Tôi đọc đi đọc lại mãi để chiêm nghiệm câu nói tuyệt vời của Vị Tổng Thống Mỹ đầu tiên George Washington, còn được ví như người cha già của nước Mỹ “Tôi hy vọng mình sẽ sở hữu sự kiên định và đức độ đủ để duy trì điều mà tôi coi là đáng ghen tị nhất trong tất cả các danh hiệu, đó là tính cách của một người đàn ông trung thực” – (I hope I shall possess firmness and virtue enough to maintain what I consider the most enviable of all titles, the character of an honest man).
Vì thật ra khi nói đến tính trung thực của con người thì ta không thể tách rời phạm trù đạo đức. Mà đạo đức của con người bao gồm nhiều đức tính cần phải có như: Sự lễ độ, lòng tự trọng, tôn trọng, thật thà, giản dị, tiết kiệm, chí công vô tư, trung thực, tự tin, đoàn kết, dũng cảm, khoan dung, liêm khiết, giữ chữ tín, danh dự, lương tâm, lý tưởng…
Trong những đức tính trên đức tính nào cũng quan trọng và cần phải có trong mỗi con người, nhưng có hai đức tính căn bản cho mọi thứ đạo đức là tính trung thực và lòng can đảm, mà trong đó tính trung thực là đức tính lớn nhất của ý chí.
Xét cho cùng tính trung thực là sự can đảm của trí tuệ và lòng can đảm cũng là sự trung thực của ý chí. Vì sao “Tính trung thực là đức tính cần thiết nhất ở con người” ? Có lẽ các câu danh ngôn sau đây đã minh chứng phần nào rồi”.
– Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng – Walter Scott.
– Con người trưởng thành qua kinh nghiệm nếu họ đối diện với cuộc đời trung thực và can đảm. Đây là cách tính cách hình thành – Eleanor Roosevelt.
– Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực – Benjamin Franklin.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh nếu người ta không trung thực với chính bản thân mình thì không thể nào trung thực được với bạn đồng môn, tổ chức và xã hội.
Trung thực, đôi khi còn được gọi là chính trực, thực tâm mà tiếng Anh gọi là “Integrity”. Đó là ý thức của một cá nhân trong việc liên tục tuân thủ các giá trị và nguyên tắc đạo đức một cách nhất quán và không lay chuyển.
“Integrity” đòi hỏi luôn làm điều đúng đắn, bất kể hoàn cảnh nào, thậm chí khi không ai để ý. Một số nhà phân tích còn gắn “Integrity” với lòng can đảm để luôn làm điều đúng đắn, bất kể hậu quả ra sao và sẽ không làm bất cứ điều gì để hạ thấp hoặc làm ô danh bản thân.
Do vậy, tính trung thực chính là một đức tính tốt đẹp mà mỗi con người cần phải rèn luyện để có được. Và một khi được xem là một đức tính tốt đẹp thì trung thực chắc chắn sẽ đem đến những giá trị tuyệt vời cho mỗi con người, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, hoàn cảnh đối đầu không phải ai cũng có thể luôn luôn trung thực.
Đừng bao giờ xem thường ý nghĩa của trung thực bởi nó sẽ giúp cho cuộc sống của ta trở nên tốt đẹp hơn, vì Trung thực đã được ví như “chương đầu tiên trong cuốn sách về sự khôn ngoan”. Hoặc nó còn được ví như một chiếc la bàn cho bản thân vì mỗi người ai ai cũng đều phải có một “la bàn” cho chính mình, đó không phải là tài năng, không phải là ước mơ, nó không chỉ cho bạn cái đích cần đến, nhưng nó giữ cho bạn đi đúng hướng và không bị lạc đường, không bị sa ngã. Chiếc la bàn ấy là thứ tối quan trọng để bạn có thể “lãnh đạo chính mình”, nó được cất trong tim mỗi người, luôn sẵn sàng cho bạn, chỉ tùy thuộc vào bạn có đủ dũng khí sử dụng nó hay không thôi.
Trong vài định nghĩa khác thường gặp trong tự điển, đó là “một người trung thực chính là người không nói dối, là người luôn làm việc đúng với sự thật, không cố tình làm sai lạc đi. Luôn đối xử thật lòng với mọi người, không mưu cầu hay tính toán điều gì dù cho có phấn chấn sau những chiến thắng vẫn nhìn sâu vào bản chất vấn đề để biết thành tựu ấy đến từ đâu, như thế mới rút ra được những bài học quý, để làm tố chất trải nghiêm trọng đời”.
Và một khi đã tạo lập trong ta sự trung thực, ta sẽ dễ dàng đương đầu với cuộc sống hơn bởi cho dù có chuyện gì xảy ra, ta cũng có thể mỉm cười và chấp nhận nó bởi nó là sự thật, nó không hề giả dối.
Người trung thực sẽ có một cuộc đời đơn giản, sẽ luôn suy nghĩ, sống và làm việc theo sự thật. Và tất nhiên, khi chúng ta sống ngay thẳng, thật thà thì những người xung quanh cũng sẽ đối đãi với ta như vậy!
Vậy nên hãy sống một cuộc sống như thế nào để có thể biểu hiện được của lòng trung thực luôn hiện hữu nơi ta, trong các môi trường, hoàn cảnh khác nhau trong Đạo và Đời nhất là trong thế giới văn minh công nghệ hiện nay.
Vì vậy, để rèn luyện tính trung thực chúng ta cần:
• Tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải
• Dũng cảm nhận lỗi khi bản thân mắc sai lầm
• Không ham vật chất, vinh hoa phú quý mà bán rẻ sự thật, bán rẻ lương tâm
• Không thảo mai, giả tạo để lấy lòng người khác vì lợi ích bản thân
• Biết giữ lời hứa
• Dám đứng lên nói sự thật, phê phán những hành vi sai trái, vi phạm đạo đức xã hội
• Tạo nguyên tắc riêng cho bản thân để hành xử với mọi người xung quanh
• Dám nói dám làm, nói được làm được
Lời kết :
Tính trung thực đòi hỏi sự tuân thủ các chuẩn mực đạo đức và đạo lý trong hành động và lời nói của mình. Tính trung thực còn được xem như một phẩm chất tốt của con người, giúp xây dựng niềm tin và sự tôn trọng của người khác, và giúp tạo ra một môi trường làm việc hoặc học tập chân thành và minh bạch.
Tính trung thực cũng là một trong những giá trị quan trọng trong đời sống cá nhân và xã hội, giúp con người sống đúng với giá trị của mình và đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Vì trung thực là một khía cạnh của nhân cách đạo đức con người, người có tính trung thực là người biết tôn trọng chân lý và sự thật, có nghĩa là:
– Con người trưởng thành qua kinh nghiệm nếu họ đối diện với cuộc đời trung thực và can đảm. Đây là cách tính cách hình thành.
– Trong giao tiếp -Bạn bè phải là những người luôn trung thực và thẳng thắn với nhau dù sự thực có đau lòng tới mức nào.
Và nếu bạn không nói sự thật với chính bản thân mình (vẫn thấy xấu hổ vì bản thân) thì bạn không thể nói điều đó với những người còn lại.
Cuộc sống vốn có biết bao điều dễ dàng cám dỗ ta, ranh giới giữa trắng và đen đôi khi vô cùng mong manh. Do đó Sống trung thực, liêm khiết và tỉnh táo để nhận thức thật giả có lẽ chính là những phẩm hạnh mà dù ở thời đại nào, con người ta cũng phải tự răn mình rèn luyện.
“Những người tính nết thật thà
Đi đâu cũng được người ta tin dùng”.
Tuy nhiên tính trung thực không đơn thuần chỉ là việc không nói dối hoặc giấu kín sự thật. Đôi khi, trong một số trường hợp, nó còn yêu cầu sự khôn ngoan và sáng suốt để biết cách truyền đạt sự thật một cách nhân văn và không gây tổn thương cho người khác.
Kính trân trọng
Bạn thương mến
Trong đời sống,
tính trung thực có vai trò giá trị trân quý!
Vậy nên …
cố gắng duy trì phát triền thành toàn
Nhưng để truyền đạt
lại cần sáng suốt khôn ngoan
Bao gồm nhiều khía cạnh về Đạo Đức !
Là kỹ năng sống,
truyền cảm hứng tôn trọng Sự thực !
Khi đã tìm ra điểm yếu biểu lộ nơi mình
Để định hướng đi mới, hãy thay đổi cái nhìn
Sự mầu nhiệm chính là biết trải nghiệm!
Luôn luôn làm điều đúng đắn tạo một thói quen
Phẩm hạnh tốt đẹp tuyệt vời…. bàn đạp tiến lên
Học từ Lão Tử …
“Bậc trí tuệ là người biết những gì mình không biết”
Chiếc la bàn trung thực giúp tự răn mình ưu việt !
Huệ Hương