CHƯƠNG 1
Chiếc xe từ từ chuyển bánh sau nửa giờ nằm đợi khách. Quang cảnh bến xe náo nhiệt chẳng khác gì chợ tết, tiếng rao hàng rong, tiếng quảng cáo thuốc gia truyền, tiếng ca hát của người ăn xin, tiếng đưa tiễn, réo gọi, dặn dò, nhắc nhở… thật là ồn ào phức tạp, người qua kẻ lại lẫn lộn đủ các thành phần.
Khánh Linh nhìn qua cửa sổ, quan sát bên ngoài một cách tỉ mỉ, trên gương mặt không lộ nét gì khó chịu dù nó trái ngược với nếp sống hàng ngày của cô. Mặt Linh vẫn tươi thắm an bình, trên đôi môi như muốn nở nụ cười trước cảnh tượng vô cùng hỗn độn ấy.
Ngoài trời nắng như đổ lửa, ai cũng vội vã chen lấn lên xe mong mau về tới nhà. Có một bà cụ và thiếu nữ vừa bước lên ngồi cùng băng ghế với Khánh Linh, xe chạy mới được một đoạn thì bà cụ đã nôn thốc tháo. Tội nghiệp cô con gái phải quýnh quáng lo cho mẹ. Khánh Linh cũng phụ thoa dầu và đánh gió nhưng cụ vẫn cứ mệt lã. Khánh Linh thấy cần phải đứng lên để nhường chỗ cụ nằm. Chú lơ xe nhìn thấy Khánh Linh đứng xớ rớ liền bảo:
– Cô ơi! Cô ngồi vào chỗ đi cô.
Khánh Linh nhẹ giọng năn nỉ:
– Cho cô đứng tạm một tí, bà cụ đang mệt chú à!
Băng ghế sau có hai thiếu nữ xinh đẹp, một cô cũng đang nằm dài chắc cũng đang say xe như bà cụ. Nhưng không, cô ta đã ngồi lên khi nghe Khánh Linh nói, rồi thì thầm điều gì đó với thiếu nữ bên cạnh. Cô gái ấy nói với Linh:
– Em con nhường chỗ xin mời cô ngồi.
Khánh Linh tươi cười đáp:
– Cô đứng được mà, em cứ nằm đi kẻo mệt.
Cô gái trẻ nhìn lên, đôi mắt mệt mõi ra chiều năn nĩ mời Linh ngồi. Cô chị cũng khẩn khoản:
– Em con chắc muốn nói chuyện với cô, mời cô ngồi đi cô. Chị em con đi đường xa sợ mệt nên mua ba ghế, em con ngồi lên được là con mừng lắm.
Khánh Linh nhìn hai cô gái sang trọng và xinh đẹp kia hơi lấy làm lạ nhưng cũng vui vẻ ngồi xuống. Cô em ngã đầu ra sau ghế đầy vẻ mệt mỏi chán chường, đôi mắt nhắm nghiền, vẻ mặt buồn rười rượi. Người chị thì tươi sáng hơn, nhưng có vẻ cưng chìu và lo lắng cho em quá. Cô em bảo nhỏ: “Nói chuyện đi chị Dương”. Người chị mỉm cười gợi chuyện:
– Cô đi tới đâu vậy cô?
– À! Cô về Hậu Giang.
– Vậy em cũng xuống đó, bộ cô ở dưới đó sao?
– Không! Cô đi nuôi người huynh đệ bị bệnh.
– Còn ta đi gây bệnh cho người! – Cô em nói rồi cười cay đắng, cười mà như khóc. Bỗng cô nắm lấy tay Khánh Linh hỏi:
– Sao cô đi tu vậy cô?
– Cô cũng không biết nữa, lớn lên đã thấy mình ở trong chùa tự bao giờ rồi – Khánh Linh tươi cười trả lời thành thật.
Thiếu nữ mở mắt ra nhìn Khánh Linh chăm chú. Cô gái có đôi mắt đen láy tuyệt đẹp núp dưới đôi mi dài cong vút, nhưng đôi mắt đẹp ấy sao có vẻ não nùng quá! Cô lại hỏi nho nhỏ:
– Vậy tu có khổ lắm không cô?
– Cực thì có nhưng khổ thì không.
– Sao lại cực mà không khổ?
– Tại vì mình tình nguyện chịu cực mà, thế thì có gì để khổ đâu!
– Sống sao giản dị quá nhỉ!
Cô gái cười mỉa mai rồi ngã đầu ra sau ghế nhắm nghiền mắt lại, lộ vẻ chán nản tột độ. Người chị hỏi tiếp:
– Thế có bao giờ cô biết buồn không?
– Buồn chuyện gì?
– Thì buồn về thân phận mình chẳng hạn.
Khánh Linh thở nhẹ ra cười đáp:
– Cũng có lúc buồn chứ! Ở Thiền viện nơi cô sống có cả thảy trên dưới tám mươi người, thỉnh thoảng các cô khác được gia đình, người thân đến thăm, còn cô thì chẳng bao giờ được nhận niềm vui đó. Nhưng có vui thì phải có buồn, hễ bất ngờ nhận được điện báo cha mất hay mẹ bệnh, hoặc anh chị em tai nạn gì đó thì vị thiền sinh kia đã bất an rồi! thấy cũng khổ lắm nên cô cũng an phận, chẳng dám mơ ước gì thêm! Phật dạy có bao nhiêu tình yêu thì có bấy nhiêu nổi khổ, ngược lại thì cũng tránh được nhiều vướng mắc lắm!
– Cũng có lý, nhưng sống như thế thì có gì vui đâu?
– Có chứ! Mình vui với những gì mình có, như mình vui vì mình có Thầy tổ, huynh đệ, bạn bè, có mái chùa thanh tịnh để ở, có vườn hoa tươi thắm để ngắm, có dòng sông trong mát để tắm, có bầu trời cao rộng, có ánh trăng sáng ngời, có dãy mây phiêu bạt để mà nhìn. Ta lại còn có thân thể, mắt, tai, mũi, lưỡi, trí óc… để sống, để nhìn, nghe, ngửi, nói năng, suy tưởng đủ điều. Ta hạnh phúc lắm chứ nếu ta biết trân trọng yêu quý và tận hưởng nó!
Thiếu nữ bỗng ngồi thẳng lên mở choàng đôi mắt sung sướng nói:
– Chị Dương! Có lý thật! Nghe cô nói em cũng thấy yêu đời ra muốn sống thêm nữa!
Khánh Linh hơi ngạc nhiên, người chị có tên Thùy Dương ghé sát tai cô nói nhỏ: “Trà Mi nó tự tử hai lần rồi đó cô”. Song sợ cô em biết Thùy Dương vờ cao giọng:
– Cô biết không, lúc nãy lên xe nhìn thấy cô, con có nói với Trà Mi: “Trên xe có một Ni cô dễ thương quá! Cô có cặp mắt trong sáng cùng với gương mặt, nụ cười tươi như đoá sen mới nở, ước gì cô ngồi gần mình để được nói chuyện chắc là vui lắm Trà Mi nhỉ?” Nhưng em con vẫn nằm im lìm, đến khi nghe lơ xe nói, nó mới hay cô đã nhường chỗ, nên ngồi dậy mời cô đó!
Trà Mi cười, nụ cười của cô đã có phần tươi tắn hơn:
– Cô ơi! làm sao để có thể dễ dàng bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại?
– Dù muốn dù không ta cũng phải chấp nhận thôi, chi bằng ta học sống theo người xưa cho khỏe: “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn” (Biết đủ liền đủ, đợi đủ bao giờ đủ. Muốn nhàn liền nhàn, đợi nhàn, bao giờ nhàn). Có một câu chuyện vui như thế này cũng đáng cho mình học lắm:
“Có một anh chàng khờ nọ vào rạp xem hát, không biết anh ta loay hoay thế nào mà đánh mất tờ giấy bạc năm trăm đồng. Tiếc của, anh ta mò tìm mãi nên không xem phim được. Người bên cạnh thấy tội nghiệp, liền bật hộp quẹt sáng cho anh ta tìm, nhưng vì tìm lâu quá sợ hết ga nên người nọ bảo anh: “Này anh bạn! Hãy lấy giấy mồi lửa để mà tìm”. Anh chàng nọ vì không tìm thấy giấy đâu bèn thò tay vào túi, tìm được tờ bạc năm ngàn liền mồi vào lửa”.
Em thấy buồn cười chưa? Nếu anh ta có tìm được năm trăm đồng thì cũng lỗ mất bốn ngàn rưỡi, mà lỡ như không tìm ra thì lại mất cả năm ngàn rưỡi. Thật là một hành động ngu xuẩn, ai cũng chê cười anh ta cả. Thế mà chúng ta đã từng làm những việc dại dột như anh chàng ấy mà không hề hay biết.
Cuộc đời đã cho ta rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Nhưng nếu rủi ro mất đi một tí, một phần, một chút nào đó, thì thôi ta hãy để nó qua đi cho rồi, ta hãy tận hưởng những gì còn lại. Nhưng chúng ta thường không chịu như thế, chúng ta giống hệt anh chàng khờ kia, mất năm trăm đồng bèn đốt tờ năm ngàn để đi tìm, có phải chúng ta đã từng hành động như thế không?
Trà Mi bỗng giật mình, thật sự ta đã ngu khờ y hệt như vậy, không những ta đốt tờ năm ngàn mà còn đốt cả tương lai, sự nghiệp, cuộc đời, để tìm cái đã mất. Ôi! Thật là ngốc nghếch làm sao!
Trà Mi nhìn cô với tất cả cảm tình:
– Nghe cô nói chuyện con vui lắm, thú vị lắm cô Khánh Linh ạ! Cho con hỏi nhỏ, năm nay cô bao nhiêu tuổi vậy?
– Cô hai mươi tám, còn hai bạn?
– Dạ, Con hai mươi hai, còn Trà Mi thì hai mươi – Thuỳ Dương trả lời
Trà Mi kêu lên:
– Không tin đâu, hai mươi tám gì mà muốn trẻ hơn Mi nữa đó, phải không chị Dương?
– Vâng, cô trẻ thật! – Thuỳ Dương cười thán phục.
Khánh Linh nghe quen những lời này rồi nên chẳng lấy gì làm lạ. Cô nhìn lên băng ghế trên như có ý thăm chừng bà cụ, hai cô gái cũng nhìn theo. Họ thấy bà cụ vẫn còn mệt lả, mắt nhắm nghiền, đầu gối lên chân cô con gái, gương mặt nhăn nheo vàng vọt, tóc bạc lơ thơ rối xòa. Khánh Linh nói nhỏ nửa đùa nửa thật: “Rồi một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ như vậy thôi!”
Như một luồng điện mạnh chạm vào cơ thể, Thùy Dương và Trà Mi nghe rờn rợn ở gáy, họ có vẻ khó chịu, không muốn chấp nhận sự thật này. Thùy Dương bảo nhỏ:
– Thấy thế hết ham!
– Càng thêm chán đời – Trà Mi tiếp lời.
Khánh Linh cười ngạc nhiên:
– Sao vậy? Thế mà Linh lại thấy vui lắm, khi biết mình rồi cũng sẽ như thế!
– Cô nói nghe mà ngược ngạo! làm sao ta có thể sung sướng yêu đời, khi biết mình sẽ già nua, xấu xí và bệnh chết?
– Vì biết rõ nó vô thường, mong manh và chóng mất, nên ta càng phải sống cho trọn vẹn phút giây hiện tại này chứ em!
– Con lại cảm thấy ghê sợ cái hiện tại đầy khổ đau chán nản này!
– Lạ nhỉ! Ở chùa, cô được học sự sống chỉ nằm trong hiện tại, giáp mặt được với hiện tại là tiếp xúc được với sự sống, có giải thoát giác ngộ, an lạc hạnh phúc hay không đều nằm trong phút giây hiện tại. Người biết sống là sống ngay trong hiện tại, không nuối tiếc quá khứ, không mơ tưởng tương lai, bởi vì quá khứ đã không còn mà tương lai thì chưa đến, tất cả chúng chỉ là ảo tưởng không thật mà thôi!
– Làm sao ta có thể rũ bỏ được nỗi thống khổ đang đầy ắp trong lòng mình ở hiện tại, nếu không cầu cứu đến tương lai?
– Quý Thầy của cô có dạy rằng: trong đời sống hàng ngày ta đã vô tình “bào chế” vô số chất độc làm tàn phá tâm hồn ta và gây tác hại đến cả những người chung quanh. Ba chất độc chính đã giết lần mòn ta đó là: “Tham ái”, “Sân hận” và “Si mê”. Ngoài ra còn có những chất độc mà sức tàn phá của nó cũng rất lớn, đó là: “Ganh tỵ”, “Kỳ thị”, “Tự mãn”,“Nghi ngờ” và “Cố chấp”. Trong khi tiếp xúc với chính mình hoặc với người khác độc tố ấy có thể phát tán bùng cháy và làm tiêu hoại sự an lạc của ta và người chung quanh. Những độc tố ấy huỷ hoại tâm hồn mình và đưa đến trái đắng cho tương lai, muốn sống với hiện tại an bình thì phải nhận diện thường trực những thứ ấy trong ta. Khi ta biết được nó rồi thì ta có thể chuyển hóa nó được. Người tu theo Đạo Phật chỉ làm công việc này: sống với hiện tại và biết rõ những gì đang xảy ra, thế thôi, bởi vì tương lai cũng chỉ nằm trong hiện tại, hiện tại không an lạc hạnh phúc, thì làm sao tương lai có thể an lạc hạnh phúc được! Cho nên muốn có một tương lai tốt đẹp thì ngay trong hiện tại ta phải sống an lành.
– Họa chăng chỉ có người tu mới thực hiện được điều ấy – Thùy Dương nói. :
– Nhưng tu thấy cực khổ quá! Quý cô đi tu vì hoàn cảnh nào vậy? – Trà Mi hỏi.
– Tu thì hoàn cảnh nào tu cũng được cả, còn xuất gia như cô thì có nhiều trường hợp khác nhau lắm, nhưng phần đông nhờ túc duyên đời trước, nên khi thấy nếp sống thanh tịnh đạm bạc của thiền môn liền đem lòng yêu thích, nỗi ước mong kia cứ ôm ấp mãi cho đến khi thành tựu, có khi sớm hoặc có lúc muộn.
Cũng có người nhờ học hỏi giáo lý sâu, được nghe thầy cô thuyết giảng cặn kẽ hoặc nghiên cúu kĩ lưỡng, nhận thấy đời sống xuất gia là chí lý hơn cả, bèn quyết định ra đi; Cũng có người trên đường đời họ chạm phải thực tế, nhận biết rõ nỗi khổ của “Sanh, già, bệnh, chết” không ai có thể tránh khỏi, nên liền phát tâm tu; Hoặc có người nhận thấy năm nón dục “tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn và ngủ” như hầm lửa, như khu rừng đầy gai góc đã bao phen đốt cháy và làm họ đau đớn nên khi tỉnh ngộ ra “bừng con mắt dậy thấy mình tay không” thế là họ phát tâm xuất gia.
Lại có người đang hưởng giàu sang, danh vọng, hạnh phúc tột bực, nhưng cũng nhất quyết bỏ hết đi tu cho bằng được, bởi họ đã thấu hiểu sự thật của cuộc đời. Khi mới sinh ra ta nào có gì dính thân đâu và khi nhắm mắt xuôi tay ta cũng chẳng mang theo được gì, ngoài hành nghiệp của “thân, miệng, ý” trong một đời ta đã gây tạo. Ngoài ra, cũng còn nhiều trường hợp khác nữa, nhưng chung quy đều cần phải có sự giác ngộ, phát tâm, quyết chí mãnh liệt mới có thể sống đời xuất gia được, đó là điều kiện phải có của người tu.
– Thất tình tu được không cô?
Trà Mi đột ngột hỏi, Khánh Linh mỉm cười:
– Điều đó cô chưa thấy nhưng chắc là khó tu lắm!
– Sao vậy hả cô?
– Bởi vì sự tu hành cần có quy luật và khuôn phép, người có ý chí mạnh mẽ, lý tưởng vững chắc mới chịu khép mình vào giới luật, tu trì tinh tấn thì mới có kết quả. Người ấy phải nhẫn nại khắc chế, chịu đựng bền bĩ, theo đuỗi lâu dài một pháp môn nào đó mới có thể đưa mình đến chỗ giác ngộ. Đặc biệt, tâm tư người đó phải rỗng rang, thanh tịnh, trong sáng và tha thiết với đạo, phải để hết tâm ý vào việc tu hành của mình. Ví như nhà bác học ngồi trong phòng thí nghiệm, thân không thể phóng túng, tâm không bị sầu não chi phối, thì mới mong có những phát minh giá trị.
Nếu là người thất tình, thất chí rồi thì em thử nghĩ họ làm sao có đủ sức đi trên con đường trường kỳ gian khó này? Nơi cô ở cũng rất đông và cô cũng có quen biết nhiều Chùa, Viện có nơi số chúng hơn cả trăm vị, nhưng cô chưa nghe nói ai vì thất tình đi tu cả, mà dù cho có vào tu chắc cũng được vài ba hôm thì cũng phải trở về đời thôi.
– Vì sao vậy cô?
– Bởi vì những tâm hồn yếu đuối, bạc nhược như thế thì làm sao tìm được nguồn vui, sự giải thoát trong giới luật khó khăn, trong cảnh tịch mịch vắng lặng của thiền môn lâu dài cho được. Tuy nhiên khi Phật còn tại thế thì lại khác, những người này tu mau chứng đạo hơn cả.
– Cô kể cho con nghe thử một vài chuyện đi cô!
– Như chuyện nàng Ma Đăng Già chẳng hạn – Khánh Linh cười kể – Cô ta trót yêu say đắm Tôn giả A-nan, vị Tỳ Kheo thị giả của Đức Phật, vừa đẹp trai lại cực kỳ thông minh. Cô ta phải tuân theo điều kiện của Đức Thế Tôn, xuất gia tu hành chứng quả bằng A-nan, Ngài mới cho gặp mặt. Bởi quá si tình, nàng liều lĩnh làm theo điều kiện ấy. Sau khi xuất gia chỉ trong thời gian ngắn, cô đã chứng được quả A La Hán, đoạn tận mọi tham ái. Cô liền đến bạch với Đức Thế Tôn, xin hủy bỏ lời giao ước ngày trước, dĩ nhiên đó là điều mà Đức Phật đang chờ đợi.
Lại có nàng Liên Hoa Sắc. Cô này đã có gia đình và một lần vô tình cô thấy người chồng ăn ở với mẹ mình. Cô đau khổ, xấu hổ quá, đành bỏ nhà ra đi, để lại một đứa con gái khoảng 9, 10 tuổi. Thời gian sau đó cô có chồng khác, bỗng cô lại phát giác người chồng này thường lui tới với một cô gái trẻ, cô bèn theo dõi và bắt quả tang. Thật trớ trêu thay người con gái kia không ai xa lạ, chính là con của nàng với người chồng trước. Quá khổ đau trước cảnh đảo lộn luân thường đạo lý, đã một lần chung chồng với mẹ, nay lại chung chồng với con, nàng khủng hoảng gần như điện loạn, lao mình vào chốn thanh lâu. May sao gặp được đức Mục Kiền Liên, vị đệ tử lớn của Phật, được ngài hoá độ và đưa về gặp Phật. Đức Phật chỉ dạy rõ điều nhân quả, nàng liền phát tâm xin xuất gia, tuân giữ giới luật kỹ lưỡng và tu hành rất tinh tấn, chẳng bao lâu đạt được quả Thánh vô lậu và có thần thông đệ nhất trong Ni chúng thời bấy giờ.
Đó đều do sự hướng dẫn khéo léo của Phật, vì đã thấu tột được căn cơ của chúng sanh, nên sự hướng dẫn của Đức Phật luôn luôn mang lại kết quả tốt đẹp, chứ vào thời này thì không hy vọng gì đâu!
– Phải chi Phật còn tại thế thì đỡ cho ta biết mấy cô nhỉ!
– Tuy nhiên trước đó Phật không chấp nhận cho người nữ xuất gia đâu nghe em!
– Sao vậy hở cô?
– Vào thời ấy người tu thường ở trong rừng sâu hoặc ở trên non cao, họ hành thiền và nghỉ dưới gốc cây, như thế làm sao người nữ chịu cho nổi!
– Vậy duyên cớ nào Phật cho người nữ xuất gia hở cô?
– Ban đầu là do di mẫu Ma-ha-ba-xà-ba-đề, dì ruột cũng là mẹ kế của Thái Tử Tất Đạt Đa. Sau khi Thái Tử tu hành đã thành đạo rồi, Vua Tịnh Phạn nhiều lần thỉnh Phật về hoàng cung thuyết pháp, do đó Di mẫu thấm nhuần giáo lý và phát tâm xuất gia rất dũng mãnh, tuy nhiên cầu xin lần nào bà cũng bị Phật từ chối nói rằng chưa phải lúc.
Cho đến khi Đức Vua băng hà, nhiều hoàng phi, công nương, công chúa đều muốn theo Hoàng hậu xuất gia. Bấy giờ, Di mẫu đã cùng với năm trăm công nương quý tộc thuộc họ Thích Ca tự ý cạo tóc, đắp y nhuộm, cởi bỏ hết đồ trang sức và đi chân không tìm đến nơi Phật đang trú ngụ. Bà nói: “Chúng ta phải chứng tỏ cho Đức Thế Tôn biết, người nữ cũng có khả năng tu tập và chịu đựng được tất cả những khó khăn, gian khổ của đời sống tăng sĩ, người nữ cũng có thể làm được những việc khó làm, nhẫn được những việc khó nhẫn. Người nữ cũng có đầy đủ ý chí, nghị lực và nhiệt huyết của bậc trượng phu”.
Rồi họ đầu trần chân đất, ăn ngày một bữa, ngày đi đêm nghỉ, từ thành Ca-tỳ-la-vệ đến thành Tỳ-xá-ly, mất hơn năm mươi lăm ngày đường. Vì là những công nương quý tộc, chưa từng phải đi bộ nên chân họ sưng vù, rướm máu, nhưng ngọn lửa quyết tâm trong họ vẫn sáng bừng. Các mệnh phụ này không hề ái ngại ôm bát xin ăn dọc đường như bao nhiêu tu sĩ thời đó. Họ không hề nao núng, lùi bước trước khó khăn, tất cả những gì họ đang làm đã thể hiện thái độ xả bỏ ngã chấp tuyệt vời chỉ có ở những hành giả cầu đạo chân chính.
Vào một sáng tinh mơ Ngài A-nan ra hồ lấy nước, thấy họ sắp hàng đứng trước cổng từ bao giờ. Cảm phục và xúc động trước nhiệt tình cầu đạo ấy, Tôn giả A-nan đã ba lần nài nỉ Đức Phật cho nữ giới gia nhập Tăng đoàn. Phái nữ ngày nay được xuất gia, chính là nhờ ơn đức của Tôn giả A-nan.
– Vậy những vị mệnh phụ đó tu có chứng đạo không cô?
– Sao lại không hả Dương! Bên nữ lúc đó có bảy mươi vị đạt đạo, còn có mười mấy vị thượng thủ xuất sắc. Sau đó có nhiều bà hoàng nữa ở các nước lân cận, nghe tin Phật cho phái nữ gia nhập Giáo đoàn, họ bèn rủ nhau xuất gia rất đông. Nói chung, nhờ có nền tảng tri thức, người hoàng tộc rất dễ thâm nhập Phật pháp.
Về sau cũng có các vị nữ giới thuộc tầng lớp dân dã có hoàn cảnh đặc biệt xin xuất gia và về sau đều chứng quả A-la-hán, như Tỳ-kheo-ni Pàtacàrà chẳng hạn. Nàng là là con của một thủ khố ở thành Xá Vệ. Cha mẹ nàng định gả nàng cho con trai một nhà giàu có trong xứ, nhưng vì đã trót yêu người đầy tớ trong nhà, nên nàng đã bỏ nhà trốn theo anh ta đến một làng xa. Khi sắp hạ sanh đứa con đầu lòng, theo tục lệ thời ấy, nàng đòi về quê mẹ, anh chồng không cho, nhưng nàng vẫn trốn đi, tuy nhiên đến nửa đường thì nàng đã hạ sanh một bé trai nên đành phải quay lại.
Đến đứa thứ hai, nàng không đợi chồng đưa đi mà tự bế con đi. Anh chồng khi hay tin liền đuổi theo, may mà kịp để giúp đỡ nàng. Lại một lần nữa nàng hạ sanh dọc đường. Thế nhưng, tối đêm ấy trời bỗng nổi giông tố lớn, mưa ào ạt và gió thổi dữ dội, người chồng phải vào rừng chặt cây che chòi cho ba mẹ con nàng trú ẩn. Nhưng không may bị rắn độc cắn chết tại chỗ. Nàng đau khổ khôn xiết, sáng ra dù muốn dù không nàng cũng phải đưa hai con về nhà cha mẹ. Nhưng cơn mưa đầu hôm đã làm mực nước sông dâng cao và cầu đã gãy, không còn con đường nào khác để qua sông.
Tự biết sức yếu, nàng bèn đưa từng đứa qua sông. Nàng ẵm đứa mới sanh qua trước, đặt nằm trên bờ cỏ, lấy khăn che phủ ấm, rồi lội trở lại bế đứa lớn. Khi mới ra được giữa dòng nàng bỗng nghe có tiếng chim rất lạ. Quay lại nhìn thì hỡi ôi nàng thấy con diều hâu đang quắp đứa bé bay lên, hoảng hốt nàng hét đuổi, nhưng chim vẫn không buông thả. Đứng ở bên này bờ nghe tiếng nàng, đứa con lớn tưởng mẹ gọi nên đã lội xuống nước đi ra. Sức nước quá mạnh đã cuốn phăng đưa bé chưa tròn hai tuổi.
Quá đau khổ khi chỉ trong một ngày một đêm mà nàng đã bị mất đi người chồng yêu quý và hai đứa con thơ dại. Nàng khóc lóc thảm thiết, thất thiểu lê bước về nhà cha mẹ. Giữa đường, gặp người quen trong làng đã cho nàng biết tin cơn mưa bão đêm qua dìm chết cha mẹ và anh trai nàng dưới mái nhà sụp đổ và sáng nay người trong làng vừa mới hoả táng họ xong.
Trước nỗi khổ đau dồn đập, nàng hoá điên dại, tự xé rách y phục, đầu tóc rối bời, cười nói thê thảm đi trên đường phố, lần hồi đến trước cổng Kỳ viên Tịnh xá. Tại đây, những vị nữ cư sĩ đã thay y phục cho nàng và đưa nàng đến gặp Phật. Đức Thế Tôn đã thuyết một bài pháp về sự khổ của kiếp sống luân hồi. Ngài nói bốn câu kệ:
“Nước chứa trong bốn biển
Ít hơn nước mắt người
Bao khóc than sầu khổ
Sao người còn hủy hoại”.
Nàng Pàtacàrà dần dần tỉnh táo, Phật nói tiếp:
“Chồng con cùng quyến thuộc
Không phải nơi nương tựa
Khi thân hoại mạng chung
Bà con dù huyết thống
Không che chở được mình
Thấy rõ sự thật này
Kẻ trí sống giới đức
Thì mau chóng thành tựu
Con đường đến Niết Bàn”.
Khi nghe xong bài kệ, nàng bừng tỉnh ngộ, cầu xin Phật cho phép được xuất gia. Qua bao ngày tinh tấn, miên mật trong Thiền định, một hôm nhân lấy nước rửa chân, Tỳ kheo ni Pàtacàrà bỗng thấy tột nghĩa sanh tử, chứng ngộ được sắc không, không mảy may buồn khổ nào còn ràng buộc được cô.
Nhờ kinh nghiệm bi ai thống khổ của bản thân nên sau khi chứng đạo, Tỳ kheo ni Pàtacàrà đã hướng dẫn được rất đông những phụ nữ có hoàn cảnh đau khổ thuộc các giai cấp thấp trong xã hội. Khi nghe nữ Tôn giả thuyết pháp họ đều giác ngộ, xin xuất gia theo nàng tu học và đều chứng quả A La Hán.
– Làm gì có một cuộc đời mà phải chịu nhiều khổ sở như thế!
– Sao lại không hở Trà Mi! Ngay trong đời này cô còn nghe và biết có người khổ đau còn hơn vậy nữa kìa. Nhưng với Pàtacàrà vào thời đó, người ta cũng thắc mắc như Trà Mi vậy và đã hỏi ngay nàng: “Vì sao cô phải chịu khổ đến thế?” Nữ tôn giả Pàtacàrà đã chứng quả nên biết rất rõ, lý do nào mình phải chịu khổ như vậy.
– Thế cô ấy nói sao hở cô?
– Trà Mi phải biết chúng ta đang sống ở đây chứ không phải một đời này thôi đâu, mà nó liên hệ đến nhiều đời trước và việc làm nào ngày nay ta gây tạo sẽ đưa đến đời sau ta sẽ nhận lấy quả báo, nhân nào quả nấy, dù tốt hay xấu chẳng sai chạy tí nào. Cho nên khi chứng đạo rồi Tỳ kheo ni Pàtacàrà đã thấy rõ hành động ở nhiều kiếp trước của mình, nên bà đã kể lại rất rõ ràng:
“Trong một kiếp quá khứ, ta có chồng nhưng không có con, người chồng bèn cưới thêm thiếp, không bao lâu người thiếp đã có thai. Vì sợ chồng thương vợ bé hơn mình, ta đã giả bộ ngọt ngào với cô này và cho cô uống những thứ thuốc để làm hư thai. Cứ hai ba lần như thế người thiếp biết được âm mưu thâm độc ấy nên không nhận quà của ta nữa. Nhờ giữ gìn cẩn thận, sau cô hạ sanh được một bé trai. Nhưng người vợ cả thật độc ác, đã tìm cách làm cho em bé chết. Người thiếp quá đau khổ đã khóc lóc với chồng. Khi bị chồng gạn hỏi phân xử, ta đã buột miệng thề: “Nếu tôi có giết con cô thì sau này chồng tôi sẽ bị rắn cắn chết, con tôi đứa chết trôi, đứa bị quạ ăn, cha mẹ và anh em tôi sẽ bị nhà cửa sập đè chết, tôi sẽ nhận chịu nỗi khổ đó trong cùng một ngày cho đến điên dại.” Vì lời thề độc địa ấy mà ngày nay ta phải chịu đền trả quả báo.
Nhưng này các con! Không phải ta chỉ chịu đền trả trong một đời này thôi đâu, mà đã trải qua trăm ngàn kiếp, ta với người vợ lẽ kia cứ gieo ân oán phải sanh làm thú vật để ăn nuốt con lẫn nhau, gây khổ đau cho nhau, không sao kể xiết. Các con, ngày nay ta đã sáng mắt rồi, con mắt của trí tuệ, nhìn lại sự mê muội của chúng sanh, cứ mãi mê gây tạo tội ác, ta phát rùng mình thương xót đến rơi nước mắt. Các con, Phật dạy: Có được thân người rất khó, lại đầy đủ các căn, không bệnh tật, đầu óc tỉnh táo sáng suốt thì thật là đại phước. Cho nên các con hãy cố gắng làm tất cả những điều lành, những điều có thể đem hạnh phúc đến cho mình và cho người, ở hiện tại và tương lai. Hãy lánh xa, chừa bỏ những điều xấu ác, vì nó sẽ là quả khổ không thể tránh được ở đời này và đời sau”.
– Thật là rùng rợn, thật là rùng rợn!
Trà Mi đưa hai tay ôm lấy mặt mình, kêu lên thảng thốt. Thùy Dương cũng nói:
– Ghế sợ quá, khủng khiếp quá! Nếu không biết rõ điều này thì ta đã nhúng tay vào tội lỗi mất rồi. Ôi! Quả báo thật là kinh khủng. Cô ơi! Nếu mọi người ai cũng hiểu rõ được điều này, thì chẳng ai còn dám gây tội lỗi nữa đâu.
– Đúng thế, những người hiểu rõ luật nhân quả rồi, chắc chắn là họ không bao giờ khởi tâm nghĩ đến tội ác, huống gì nói đến thân làm. Về ba nghiệp: thân, miệng, ý họ giữ gìn rất cẩn thận, cho nên ta đừng ngạc nhiên khi thấy tại sao trong một đất nước, xã hội mà lại có lắm thành phần giai cấp khác biệt như thế. Kẻ thì thông minh sáng suốt, người thì ngu si đần độn; kẻ thì giàu sang sung sướng, người thì nghèo đói khổ sở; kẻ thì thân thể tốt đẹp mạnh khoẻ, người lại xấu xí bệnh tật suốt đời v.v… Bởi vì mỗi người tự gây tạo và nhận chịu lấy kết quả hành động của mình, trồng cam thì được cam, trồng ớt thì được ớt; cay hay ngọt, ngon hay dở, tốt hay xấu đều do tự nơi mình. Tất cả đều ở trong tay mình, không ai ban phước hay thưởng phạt, mà chỉ có mình tự làm, tự chịu, cho nên người có trí không bao giờ họ làm điều sai quấy.
– Có những việc làm xấu ác do mình không biết, vô tâm gây nên, có phải chịu quả báo không?
– Vẫn phải chịu thôi, vô tâm thì có quả báo vô tâm. Khánh Linh có học một chuyện về quả báo vô tâm như thế này:
“Có một chú tiểu nọ, một hôm ngồi chơi dưới đất, chú cầm que củi khô gạch gạch trên đất ôn lại những chữ Hán mình đã học, vô tình chú làm đứt đôi thân của một con trùng nhỏ, khiến con trùng quằn quại đau đớn rồi chết. Chú biết ngay là mình đã phạm tội vô tâm sát sanh. Chú thành tâm ăn năn sám hối và cầu nguyện cho con trùng, bỏ thân trùng được sanh làm người giàu sang danh giá và biết tôn kính Phật pháp. Nhờ sự thành tâm chú nguyện ấy, con trùng không mang tâm oán hận, nó thoát xác trùng, liền đầu thai vào cung vua làm Thái Tử. Về sau, vua cha băng hà, Thái tử lên kế vị là một minh quân rất mực hiền đức. Tân Quốc Vương rất kính trọng Tam Bảo, ngài thường thân cận học hỏi với các bậc Trưởng lão, Hòa Thượng. Trong các bậc cao tăng bấy giờ, nhà vua có nhân duyên đặc biệt với Hoà Thượng Giới Đức, vua tôn Ngài làm Thầy và thường xuyên thưa thỉnh về Phật pháp.
Một hôm, vua sai tướng sĩ đến thỉnh Hòa Thượng Giới Đức vào cung bàn chuyện. Hoà Thượng trước khi đi bèn gọi đệ tử căn dặn mọi việc. Ngài bảo: “Duyên hóa độ của ta đến đây hoàn mãn, ta nay đi trả nợ xưa”.
Khi vào đến hoàng cung, vì vua đang đánh cờ, tướng sĩ không dám quấy rầy, nên Hoà thượng ngồi đợi ở ngoài, thấy Hoà thượng đợi đã lâu mà vua vẫn mải miết bên bàn cờ, một viên hầu cận đã bạo gan đến thưa với vua: “Tâu bệ hạ Hòa Thượng đã đến”. Vua lúc đó đang say mê nước cờ nên không nghe tiếng thưa của viên hầu cận. Nước cờ đang hồi gây cấn, vua đi một đòn quyết định và phấn khích thốt lên “sát…” rồi đập mạnh con cờ lên bàn ấn định chiến thắng. Tướng sĩ lui ra tuân theo lệnh vua đưa Hòa Thượng ra xử tử mà không hề biết lý do! Trước khi chết Hòa Thượng vẫn điềm nhiên tự tại, Ngài nhắc lại với những người có mặt xung quanh về câu chuyện của kiếp xưa, khi Ngài là một chú tiểu đã vô tình giết hại một con trùng, con trùng ấy nhờ sức chú nguyện và sự sám hối chí thành của chú tiểu mà nó không mang theo oán hận về người đã vô tình giết nó, lại được sanh làm bậc đế vương. Hoà thượng nhờ mọi người nhắn lại với vua là Ngài hoan hỷ trả nghiệp, xin nhắc vua hãy yên tâm và nhớ lấy đức trị nước.
Sau khi vãn cuộc chơi, vua hỏi tướng sĩ:
“Hòa Thượng đã đến chưa?”
Tướng sĩ thưa:
“Đã tuân theo lệnh vua đem đi xử tử rồi”.
Vua nghe mà hỡi ôi, bủn rủn cả tay chân! Ngài thật khổ đau thương tiếc và hối hận. Tướng sĩ tâu lại lời của Hòa Thượng nhắn nhủ vua. Từ đó về sau làm việc gì vua cũng hết sức dè dặt cả trong ý tưởng vô tâm.
– Việc nhân quả rõ ràng quá cô hả! – Thùy Dương nói.
Trà Mi bảo:
– May mà Hòa Thượng tu nên biết rõ quả báo, vui lòng chấp nhận, chớ gặp mình chắc là kêu oan, rồi than trời trách đất dữ lắm đó.
– Cô ơi! Có khi nào mình gây tội nhỏ mà phải chịu đền trả nặng nề, hoặc ngược lại, có không cô?
– Có chứ! Tùy theo tâm của ta cả.
– Tạo tội thì vậy, còn tạo phước thì sao?
– Cũng thế, tâm ta thế nào thì nó phản ánh thế đó, hãy xem như mình đứng trước một tấm gương. Hễ mình cười thì gương cũng cười mà mình khóc thì gương cũng khóc, tấm gương nhân quả rất công bằng và vô tâm.
– Thế thì làm sao có thể nói, gây ít trả nhiều hoặc gây nhiều trả ít được?
– Đã nói là tuỳ tâm nặng nhẹ của ta mà. Để Khánh Linh kể câu chuyện này thì các em có thể hiểu: “Hồi Đức Phật còn tại thế, có hai vợ chồng người kia rất nghèo khổ, gia tài của họ vỏn vẹn chỉ có một tấm khố rách. Hễ người chồng vấn khố đi xin ăn thì người vợ phải chui vào đống rơm núp, ngược lại nếu người vợ đi xin thì người chồng cũng phải làm thế.
Một hôm trên đường ăn xin, người vợ gặp xa giá của vua Ba Tư Nặc, đang chở đầy hàng hoá và thực phẩm đến Tịnh Xá để cúng dường Phật và chư Tăng. Bà nhìn lại thân phận mình và thầm nghĩ: “Ta ra đời nhằm thời Phật tại thế, thật là hy hữu. Được cúng dường Phật và chúng Tăng là phước báu lớn vô kể, vậy mà ta không tạo được một chút phước lành nào cả, bởi thân nghèo đói thật là cơ khổ”. Thế rồi bà buồn bã quay về than thở với chồng. Người chồng cũng đầy thiện tâm, nên khi nghe vợ than liền bảo: “Vậy thì tại sao ta không cúng dường cái khố rách này; gia tài chúng ta còn có gì ngoài nó đâu?” Người vợ lo lắng bảo: “Không có nó thì ắt phải chết đói thôi, làm sao ta có thể đi ăn xin?” Ông chồng cương quyết: “Chúng ta có sống cũng chẳng ích lợi gì, chi bằng ta làm một chút phước thiện rồi có chết cũng hả dạ”. Thế là hai vợ chồng cởi tấm khố rồi chui vào đống rơm ẩn, chỉ thò đầu ra, chờ chư Tăng đi khất thực ngang qua bèn gọi lớn: “Bạch thầy Sa Môn! Xin đến đây cho chúng con thưa ạ!” Đoàn người khất sĩ bèn tiến về phía ấy, hai vợ chồng dâng tấm khố rách lên lòng đầy thành kính thưa rằng: “Bạch Thầy, vợ chồng chúng con hôm nay xin dâng vật mọn này lên cúng dường Đức Như Lai, xin ngài hoan hỷ thọ nhận và trình thưa lại giùm với Đức Phật”. Các Thầy Tỳ Kheo chắp tay nhận tấm khố rách và chúc lành cho hai người.
Khi tấm khố rách được mang về Tịnh Xá và trình lên Phật, giữa Pháp hội đông đúc, Đức Phật vô cùng tán thán công đức của hai vợ chồng người ăn xin và bảo: “Đây là vị đại thí chủ bậc nhất trên đời”. Các Tỳ Kheo, Phật tử, Vua và quần thần, ai cũng ngạc nhiên về chuyện ấy. Biết tâm niệm của đại chúng, Phật bèn kể rõ hoàn cảnh của hai vợ chồng người nghèo kia và bảo: “Tấm khố này tuy xấu, rách, nhưng nó gói trọn tài sản lẫn sinh mạng của hai vợ chồng người ăn xin kia. Bố thí, cúng dường như thế thì còn ai hơn chăng?”
Nghe Phật kể rõ mọi chuyện ai nấy đều cảm động. Các bà Hoàng Hậu, Hoàng Phi bèn cởi chuỗi ngọc, châu báu và áo khoác đẹp của mình, rồi sai người đem đến đống rơm để tặng đại thí chủ bần cùng kia, còn các bậc vua quan, trưởng giả cũng đem hàng hoá, thực phẩm và tiền bạc, sai gia nhân mang đến tặng họ. Chỉ nội trong ngày ấy, hai vợ chồng nghèo khổ kia bỗng trở nên giàu có lớn. Phước báu hiện tiền ngay trong đời hiện tại đã lớn lao như thế và Phật còn cho biết năm trăm đời về sau hai vợ chồng ấy thường sanh ở cõi trời hưởng sự vui sướng tột bậc.
Trà Mi có thấy gây tạo ít mà hưởng quả nhiều chưa? Như chúng ta gieo xuống đất một hạt giống, thì khi nó đâm hoa kết trái, lúc thu hoạch phải gấp bội chứ. Mảnh khố rách so với năm mười cỗ xe hàng hoá, thực phẩm của vua có thấm vào đâu. Nhưng với tấm lòng kia thật cảm động cả đất trời.
– Hay thật! Tội phước gì cũng đành rành cả, chỉ tại ta không biết nên cứ sống càn làm bậy, chỉ chờ đến khi quả báo tới nơi mới ăn năn hối hận thì đã muộn màng – Thùy Dương nói như tự nhắc nhở.
Trà Mi lo sợ hỏi:
– Cô ơi! Nếu mình lỡ gây tội rồi, đi rửa tội có hết không cô?
– Như một tảng đá lớn bỏ xuống giếng sâu rồi nhờ mọi người xúm nhau cầu nguyện mong cho nó nổi lên, phỏng nó có nổi lên được không?
– Chắc là không rồi, vì nó quá nặng – Trà Mi bần thần đáp
– Người tạo nghiệp xấu cũng vậy, tự thân họ đã gây tạo rồi, thì họ phải chìm đắm, không ai có thể cứu vớt nổi trừ khi tự tâm họ ăn năn sám hối, cải thiện dần dần khi trả hết nghiệp xấu cũ. Họ sẽ trở nên lành tốt nhẹ nhàng. Nên đối với người tạo tội, ta chỉ có thể giảng giải cho họ hiểu, để họ tự cải đổi tâm tánh và hành động, trở lại tích công bồi đức thật nhiều thì quả lành kia sẽ chờ đón họ.
– Nếu người ta nguyền rủa, chửi mắng mình, mình có phải gánh chịu những thứ xấu xa mà họ nguyền rủa ấy không cô?
– Như dầu đổ vào nước, dù mọi người có muốn nó chìm thì nó cũng không chìm được. Cũng thế, người sống có đạo đức, không thể vì lời nguyền rủa mà có thể xấu đi được. Ví dụ như người ta cho mình một món quà mà mình không nhận, thì quà sẽ còn nơi họ, chứ làm sao về mình được, chỉ sợ mình nhận (có nghĩa là mình nguyền rủa lại) thì quà ấy về mình.
Ở Thiền viện, Hoà thượng có dạy: “Người ta dẫu chửi mình là chó mà mình vẫn đi hai chân, như thế là không đúng rồi, cần chi phải cãi lại cho mệt. Người ta dẫu chửi mình là trâu, bò mà mình chẳng có lông, sừng, chẳng ăn cỏ, đủ biết họ nói sai rồi, cãi chi nữa cho tốn hơi”. Nhà chùa tu như vậy đó, còn Phật thì lại càng tùy thuận chúng sanh hơn nữa. Cho dù đó là con dê, mà chúng sanh bảo là con ngựa Phật cũng chẳng thèm cãi làm gì. Bởi vì Phật biết tất cả đều là giả danh, là tên đặt để gọi, để phân biệt cho khỏi lẫn lộn, chứ thực tình nó đều giống nhau cả, đều không có ngã thật, tại vì chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử, đời đời kiếp kiếp vô minh phiền não đã che mờ chơn tánh nên cứ nhận giả cho là thật, nhận giặc cho là con, vọng tưởng điên đảo không làm sao kể xiết.
– Như thế thì tu thật có lý vô cùng.
Thùy Dương tán thành. Trà Mi hỏi:
– Cô ơi! Tu để được gì hở cô?
– Để biết rõ mình không là gì cả, mà là tất cả.
– Sao kỳ lạ vậy hở cô?
– Có nhiều cái kỳ lạ hơn nữa nhưng đó là sự thật.
– Con không hiểu!
– Đến chỗ này không phải để hiểu mà là để sống.
– Sao lúc nãy cô nói con đều hiểu.
– Giáo pháp nhà Phật ví như biển cả Dương ạ! Từ cạn đến sâu, từ chỗ tắm lội được đến chỗ không dám đặt chân xuống. Tuy vẫn cùng một vị mặn, vị giải thoát, nhưng chỗ không đặt chân đến được, nơi đó mới thật sự tích chứa trân bảo, châu báu, còn trong bờ chỉ có vỏ sò, vỏ ốc, người đi biển rành không bao giờ lầm lộn. Người học Phật cũng thế, những pháp còn nói còn hiểu được chưa phải là pháp rốt ráo tối thượng.
Nghe lời giải thích ý nhị của Khánh Linh, Thùy Dương và Trà Mi đều im lặng suy nghĩ.
Bảo Trâm