Cứ sống cho thật tốt – “Cuộc đời này đơn giản chỉ là sự trải nghiệm”

Gần đây nghe nhiều pháp thoại về Phật Pháp lẫn những bài đọc nói về cách tư duy và phản biện để phù hợp với trào lưu công nghệ mới, tôi đã chiêm nghiệm và tìm được cốt lõi sâu sắc nhất trong cuộc sống cho mình dù tuổi đã vào đông mà vẫn không thấy muộn.

Vì thật ra có rất nhiều người đã bỏ công trong nhiều năm để học, hiểu khá rõ về các pháp môn, và luôn luôn khắc ghi tam pháp ấn của Phật (Vô thường, Khổ, Vô ngã) nhưng mấy ai đã thực chứng được vì… Hiểu thì khó đúng lắm, chỉ thực chứng mới thấu suốt được bản chất này của vạn pháp. Thực chứng tức trải nghiệm sự thật này với tâm rỗng lặng trong sáng (trích lời dạy HT Viên Minh) nên theo bản thân cá nhân tôi… trước nhất để có thể vượt qua những thách thức của cuộc sống, bắt buộc chúng ta phải ngày ngày bồi dưỡng thật thuần thục những hạt giống thiện lành trong tâm thức từ 3 điều cốt lõi ĐẠO ĐỨC, TRÍ TUỆ, NGHỊ LỰC.

Để minh chứng có thể nói “Mỗi thời đại mỗi khác”, nhất là thời đại công nghệ hiện nay. Do đó chúng ta phải biết chấp nhận những cái khác biệt, biết thay đổi bản thân mình cho phù hợp và biết thay đổi TẦM NHÌN.

Hẵng chúng ta ai cũng đều chiêm nghiệm “Cuộc sống của mỗi con người là một chặng đường dài với rất nhiều ngã rẽ. Trên hành trình ấy, mỗi người sẽ cần đưa ra những quyết định của riêng mình và tiếp tục tiến bước“.

Và một khi ta đã tìm được con người của chính mình, sức mạnh nội tại của chính bản thân mình thì chắc chắn ta sẽ biết cách để tỏa sáng bản thân, có cái nhìn bao dung với người khác, vì chung quy lại cuộc đời là một trường học có vô vàn bài học ta phải trải nghiệm mà điều duy nhất chính là làm sao phát triển những đức tánh tốt thiện của mình và tu sửa những lỗi lầm bất thiện.

Và bạn ơi phải chăng đó cũng là kiếp nhân sinh vì chỉ trong vòng có mấy phút từ thiện qua ác, từ vui qua buồn rất nhanh do tâm vốn dĩ vô thường.

Hơn thế nữa có học Phật Pháp chúng ta đã biết con người trải qua nhiều kiếp luân hồi, đã làm biết bao việc tốt và việc xấu. Mỗi lần luân hồi chuyển kiếp là để cân bằng giữa đức và nghiệp, và ai cũng đều phải chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm.

Học được từ các bài giảng đâu đó “Giá trị của một người nó nằm ở sức chứa ở trái tim”. Tim mình có chứa được bao nhiêu thì cái giá trị của mình sẽ nặng bấy nhiêu. Ngoài ra giá trị của con người nó không phải nằm ở chỗ anh ta nhận được bao nhiêu, mà nó còn ở khả năng anh ta trao ra (cho đi) được bao nhiêu.

Do đó thái độ sống mới tạo nên tất cả, cho nên cứ sống tốt, cứ hành xử thật tử tế với mọi người mới là cần thiết và Lão Tử đã từng khuyên răn chúng ta, “Nếu cứ chạy theo tiền bạc và sự che chở, tim ta sẽ chẳng bao giờ mở ra. Quan tâm đến ánh nhìn người khác, ta sẽ thành tù nhân của họ. Làm công việc của mình, đừng lùi bước. Đó mới là con đường duy nhất dẫn đến sự thanh thản”.

Và mặc dù có biết bao điều ta đã nghe, đọc được trong một rừng danh ngôn, nhưng áp dụng được hay không là còn tuỳ vào cách mình đã hội nhập vào 3 điểm chính đã bàn ở trên. (Đạo đức, Trí tuệ, Nghị lực) Thí dụ:

1- Chiến thắng đầu tiên và vinh quang nhất là chiến thắng bản thân mình, còn đầu hàng bản thân được xem là điều tồi tệ và đáng xấu hổ nhất. ( Napoleon Hill )

2- Thành công chính là cách mà bạn áp dụng kiến thức chứ không phải bạn học được bao nhiêu kiến thức – Success is how you apply knowledge, not how much knowledge you learn.

Phải chăng một khi ta biết trân trọng bản thân, thì ta sẽ nhìn mọi thứ theo chiều hướng tích cực hơn, tự tin hơn và nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng có sự tự tin và biết trân trọng bản thân sẽ giúp cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn rất nhiều và khi đó, ta cũng sẽ dễ dàng lan tỏa tinh thần tích cực, sự trân trọng và quan tâm đến người khác.

Trộm nghĩ… ngày nay với thế hệ công nghệ mà phương tiện internet đã trở thành trào lưu nên luôn có mặt tốt và xấu, lợi và hại, khi áp dụng vào cuộc sống điều quan trọng là ta có biết khôn khéo, có trách nhiệm chọn lựa kỷ càng không, biết dừng lại đúng lúc với những thông tin làm cho tâm mệt mỏi tiêu hao năng lực lại mang thêm hệ lụy tạo thêm nhiều nghiệp quả qua những YouTube, Facebook …cũng như khi ta áp dụng một cách chân chính phù hợp với chánh pháp, đúng với mục đích nâng cao sự hiểu biết giúp ích cho sự tu học, thì mới mang lại giá trị thiết thực.

Có lẽ điều quan trọng hơn hết ta phải thường xuyên kiểm soát tỉnh thức trong mọi tình huống, nhận ra nguồn cội của từng vấn đề, có những điều ta cho là thật biết đâu lại không thật, những điều hư ảo ta lại nhầm tưởng là thật, có những điều ta cho là hợp lý biết đâu lại là phi lý.

Ranh giới giữa có lý và phi lý tốt và xấu, thật và ảo cũng rất mong manh. Tất cả đều do ta có cái nhìn đúng với như pháp có trí tuệ hay không, nếu ta không biết quán chiếu tinh tường thì khó nhận chân ra được. Nó có mặt ở khắp chốn mọi nơi, người ảo tâm ảo cảnh ảo, khiến ta khó lòng nhận biết, nên cứ mãi miết bám theo nhọc mình lao tới. Trong khi thật đơn giản ta chỉ cần ngồi im lắng đọng nhìn lại những đoạn đường đã trải qua, chỉ cần nhận ra được điều ảo là ảo, điều thật là thật, cái gì là ảo cái gì là thật, trong ảo có thật, trong thật có ảo, thì chắc chắn ta sẽ phát hiện được cái nghiệp do mình tác tạo dẫn dắt ta tới đâu.

Lời kết

Bạn ơi, cuộc đời sẽ thật vô nghĩa nếu ngay cả bản thân ta mà chính mình cũng không biết mình đã và đang làm gì.

Do đó hãy cứ sống thật tốt và tử tế bằng cách luôn rèn luyện nội tâm mạnh mẽ và nhìn lại những trải nghiệm trong đời hạng người người sẽ nhận ra rằng đôi khi….

1). Đừng vì ý kiến của người khác mà dễ dàng thay đổi quan điểm và nguyên tắc của bản thân, khiến không thể làm được đại sự và tìm được cá tính của riêng mình.

2). Đừng trông mong quá nhiều vào kết quả, cứ sống tốt và tử tế theo quá trình phấn đấu của bản thân.

3). Hành sự phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhưng không mưu cầu sự hoàn hảo chỉ thuận theo tự nhiên đón nhận kết quả đến.

4).Trong cuộc sống, không phải chuyện nào cũng diễn ra như ý, trong suốt những đoạn đường, ngã rẽ cần phải vượt qua.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp phải thể hiện bản thân, Không hùa theo số đông, không tâng bốc người khác luôn giữ tự tin và có suy nghĩ của riêng mình bằng cách biết từ chối yêu cầu của người khác, và không sợ rằng việc từ chối đó sẽ khiến bao người xa lánh.

Vì vậy với quảng đời còn lại, người viết nguyện với sẽ bồi dưỡng hằng ngày theo căn bản gốc rễ “ Đạo đức, Trí Tuệ, và Nghị lực “ hy vọng sẽ không ngừng khai phá năng lực của bản thân, quyết sẽ không làm chuyện vô nghĩa, tập trung phát triển cái mình đang có, cố gắng giữ được sức khỏe thật bình ổn để thân tâm an lạc mà phụng hiến cuộc đời.

Kính trân trọng,

Cuộc sống là
hành trình không ngừng tiến bước !
Phải một mình cả đời chịu lắm chông gai
Không thể dựa dẫm ai, chỉ trải nghiệm dài
Hãy cứ sống tốt,
làm hết sức những gì có thể !
Mới xứng đáng hưởng chút bình an trí tuệ !
Thông thường còn phàm phu
ai cũng bộc lộ tính dễ bị tổn thương
Vì cái tôi ảo tưởng luôn muốn phô trương
Hãy thật đơn giản không lúng túng khi giao tiếp
Tự chính mình bồi dưỡng ba cốt lõi ưu việt
Đạo đức, Trí tuệ, nghị lực kiên trì
Hiểu rõ chính mình, mặc những thị phi
Luật nhân quả sẽ trả lời hộ thật đúng lúc !
Khi tư duy đúng sẽ tự tin… không gì trói buộc
Chẳng mưu cầu toan tính, thuận tự nhiên
Chúng ta đều khác nhau do bởi nghiệp duyên
Cần nhất rèn luyện nội tâm đừng xúc động
Đừng để trái tim bị chai lỳ đờ đẫn
Phải tiếp cận thể hiện được bản thân
Linh hoạt, khoáng đạt, biết thối, biết gần
Khi đã trưởng thành …
Cuộc sống đơn giản chỉ là TRẢI NGHIỆM!

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.