, Thành Đạo, Niết-bàn hôm nay
Ba Đại Lễ
Đồng cử hành khắp năm châu bốn bể
Thông điệp của Ngài,
Từ ngàn xưa
Mà như vẫn còn hiện tiền, mới mẻ
Vì sự khổ đau muôn thuở của con người
Vào lúc mà bạo tàn, độc ác và khủng bố lên ngôi
Gốc sanh khởi vẫn là Vô minh, Ái dục
Trong bóng tối si mê
Giác tuệ là ánh huy quang sáng rực
Soi vào lòng người ngã mạn, cuồng điên
Rồi còn suối từ bi lấp lánh tình thiền
Chảy vào những ngõ ngách thâm u
Đói nghèo và bất hạnh…

Ôi!
Trăng tròn Vesak
Mưa gió lòng ai
Bầu trời ráo tạnh
Cho ước mơ thanh cao
Nẩy hoa trái phúc lành
Này mẹ cha
Này quyến thuộc
Này bạn hữu
Này em anh…
Muôn triệu thuở, một lần
Học tuyên ngôn bên kia bờ sinh tử
Để sống thanh cao, an bình
Bằng trái tim rộng mở
Hương Bồ-đề
Vẫn dịu dàng, thơm thoảng cõi u mê
Hãy tỉnh thức
Này nhân loại kia ơi!
Đang say ngủ bốn bề
Hư vô réo gọi
Và mây trời lang thang ngàn năm
Mừng vui rỏ lệ
Và vùng tinh đẩu ngân hà
Cùng nhau kể lể
Và quả đúng là chân thật bất hư…!
Hiện tiền bây giờ
Đương xứ nhiên như!

Đại Lễ Vesak 2639 23/5/2015
Minh Đức Triều Tâm Ảnh

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.