Nhẫn – Sức Mạnh Làm Chủ Bản Thân – Học Hạnh Của Đất…

NHẪN

Vạn sự lành bắt nguồn chữ nhẫn
Phật Tử mà luôn ngẫm thật hay
Đường đời, đường đạo luôn may
Từng lời ái ngữ … rõ ngay dáng hiền

Từ buổi đó không phiền hay não
Dẫu cho nhiều giông bão cuộc đời
Trên môi luôn nhẹ nụ cười
Giữa trời đất rộng … thời thời bình an

Ngày tháng trôi … bạc vàng không đổi
Đã tỏ thông đường lối tu hành
Điều ba … lục độ … rõ ràng
Có thêm nhân tốt để dành về sau

Đời trăm năm … trôi mau … ao ước
Hạnh nhẫn này … sau trước y nguyên
Với người kết mối nhân duyên
Ta Bà buổi đó là phiền não … không

Luôn mở lòng tạ ơn tất cả
Thuận, nghịch duyên thong thả nhẹ trôi
Nụ cười mãi đọng trên môi
Giữa trời cao rộng mây bay gió đùa

Nguyễn Thiên Nhiên

_________________

Sức mạnh làm chủ bản thân…

Phật dạy phương pháp “Nhẫn Nhục”
để đối trị lòng sân hận!
Đấy cũng là
phẩm chất đạo đức thể hiện của con người,
Chịu đựng bức bách, hủy hoại mà vẫn mỉm cười
Với tâm an tịnh, thong dong
phá được mọi ưu tư phiền não (1)

Đạo hành kham nhẫn, lại có thể giúp chuyển hoá!
Kỹ năng thanh cao hướng thượng của tâm linh
Chứng tỏ năng lực tu tập,
tha thứ bao dung có nơi mình,
Khi vượt khỏi sức nóng bức của dòng sông lửa sân hận!

Đến từ hai loại Sanh nhẫn và Pháp Nhẫn (2)
Mà trong nhiều tình huống, hoàn cảnh khó khăn
Biết bình tĩnh chấp nhận, giải toả cảm xúc trào dâng
Đối phó thích hợp với xung đột, ôn hòa giải quyết
Để khi thời gian trôi qua, nhìn lại không hối tiếc!

Thấy rõ rằng
“Nhẫn nhục” là sức mạnh làm chủ bản thân (3)
Tự nhủ được gặp
nghịch hạnh Bồ tát, lại càng phải tri ân
Và mọi thứ tai họa biến thành phúc lạc !
Dù cho đối đầu vài lời nói mất kiểm soát! (4)

Huệ Hương

(1) Hai câu đối nơi chùa Từ Đàm -Huế
Một chút giận, hai chút tham,
Lận đận suốt đời ri cũng khổ.
– Trăm lần nhịn, ngàn lần lành
Thong dong tất dạ thế mà vui.
(HT Thích Thiện Siêu)
(2) Phật dạy Nhẫn có hai loại: một là nhẫn với tất cả chúng sanh, hai là nhẫn trong mọi hoàn cảnh, danh từ Phật giáo gọi là Sanh Nhẫn và Pháp Nhẫn.
1. Sanh Nhẫn: Gồm có 2:
a. Đối với người dù thân hay sơ, ta đều khởi tâm cung kính, tôn trọng. Ta thường nhường nhịn mà không chấp trách sân hận, cho dù họ khó tánh, có những ngôn ngữ thô tục khiêu khích, có những cử chỉ ngang ngược đối với ta.
b. Đối với các loài vật, dù nhỏ như ruồi, muỗi, sâu kiến… làm cho chúng ta khó chịu nhưng không bao giờ khởi tâm tức giận giết hại ta cần có một tình thương rộng lớn, một sự chịu đựng cao độ, một lòng tha thứ rộng rãi.
2-Pháp Nhẫn: cũng có 2:
a. Đối với cảnh bên ngoài như: gió, mưa, nóng, lạnh, đói, khát, già, bệnh, chết chóc… ép bức thân thể ta đau đớn khó chịu mà ta vẫn thản nhiên không bực tức, không than thở, không quở trời trách đất.
b. Đối với tự tâm, khi tiếp xúc với những cảnh buồn rầu tủi hổ ta yên lặng chịu đựng đã đành, trái lại gặp những cảnh vui vẻ vinh dự cũng vẫn bình tĩnh thản nhiên, thất bại không chán nản, thành công không kiêu hãnh.
(3) chương 15 kinh Viên giác
Có vị Sa môn hỏi Ðức Phật: “Ðiều gì là mạnh nhất? Ðiều gì là sáng nhất?” Ðức Phật dạy: “Nhẫn nhục là mạnh nhất vì không chứa ác tâm nên tăng sự an ổn. Nhẫn nhục là không ác, tất được mọi người tôn kính. Tâm ô nhiễm đã được đoạn tận, không còn dấu vết gọi là sáng nhất, nghĩa là tất cả sự vật trong 10 phương, từ vô thỉ thuở chưa có trời đất cho đến ngày nay không vật gì là không thấy, không vật gì là không biết, không vật gì là không nghe, đạt được Nhất thiết trí, như vậy được gọi là sáng nhất”.
(4) “Lời nói không là dao,
Sao cắt lòng đau nhói?.
Lời nói không là khói,
Sao khóe mắt cay cay?
Lời nói không là mây,
Sao đưa ta xa mãi?
Sao không suy nghĩ lại?
Nói với nhau nhẹ nhàng.

_________________

Học Hạnh Của Đất…

Là Phật tử, làm lành lánh dữ.
Tạo Phước lành học Nhẫn hàng đầu.
Sân hận không tồn tại được lâu.
Lời ái ngữ luôn nghe nhẹ lòng.

Học làm người đừng quên hạnh đất.
Đất hiên ngang nhận hết thứ gì.
Chất dơ, chất thải, đến thây người!
Đất đại nhẫn, dang tay nhận hết.

Rồi thời gian, âm thầm hoá giải.
Biến rác mùn thành chất hữu cơ.
Nuôi dưỡng cây cho củ, quả chờ.
Chấp nhận dơ cho đời hữu ích !?

Người muốn Nhẫn cao, học hạnh đất.
Nhận chất dơ, ôm trọn nghịch duyên.
Thời gian trôi biến dưỡng hết liền
Mọi tai họa biến ra phúc lạc !

Ôi cao cả thay hạnh của đất.
Hạnh tối cao của nhẫn nhục rồi !
Vạn vật xinh tươi do đất bồi.
Trần gian đẹp, đất cho mầm sống !

Học Hạnh Đất, Tối Cao Chữ NHẪN…

Viên An

_________________

Nhẫn – Sức Mạnh Làm Chủ Bản Thân – Học Hạnh Của Đất…

Nhẫn là… làm chủ bản thân
Học theo sức mạnh từ ân… viên thành
Đạo, đời nhân ái… hạnh lành
Bão giông, phiền não ngọn ngành… họa tai

Chủ do nóng vội… làm ngay
Bản thân chưa… nhẫn nhục, bày nghịch duyên
Mở lòng thong thả, như nhiên
Nhân từ kết mối lành… liền hòa an

Hận sân đối trị… xóa tan
Hiềm nghi, nhẫn nhục… ngày càng tỏ thông
Tịnh tâm tất được thong dong
Mỉm cười coi nhẹ, hóa không… mọi điều

Học tu kham nhẫn… tuyệt chiêu
Chủ thân, khẩu ý triệt… tiêu lỗi lầm
Biết… bình tĩnh, nhận bằng tâm
Để không nông nổi, lòng cầm… tiếc sao ???

Hạnh lành… của đất tốt bao
Mặc cho dơ bẩn, trút vào… nên phân
Nhẫn… khi duyên đủ, thành nhân
Nuôi cây… hoa trái ra ân, trả người

Hiên ngang đất vững… mười mươi
Từng ngày nhẫn nhục, trêu ngươi… lặng bình
Chủ nhân loại… vẫn là mình
Trần gian vạn vật, thật tình… ai hơn

Nghịch duyên đều có… nguồn cơn
Tu hành pháp nhẫn, cảm ơn… mọi điều
Hận sân, tam độc… muốn tiêu
Giữ tâm… đừng khởi ác, liều thuốc an

Trăm lần nhịn, vạn… thiện lành
Bản thân đỡ vướng, phân tranh… mua phiền
Thứ tha tu dưỡng… trước tiên
Mỉm cười… tất sẽ được yên cà đời

Bực chi… cho khổ người ơi !!!

tp

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.