Tiềm thức – Tố chất tiềm ẩn của bản thân!

Gần đây khi nghe lại một chủ đề Thiền có liên quan đến Thiền Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền, do một danh tăng đức độ tại Hoa Kỳ thuyết giảng qua Zoom, điều kỳ diệu xảy ra khiến lòng người viết dạt dào cảm xúc, đó là bao nhiêu những thông tin có được từ ngày nghe pháp thoại triền miên và học hỏi nghiên cứu thêm với kinh sách tất cả như đã hiện lại hoàn toàn trong tâm trí.

Những gì Ngài kể về Tứ liệu Giản, – Người học từ bốn phương đến, sơn tăng ở dây phân chia căn cơ để tiếp độ. Có khi đoạt nhân chẳng đoạt cảnh, có khi đoạt cảnh chẳng đoạt nhân, có khi nhân cảnh đều đoạt, có khi nhân cảnh đều chẳng đoạt. (Đây là pháp Tứ liệu giản, rất quan trọng trong việc giảng dạy, vị thiền sư chân chánh cần hiểu rõ căn cơ người học để tùy theo đó mà dẫn dắt họ. Pháp này chỉ rõ đường tu hành đi từ phân biệt hai bên, đến chỗ phủ nhận cả hai bên và cuối cùng đến chỗ không phủ nhận, không phân biệt, tức như như).

Và công án “ Phùng Phật sát Phật, Phùng Tổ sát Tổ “ có nghĩa nếu niệm đã khởi chớ cho tiếp tục, mà niệm chưa khởi đừng cho sanh khởi. Làm được như thế thì hơn đi hành cước mười năm. Đừng để bất cứ nội, ngoại vật nào trói buộc, gặp chướng ngại nào cứ đạp bỏ hết: gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, cho đến gặp gì cũng giết cả. Đó là con đường duy nhất để đi đến giải thoát. (giết có nghĩa là bỏ cái tâm chấp trước, để khỏi bị tâm và cảnh dính mắc) và cũng cần nhớ có một vị Phật mình cần thấy là “Mình – Phật đang thành” và vị Phật đang thành đó cần thực hành những điều Phật làm để một lúc nào đó thành Phật hoàn toàn 100%. Không cần gọi ai là Phật và lạy lục Phật nào, vì điều đó không cần thiết, mà lại có thể làm cho bạn tự dối mình mà thành sa đọa.Hơn nữa, chẳng có Phật nào có thể giúp ta giác ngộ được mà chính ta phải tự mở mắt để mà “ngộ”. Do vậy cần làm việc với vị Phật đang thành trong ta để ngày nào đó trở thành một vị Phật hoàn toàn.

Trong lời kết thúc bài giảng, người viết hoàn toàn vỡ oà mới biết rằng các pháp môn đều dung thông vô ngại khi được nghe: “ Tất cả pháp môn đều có thể tu thành công án được nếu chúng ta luôn nghĩ nhớ đến và một lúc nào đó, chúng ta sẽ hoắc nhiên đại ngộ khi đúng lúc đúng thời “ . Miễn là chúng ta cần biết rõ cốt tủy tinh hoa của Phật Pháp chính là “ KHI 6 CĂN TIẾP XÚC VỚI 6 TRẦN MÀ TÂM KHÔNG ĐẮM CHÌM DÍNH MẮC “ đúng như những gì HT Viên Minh đã trả lời trong mục hỏi đáp của Trung Tâm Hộ Tông: “Tu đúng hướng chủ yếu là thấy ra sự thật chứ không phải để mang lại thanh thản, an lành. Khi con có ý muốn đạt được điều gì là đã không đúng hướng rồi. Chỉ thấy, thấy, thấy… và thấy ra sự thật thôi. Sự thật lại là vô thường, khổ, vô ngã chứ không phải là an lạc”.

Sự sung sướng đến tột độ khiến người viết thầm hỏi “Điều gì đã khiến cho mình hiểu rõ một chủ đề hoặc nội dung sau khi nghe nó nhiều lần, dù ban đầu mình vẫn chưa hiểu rõ lắm phải chăng đây chính là có thể liên quan đến cách tiềm thức hoạt động?“

Lại tức thì hiện ra trong đầu quyển sách về “Sức Mạnh của Tiềm thức“ từ tác giả Joseph Murphy cho rằng “ TIỀM THỨC CỦA CHÚNG TA THÔNG MINH HƠN CHÚNG TA NGHĨ “ và Tiềm thức thường được sử dụng để mô tả các phần của ý thức mà chúng ta không nhận thức hoặc không kiểm soát một cách tự ý.

Với tánh tò mò đam mê luôn có, sau nhiều ngày tham khảo xem lại tài liệu sách trên cũng như tham vấn cùng ChatGPT, và tôi đã có câu trả lời như sau:
-Tiềm thức có khả năng tiếp thu: Tiềm thức chứa rất nhiều thông tin, tư duy, và ký ức ẩn. Đôi khi, khi bạn nghe một thông tin mới hoặc giảng dạy một chủ đề, thông tin đó có thể “nằm sâu” vào tiềm thức thay vì được hiểu rõ ngay lập tức.

– Tiềm thức xử lý thông tin tiếp theo: Tiềm thức có khả năng tiếp tục xử lý thông tin ngay cả khi bạn không nhận thức về nó trong tâm thức. Điều này có nghĩa rằng sau khi bạn nghe một chủ đề và thậm chí không cảm thấy hiểu rõ, tiềm thức của bạn có thể tiếp tục làm việc với thông tin đó.

– Quá trình tương tác với thông tin của Tiềm Thức : Khi bạn tiếp tục nghe về chủ đề đó hoặc tiếp xúc với thông tin liên quan, tiềm thức của bạn có thể bắt đầu tạo ra liên kết và hiểu rõ hơn. Điều này có thể dẫn đến cảm giác “như đã hiểu tất cả” khi bạn trở lại chủ đề đó.

– Tiềm thức có thể giúp bạn thấu hiểu: Tiềm thức có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình thấu hiểu và nhận thức sâu sắc về một chủ đề hoặc thông tin. Khi thông tin đã được “xử lý” trong tiềm thức và bạn tiếp tục tương tác với nó, bạn có thể cảm thấy hiểu rõ hơn.

Vì vậy, khi bạn nghe giảng kinh hoặc thông tin liên quan nhiều lần, tiềm thức của bạn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp bạn hiểu sâu hơn về nội dung đó. Điều này chỉ là một cách mà tiềm thức hoạt động mà thôi

Thì ra Tâm thức chúng ta là một dòng chảy tương tục không ngừng nghỉ. Chúng được hình thành từ chính những tri nhận của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả các đối tượng của nhận thức qua các giác quan cũng như qua ý thức cùng với các đối tượng được nắm bắt bởi các trạng thái tâm như ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái đều để lại những “ấn tượng” của chúng trong tâm tưởng chúng ta và hình thành một phần của tâm tưởng chúng ta gọi là tâm hữu lậu. Chính những ấn tượng này tạo thành dòng chảy tương tục của tâm thức và sau khi đã trải qua một tiến trình chuyển biến, chúng sẽ tự biến thái để có thể tác động trở lại sự hình thành và xu hướng hoạt động của toàn bộ các hình thái tri nhận cũng như các trạng thái tâm kế tiếp của chúng ta. Và đây chính là những điều kiện để cho hai loại chướng ngại phiền não và sở tri sinh khởi.

Mình lại khám phá thêm được sự khác nhau nhau giữa tiềm thức và tâm thức:
Tiềm thức và tâm thức là hai khái niệm phân biệt trong lĩnh vực tâm lý học và tri thức. Chúng được sử dụng để mô tả các phần khác nhau của ý thức và nhận thức của con người.

– Tâm thức (conscious mind):Tâm thức là phần của ý thức mà bạn có thể tự ý kiểm soát và nhận thức một cách rõ ràng. Nó bao gồm những suy nghĩ, ý thức, cảm xúc, và thông tin mà chúng ta có thể xử lý và sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tâm thức được định nghĩa là một phần của tâm trí chịu trách nhiệm hợp lý hóa, tư duy logic và lập luận. Ví dụ, nếu một cá nhân được yêu cầu cộng một với một, thì chính tâm thức sẽ thực hiện phép tính và đưa ra câu trả lời.

Tâm thức là nơi kiểm soát tất cả các hoạt động hàng ngày của chúng ta được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Nó được gọi là người gác cổng của tâm trí con người. Ngoài ra nó còn theo dõi và giao tiếp với thế giới bên ngoài cũng như nội tâm thông qua các cảm giác tiếp nhận, suy nghĩ, lời nói, hình ảnh, chữ viết và các hoạt động thể chất.

Tâm thức thường tồn tại trong tình trạng tỉnh thức và có khả năng truy cập ngay lập tức.

Vai trò của Tâm thức thường được liên quan đến quá trình suy nghĩ, ra quyết định, thực hiện hành động, và tương tác xã hội hàng ngày

– Tiềm thức (subconscious mind): Tiềm thức là phần của ý thức không nằm trong tầm kiểm soát hoặc nhận thức một cách rõ ràng. Nó chứa các thông tin, ký ức, tri thức, và tư duy mà không được tập trung vào một cách tự ý hoặc hiểu rõ. Tiềm thức có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và quyết định của con người mà họ không nhận biết hoặc hiểu rõ.

Tiềm thức còn được biết đến là nơi lưu trữ niềm tin, thái độ và ký ức cá nhân được xếp chồng lên nhau. Đây được cho là lý do tại sao những lời khẳng định không có khả năng tạo ra ý nghĩa và không bao giờ có thể cải thiện niềm tin của một người.

Tiềm thức thường tồn tại dưới mặt đất của ý thức, và để truy cập nó, chúng ta có thể cần sử dụng các phương pháp như giấc mơ, thảo luận tư duy tiềm thức, hoặc phân tích tâm lý.

Thí dụ điển hình về Giấc mơ và tiềm thức: (Giấc mơ thường liên quan đến tiềm thức vì trong giấc mơ, nhiều thông tin, ảnh hưởng và ký ức từ tiềm thức có thể hiện ra một cách không rõ ràng hoặc biểu hiện thông qua các tình tiết mơ ước và kỳ lạ. Các giấc mơ có thể phản ánh những ẩn động lực, mâu thuẫn hoặc tư duy tiềm thức mà chúng ta không nhận biết trong tâm thức hàng ngày. Những giấc mơ này có thể cung cấp thông tin về tâm trạng, lo lắng hoặc mong muốn của chúng ta).

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu mới nhất, tâm thức và tiềm thức có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Tâm thức đã được phát hiện là phụ thuộc rất nhiều vào tiềm thức, thứ quyết định cách con người hoạt động như một tổng thể.
Tâm thức và tiềm thức không hoàn toàn độc lập. Chúng liên quan chặt chẽ và có thể tương tác với nhau. Những nội dung từ tiềm thức có thể xuất hiện trong tâm thức dưới dạng ý nghĩ, mơ ước, hoặc cảm xúc.

Một số phương pháp tâm lý, như tâm lý học phân tâm (psychoanalysis), tập trung vào việc hiểu và giải quyết các vấn đề tiềm thức để thay đổi hành vi và tư duy tâm thức.

Tóm lại, tiềm thức và tâm thức là hai khía cạnh quan trọng của ý thức con người, và sự hiểu biết về chúng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tư duy, cảm xúc, và hành vi của mình.

Điều đó dẫn đến kết luận là có mối quan hệ chặt chẻ giữa tâm thức và tiềm thức đó là khi tâm thức của chúng ta ra lệnh thì tiềm thức của chúng ta sẽ tuân theo. Bất cứ điều gì, nếu có thời gian và sự luyện tập, đều có thể chuyển thành công từ tâm thức sang tiềm thức.

Triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson đã từng đúc kết: “Bạn chính là những gì bạn nghĩ”. Thật vậy, nhiều học thuyết đã chứng minh rằng hành động, suy nghĩ của chúng ta được tác động qua ba tầng: ý thức, tiềm thức và vô thức. Trong đó, tiềm thức chính là thứ duy nhất mà chúng ta không thể đánh lừa. Chúng ta gieo vào mảnh đất tiềm thức hạt giống nào thì tự khắc sẽ hái được quả đó.

Hơn thế nữa Tiềm thức có sức mạnh rất lớn, nó là nơi chứa đựng nhiều bí mật quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta là ai, muốn gì, nghĩ gì, tất cả đều xuất phát từ mảnh đất tiềm thức bí ẩn.

Như vậy “Mỗi chúng ta là một vũ trụ riêng biệt, và trong những vũ trụ ấy, chúng ta có vô vàn tiềm năng chưa được khai thác đúng cách. Một trong số đó nằm ở tiềm thức của chúng ta, hay nói cách khác, là những gì thuộc về tâm trí, thân thể và trải nghiệm cá nhân nhưng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta”.

Tuy nhiên, chúng ta có thể học cách nắm bắt những đặc điểm của tiềm thức và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày của mình. Tiềm thức là ý thức ẩn sâu bên trong tâm trí và não bộ của con người, dựa vào những kinh nghiệm và hành vi của con người, ẩn chứa những sức mạnh có lợi cho những ai biết cách khai thác nó. Do đó chúng ta luôn nhớ “Nghĩ điều tốt, và điều tốt sẽ tới. Nghĩ điều xấu, và điều xấu sẽ theo. Bạn chính là những gì bạn nghĩ”. Tiềm thức không bao giờ tranh luận hay trao đổi với bạn, nó chỉ làm theo các chỉ thị được đề ra.

Vì vậy nếu chúng ta cho rằng bản thân không làm được thì tiềm thức sẽ tác động và biến điều đó thành sự thật.

Trộm nghĩ nếu chúng ta có quyền được chọn, vậy nên hãy chọn những điều tốt đẹp, mọi thứ ảnh hưởng theo đó mà tốt lên. Vì chính ý thức của chúng ta sẽ làm tiềm thức thúc đẩy điều chúng ta chọn thành sự thật.

Vì sao vậy ? Thật ra Tiềm thức của mỗi người không xấu, tác động đến từ bên ngoài cũng không xấu. Việc xấu hay tốt đều được quyết định bởi bạn, chính cách bạn vận dụng tác động của tự nhiên sẽ làm tiềm thức của bản thân thay đổi. Vậy nên hãy dùng sức mạnh từ chính tâm thức và tiềm thức của chúng ta để mang đến những điều tốt đẹp, truyền cảm hứng cho những người thân yêu của chúng ta.

Hãy học cách suy nghĩ theo góc nhìn của nguyên lý trong cuộc sống và sự thật chứ không nên nhìn theo góc nhìn của sự mê tín và sợ hãi. Hãy có chủ kiến riêng của bản thân đừng để bị người khác tác động quá nhiều.

Lời kết:

Sự có mặt của tiềm thức cũng giống như một điều kỳ diệu mà tạo hóa ban tặng cho con người. Tâm thức là tài sản quý giá nhất của mỗi người, ngoài chính chúng ta sẽ không ai làm chủ được. Có hai cấp độ tâm thức, đó là ý thức (cấp độ lý trí) và tiềm thức (cấp độ phi lý trí).

Bí mật sức mạnh của mọi vấn đề nằm sâu trong tiềm thức mỗi người, chỉ cần chúng ta thấu hiểu điều đó thì hoàn toàn có thể làm chủ cuộc đời mình.
Vì sao vậy “Tiềm thức là thứ chúng ta không thể đánh lừa. Tiềm thức sẽ chỉ phát huy sức mạnh khi đó chính là sức mạnh của bạn. Vì thế, điều quan trọng hơn cả là mỗi người phải luôn tìm hiểu về chính bản thân mình, biết mình muốn gì, trở thành ai, và ý nghĩa cuộc đời mình là thế nào. Cũng như “Tất cả chúng ta sinh ra trên đời đều có quyền hạnh phúc, và hãy nhớ kỹ rằng tiềm thức của bạn không thể hành động nếu tâm thức của bạn bị phân rẽ…”.

Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc một khi vẫn luôn nuôi dưỡng trong lòng một mối hoài nghi rằng liệu bao giờ hạnh phúc lâu dài mới thuộc về mình.

Kính trân trọng chia sẻ những điều vừa khám phá để cùng nhau bước vào lĩnh vực tâm linh bạn nhé !

Đến một lúc, bạn ơi thấy được …
Pháp đến đi quả thật kỳ diệu !
Kinh sách chỉ là nắm lá trong rừng
Biển học vô biên khó biết chỗ dừng
Khi tất cả pháp dung thông nhiều lĩnh vực
Với khoa tâm lý học,
Phân biệt khác nhau giữa Tâm thức, Tiềm thức !
Lại nhờ khoa học,
“ Luật hấp dẫn của vũ trụ “ thế nào?
Vì sao lại chính là nghiệp báo của ngày sau (1)
Do vậy thói quen, tập khí từ hành vi … nguy hiểm
Tiềm thức là tâm thức của bạn ra lệnh, điều khiển
Bất cứ điều gì nó cũng tuân theo
Với thời gian lưu trữ cảm xúc, thiện ác đã gieo

“Mọi sự xuất hiện trên thế giới này …
đều xuất phát từ tâm thức”
Đến một lúc chúng mình nhận ra Sự Thật! (2)
Tố chất tiềm ẩn của bản thân : TIỀM THỨC

Huỳnh Phương -Huệ Hương

——————————————-
(1) Trả lời câu hỏi ngày 8/11/2017 trên trang trung tâm Hộ Tông, HT Viên Minh đã truyền tải điều này “Luật hấp dẫn chính là luật nhân quả nghiệp báo. Như đức Phật dạy “Trong các pháp (thiện, bất thiện, duy tác) ý dẫn đầu, ý là chủ, ý tạo tác tất cả”. Như vậy ý đúng tốt dẫn đến hành động nói năng đúng tốt, ý sai xấu dẫn đến hành động nói năng sai xấu, ý thanh tịnh trong sáng dẫn đến giác ngộ giải thoát.
Không hiểu luật nhân quả nghiệp báo mà ứng dụng luật hấp dẫn theo tham vọng (tà kiến, tham ái) thì chính luật hấp dẫn sẽ dạy cho bài học đích đáng. Trong luật hấp dẫn có một nguyên lý quan trọng mà ít người để ý đó là ý muốn chủ quan thiếu lương tri sẽ đưa đến hậu quả phản tác nghiêm trọng.”
(2) Từ tác phẩm “Sức Mạnh của Tiềm thức” ta sẽ học được rằng: “ Quy luật của cuộc sống chính là niềm tin. Bất kỳ điều gì bạn tin tưởng về bản thân, cuộc sống và vạn vật, bạn sẽ nhận được.” Cuộc sống của chúng ta được vận hành theo quy luật của niềm tin và niềm tin ấy nằm trong tiềm thức của chúng ta. Tiềm thức quyết định đến những niềm tin của chúng ta, hay nói cách khác, là cách chúng ta nhìn nhận và đợi chờ vào cuộc sống.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.