Nhân ngày Đức Phật vào Đại Niết Bàn

(Mỗi năm vào ngày rằm tháng hai âm lịch, năm nay 2024 năm Giáp Thìn, ngày Đức Phật vào Đại Niết Bàn là 24/3/2024 )

Thành Kính Tưởng Niệm…
“Ngày Đức Phật nhập Đại Niết Bàn lúc 80 tuổi”
Toàn bộ lời thuyết pháp lần cuối được ghi lại trong kinh
Vừa căn dặn đệ tử
tự là hòn đảo và tự thắp sáng chính mình,
Vừa cô đọng,
những điểm căn bản chính yếu trong giáo lý !
Phải luôn đi theo Chánh Đạo với BI, DŨNG, TRÍ !

Nhiều lần tư duy suy nghiệm ý nghĩa hai chữ Niết Bàn
Là thoát khỏi phiền não, chấm dứt nghiệp báo hoàn toàn
Niết Bàn chính là điểm kết thúc cũng là khởi đầu mới. (1)
Là cảnh giới cao nhất, các chúng tăng, tục hướng tới!

Kính ghi nhớ lời Ngài :
“ để tìm được Niết Bàn, không cần phải tìm đâu xa
Chỉ cần hiểu được quy luật vô thường, vô ngã,
tự giác ngộ sẽ thấy ra “
Như củi khi đốt hết thì lửa tự động tắt. !
Khi không còn dục vọng,
tam nghiệp thanh tịnh, hạnh phúc chân thật !
Trả lại cho thân tâm sự mát mẻ thanh lương.

Kinh ghi lại …
tại Kusinara, có đạo sĩ hành khất du phương
Subhadda, đệ tử cuối cùng đã lãnh hội lời dạy (2)
Trở thành một trong những A La Hán đương đại

Trộm nghĩ
“Nếu kinh Đại Bát Niết Bàn gồm 2 quyển quá dài (3)
Hãy đọc Bài thứ 16 trong Trường Bộ kinh ngay “ (4)
Học và tu tập để nhận thức rõ …
Niết Bàn của Đạo Phật là cảnh giới thật có !

Hãy lắng tâm cảm nhận bài thuốc của đại lương y
Tất cả đều là cam lộ thủy, bất khả tư nghì
Hơn thế nữa hiểu lý do
vì sao Đức Phật chọn Kusinara để nhập diệt! (5)

Nhân ngày Phật nhập Đại Niết Bàn khẩn thiết nguyện :
“ Theo dấu chân Như Lai từng bước,
tháo gỡ tam độc gông cùm,
Kính tưởng niệm ân đức Ngài
với những dòng sữa pháp thấm nhuần “
Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác
ưu việt mọi thời đại, mọi thế kỷ !!!

Úc Châu ngày 23/3/2024
Phật Tử Huệ Hương

_______________

(1) Kết thúc tham – sân – si và sinh – lão – bệnh -tử và khởi đầu chính là thoát khỏi lục đạo luân hồi
(2) Đức Phật dạy:
“Trong bất luận giáo đoàn nào, nếu không có Bát Chánh Đạo thì cũng không có hạng nhất đẳng Sa Môn(Samana) cũng không có nhị đẳng, tam đẳng hay tứ đẳng Sa Môn
Trong giáo đoàn nào có Bát Chánh Đạo, này Subhadda, thì có hạng nhất đẳng Sa Môn, nhị đẳng, tam đẳng và tứ đẳng Sa Môn.”
(3) Kinh Ðại Bát Niết Bàn của Phật Giáo Bắc Tông bao gồm hai bản: Phật Thuyết Phương Ðẳng Bát Nê Hoàn Kinh, do ngài Dharmaaksa (265-316), đời Tây Tấn dịch và Ðại Bát Nê Hoàn Kinh, do ngài Pháp Hiển và Buddhabadhra đời Ðông Tấn (317-420) dịch.
Bản Việt ngữ của Phật Giáo Bắc Tông do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch từ bản Hán văn, Tịnh Xá Minh Ðăng Quang, Hoa Kỳ tái Xuất Bản năm 1990, dầy 1500 trang gồm tất cả hai mươi chín phẩm (chương), được phân ra làm hai quyển, quyển 1 từ phẩm 1 đến phẩm thứ 21 và quyển hai từ phẩm 22 đến phẩm 29.
(4) Mahàparinibbàna sutta
(5) theo bản Chú Giải, Đức Phật chọn Kusinara để nhập diệt vì ba lý do.
Lý do đầu tiên là để thuyết bài Pháp Mahasudasana Sutta nhằm khuyến khích đời sống đạo hạnh.
Thứ nhì là để dẫn dắt Subhadda, người đệ tử cuối cùng của Ngài, vì ngoài Đức Phật ra không ai có thể thuyết bài này được.
Thứ ba là để cho vị Bà La Môn Dona có thể phân chia xá lợi của Ngài một cách êm thấm giữa những người sùng mộ Ngài.

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.