Thực Hành Từ, Bi, Hỷ, Xả…

Phải thực nghiệm chứ đừng có cái biết qua sách vở khi thực hành Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Từ lâu chư Tôn Đức thường nhắc nhở rằng cái biết qua kinh sách dứt khoát không đủ để ta giác ngộ giải thoát. Ngày nào mà cái biết sách vở còn đó thì cái biết thực chứng không thể có được.

Chỉ xuyên qua sự thực chứng thì ta mới có thể hiểu được đặc tính Vô Thường của vạn vật đúng như là Đức Phật đã dạy.

Ngay cả trong thời Đức Phật, và bây giờ cũng vậy, kiến thức học hỏi từ người khác luôn là quan trọng nhưng chỉ có nó thì không thể nào chứng thánh.
Người dốt mà có thực nghiệm vẫn có thể hy vọng giải thoát, nhưng người giỏi mà thiếu thực nghiệm muôn đời không thể giác ngộ.

Tuy nhiên một khi có giáo lý rồi anh sống kiểu có giáo lý.

Rồi anh quên cái điều anh đã học nhưng anh vẫn sống đúng theo đó mặc dù anh quên mất cái lý thuyết.

Điều vi diệu là cần phải học kỹ và ghi chép cẩn thận nhưng học xong rồi quên nó đi tuy vậy tự bao giờ mình vẫn sống đúng với điều mình đã học.

Có thể tạm gọi là mình đắc cái học, thật ra ra trong thế tục và trong Đạo đều như thế tuy ta chưa nói tới đắc cái hành, nhưng cái học thì đúng là đắc rồi đó vì tự bao giờ những kiến thức mà mình đã thâm nhập nó trở thành cái con người* của mình rồi, và sẽ có một ngày nó trở thành cái vốn riêng của mình mà mình cũng không còn nhớ là mình đã học ở đâu, với ai.

Nhân nghe lại các bài pháp thoại , và các bài bình giảng về Tứ Vô Lượng Tâm và cách ứng dụng bốn Tâm ấy vào đời sống hằng ngày của người Phật Tử, người viết đã chiêm nghiệm rằng chỉ có Đạo Phật mới trả lời câu hỏi cho thân phận kiếp số của một phàm phu và chính câu hỏi đó đã được Đức Phật, bậc Tôn Sư mang lại cho mình.một lời đáp về chốn an lành của ngày mai nếu biết tựa nương vào Tam Bảo. Thật ra chỉ hiểu chừng đó thôi chưa có đủ đâu, phải hành trì thì chúng ta mới đúng là một người thờ kính Thế Tôn theo cách của một người Tri Kỷ, thờ với một cái lòng thương quý thật sự.

Đó là phải thờ kính Ngài vì hiểu Ngài, chứ không phải thờ kính Ngài chỉ đơn giản tin Ngài như tin một ông thần. “Này A Nan trong các cách cúng dường, lễ bái đấng Như Lai ý nghĩa nhất, đẹp nhất, trang trọng nhất đó chính là hành trì lời dạy của Như Lai”.

Kính mời nghe bản nhạc MAI VỀ ĐÂU của TT Thích Viên Giác tức Nhạc Sĩ Phi Long, Trụ trì chùa Đôn Hậu/ Trondheim / Na Uy / Bắc Âu.

Lại nữa trong các bài tán bắt đầu cho lúc sám hối ta thường tụng đọc

“Đại Từ, đại Bi mẫn chúng sanh
Đại Hỷ, đại Xả tế hàm thức
Tướng hảo quang minh tự trang nghiêm
Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ.”

Cho nên thiết nghĩ cần xem lại Bốn Tâm Vô Lượng này vì nó cũng là tiêu chuẩn cho người muốn đi theo con đường Bồ Tát Đạo.

Theo Thanh Tịnh Đạo thì

Từ Tâm (mettā) là lòng thương, mong người được tốt đẹp. Pháp đối lập trực tiếp của Từ tâm là lòng Sân hận (dosa) và trở ngại gián tiếp là sự Ái luyến (pema).

Tâm Bi Mẫn (karuṇā) là sự động lòng trắc ẩn trước nỗi khổ tha nhân, là lòng muốn người thoát khổ. Trở ngại trực tiếp của tâm Bi Mẫn là Lòng Hại Người (hiṃsa) và trở ngại gián tiếp là sự Buồn Khổ Bi Lụy (domanassa).

Tâm Tùy Hỷ (muditā) là trạng thái tâm vui theo, tùy thuận để chia xẻ niềm vui với người khác. Trở ngại trực tiếp của Hỷ là lòng Ganh Tỵ (issā) và trở ngại gián tiếp là sự Xu Phụ (pahāsa).

Và Xả tâm (tatramajjhattatā) là sự thanh thản và bình tâm trước nghiệp lý của mỗi người vì biết rằng ai ai cũng mang cái nghiệp riêng của họ. Nếu mình chưa thể giúp và chia sẻ chút trọn vẹn , khuyên người nên tu tập và nương tựa vào Tam Bảo. Trở ngại trực tiếp của Xả là Tham ái (rāga) và Sân, trở ngại gián tiếp là sự Lãnh Đạm Vô Trí (aññāṇupekkhā).

Tuy nhiên điều này đã đưa đến cho chúng ta một suy nghĩ như sau:

— Dù ta thương một ai đó cỡ nào đi nữa thì ta cũng không lo cho họ bằng cái thiện nghiệp của họ.

– Và ta cũng không cần phải ghét ai bởi vì mỗi người đã có phần nghiệp ác của họ nó tự lo cho họ rồi. Họ phải đối phó với cái ác của họ là đã biết bao điều phiền não rồi Nên mình không cần phải ghét ai, cũng không cần mình phải ái luyến ai. Chuyện căn bản là mỗi người có cái nghiệp riêng.

Cho nên điều quan trọng nhất dù tu tâm nào cũng phải quy y Phật Pháp Tăng Phật là người hiểu được Pháp, hiểu được Pháp sống thể hiện toàn vẹn chánh Pháp, rồi đem chánh pháp ấy dạy cho người khác.trong khi chánh pháp là những gì Phật chứng ngộ và Phật đem ra giảng dạy. Còn tăng bảo là những người mà hành trì theo lời dạy ấy, thành tựu được cái lý tưởng chánh pháp nhưng, không có thể hiện trọn vẹn chánh pháp như một vị Phật được.

Cũng cần thêm vào nhận thức sau đây, chúng ta lại phải căn cứ vào tùy vào cái trình độ của mỗi người theo lối họ hiểu Phật tới đâu, hiểu chữ Pháp tới đâu và Tăng tới đâu. Do vậy học giáo lý, không hành trì Phật Pháp thì mình hiểu Phật, Pháp , Tăng rất sơ sài và khi thực hành Từ Bi, Hỷ Xả sẽ vướng vào cái Tôi, cái Ngã của mình cho nên khi ra tay bố thí, cứu độ một ai là lúc đó sẽ không còn Bồ Đề Tâm nữa mà là Ma tâm.

Chính vì vậy mà từ lâu ta được học rằng “Cốt lõi tinh hoa của pháp tu là tu vừa cho mình và vừa cho đời, vừa có từ bi vừa có trí tuệ”.

Kính trân trọng,

Từ ngàn xưa Phật đã dạy:
“Kiến thức học hỏi người khác luôn quan trọng”
Đặc biệt hơn khi giáo lý căn bản được trao truyền
Sẽ thấm nhuần lúc nào đó khi đủ duyên
Tuy học xong, quên nhưng đã giúp SỐNG ĐÚNG!

Nhận được tinh thần vô ngại khi vào hội chúng!
Thì ra:
Phật Pháp đã thâm nhập … trở thành con người mình
Càng nghe nhiều pháp thoại thay đổi toàn bộ cái nhìn
Cái VỐN riêng này …chỉ nơi người thực hành giáo lý!
Trộm học “ Hãy thờ kính Thế Tôn như người tri kỷ ”

Kính mời nghe lại bài tán huyền thâm
Không có ngằn mé ứng dụng “ Tứ Vô lượng Tâm”
Mặc áo giáp năm giới cùng đề phòng ngã mạn !
Chưa đủ trí tuệ, Ma Vương khuấy động tán loạn
Nên cần có Chánh kiến và Chánh tư duy
Mỗi hành động tạo tác, nhìn xem đang ở tâm gì
Nhớ cho rằng trong thân người (60 mét vuông ) …
Chứa đủ loại bàng sanh, atula, cảnh người, thiên giới !
Đôi khi …
Ảnh hưởng từ trường nhạc Đạo làm phát khởi.
Bồ Đề Tâm hồi hướng đến mọi người
Bi ưu khổ não do đố kỵ ganh ghét chớ dễ duôi
Tu không chỉ tích tụ phước, cần vượt qua ngã chấp
Từ lúc bắt đầu đến rốt ráo thanh tịnh … nương theo lời Phật !

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.