Chỗ Dựa Tâm Linh

Nghe ngàn lần pháp thoại,
một ngày chiêm nghiệm được !
Khi còn sơ cơ đương nhiên cần chỗ dựa tâm linh
Nhưng nếu chỉ lo…
trau dồi Đức hạnh mà chẳng quân bình
Gia đình, xã hội, giáo dục, kinh tế, kiến thức …
Thì chính mình đã vô tình tự cô lập!

Đến một lúc thấy ra….
chỗ dựa nào cũng có mặt trái, ngửa xấp
Người sáng suốt tìm cách độc lập tự do
Hiểu rõ thế nào đạo đức của Phật và Nho (1)
Sẽ không thể giác ngộ
nếu rập theo một khuôn mẫu nào đó!
Vậy nên đừng mong cuộc đời như ý,
mà phải tự mình điều chỉnh thái độ!

Lại tư duy về đời, đạo
qua từ ngữ Tâm lý, tâm linh (2)
“Chỉ cần tu đúng,
thường bình tĩnh sáng suốt biết mình”
Làm người có phẩm chất chân chính …đang sống đạo.
Tuỳ cách nhìn,
“ Sự bất toàn của cuộc sống chính là điều hoàn hảo ”.

Suy cho cùng đừng bất mãn hiện trạng thói đời (3)
Ranh giới lý tưởng, hiện thực khó tách rời
“Một bên đạo đức giả sống để người khác nhìn vào,
còn một bên là những khát khao, mong muốn thực sự”
Chủ yếu:
“ Việc đời thì tuỳ hoàn cảnh, giải quyết sao đúng tốt là được.
Còn việc đạo phải soi sáng thân-tâm-cảnh
cho rõ ràng để thấy ra sự thật! “
Đừng nghĩ quá xa, đời sống thật nhẹ nhàng
Chỉ cần với hiện tại, trọn vẹn nhiệt tình tặng ban
Khi đó
“Chỗ dựa tâm linh nên xem lại khi thoát mê khai ngộ“ !

Huệ Hương

———————-000000000—————————
(1) Sự khác biệt của cách tu theo Nho giáo và Phật giáo là:
Theo đạo Nho cách tu:
“Nhàn trung kiểm điểm bình sinh sự,
Tĩnh lý tư lương nhật sở vi”
Rất khác với cách tu nhìn thẳng vào thực tại đang là để thấy đúng sai mà không quy chiếu theo một hệ thống tư tưởng hay quan niệm đạo đức đã được quy định nào. Đó là Phật Đạo phải thấy ra cả hai mặt động tịnh, tự tha v.v… mà không rơi vào quan niệm nhị nguyên nên mới có thể sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha một cách tự nhiên ngay trong đời sống này –
(2) Tâm lý hay tâm linh thì cũng đều là tâm nhưng tâm lý thường được hiểu theo nghĩa đời (tục đế), còn tâm linh thường được hiểu theo nghĩa đạo (chân đế). Do đó từ tâm linh có vẻ như sâu xa hơn, siêu việt hơn nên đôi lúc được dùng theo nghĩa huyền học hay siêu hình học. Nhiều người còn hiểu tâm linh theo nghĩa cõi huyền bí như những vong linh hay hương linh của người đã quá cố.
(3) Câu trả lời ngày 25/4/2013 trên trung tâm hộ tông
Phật giáo không có quan điểm mà chỉ mô tả lẽ thật. Đạo là lẽ thật rốt ráo ấy. Thấy ra và sống đúng lẽ thật trong cuộc sống thì đó chính là đạo, không thấy ra và không sống đúng lẽ thật ấy thì đó là đời.
Có câu:
“Đời không đạo như thuyền không lái,
đạo không đời đạo phải về đâu”.
Không có bạn đời với bạn đạo mà chỉ có bạn xấu và bạn tốt mà thôi.
Quân bình đạo và đời bằng cách sống giữa đời nhưng luôn sáng suốt biết mình trong mọi hành động, nói năng, suy nghĩ, để tự biết điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt. Như vậy sẽ không cần tách rời đạo với đời
(4) Đời người giống như một bộ phim mà mình và mọi người chỉ là những vai diễn, chủ yếu hiểu rõ ý nghĩa bộ phim muốn diễn đạt điều gì, còn mỗi vai chỉ là diễn viên thôi, không có gì thật cả!

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.