Tư Tưởng Tịnh Độ Của Nhị Tổ Thiện Đạo

(Bài thơ được cảm tác khi xem 2 bài về Hành trạng và Tư tưởng của Nhị Tổ Thiện Đạo của Tịnh Độ Tông)

Mời xem Hành Trạng Tổ Sư Thiện Đạo rất ngắn gọn Đai Sư Thiện Đạo người ở An Huy sanh vào thời nhà Đường. Trong niên hiệu Trinh Quán, nhân thấy bài văn Tịnh độ Cửu Phẩm Đạo Tràng của Đạo Xước Thiền Sư ở Tây Hà, ngài rất mừng bảo: “Đây mới thật là cửa mầu đi vào cảnh Phật. Tu các hạnh nghiệp khác xa vời quanh quất khó thành, duy pháp môn này mau thoát sanh tử!”.Từ đó ngài siêng cần tinh khổ sớm hôm lễ tụng. Ít lâu sau lại đến kinh sư, khuyên tứ chúng niệm Phật. Mỗi khi ngài vào thất quỳ niệm Phật, nếu chưa đến lúc kiệt sức, quyết không chịu thôi nghỉ. Lúc ra thất, mà vì đại chúng diễn nói pháp môn Tịnh Độ. Hơn ba mươi năm, Đại sư vừa hóa đạo, vừa chuyên tu, chưa từng ngủ nghỉ. Hằng ngày thường nghiêm trì giới hạnh không để sai phạm một mảy may. Khi được cúng dường thức ăn ngon quý, ngài đem dâng cho đại chúng, còn phần mình chỉ dùng thứ thô dở mà thôi. Tài vật của dân tín cúng cho, ngài dùng tả hơn mười muôn quyển kinh A Mi Đà, họa cảnh Tịnh độ được ba trăm bức. Ngoài ra, thì dùng vào việc sửa sang chùa tháp, thắp đèn nối sáng, không chứa để dư.

Kẻ đạo người tục quy hướng theo đức hóa của ngài, niệm Phật rất nhiều kể đến số hàng vạn. Nhóm này thì tụng kinh A Mi Đà từ mười vạn đến năm mươi vạn biến. Nhóm khác mỗi ngày đêm niệm Phật từ một muôn đến mười muôn câu. Trong đó những người hiện tiền chứng Tam Muội, lúc lâm chung được thoại ứng vãng sanh, đông không thể kể xiết.

Có người hỏi: “Niệm Phật quyết chắc được vãng sanh chăng?” Ngài đáp: ” Như ông tin tưởng và thực hành, chắc chắn sẽ được toại nguyện!”. Nói xong, ngài tự niệm: Nam Mô A Mi Đà Phật, liền một tia sáng từ trong miệng phóng ra. Kế lại liên tiếp từ mười đến một trăm câu, mỗi câu đều có ánh sáng quang minh dài nối nhau khiến sáng rực cả chùa. Sự thần dị này truyền đến Đế kinh, vua Cao Tôn nghe được phụng tứ một tấm biển sắc tặng hiệu chùa là Quang Minh Tự.

Đại sư có bài kệ khuyên tu như sau:

Da mồi tốc bạc lần lần,
Lụm cụm bước run mấy chốc.
Dù sang vàng ngọc đầy nhà,
Vẫn khổ suy già bịnh tật.
Ví hưởng khoái lạc ngàn muôn,
Đâu khỏi vô thường chết mất?
Duy có đường tắt thoát ly
Chỉ niệm A Mi Đà Phật!

Có người gạn:

– Sao Hòa thượng không dạy người quán tưởng Phật, mà chỉ bảo chuyên trì danh?
Ngài đáp:

– Chúng sanh đời nay phần nhiều chướng nặng tâm thô, thức thần tán động, mà cảnh Tịnh Độ rất tế diệu, nên quán tưởng khó thành. Vì thế đức Phật xót thương, khuyên thẳng nên xưng danh hiệu. Chính vì xưng danh hiệu là hạnh dễ làm, nếu cứ giữ mỗi niệm nối nhau tu như thế suốt đời, thì mười kẻ niệm mười kẻ được vãng sanh, trăm người tu trăm người về Tịnh độ. Tại sao thế? – Vì không duyên tạp bên ngoài, nên dễ được chánh niệm. Vì cùng với bản nguyện của Phật hợp nhau. Vì không trái với kinh giáo. Vì thuận theo lời Phật và chư Thánh chỉ dạy.

Nếu bỏ chuyên niệm mà tu xen tạp những hạnh khác, thì trong trăm ngàn người chỉ hy vọng được ba bốn kẻ vãng sanh. Bởi tại sao? – Vì duyên tạp loạn động khiến cho mất chánh niệm. Vì không hợp với bản nguyện của Phật A Mi Đà. Vì trái với kinh giáo và lời Phật, Thánh. Vì sự hệ niệm không nối tiếp nhau. Vì tâm không thường nhớ Phật. Vì tuy hành đạo mà thường tương ưng với danh lợi. Vì thích theo duyên tạp, làm chướng chánh hạnh vãng sanh của mình và người.
Gần đây, hàng đạo tục kiến giải không đồng, kẻ thích chuyên tu, người ưa tạp hạnh. Xin khuyên nhắc: Nếu chuyên niệm Phật, mười kẻ niệm mười kẻ được vãng sanh. Như tạp tu mà không chí tâm, thì trong ngàn người khó mong được một. Nguyện tất cả đều nên chín chắn tự suy xét kỹ!

Lại người niệm Phật đi đứng nằm ngồi, phải cố gắng nhiếp tâm ngày đêm chớ rời thánh hiệu, thề quyết giữ đến hơi thở cuối cùng. Như thế tới lúc mãn phần, niệm trước vừa thọ chung, niệm sau liền sanh Cực lạc. Từ đây vĩnh viễn hưởng sự vui pháp lạc vô vi cho đến khi thành Phật, há chẳng đáng mừng ư?”
Đại sư cũng từng dạy phương pháp giữ vững chánh niệm trong lúc lâm chung như sau:

– Người niệm Phật khi sắp mãn phần, muốn được sanh về Tịnh Độ, thì điểm cần yếu là đừng sợ chết. Phải thường nghĩ thân này nhơ nhớp, biết bao điều khổ lụy trói vây! Nếu bỏ được thân huyễn hôi nhơ, sanh về Cực Lạc thọ thân kim cương thanh tịnh, sẽ thoát khỏi luân hồi khổ thú, hưởng vô lượng sự an vui. Ví như bỏ chiếc áo cũ rách đổi lấy đồ trân phục, còn điều chi đáng thích ý bằng! Nghĩ như thế, buông hẳn thân tâm không còn lo buồn tham luyến. Lúc vừa có bịnh, liền tưởng đến sự vô thường, một lòng niệm Phật chờ chết. Nên dặn thân thuộc chớ lộ vẻ bi thương, cùng bàn việc hay dở trong nhà. Nếu có ai đến thăm, chỉ khuyên nên vì mình niệm Phật, đừng hỏi thăm chi khác. Cũng không nên dùng lời dịu dàng an ủi, chúc cho sớm được lành vui, vì đó chỉ là chuyện bông lông vô ích. Phải bảo trước cho quyến thuộc biết, lúc mình bịnh ngặt sắp chết, đừng rơi lệ thương khóc, hoặc phát ra tiếng than thở âu sầu, làm kẻ lâm chung rối loạn tâm thần, lạc mất chánh niệm. Nói tóm lại, tất cả chỉ giữ một việc xưng danh trợ niệm cho đến sau khi tắt hơi. Nếu lại được bậc tri thức hiểu rành về Tịnh độ, thường đến khuyên thật là diệu hạnh! Như lúc lâm chung biết áp dụng phương pháp này tất sẽ được vãng sanh không còn nghi ngờ chi nữa.

Việc vượt qua cửa tử là điều rất quan hệ lớn lao, phải tự mình gắng sức mới được. Nếu một niệm sai lầm, tất nhiều kiếp sẽ chịu khổ lụy đâu có ai thay thế cho mình? Phải chú ý nghĩ suy và nghi nhớ kỹ!

Một hôm, Đại Sư bỗng bảo người rằng: “Thân này đáng chán, ta sắp về Tây!” Nói xong leo lên cây liễu trước chùa, chấp tay hướng về Tây chúc nguyện rằng: Xin Phật và Bồ Tát tiếp dẫn con, khiến cho không mất chánh niệm, được sanh về cực Lạc. Nguyện xong, gieo mình xuống nhẹ nhàng như chiếc lá rơi, ngồi kiết già ngay thẳng trên mặt đất.

Đại chúng vội chạy đến xem thì ngài đã tắt hơi viên tịch.

Lời bình:

Các bậc tu thiền đắc đạo, muốn biểu hiện sự sống chết tự tại, có vị đứng mà hóa, có vị trở ngược đầu xuống đất đưa hai chân lên trời mà viên tịch. Nếu chưa phá tan ngũ uẩn, khi từ trên cao rơi xuống, dù bậc phục được hoặc phát ngộ cũng khó giữ vững được chánh niệm. Hành động của Thiện Đạo đại sư, từ trên cây gieo mình xuống đất ngồi kiết già mà hóa, là biểu hiện sự sống chết tự tại, tuỳ niệm vãng sanh một cách tuyệt mức. Đại sư muốn ngầm khai thị: “Niệm Phật được nhất tâm chứng ngộ, thì Tịnh tức là Thiền vậy. Dịch Việt: HT. Thích Thiền Tâm

Và để giải đáp thắc mắc cách xếp hạng 13 vị Tổ Tịnh Độ Tông “ Tại sao Ngài lại được xếp vào Nhị Tổ mà không phải là Sư Phụ Đạo Xước “ kính mời xem lời bình giải của Đại Sư Diễn Bồi sau đây :

Từ đệ nhất Tổ Liên tông là đại sư Huệ Viễn đến cận đại có đại sư Ấn Quang, Liên tông cộng tất cả 13 vị Tổ, điều này hầu như mọi hành giả Tịnh độ đều biết. Ngoài ra còn có hai vị đại sư là Đàm Loan và Đạo Xước, hai ngài không chỉ nổ lực hoằng dương Tịnh độ, mà còn cống hiến đặc biệt cho Tịnh độ, nhưng lại không có tên hai ngài trong chư Tổ Liên tông, điều này khiến cho mọi người rất khó lý giải. Căn cứ vào 13 vị Tổ Liên tông hiện tại mà xét, Trường An Quang Minh Thiện Đạo là vị Tổ thứ hai, nhưng tư tưởng của ngài hấp thụ trực tiếp truyền thừa từ hai ngài Đạo Xước và Đàm Loan chứ không phải bắt nguồn từ vị Tổ đầu tiên là ngài Huệ Viễn. Nhân vì thầy của Thiện Đạo là Đạo Xước, thầy của Đạo Xước là Đàm Loan, đến sự thọ pháp của ngài Đàm Loan lại từ ngài Bồ-đề-lưu-chi, đây mới chính là một mạch truyền thừa chơn chánh, nhưng chủ trương của ngài Thiện Đạo là do sức bổn nguyện của đức Phật mà được vãng sanh. Cõi Tịnh độ vãng sanh là Báo độ chứ không phải là Hoá độ, nhưng chủ thuyết của ngài Huệ Viễn là do nghiệp lực mỗi chúng sanh mà sanh về Hoá độ có tốt có xấu. Xét tư tưởng của hai Ngài thì thấy rất khác nhau. Hơn nữa pháp môn niệm Phật hoằng thông nhờ tha lực là do ngài Đàm Loan chủ trương ở Đông Ngụy mà Tịnh độ tông được thành tựu là do ngài Đạo Xước ở Bắc Tề! Cho nên tôi (đại sư Diễn Bồi) muốn giới thiệu sơ lược về nhị vị Đại đức Tịnh độ tông này.

Nay tìm thấy kết quả một công án
Về cách xếp hạng của 13 vị Tổ Tịnh Độ !
Tại sao giữa Ngài Huệ Viễn và Tổ thứ nhì Thiện Đạo
Khoảng cách lại rất xa ! (1)
Vì rằng …
tư tưởng Tịnh Độ này đã được chuyển đổi chút mà
Từ Sư Phụ Đạo Xước
thành phương tiện phù hợp phàm phu đó (2)
“Cõi Tịnh Độ vãng sanh là Báo Độ không phải Hóa Độ “
Dựa vào luận thuyết Ngài Long Thọ,sẽ rõ (3)
“Đạo khi nào nan hành và khi nào dị hành ?”
Chớ tranh cãi ! chỉ cần thuyết tam tâm và thuyết xưng danh
Luôn trường thời, vô gián , miên mật chỉ quán
Cũng không thể người thập ác khi mệnh số mãn
Làm sao niệm mười danh hiệu Phật cách bất loạn !
Khuyên người người cần tu dưỡng phước trí mỗi sát na
Chép kinh, trì tụng, quán niệm tự tánh Di Đà
Thiền , Tịnh pháp môn nào cũng tốt
vì trăm sông đều chảy về biển cả !

Huệ Hương

_________________

(1) 1- Sơ Tổ Huệ Viễn (334-416)
2- Đại Sư Thiện Đạo (613-681)
3- Đại Sư Thừa Viên
4-Đại Sư Pháp Chiếu
5-Đại Sư Thiếu Khang
6-Đại Sư Vĩnh Minh, Diên Thọ
7-Đại Sư Tinh Thường
8 -Đại Sư Châu Hoằng- Liên Trì
9-Đại Sư Tri Húc
10-Đại Sư Hành Sách
11-Đại Sư Tĩnh Am, Thật Hiền
12-Tế Tỉnh Đại Sư ( còn gọi là Triệt Ngộ )
13-Ân Quang Đại Sư ( 1862-1940)

Cuối đời HT Tịnh Không đã đề nghị Tổ thứ 14 là Đại Sư Hải Hiền

(2) Thể tánh của đức Phật A Di Đà là vô lượng thọ, vô lượng quang, là Phật Pháp thân. Giáo lý đại thừa đều chấp nhận rằng Pháp thân bao trùm tất cả thế giới. Thế giới Cực Lạc hiểu theo nghĩa Pháp thân Phật thì đó là cảnh giới thanh tịnh, thuộc về tâm.
Từ thể tánh thanh tịnh của Phật A Di Đà biểu hiện ra cảnh giới Cực Lạc (Tịnh độ) là hoàn toàn phù hợp với những lời dạy của Liên Tông Tịnh Độ mà trong đó tư tưởng Nhị Tổ Thiện Đạo rất phù hợp cho phàm phu “chúng ta không thể dựa vào tự lực để đến được Thế Giới Báo Độ cao diệu của Đức Phật A Di Đà, chỉ nhờ vào nguyện lực của Đức Phật mới có thể vào.”

(3) Bồ-tát Long Thọ nêu rõ hai con đường khó và dễ, ngài không chủ trương chúng sanh tu tập theo đạo dễ hành, mà chủ trương chúng sanh nên tự gắng sức để thành Phật. Tổ Sư Long Thọ cho rằng Đức Phật vì lòng từ bi, thương xót những người tâm địa kém cỏi nên mới đưa ra pháp môn phương tiện là đạo dễ hành.
Đại sư Thiện Đạo nhận định rằng, ngài Long Thọ không chủ trương đạo dễ hành vì thời đại của ngài chưa phải là thời mạt pháp, chúng sanh phần nhiều là lợi căn, nên đạo khó hành thích hợp với họ.
Còn hiện tại, thời Đại sư Thiện Đạo đang sống là thời mạt pháp, chúng sanh đều là hạng độn căn, không thể thực hành được pháp môn của bậc thượng căn, họ không đi nổi con đường nhọc nhằn. Chúng sanh trong thời mạt pháp, chỉ có một con đường họ có thể đi được, đó là đạo dễ hành.
Bằng không thì chúng sanh sẽ vĩnh viễn chìm trong dầu sôi lửa bỏng, không thể giải thoát. Đại sư Thiện Đạo cho rằng đặc trưng của tông Tịnh Độ là chấp trì danh hiệu Đức Phật A-di-đà, đây là con đường duy nhất để chúng sanh thời mạt pháp cầu giải thoát

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.