Chiếc Cầu – Vẫn Bền Bỉ Đồng Hành – Nhịp Cầu Tu Học…

CHIẾC CẦU

Làm chiếc cầu nghĩa là chấp nhận
Một ngày trôi… không luận bao xe
Lại qua… qua lại… nào chê…
Có nào than thở tỉ tê chút nào

Như Phật Tử chớ xao và động
Giữa ta bà lồng lộng thị phi
Một lòng vững bước mà đi
Phương Tây đã quyết có khi nào rời

Như Phật Tử luôn cười muôn thuở
Gieo lòng người hoa nở xinh xinh
Cùng nhau kết chặt nghĩa tình
Về đâu đi nữa chúng mình há quên

Như Phật Tử lòng thênh thang mở
Tha thứ luôn không nở phê bình
Giữ gìn hai chữ chân tình
Mỗi ngày chỉ xét lỗi mình mà thôi

Như chiếc cầu muôn đời không đổi
Giữa đất trời nào chối ngựa xe
Mỗi ngày qua lại đi về
Cúi đầu chấp nhận… không hề oán than

Nguyễn Thiên Nhiên

_________________

Vẫn bền bỉ đồng hành.

Quê hương mình có biết bao dòng sông đổ ra biển!
Gắn liền những dòng sông ấy là những chiếc cầu
Vẫn bền bỉ đồng hành, với dấu ấn cao sâu.
Khi là chứng nhân lịch sử,
lúc đổi thay theo sự phát triển (1)

Gắn liền mọi thăng trầm, nhưng bất biến!
Từ cầu khỉ, cầu tre đến
những cây cầu hiện đại vừa mới hoàn thành
Luôn nối liền hai bờ không gian rất an toàn
Là niềm hạnh phúc của người dân trong mỗi thời đại !

Là người con Phật
mỗi chặng đường tu học đều nhìn lại !
Hành trình tâm linh với “ôn cố tri tân”
Không lạc lỏng trong giấc mộng …
“Hoài cổ “ làm thuốc an thần
Mà cần bao dung và cầu tiến để vượt qua cản trở !

Chấp nhận những tinh anh khác nhau với lòng rộng mở
Như chiếc cầu hôm nay, hiện đại, đẹp, to lớn, vươn xa
Theo đà tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp thăng hoa
Nhờ tự do học hỏi nghiên cứu, suy tư, trao đổi tư tưởng!
Như tam tạng kinh điển là cầu nối
đồng hành với người biết hân hưởng !

Huệ Hương

(1) -chứng nhân lịch sử, in dấu tích của chiến tranh, là trang sử hào hùng, trở thành di tích lịch sử như cầu Hàm Rồng, cầu Hiền Lương. Cầu Long Biên (Hà Nội), cầu Trường Tiền (Huế)…
…—Ghi lại sự phát triển theo nhu cầu thời đại: Cầu Bính (Hải Phòng), Cầu Sông Hàn (Đà Nẵng), Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang – Vĩnh Long), cầu Cần Thơ (Cần Thơ – Vĩnh Long)

_________________

 

Nhịp Cầu Tu Học

Thuở nhỏ ở làng quê.
Từ nhà muốn đi học.
Phải qua cầu khỉ tre!
Từng bước chân e dè.
Cầu lắc nhẹ cò ke !
Nâng bàn chân bước nhẹ.
Bờ kia thấy trường nè !

Lớn lên rời luỹ tre.
Xã hội càng phát triển.
Đưa bước chân ra tỉnh.
Cầu gổ hiện đại nè.
Giúp tuổi thơ khôn lớn.
Học trường tỉnh thay làng.
Trưởng thành nhờ cầu đó.

Con Phật từ thuở nhỏ.
Hiểu biết nhờ cầu tre.
Trưởng thành quay nhìn lại.
Qua cầu lớn hay bè.

Phật tử mới phát tâm
Nhờ cầu nối chư tăng.
Đang Tục Diệm Truyền Đăng.
Soi đường cho Phật tử.
Noi ánh đuốc đạo vàng.
Bước chân đường tu học.
Nhờ nhịp cầu Tam Bảo.
Kinh điển nối kết nhau.
Con Phật chớ lãng sao.
Cầu Phật : Bi -Trí – Dũng.
Tu vượt qua ba cầu.
Con thấy được bến bờ

Viên An

_________________

Chiếc Cầu – Vẫn Bền Bỉ Đồng Hành – Nhịp Cầu Tu Học…

Chiếc cầu mặc kẻ… lại qua
Đôi bờ kết nối, đó là thiên duyên
Nắng mưa không chột dạ phiền
Sẵn sàng chào đón, như nguyên… ban đầu

Pháp tăng cững thế chiếc cầu
Đưa nhiều Phật tử vượt dâu bể đời
Dựa theo kinh điển răn lời
Một lòng vững bước, về nơi an lành

Vẫn bền bỉ chí đồng hành
Thăng trầm bất biến, hoàn thành đường tu
Chiếc cầu dẫn thoát mây mù
Chính là giải khỏi ngục tù… tử sinh

Vẫn bền bỉ tránh u minh
Cảnh trần giấc mộng, dây tình… cố tri
Luyến lưu hoài cổ sầu bi
Lãng sao hiện tại, chọn đi hướng nào

Nhịp cầu tu học sát xao
Sa chân lỡ bước, đảo chao mấy hồi
Lúc đầu như trẻ thơ thôi
Qua cây cầu khỉ, e rồi… té sông

Nhịp cầu tu học thành công
Một lòng tin tưởng, vững… không thể lùi
Nương theo ánh đuốc rèn trui
Hành Bi -Trí – Dũng an vui… từng ngày

Khổ đau, hạnh phúc nơi đây
Do tâm, ý khởi đầu dây… cơ cầu
Đôi bờ trong, đục xa đâu
Lạc chân xảy bước, bể dâu luân hồi

Cây cầu giác ngộ xây rồi
Phật Đà minh chứng, còn ôi… ngại gì
Thênh thang rộng mở chờ đi
Vẫn bền bỉ đợi… người quy y về

Ta bà rời khỏi bờ mê…

tp

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.