Thời gian có bao giờ trở lại? Có chăng thì chỉ là những hoài niệm và ký ức của quá khứ…! Có người nói, mỗi một ngày trải qua sẽ là một câu chuyện ngắn của cuộc đời. Trong những câu chuyện đó, có thể là hạnh phúc có thể là buồn khổ và cùng có thể là ray rứt, xót xa. Nếu đem những cảm xúc, những khoảnh khắc và những suy tư này ghi lại, thì chúng ta sẽ không cần phải tốn công đi tìm kiếm trong kho tàng trí nhớ.
Tôi không phải là người có thói quen viết hàng ngày, nhất là với cách thức thổ lộ tâm sự với một tờ giấy trắng, phương cách đó làm tôi rất khó chịu! Nhưng gần đây tôi lại có cảm hứng ghi chép lại những lời hay, chuyện đẹp, cho đến những học hỏi hoặc những bài học vừa được trong đời sống hàng ngày.
Ngày 18/12/2010, trưa, tại Harden. Hôm nay theo phái đoàn đến viếng các địa điểm náo động về sự kiện giết hại nhóm người Hoa di dân đầu tiên trong mỏ vàng vào năm 1861. Tuy mình đã từng nghe nhiều sử tích về ‘chính sách bạch chủng’ hay chủng tộc kỳ thị trong cộng đồng người Hoa, nhưng hôm nay mình mới được đến tận nơi để chứng kiến những di tích dã man này của lịch sử. Trong lòng cảm thấy buồn buồn nhất là khi thấy cảnh hoang tàn của bãi tha ma, dành cho những nạn nhân đã bị người đời quên lãng!
Người phụ trách tổ chức ngày kỷ niệm 150 năm của sự kiện báo động này là một phụ nữ trung niên, ăn mặc quê mùa, thô sơ, nhưng rất lịch sự. Người nói: “Trong đầu năm, chúng tôi đã gây quỹ được gần $1200, và chúng tôi đang dự định tiếp tục gây thêm trong năm tới, để xây đắp lại những mộ bia này. Thấy tội cho họ quá, đã bị chết oan, lại không một chỗ yên thân cuối cùng! Tôi thỉnh thoảng có đến giẫy cỏ và dọn dẹp, tình cảnh bây giờ đã đở hơn xưa nhiều!…”. Mình tưởng bả là nhân viên thuộc một cơ quan quản lý di sản nào đó của nhà nước, nhưng khi về đến nhà bà ăn cơm tối, thì mới biết bà chỉ là một trong những người phục vụ tình nguyện cho cộng đồng đa văn hóa.
Gia đình bà ở trên một cái farm gồm có 350 cây olives và là nguồn sản xuất dầu olive cho địa phương và các vùng kề cận. Bà không mướn người làm, từ công việc thu hoạch, chế dầu cho đến đóng gói, vợ chồng bà đều tự làm lấy. Chẳng những vậy, bà có một cái art & craft shop nhỏ ở thị trấn, chuyên bán những sản phẩm công nghệ địa phương, và dĩ nhiên đó cũng là chỗ bán lẻ cho dầu olive của bà. Nhà bà là nhà cổ, khá to và rất có mùi vị nông thôn. Bên trong rất sạch sẽ và chưng bày rất nhiều thủ công nghệ do chính tay ba làm ra. Không những vậy, từ miếng rau, bẹ cải, hột trứng gà, cho đến những món ăn như mứt ngọt, đồ chua, đều là đồ sản xuất từ mảnh vườn nhỏ ở sau nhà. Một ngày 24 tiếng, bà đã làm việc hết 17 tiếng. Công việc hàng ngày của bà bắt đầu từ 6 giờ sáng mãi đến 11, 12 giờ đem. Người bận rộn đến mức độ này, nhưng vẫn có thời giờ và tâm tư phục vụ cho những tổ tiên mồ mả của người ta, chẳng những khác chủng tộc mà cũng là những người bà không hề quen biết, thật đáng khâm phục!
Mỗi lần về chùa, thấy biết bao nhiêu người (bao gồm mình trong đó) quỳ lạy và gỏ đầu bồm bộp dưới tượng của chư vị Bồ Tát, nhưng có mấy ai có thể thực hành được hạnh của Bồ Tát như bà. Người phụ nữ nông thôn này thật đáng cho người đời noi gương và kính ngưỡng!
Ngày 19/12/2010, sáng, tại Harden. Hôm nay là ngày tự do hoạt động của mọi người sau một ngày mệt mỏi hôm qua. Mình rủ người bạn lái xe tà tà chơi và sẵn đi hái trái cherries trước khi khởi trình về Sydney.
Trên đường về hướng ngoại ô, mình thấy có vài cái sập bán hàng nho nhỏ, chuyên bán sản phẩm của ‘cây nhà lá vườn’ như trứng gà, mật đường, cherry pies, dầu olive vv… Nhưng những cái sập đó lại không có người đứng bán! Người mua chỉ cần bỏ tiền theo giá quy định vào một cái hộp nhỏ có hàng chữ ‘chiếc hộp thành thật’ (honesty box). Hộp đó không khóa, nếu khách hàng không tiền lẽ, người có thể tự do mở hộp để lấy lại tiền thối. Những người du khách như tôi rất kinh ngạc nên đua nhau chụp hình để làm kỷ niệm, vì đó là một đại kỳ quán của xã hội ngày nay! Chiếc hộp thành thật làm mình nghĩ đến cảnh tượng của một xã hội Tiểu Khang mà Khổng Tử đã đề cập hơn hai ngàn năm về trước. Khi đọc bài ‘Đại Đồng và Tiểu Khang’ của ngài, có khi nào mình nghĩ một xã hội lý tưởng như vậy có thể thực hiện trên cõi đời này!
Mình cảm thấy không khí ở đây rất trong lành, luôn đến nhất thảo nhất mộc cũng gồm một khí chất đặc biệt. Người ta thường nói: địa linh nhân kiệt. Vì đất đai phì nhiêu, đầy linh khí, nên mới xuất hiện các bậc nhân tài xuất sắc. Nhưng ở đây lại là ‘nhân linh địa kiệt’… theo mình nghĩ, chính vì tâm hồn trong sạch của những người dân địa phương đã làm cho mảnh đất này trở nên một cỏi cực lạc của ta bà. Mình nhắm mắt lại thật lâu để tận hưởng những giây phút an lành xuất thế này, và hy vọng sự tinh khiết của bầu không khí, có thể tẩy đi một phần ô trược mà mình đã đem theo từ thành thị…
Ngày 03/01/2011, xế chiều – Vừa sang chùa rước mẹ về, vì hôm nay là ngày cuối cùng của khóa tu ngắn hạng. Khi vào đến nhà thì thấy trên mình mẹ thuốc dán đầy mình. Hỏi lại mới biết mẹ bị bịnh giày vò trong mấy ngày qua…
Nguyên nhân là mẹ bị thiếu ngủ, vì đồng hồ trong tiểu bang của mẹ chậm hơn Sydney 3 tiếng, giờ công phu sớm của khóa tu chỉ là giờ mẹ bắt đầu lên giường nghĩ ngơi khi còn ở bên nhà. Đồng thời bệnh phong thấp đột nhiên bị tái phát!… mẹ bị phong thấp đã lâu năm, không thể nằm xuống hay trỗi dậy trên chiếc giường hai từng được phân phát một cách dễ dàng, nhất là chiếc giường từng dưới, chiều cao không được thoải mái! Mẹ được một vị Sư Cô dẫn đến ngủ trong phòng riêng ở dưới hầm và vị Sư Cô rất tốt, có ý nhường chiếc giường lại cho mẹ, nhưng mẹ ngại không chịu nhận. Thế rồi hơi đất của hầm nhà xâm nhập vào tận xuơng tận cốt, làm cho đau nhức tột cùng!
Đối với mình, sức khỏe là vàng, nên mình liền hỏi mẹ sao không lên bạch với Thầy. Mẹ bảo: “Còn à, đi tu chớ đâu phải đi holiday! Một trong những mục đích của khóa tu ngắn hạn là để ta nếm thử đời sống của một vị tu sĩ – một đời sống quy luật, nghiêm chỉnh, nhất là phải biết chịu cực, biết nhường nhịn và biết sống hòa đồng với mọi người xung quanh mình… chớ còn ăn chay, thọ giới, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, nghe pháp, ở nhà làm cũng được thôi.”
Hàng ngày mình chỉ thấy mẹ ngồi niệm Phật, bất quá mỗi tháng về chùa lạy sám hối hai lần, ít khi thấy mẹ nghiên cứu kinh điển và học hỏi về giáo lý. Nhưng hôm nay mình mới thấy người chỉ ngồi niệm Phật chưa hẳn là không hiểu nhiều về đạo pháp! Chính vì những giây phút nhất tâm bất loạn trong lúc trì niệm danh hiệu của Phật, đã làm cho tâm của con người được bình thản, yên tịnh và một khi tâm không vướng bận về ngoại duyên ngoại cảnh, trí huệ tự nhiên trở nên sáng suốt.
Đây là một lý giải rất đơn giản, nhưng đến nay mình mới hiểu được! Đột nhiên mình lại nghĩ đến bài giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa về Hạnh Của Người Xuất Gia:
“Phải bốn người xuất gia trở lên cùng sống chung hòa hợp thì mới gọi là Tăng-đoàn. Ðó là ‘hòa giai cộng trụ’, không tranh không chấp. Một người xuất gia sống đơn độc không thể gọi là Tăng. Người xuất gia phải nghiêm trang gìn giữ bốn oai nghi–đi, đứng, nằm, ngồi. Nên nói: Ði nhẹ như gió, ngồi vững như chuông, đứng thẳng như cây thông, nằm như cung tên… Cao-tăng thuở xưa đều ngộ Ðạo trong khi tu hành khổ hạnh. Không một vị Tổ-sư nào khai ngộ trong khi hưởng thụ – tìm trong Ðại Tạng Kinh không thấy có một vị nào như thế cả.”
Phật dạy các Tỳ-kheo “nhật trung nhất thực, thọ hạ nhất túc”, mỗi ngày một bữa cơm, mỗi đêm một gốc cây. Đây chính là đời sống căn bản của một tu sĩ.