Con người thường tự hào là bản thể độc lập!
Với tư duy riêng biệt, phiên bản độc đáo, khôn ngoan
Đôi khi xu hướng vô thức, lại sao chép hào quang (1)
Luôn tập khuôn và lập trình giống như Robot !
Từ những hành động, lời nói của Thầy, Cha
để thích nghi và hoà hợp ?
Có biết đâu ranh giới mong manh
giữa học hỏi và ganh đua!
Học theo bằng ánh sáng,
hay bản ngã ngộ nhận sự hơn thua ?
Đừng cố gắng chối bỏ việc sao chép
hay ép mình phải khác biệt!
Trí óc kẻ học Phật
phải là một cơ quan gạn lọc vàng sõi,siêu việt (2)
Vậy thì tự hứa
“Mình học từ người khác để trở thành chính mình” (3)
Không phải trở thành ai đó, từ hiệu ứng Chameleon
mà chọn cách quân bình (4)
Giữa thế nào lắng nghe thấu cảm và lắng nghe bác bỏ (5)
Hành trình trí tuệ và tỉnh thức cần
đón nhận tri thức bằng một tấm lòng rộng mở !
Khi tâm đã khởi lên như ngọn gió muốn vươn cao,
Trí tuệ như cánh buồm đón lấy mọi khát khao
Sẽ nhận diện ánh sáng và bóng tối nơi động lực! (6)
Vậy sự bắt chước cần được tinh tế trong nhận thức (7)
Luôn khoác thêm chiếc áo phẩm hạnh và tình thương.
Có thể khiến mình trở nên dễ mến, khiêm nhường
Thì thầm một lời nhắc :
“Bắt chước để trưởng thành, không để vượt mặt!
Ánh sáng của người khác không làm mình nhỏ lại, lụi tắt “
Huỳnh Phương – Huệ Hương
(1) Sự bắt chước là một hình thức ăn cắp: bạn chẳng là gì, nhưng người kia là một ai đó, vì vậy bạn cố gắng lấy một phần hào quang của họ bằng cách sao chép họ. Sự tha hóa này thấm sâu vào cuộc sống con người, và rất ít người thoát khỏi nó. — Krishnamurti
– Chừng nào còn chưa tự hiểu biết chính mình thì không thể khai ngộ…Vì không cảm thầy chắc chắn nên người ta thường đi tìm cái chắc chắn bằng cách bắt chước người. Khác .Đó là kéo dài sự vô minh, nguồn gốc của phiền não- Krishnamurti
(2) Người học Phật phải thận trọng, luôn luôn giữ thái độ khách quan trong khi tìm hiểu kinh điển, và như thế là có tinh thần khoa học. Trí óc kẻ học Phật phải là một cơ quan gạn lọc vàng sõi, phân biệt rõ ràng, đừng để bị nô lệ cho những kiến văn, sách vở, và những thành kiến dựa vào tình cảm (Đạo Phật trong nhận thức mới – HT Nhất Hạnh)
(3) Khi học bằng ánh sáng, ta thấy người giỏi như đuốc soi đường.
Khi ganh tỵ vì bản ngã, ta thấy người giỏi như bóng che mất mình.
Nhưng ánh sáng không chiếm chỗ của nhau — chúng chỉ nối tiếp nhau để xua tan bóng tối.
(4) Lặp lại hành động trong vô thức không phải là kết quả của thuật thôi miên hay thao túng tâm lý. Đó hoàn toàn là hiện tượng tự nhiên từ hiệu ứng Chameleon—Chameleon effect, hay hiệu ứng tắc kè hoa, mô tả xu hướng lặp lại hành động, biểu cảm và phong thái của người khác một cách vô ý.
(5) Lắng nghe thấu cảm (empathic listening) là kỹ năng lắng nghe mà ngoài nội dung câu chuyện, bạn cần chú ý đến cảm xúc của người đối diện. Tác giả Stephen Covey từng viết: “Đa số mọi người lắng nghe không phải để hiểu, họ lắng nghe để trả lời”. Để cuộc hội thoại sâu sắc hơn, lắng nghe thấu cảm là một kỹ năng nhiều người trong chúng ta cần luyện tập.
Trong khi lắng nghe bác bỏ (dismissive listening) là hành động cố gắng “sửa chữa” người nói, đưa ra lời khuyên dù không được nhờ đến hoặc những lời động viên tích cực độc hại
(6) “Người khôn ngoan ngưỡng mộ người giỏi hơn mình và học theo họ.
Người thiếu hiểu biết ghen tị với người đó và cố làm lu mờ họ.” — William Arthur Ward
(7) Hiệu ứng tắc kè hoa là một kỹ năng sinh tồn tinh tế của tâm thức – nhưng cần đi kèm với tự nhận thức để không bị hòa tan.
Khi ta học theo ai đó một cách có ý thức, ta đang chọn đắp thêm cho chính mình chứ không phải mặc áo của người khác.