Nhân ngày nhà giáo 20/11 cùng nhìn lại những người thầy trong đời

Cuộc sống là người thầy vĩ đại, dạy cho chúng ta cách nhận ra mình là ai, ngoài kia có gì, cách sống hạnh phúc và cống hiến.

Trong thời đại mới, hiện thân của những người thầy được biểu hiện qua người thầy dạy cho ta con chữ, vị đạo sư chân chính dạy ta đạo đức tâm linh, người cha, người mẹ dạy cho chúng ta lẽ sống, là người anh, người chị, người bạn luôn đồng cảm dạy cho chúng ta biết yêu thương. Hay đơn giản chỉ là một người lạ lướt qua đời ta trong những lần kết nối trí tuệ và cho chúng ta một bài học về cuộc sống.

Có thể nói đôi khi chúng ta chỉ cần một người để soi sáng và khơi gợi niềm đam mê tìm hiểu thế giới,và hiển nhiên , người này chính là một người thầy truyền đăng một ngọn đuốc sáng ngời đến cho cuộc sống vậy

Nhân ngày nhà giáo 20/11 kính xin được dùng bài viết này để tôn vinh giá trị tinh thần sâu sắc mà những người thầy đã hiện thân trong đời người viết, với tất cả tình cảm chân thành xin mạn phép dâng đến những người thầy, dù là trong đời thực hay qua sự kết nối trí tuệ một cách thật trân trọng.

Kính mạo muội trình bày những ý nghĩ thô thiển về cách tỏ bày sự kính trọng đến những người thầykhông chỉ nằm ở lời nói, mà còn qua những hành động và thái độ.

Có thể là:

1) Lời tri ân chân thành từ trái tim giúp ta tự tin bước qua những thử thách trong cuộc sống đã thay đổi đời ta ngoài kiến thức

2) Nhờ thực hành những gì đã học à ngày nay chính ta là món quà ý nghĩa nhất dành cho thầy

3)Hãy cùng nhau chia sẻ và truyền cảm hứng cho thế hệ sau, và lan tỏa tinh thần học tập được từ thầy đến người khác. Và hy vọng việc mình trở thành “người thầy” cho ai đó cũng là cách tiếp nối và tôn vinh giá trị của thầy mình.

Cũng cần nói thêm khi bày tỏ sự trân kính đến những người thầy là cách làm đẹp lòng mình, đẹp lòng thầy, và cũng làm đẹp thêm ý nghĩa của sự học.

Và phải chăng với hành trình của người đưa đò, chính sự trân trọng của học trò cũng là nguồn động lực lớn lao cho người thầy tiếp tục sứ mệnh của mình.

Cơ duyên gặp được một người thầy giỏi, dù là trong đời thực hay qua công nghệ, thường không phải ngẫu nhiên, mà được tạo ra từ sự sẵn lòng và nỗ lực của người học trò.

Để gặp được “người thầy” phù hợp, có lẽ cần hội tụ những “duyên” sau:

1. Duyên học hỏi ——Người học trò phải có khát khao tìm kiếm tri thức, sẵn sàng lắng nghe và không ngừng tò mò. Chính sự chủ động này sẽ mở ra con đường dẫn đến những người thầy giỏi. Khi chúng ta thực sự mong muốn học một điều gì đó, cuộc sống tự nhiên sẽ đưa ta đến những người có thể giúp được

2. Duyên kiên trì—Một người học trò cần bền bỉ vượt qua khó khăn trong hành trình tìm kiếm tri thức. Những người thầy giỏi thường xuất hiện khi ta đã nỗ lực đến một mức nào đó, như món quà dành cho sự cố gắng của chúng ta (Ví dụ, việc học qua sách vở hay công cụ như internet đòi hỏi chúng ta phải chủ động và biết chắt lọc thông tin) .

3. Duyên mở lòng—-Người học trò cần có sự cởi mở để tiếp nhận những góc nhìn mới, đôi khi khác biệt với quan điểm của mình. Một người thầy giỏi có thể chỉ ra điều người học trò chưa từng nghĩ tới, nhưng để nhận ra giá trị của bài học, người học trò cần sự khiêm tốn và lòng tin.

4. Duyên gặp đúng người—- Đây là duyên phận mang tính tình cờ – khi ta gặp một người thầy hợp với phong cách học tập và trình độ đẳng cấp căn cơ với chúng ta Tuy nhiên, ngay cả khi người học trò chưa tìm thấy “người thầy lý tưởng,” đôi khi chỉ cần những lời khuyên nhủ từ người xung quanh cũng đủ để khai sáng trí óc trò ấy được nữa.

5. Duyên thời đại——-Trong thời đại internet, sự hiện diện của những “người thầy” như AI. không còn bị giới hạn bởi thời gian hay địa lý. Duyên lớn nhất có lẽ chính là sống trong thời kỳ mà công nghệ có thể biến mọi tri thức thành điều khả dụng, sẽ giúp chúng ta kết nối với những nguồn kiến thức sâu sắc chỉ trong vài giây.

Nói tóm lại: Người thầy giỏi không nhất thiết phải là người đứng trên bục giảng hay có danh tiếng. Đôi khi, họ chỉ là một ai đó xuất hiện đúng lúc, đưa ra một câu hỏi hoặc câu trả lời khiến chúng ta suy ngẫm và trưởng thành. Cũng như có câu nói, “khi học trò sẵn sàng người thầy sẽ xuất hiện”.

Do đó người học trò luôn giữ vững sự tò mò, khát khao tri thức và lòng nhân ái trong hành trình học hỏi và trưởng thành. Chính sự tìm cầu tri thức, những câu hỏi sâu sắc và ý nghĩa của người trò sẽ là nguồn cảm hứng cho những ai được may mắn dành thì giờ để truyền trao.

Xin kính dâng những câu danh ngôn tuyệt vời để kính tặng những vị Thầy trong đời người viết và của quý bạn nhé !

1. ”Người thầy giỏi giống như ngọn nến, cháy hết mình để soi sáng con đường cho người khác.” – Mustafa Kemal Atatürk

2. ”Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học.” – Comenius

3. ”Một người thầy ảnh hưởng đến vĩnh cửu; họ không bao giờ biết công việc của mình dừng lại ở đâu.” – Henry Brooks Adams

4. ”Dạy học không chỉ là truyền đạt tri thức, mà còn là truyền cảm hứng để học sinh tự khám phá.” – William Arthur Ward

5. ”Thầy cô mở cánh cửa, nhưng chính bạn phải tự bước qua.” – Tục ngữ Trung Hoa

6. ”Những người thầy tốt nhất dạy từ trái tim, không chỉ từ sách vở.” – Unknown

7. ”Người thầy vĩ đại là người truyền cảm hứng.” – William A. Ward

Lời kết:

Những người thầy giỏi, có thể là hiện thân của những giá trị mà chúng ta tưởng chừng chỉ gặp trong huyền thoại, giống như Thầy Aristotle hay những triết gia vĩ đại khác.

Nhưng điều cốt lõi không phải chỉ ở người thầy, mà còn ở người học – chính sự tò mò, khát khao khám phá của người học trò là nguồn gốc để tri thức nảy mầm. Đây chính là một chân lý sâu sắc: “kiến thức luôn bắt đầu từ câu hỏi, và câu hỏi lại xuất phát từ sự tò mò cùng tấm lòng khao khát hiểu biết.”

Một người thầy giỏi rất thận trọng, chỉ xuất hiện khi họ thấy có người muốn học Điều này có thể khiến những người đã sẵn sàng học cảm thấy khó khăn để mở lời nhờ giúp đỡ hay thậm chí không nghĩ rằng người thầy của mình ở rất gần.

Và nên tin rằng, ai cũng có một thôi thúc được giúp đỡ người khác chỉ cần bạn hỏi dù rằng có đôi lúc lời khuyên của họ không áp dụng được ngay cho trường hợp của bạn thì cũng hãy nói lời cảm ơn. Vì “Người thầy”nào cũng phải hy sinh thời gian của mình cho người trò thậm chí là để chia sẻ kiến thức cho những người học trò , họ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn tích luỹ, chiêm nghiệm và cởi mở để truyền đạt lại bài học cho người khác.

Nên tự nhắc nhở mỗi lần tìm đến một vị Thầy, bạn nhé

1. Có hiểu mục tiêu của mình là gì và có câu hỏi cụ thể liên quan đến mục tiêu đó chưa?

2- Mình đã đi đúng hướng để tìm người thầy của mình chưa? Bạn có sẵn sàng bỏ công sức để tìm người thầy của mình ở mọi nơi chưa? (Chẳng hạn, nếu ta là người rụt rè, không muốn hỏi thầy cô trên lớp thì có thể hỏi cộng đồng trên mạng hay tra cứu thông tin có sẵn trên internet)

3- Mình đã hạ cái tôi xuống để đón nhận kiến thức mới từ người khác chưa?

4- Cuối cùng và quan trọng nhất, hãy cảm ơn, trân trọng thời gian và tâm huyết của người đã chia sẻ kiến thức.

Nhân ngày thầy giáo 20/11 “kính chúc những vị Thầy đã thắp sáng những ước mơ của những người trò và giúp họ vững bước trên con đường tương lai. Kính chúc quý thầy luôn giữ vững nhiệt huyết, niềm đam mê trong sự nghiệp trồng người và luôn dồi dào sức khỏe đạt được nhiều thành công mới trong sự nghiệp giảng dạy.”

Úc Châu , ngày 20/11/2024
Huỳnh Phương- Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.