Tản mạn “Đừng vội đánh giá bất kỳ ai” – Kinh nghiệm, vị Thầy tốt nhất!

Gần đây có những lúc tránh khỏi suy tư về đạo, đời nên người viết đã mượn vài review của phim tập Hàn quốc để tìm ra những biến chuyển tâm lý của người bình thường trong xã hội cũng như tìm những ý nghĩa nhân văn trong tiết truyện có thể giúp thu thập được kinh nghiệm sống hơn.

Càng xem người viết mới cảm nhận những điều sau đây:

Nếu điện ảnh không phù hợp với các nguyên lý sâu sắc của nó thì nó không thể có ý nghĩa hoặc nhạy bén tác động trên người xem.

Trong suốt chiều dài lịch sử, điện ảnh thế giới đã lăn đi như viên sỏi trong dòng chảy lịch sử qua nhiều thế kỷ để cuối cùng những bộ phim xã hội có được hình hài và tầm vóc của điện ảnh như ngày nay.

Hẳn chắc là điện ảnh đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi các bối cảnh xã hội và các triết lý của các thời đại khác nhau, để phát sinh ra các lý thuyết điện ảnh khác nhau trong suốt hành trình dài đăng đẳng của mình, để được tồn tại.

Từ đó người viết đã rút ra những kinh nghiệm cho việc sống tuỳ duyên ứng xử trong Đạo và Đời.

Quả thật hành trình nào cũng là con đường để đi, không khác, miễn là không lệch hướng, đạo tình. Đã có học đạo, có hành trì, tất nhiên ai ai cũng đã hiểu rất rõ chữ Duyên và Nghiệp trong nhà Phật.

Phật giáo có chỗ đứng cho cả người cư sĩ tại gia và người xuất gia . Ở vai trò nào ai ai cũng có thể đóng góp cho đạo, bằng cách này hay cách khác.
Nếu còn là nhà sư thì phải luôn biết rõ mục đích của công việc mình làm đó là việc hoằng pháp, nhưng nếu đã ở trong đời phải tự hứa sẽ luôn tiếp tục hộ trì tam bảo nhưng với bất cứ sự hành trì nào cũng đòi hỏi một sự hiểu biết và nhất là phải có phương cách sống khôn ngoan nếu không thì sẽ bị môi trường xã hội , chỗ mình đang đứng, vùi dập ngay lập tức trong xã hội hiện đại này.

Và thật đúng như người viết mong muốn, đâu đó chúng ta sẽ học được những điều lợi ích để sống một cách khôn ngoan hơn và nhất là không đến nỗi cuồng tín.
Vậy thì chúng ta sẽ học được những gì:

1- Đôi lúc phải học cách giả vờ :
*giả vờ là một con người yếu đuối hoặc bộc lộ khuyết điểm của bản thân sẽ làm giảm sự ghen tị của những người xung quanh.
* Giả vờ bản thân là một người nghèo khổ sẽ tránh được sự dòm ngó của người khác đối với tài sản của mình.

2- Chủ động nhận sai (việc chủ động lùi một bước sẽ giúp chúng ta càng có lợi cho bản thân nhiều hơn.)

3- Đề cao đối phương và đánh giá thấp bản thân mình.
Khi đã thỏa mãn lòng hư vinh của một ai, chúng ta sẽ dễ dàng dẫn dắt họ làm việc theo ý mình muốn.

4- Không mất thời giờ tranh luận khi quan điểm quá khác nhau vì thật khó để thay đổi tư tưởng của một ai đó trong thời gian ngắn. Và khi không cùng quan điểm thì mối quan hệ cũng nhạt nhòa theo năm tháng.
Theo Jack Kerouac (1922-1989) thì “ VỊ THẦY TỐT NHẤT LÀ KINH NGHIỆM VÀ KHÔNG QUA QUAN ĐIỂM MÉO MÓ CỦA BẤT CỨ NGƯỜI KHÁC NÀO “ (The best teacher is experience and not through someone distorted point of view)

5- Giữ cho mình một trái tim lương thiện.
Luôn giúp đỡ những người yếu thế, nhìn cuộc đời bằng đôi mắt và trái tim thiện lương. Đây cũng là một cách để mang lại may mắn và cơ hội cho mình sau này.

6-  Giữ bình tĩnh và im lặng nếu cần thiết, đặc biệt là ở nơi đông người.

7- Phải học cách cho đi (nên biết rằng nếu muốn được nhận lại thì trước hết phải học cách cho đi. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải giữ vững sự chân thành, vì nếu không thực dụng đúng sẽ làm méo mó lòng tốt của chính mình) .

8- Nhận ra cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp với quan niệm “người tốt bao giờ cũng được đáp đền xứng đáng”.

9- Điều quan trọng nhất là phải chăng “TẤT CẢ NHỮNG GÌ CHÚNG TA BIẾT VỀ MÌNH VÀ MỌI NGƯỜI CHỈ BẰNG 1/2”. Vậy nên, đừng vội đánh giá về bất kì ai, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình rất hiểu họ. Thật sự bạn chẳng hiểu về họ nhiều hơn họ hiểu chính mình. Dù bạn tự tin đánh giá về ai đi chăng nữa cũng chỉ là phiến diện.

Nếu như ai đó đánh giá sai về bạn, đừng trách họ, nếu quan trọng thì hãy giải thích, không quan trọng thì bỏ đi, đừng oán trách hay tức giận. Vì đó là những gì họ thấy, và những gì họ thấy, không phải khi nào cũng là điều bạn thấy. Bạn cũng chỉ đang hiểu 1/2 về chính mình thì việc ai đó hiểu sai về bạn cũng là điều dễ hiểu.

Trộm nghĩ những điều đã học được từ những bậc hiền trí và kinh sách thì vị Thầy kinh nghiệm nhất đã cho ta một mình triết sau đây:

– “ Khi chúng ta khiêm tốn, đó là lúc chúng ta tiến gần đến sự vĩ đại.” Tagore

Người thực sự tài giỏi luôn hiểu được rằng, bản lĩnh lớn nhất của một người chính là không bao giờ kiêu ngạo, tự cao tự đắc.

Những người thực sự mạnh mẽ về tâm hồn không bao giờ cần “hơn người” để nâng cao bản thân, ngược lại, họ có đủ cái nhìn sâu sắc và một nội tâm trong sáng để đối xử tử tế với mọi người.

Một người thực sự có tầm nhìn cũng đều hiểu rằng, núi còn có núi lớn hơn, sông cũng có sông dài hơn, thế giới không bao giờ thiếu những người giỏi hơn mình ,nếu có thiếu là thiếu những người luôn tự cao tự đại, cho mình là trung tâm.

– Người bản lĩnh, không khoe khoang, không phô trương.

Nội tâm càng yếu đuối, càng cần vật chất lấp đầy.

Trong tâm lý học, có một hiệu ứng gọi là “Hiệu ứng ánh đèn sân khấu”.

Ý muốn nói, một người quá xem trọng bản thân, đánh giá quá cao mức độ quan tâm của người khác đối với mình. Trên thực tế, chẳng ai thực sự quan tâm đến việc bạn khoe khoang, ngoài việc bạn tự thỏa mãn bản thân. Do đó đừng đánh giá quá cao địa vị của bạn trong lòng người khác, những người tự nghĩ mình cao hơn sẽ chỉ càng ngã đau hơn.

Lời kết :

Mời các bạn chiêm nghiệm nhưng danh ngôn để biết vị Thầy tốt nhất của mình bạn nhé!

– “Cuộc sống là một chuỗi trải nghiệm, mỗi trải nghiệm lại giúp ta lớn lao hơn, dù đôi khi khó nhận ra điều này. Bởi thế giới được dựng lên để phát triển bản lĩnh và ta phải học được rằng những bước lùi và nỗi đau ta phải chịu đựng giúp ta tiến về phía trước.” – Henry Ford

– “Bạn phải sống trong hiện tại, ném mình lên từng con sóng, đi tìm sự vĩnh hằng trong từng khoảnh khắc.” – Henry David Thoreau

– “Chúng ta không học được từ trải nghiệm… chúng ta học được từ việc suy ngẫm lại về trải nghiệm.” – John Dewey

– “Sự tương tác giữa tri thức và kỹ năng với trải nghiệm là chìa khóa của việc học hỏi.” – John Dewey

– “Hối tiếc trải nghiệm của bản thân là ngăn chặn sự phát triển của chính mình. Phủ nhận trải nghiệm của bản thân là thì thầm lời nói dối trên môi cuộc đời của chính mình. Điều đó không gì khác chính là phủ nhận tâm hồn mình.” – Oscar Wilde

– “ Nguồn tri thức duy nhất là kinh nghiệm – Albert Einstein

Tuy nhiên …Dù trong đạo hay đời người khôn ngoan bắt buộc đòi hỏi một khả năng trí tuệ cần thiết để lắng nghe.

Kỹ năng lắng nghe là khả năng tập trung vào người nói và hiểu rõ ý nghĩa của những gì họ đang truyền tải. Điều này bao gồm việc chú ý đến nội dung được truyền tải và cả những cảm xúc, suy nghĩ, động cơ của người nói. Kỹ năng lắng nghe còn là việc phản hồi lại người nói bằng cách sử dụng các câu hỏi, tóm tắt lại những gì đã được nghe để đảm bảo rằng thông điệp đã được hiểu đúng và đầy đủ.

Trong Phật pháp người có đủ túc duyên chỉ cần nghe qua các pháp thoại được giảng bởi các danh sư dù chỉ một lần hay vài lần cũng có thể lãnh hội trọn vẹn những gì là cần thiết cho một trí tuệ giác ngộ.

Riêng đối với phần đông chúng ta do thiếu duyên nên không đủ sức lãnh hội tinh tường, chỉ nắm bắt được một ít không đủ để thấu đáo đúng mức. Hoặc do ảo tưởng về bản ngã của mình quá cao mà không thể tiếp nhận thông tin, kiến thức cần thiết đó thôi.

Đây chỉ là những điều người viết đã sưu tầm và học hỏi từ kinh sách , bạn lành , kính chia sẻ vài quan điểm để cùng nhau đối diện với cuộc đời một cách trung thực và can đảm.

Kính trân trọng,

Ở tuổi nào, bạn ơi
cũng cần nhìn lại phía sau để trải nghiệm (1)
Làm xong điều gì, rút tỉa bài học dẫn đường
Cần có tầm nhìn phóng khoáng,
kỹ năng lắng nghe chuẩn trong mọi môi trường
Mỗi trải nghiệm đều là vị thầy đáng giá !(Oprah Winfrey)

Cũng đừng vội vàng
đánh giá ai, tự mình khám phá!
Nào hãy cho thuyền rời bỏ bến cảng an toàn (2)
Tinh túy của trí tuệ đến từ
Sự khiêm tốn không khoe khoang.
Học cách bỏ qua, quên đi những điều gây phiền muộn!
Đừng cố gắng
quay lại thời gian, mà hãy buông xuống !
Khi ý nghĩ xuất hiện, nhận ra nó từ đầu
Sẵn sàng chấp nhận giã huyễn, chẳng mong cầu
Thì ra muốn sống đời hạnh phúc bình lặng
bạn chỉ cần có trái tim nhân hậu !
Kính chúc bạn có nhiều vị thầy tốt …khi hiểu thấu !!!!

Huỳnh Phương – Huệ Hương

———————-000000—————————-
(1) Nhìn lại phía sau – có kinh nghiệm
Nhìn lên phía trước – thấy hy vọng
Nhìn ra chung quanh – tìm được hiện tại
Nhìn vào bên trong – tìm thấy chính mình ( Khuyết danh )

(2) “ Hai mươi năm sau lúc này, bạn sẽ thấy thất vọng những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm. Vậy nên hãy tháo nút dây. Hãy cho thuyền rời khỏi bến cảng an toàn. Hãy căng buồm đón gió. Tìm tòi, Ước mơ, khám phá.” – Mark Twain

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.