Kho Tàng Bí Ẩn Vô Giá!

Cuộc đời quả thật: kho tàng bí ẩn vô giá !
Thấy được mình là thấy được vũ trụ bao la(1)
Sứ mệnh mỗi người…
là rõ biết từng khoảnh khắc trong ta
Không biết mình, thiếu tự tin, phân vân do dự!
Đưa đến hành động …. thiếu sáng suốt, thiếu cơ sở !

Hãy khám phá chính mình ….
Như đọc cuốn sách viết cho riêng mình
Với thái độ đọc phải theo cách thông minh
Đến khi nào thông suốt mới vượt qua phiền não!
Đừng vọng tưởng tìm bên ngoài để có sự hoàn hảo!

Môi trường tốt nhất cho sự giác ngộ… Cõi Ta Bà
Chính nơi này, chư Bồ tát bổ túc,
hoàn thành bản nguyện tự giác giác tha.
Đức Phật dạy… lời vàng mời chiêm nghiệm (2)
Từ mê đến giác ai ai …
cũng tuần tự theo quá trình hóa chuyển!

Đôi khi tâm thuần tịnh, có lúc nhiễm ô
Đừng suy luận, đừng chất vấn vu vơ
Chỉ cần sáng suốt rõ biết mới là chính (3)
Nếu biết duyên sinh duyên tự diệt …
chỉ cần tự tri, luôn bình tĩnh !
Cung bậc xúc cảm trong cuộc sống muôn màu,
Nhận thức ra cái sai xấu, cái khổ đau.
Hiểu cuộc đời là hiểu chính mình,
vừa là khởi đầu vừa là kết thúc!(4)
Đường đến kho tàng bí ẩn… theo lối độc nhất! (5)

Huệ Hương

(1) Mạnh Tử khẳng định: “Trời Đất đều đầy đủ nơi mình, chân thành trở về với mình thì không hạnh phúc nào lớn hơn”
Nó hàm ẩn cả vũ trụ bao la nên Mạnh Tử mới nói “Thiên địa giai bị ư ngã”.
(2) Trong cái thân nhỏ bé này đức Phật nói đó là “thế giới sinh tử mà cũng là cảnh giới Niết-bàn”
Đức Phật dạy trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-thọ-tâm-pháp nơi chính mình là con đường độc nhất trở về Niết-bàn, vì: “Mình là nơi nương nhờ của chính mình chứ không nương nhờ ai khác, khi (tâm) mình thuần tịnh thì đó là nơi nương nhờ hy hữu”
(3) lời đáp của Sư Viên Minh trong mục hỏi đáp của Trung tâm hộ tông “ sáng suốt rõ biết mới là chính, còn tự tại vô nhiễm mà thiếu sáng suốt thì vẫn chưa đủ để giác ngộ. Khi sáng suốt rõ biết (kiến tịnh) thì trong đó đã có tự tại (tâm tịnh) và vô nhiễm (giới tịnh) có đủ 3 yếu tố này thì tâm mới thật sự rỗng lặng trong sáng (tri kiến thanh tịnh).
(4) Krishnamurti “Hiểu cuộc đời là hiểu chính mình, và đó vừa là khởi đầu vừa là kết thúc của giáo dục.”
(5) Đức Phật dạy trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-thọ-tâm-pháp nơi chính mình là con đường độc nhất đến Diệt đế (chính là Tứ Niệm Xứ)

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.