Tuổi thơ của tôi không được cái may mắn như các tuổi thơ khác, vì họ còn có đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ. Còn tôi, lúc vừa tròn ba tuổi, thì tôi đã bất hạnh mất đi cái tình yêu thương cao quý của người cha. Với cái tuổi đầu đời còn quá thơ ngây trong trắng đó, làm sao tôi có thể biết được hình hài thân xác mặt mày của cha tôi. Từ khi cha tôi mất, tôi được mẹ tôi thương yêu nuông chiều rất mực, vì tôi là đứa con trai út trong gia đình. Tôi có cả thảy sáu anh chị em, nhưng mất hết ba người. Nghe mẹ tôi kể lại, người chị thứ tư của tôi mất khi chị ấy vừa tròn mười hai tuổi. Còn người anh thứ năm và thứ sáu của tôi cũng đã mất lúc lên năm lên sáu tuổi. Tất cả đều bị bịnh đau mà chết.
Thời đó, tức vào thập niên 1940, là thời kỳ chiến tranh giặc giả loạn lạc giữa Pháp và Việt Minh đánh nhau, nên gia đình tôi cũng như bao gia đình khác phải di tản đến nơi làng khác trú ẩn để được chút an ổn sinh sống. Thời gian nầy, tôi chỉ còn lại có hai người anh: Thứ hai và thứ ba. Cha tôi đã mất sau một cơn bạo bệnh cũng trong thời kỳ chiến tranh khói lửa loạn ly nầy. Từ đó, tôi sống bên cạnh mẹ và hai anh tôi. Nhưng người anh thứ hai của tôi cũng không có ở nhà. Anh đã thoát ly gia nhập vào đội ngũ thanh niên tiền phong để chống giặc Pháp. Thế là, trong gia đình tôi chỉ còn lại người anh thứ ba và mẹ tôi thôi. Ba mẹ con đùm bọc sống hui hút đạm bạc với nhau. Giữa thời buổi loạn ly thử hỏi làm sao mà có được nếp sống sung túc cho được? Ngoại trừ những người giàu có sẵn của mới có được nếp sống đầy đủ. Mẹ tôi tất tả ngược xuôi làm thân con cò lặn lội để nuôi con.
Cứ thế, theo dòng thời gian âm thầm trôi chảy, tôi được lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Tuy mất cha, nhưng bù lại tôi còn có mẹ và anh. Anh tôi cũng yêu thương tôi lắm. Mẹ tôi cưng chiều tôi đến đổi khi tôi bị anh tôi trách phạt thì mẹ tôi la rầy anh tôi. Mẹ tôi lúc nào cũng bênh vực cho tôi, dù có lúc tôi bị lầm lỗi. Có lẽ mẹ tôi nghĩ, vì tôi không cha nên người mới cưng chiều tôi như thế. Được sự thương yêu nuông chiều của mẹ, tôi lại càng nủng nịu nhỏng nhẻo nhiều hơn. Thậm chí đã 6, 7 tuổi đầu rồi mà tôi vẫn còn đòi mẹ phải bồng bế. Khi mẹ tôi bồng bế, thì mấy đứa bạn chế nhạo chê cười chọc quê tôi: “Ối cha! tụi mầy coi, cái thằng già đầu rồi mà nó còn nhỏng nhẻo bắt mẹ nó phải ẵm bồng trên tay kìa”. Nghe chúng nói, chẳng những tôi không biết xấu hổ mà tôi còn căm ghét bọn chúng nữa. Bây giờ ngẫm nghĩ lại, tôi thấy thật là xấu hổ vô cùng, và tôi cũng thương nhớ mẹ tôi lắm! Tuy nhiên, lúc đó tôi cảm thấy rất sung sướng vì được mẹ tôi ẵm bồng trong niềm yêu thương đậm đà của mẹ.
Năm tôi được sáu tuổi là cái tuổi chập chửng bước vào trường học. Mẹ tôi dẫn tôi đến trường để xin cho tôi nhập học. Đó là một ngôi trường làng cũ kỹ do dân làng xây dựng tạo nên. Một ngôi trường nghèo mái tranh vách lá xiêu vẹo và không rộng lớn lắm, chỉ đủ sức dung chứa khoảng vài mươi học sinh thôi. Ngày đầu tiên, tôi được mẹ tôi mua cho tôi một cuốn tập 50 trang và bút mực. Lớp tôi khoảng ba mươi đứa cùng trang lứa như tôi. Thầy dạy chúng tôi là một người đàn ông tuổi trạc ngoài bốn mươi. Ông nói tiếng Pháp rất giỏi. Có lần, một ông Tây vào trong lớp của tôi, hai người đối đáp qua lại với nhau bằng tiếng Pháp. Thầy giáo tôi rất khó và rất mẫu mực nghiêm khắc. Ông giữ đúng cung cách tác phong của một nhà giáo. Tôi nhớ có lần, một đứa bạn của tôi giỡn cười lớn tiếng làm ồn trong lớp, ông kêu lên bắt đứng khoanh tay và đánh cho ba roi. Bạn tôi khóc mếu máo và từ đó nó không còn dám làm ồn trong giờ học nữa. Hồi đó tôi rất sợ ăn đòn. Mẹ tôi chưa bao giờ đánh tôi một bạt tay hay một ngọn roi nào cả. Giận quá bà chỉ la rầy tôi thôi. Dù tuổi thơ có nghịch ngợm, nhưng cũng rất nhát đòn. Từ đó, tôi rất ngoan ngoản chăm chỉ học hành không dám đùa giỡn trong lớp. Cái tuổi học trò hồn nhiên ngây thơ bao giờ cũng rất đẹp.
Cũng dạo đó, cứ mỗi lần nghe Tết đến, bọn trẻ chúng tôi mừng lắm. Tôi luôn háo hức trông cho ngày Tết mau đến. Với cái tuổi ngây thơ hồn nhiên đó, đâu có hiểu ý nghĩa Tết nhứt là gì. Chỉ biết ăn Tết là vui lắm, vì có đồ mới mặc chưng diện để khoe với chúng bạn, rồi còn nhận được các bao lì xì do người lớn tặng cho. Tôi còn nhớ, gần tới Tết mẹ tôi lo chuẩn bị đủ thứ. Ở quê, người dân nghèo ăn Tết tuy đơn giản, nhưng rất đậm đà tình nghĩa. Ba ngày xuân người ta ăn uống tiệc tùng vui chơi thỏa thích như để quên đi sự mệt nhọc. Suốt một năm dài người ta lam lũ làm việc miệt mài vất vả với những công việc đống áng. Người có tiền hay không tiền ai cũng nghĩ đến ăn Tết cả. Người có tiền thì ăn uống sang trọng, mâm cao cổ đầy, những thứ cao lương mỹ vị. Còn người không tiền thì cũng chạy vay nợ nần để ăn Tết, ít nhất cũng phải có vài mâm cơm để cúng kiến tổ tiên ông bà. Bởi Tết là một tục lệ cổ truyền nghiễm nhiên đã trở thành một truyền thống văn hóa cao đẹp lâu đời của người Việt. Người lớn thì lo chuẩn bị thức ăn và đồ vật bày biện trang trí trong nhà. Anh tôi năm nào cũng vậy, mẹ tôi giao cho anh phải chưng dọn bàn thờ trang nghiêm để cúng ông bà tổ tiên. Trên vách phía sau bàn thờ có treo bộ liễn và hai câu đối. Trên bàn thờ thì chưng hoa quả nhang đèn rất trang nghiêm sạch sẽ. Còn tuổi trẻ ngây thơ như tôi, thì chỉ biết xin tiền mẹ và đòi mua đồ mặc mà thôi. Tôi không thích ăn uống mấy, mà tôi chỉ thích mặc đồ đẹp và đi mừng tuổi để có được những cái bao đỏ lì xì. Chỉ có thế thôi!
Hằng năm, vào cái đêm đón giao thừa, bọn trẻ chúng tôi tụ tập nơi nầy, nơi kia để vui chơi. Chúng tôi bày ra nhiều trò chơi như đánh bài và chơi bầu tôm cá cọp v.v… Có khi chơi tới nửa đêm mà chúng tôi không biết buồn ngủ là gì. Mẹ tôi, dù rất thương yêu tôi, nhưng bà cũng rất nghiêm khắc. Bà cho tôi vui chơi với bạn bè chỉ tới nửa đêm là phải đi ngủ ngay. Bà nói, ngủ cho khỏe sáng sớm còn phải đi mừng tuổi ông bà. Hôm nào mê chơi thức hơi khuya thì bà la rầy bảo phải đi ngủ.
Sáng sớm ngày mồng một Tết, mẹ tôi thức dậy thật sớm, bà lo dọn dẹp và lo nấu thức thức ăn để cúng ông bà. Dù thức khuya, nhưng tôi cũng dậy sớm để lo mặc đồ mới. Khi mặc vào nhìn trong gương, tôi cảm thấy rất thích thú, vì chỉ có ngày Tết mình mới được chưng diện như thế nầy. Tôi vui mừng lắm, vì tôi được mẹ và anh tôi tặng cho tôi bao lì xì trước tiên. Nhưng trước khi tặng, mẹ và anh tôi bắt tôi phải mừng tuổi và chúc sao nghe được thì mới cho. Lời chúc mừng tuổi nầy, tôi cố học thuộc lòng để chúc cho mẹ, anh tôi và những cô bác họ hàng trọng tuổi khác. Tôi chúc thuộc lòng không một chút suy nghĩ. Câu chúc đầu tiên của tôi là: “Năm mới con kính chúc cho mẹ luôn được an vui mạnh khỏe đầu năm tới cuối năm, không có đau ốm bệnh hoạn chi cả. Câu chúc thứ hai là con kính chúc cho mẹ sống lâu trăm tuổi để con được cận kề bên mẹ và lúc nào con cũng kính yêu thương mẹ, vì mẹ là tất cả của đời con”. Chúc xong, mẹ tôi chúc lại cho tôi luôn mạnh khỏe ngoan ngoản học giỏi. Chúc xong, bà trao bao lì xì cho tôi. Tôi không ngờ lời cầu chúc ngây thơ của tôi năm nào mà nó đã trở thành sự thật. Một sự thật mà tôi vô cùng hạnh phúc là mẹ tôi sống tròn một trăm tuổi. Khi mất, mẹ tôi chỉ bệnh sơ sài rồi bà quy Tây.
Tôi còn nhớ, không có ăn Tết năm nào mà mẹ tôi không nấu bánh tét, bánh chưng. Vì ngày mồng một Tết là ngày ăn chay, nên mẹ tôi nấu chay cúng ông bà và cả nhà ăn chay luôn. Nhưng riêng tôi, thì chay mặn ( nói đúng thì phải nói ăn mạng, tức giết mạng sống của loài vật để ăn ) gì cũng nít hết. Vì là tuổi thơ, tôi chưa biết gì là ăn chay, ăn mặn. Mẹ tôi nói, tôi ăn chay đụng thì có. Nghĩa là đụng cái gì ăn cái nấy. Gặp chay thì ăn chay gặp mặn thì ăn mặn. Mẹ tôi lúc nào cũng tỏ ra nuông chiều tôi, nên tôi muốn gì bà cũng chiều theo. Mà tuổi thơ, đâu có ai bắt buộc phải ăn chay hay ăn mặn. Điều nầy, tùy theo sở thích và căn duyên của mỗi người.
Khi nhận được bao lì xì người lớn cho, tôi liền vội mở ra xem ngay. Ai cho mình nhiều tiền thì mừng lắm. Mà hồi đó, được năm đồng là mừng lắm rồi. Đâu có dễ gì được số tiền lớn như vậy. Được một đồng cũng là mừng rồi. Tuổi trẻ thích có tiền để ăn bánh và mua sắm. Riêng tôi, hồi đó có được bao nhiêu tiền thì tôi đưa cho mẹ tôi cất giữ giùm. Mẹ tôi nói: “Để mẹ cất giữ giùm cho con, khi nào con cần xài thì mẹ sẽ đưa lại cho con”. Thật ra, thì tôi không có xài gì chỉ để mua tập vở bút mực và những dụng cụ cần thiết trong việc học hành mà thôi.
Bây giờ có tuổi, nghe Tết đến, ôn lại tuổi thơ, thật có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ngày xuân đối với tuổi trẻ thơ ngây thật tràn đầy ấm êm hạnh phúc. Theo nhịp điệu vận hành biến dịch của thời tiết, thì mùa xuân có lẽ là mùa mà người ta yêu thích nhất. Bởi mùa xuân, ngoài việc khí trời ấm áp, trăm hoa thi nhau đua nở khoe hương, khoe sắc ra, nó còn có những tục lệ cúng kiến, tiệc tùng ăn uống vui chơi thỏa thích v.v… Người ta còn có nhiều hy vọng đặt định đầy hứa hẹn ở tương lai. Và nhất là đi lễ hội chùa lạy Phật đầu năm, xin xâm bói quẻ. Đêm giao thừa người ta tới lễ chùa rất đông thật vui. Nhưng bọn trẻ chúng tôi c ứmãi vui chơi với bạn bè đâu có biết chùa chiền là gì.
Đối với người già, mỗi lần nghe xuân đến cõi lòng như chùn lại, nghĩ đến kiếp người với biết bao tâm sự ngổn ngang chồng chất. Mỗi lần Tết đến như thầm thức nhắc người ta đừng quên là mình đã già thêm một tuổi. Nghĩ đến tuổi đời chồng chất thì phải ráng lo tu niệm để chuẩn bị cho ngày ra đi của mình. Vì chất liệu hiện tại là định hướng cho tương lai đời mình. Muốn có một tương lai tốt đẹp mà không chịu xây dựng những chất liệu tốt đẹp trong hiện tại thì đừng hòng có được một tương lai huy hoàng tươi sáng. Khi còn ở lứa tuổi xuân xanh thì mong đến lớn. Khi lớn lên vì sinh nhai nên người ta phải bon chen vật lộn với cuộc sống. Đến khi mỏi gối chồn chân, nhìn lại khoảng đời qua thì thật là giống như một giấc mộng. Đúng là xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây. Khi tuổi xế chiều mới thấy cuộc đời sao quá ngắn ngủi. Vì ý thức như thế, nên người trọng tuổi hay đi tìm cho mình một nếp sống an nhàn để nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Và chỉ có thế, người ta mới cảm thấy an ổn phần nào để mà vui sống với cuộc đời.
Đối với tuổi thơ thì chỉ mong Tết đến thôi mà không nghĩ điều gì khác. Vì Tết là ngày đánh dấu vui nhứt trong cuộc đời thơ ấu của tuổi trẻ. Càng lo nghĩ suy tính nhiều, người ta càng đánh mất cái tuổi xuân xanh ngây thơ trong trắng hồn nhiên của mình. Chính cái tuổi xuân xanh trong trắng đó mới gần với đạo lý giải thoát. Các bậc Cổ Đức thường nói: “Tâm xuân thì thế giới xuân. Tâm bình thì thế giới bình”. Khi tâm mình được an vui rồi thì nơi nào cũng là mùa xuân hết. Ngược lại, thì dù ở trên cảnh thiên đường người ta cũng không thấy có ý xuân. Sống lại với cái tuổi ngây thơ tôi cảm thấy lòng mình trẻ ra và gần với đạo lý nhiều hơn. Bởi nếp sống hồn nhiên của tuổi thơ là nếp sống tràn đầy hạnh phúc. Nhưng người ta đâu có chịu sống lại với cái tuổi ngây thơ trong trắng nầy. Người ta thích làm người lớn theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi thích làm người lớn cho nên người ta đã đánh mất cái tuổi thơ ngây hồn nhiên. Đó là điều rất đau khổ mà không ai chịu làm trẻ con. Xin hiểu chữ “Trẻ Con” trong ý nghĩa siêu thoát. Bài thơ sau đây đã nói lên cái ý nghĩa siêu thoát đó:
Trong mây có một “Bé Thơ”
Ra vào tự tại ai ngờ được đâu
Thế gian muôn vẻ muôn màu
Bé không hình tướng làu làu suốt thông
Vượt ngoài thinh sắc đục trong
Vượt ngoài đắm nhiễm trong vòng trầm luân
Dù cho trong cõi bụi trần
Bé nào dính mắc sáng ngần tịnh thanh
Bé không vướng lụy tranh giành
Thênh thang rộng khắp diệt sanh ngoài vòng
Dạo chơi một cõi thong dong
Hòa cùng muôn vật không trong không ngoài.
( Một Cõi Đi Về – Thích Phước Thái )
Người ta vì tính toán, lo âu, sợ hãi, suy nghĩ nhiều quá đâm ra mất đi cái tuổi thơ ngây, mà mất đi cái tuổi thơ ngây là mất đi cái hạnh phúc tuyệt đẹp của đời người.
Xuân về tràn ngập vui tươi
Bình minh hé nụ hoa cười khắp nơi
Vạn duyên buông gánh dạo chơi
Làm thân “Đồng Tử” thảnh thơi an nhàn
Lo gì xuân khứ xuân sang
Xuân lòng đã có muôn ngàn an vui.
Thanh Trì