Dựng tượng tuổi thơ
Đứng nhìn bên khung cửa sổ sáng nay của cuộc đời
Tôi thấy em ngã xuống, rồi em đứng dậy mỉm miệng cười
Cầu nguyện cho em đừng để thân em lấm bụi thẹn thùng,
đừng để tâm em mang sẹo cô đơn vụng về yếu đuối
Mỗi lần ngã là một lần đứng dậy
Để trưởng thành
Để cuộc đời nhường một bước đi lên
Những mũi tên bắn vào thân thể em
Hãy để cho chúng rơi như lá thu đẹp lìa cành
Ngoạn mục trò chơi tuổi thơ con trẻ
Em có thấy khi chiều gió qua
Nước hồ trong thoáng gợn
Nhưng rồi nước hồ sau đó vẫn bình yên
Lặng chiếu bóng núi bóng trăng ?
Em đã trưởng thành rồi
Cho tôi xin thêm của cuộc đời một ít tháng năm
Vừa đủ dựng
Tượng tuổi thơ can đảm.
Nhất Hạnh
Nguồn: Làng Mai
_____________________________
“ Ngạo với nhân gian một nụ cười “
Đứng dậy em ơi! Sống cõi đời
Đời dầu khổ nhục đến mười mươi,
Em nên điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười.
Thái Can
Nguồn: Thi Nhân Việt Nam
_____________________________
“ Ngạo với nhân gian một nụ cười “
Trong những ngày bận rộn chuẩn bị Tết
Nhìn lại bao nhiêu vật vã của năm qua
Suy ngẫm lại hai bài thơ, trí tuệ phát sinh ra (1)
Chân lý chỉ có một
nhưng phải nhờ tinh hoa người giảng giải!
Người tu tập
tìm ra được mẫu số chung, không sợ hãi
Luyện rèn được những đức tính đã được dạy khuyên
Đó là :
( Thành thật, Dũng mãnh, kiên trì, tinh chuyên)
Như Đại bàng
là loại chim duy nhất yêu thích cơn bão! (2)
Và Lục Tổ
“ còn tâm bỉ thử, chưa xứng đáng vào Đạo “ (3)
Ôi , trí tuệ tiền nhân sao quá thâm sâu
Nguyện nỗ lực thực hành như lửa cháy đầu
Sẽ tìm thấy
“trong mênh mông đại dương đều là châu ngọc
Và thành công, thất bại đến từ kinh nghiệm được học”
Huỳnh Phương – Huệ Hương
(1) Hoà Thượng Nhất Hạnh đã có bài thơ rất tuyệt vời
“Một lần ngã là một lần đứng dậy
Để cuộc đời nhường một bước đi lên
Đứng dậy em ơi, sống cõi đời
Đời dù khổ nhục đến mười mươi
Em nên điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười “
Còn Ngài Hoàng Bá Hy Vận thì dạy
“Vượt khỏi trần gian việc chẳng thường
Đầu dây nắm chặc, giữ lập trường
Chẳng phải một phen sương lạnh buốt
Hoa Mai đâu dễ ngát mùi hương “
(2)Hãy là chim đại bàng khi “Chúng ta có thể sử dụng những cơn bão của cuộc sống để nâng chúng ta lên tầm cao mới. Thưởng thức những thành qủa đạt được từ những thách thức và biến những cơn bão cuộc sống thành lợi nhuận cho chúng ta”
(3) khi nói về Tứ Thừa , Lục Tổ Huệ Năng dạy như sau :
Thừa là sự tu hành của mình chứ không phải tranh hơn tranh thua, còn tranh ĐẠI TIỂU là còn tâm bỉ thử , chưa xứng đáng vào Đạo.
Pháp không có 4 THừa ( TIỂU , TRUNG, ĐẠI, TỐI THƯỢNG THỪA) mà đó chỉ là sự thăng tiến khi vào Đạo.
• Thấy, Nghe, Đọc, Tụng, là Tiểu thừa
• Ngộ pháp , hiểu nghĩa là Trung thừa
• Y pháp tu hành là Đại thừa
• Muôn pháp trọn thông, muôn pháp đầy đủ, tất cả không nhiễm, lìa các pháp tướng ( nên nhớ còn một cũng không được ) thì gọi là TỐI THƯỢNG THỪA