Những Câu Chuyện Thiền Môn – Tình Huynh Đệ

Hôm nay, không khí trong chùa có vẻ nhộn nhịp hơn mọi khi. Chú Huệ Minh thì lăng xăng lo lau chùi các tượng Phật và quét tước trên chánh điện. Thầy Huệ Văn thì chưng hoa quả trên các bàn thờ Phật. Ở nhà bếp, ngoài bà Bảy ra, còn có một vài bà Phật tử đang lui cui cặm cụi lo xắt gọt, nấu nướng. Nhà sư trụ trì thì ngồi viết ở bàn giấy, như đang biên soạn một văn kiện gì quan trọng. Dù thấy trong chùa có hơi khác lạ hơn những ngày thường, nhưng không ai đoán biết chuyện gì. Mỗi người chỉ suy nghĩ phỏng đoán mỗi cách. Kẻ thì cho rằng, nhà chùa đang chuẩn bị làm đám, nhưng không rõ là đám gì. Người thì nói, chắc là làm lễ quy y. Có người lại nói, thôi hơi đâu mà đoán mò, cứ theo dõi thì biết chớ gì. Thế là mọi người để ý theo dõi…

Sắp sửa đến giờ ngọ trai, người ta thấy có hai người đàn ông đang quỳ trên chánh điện. Một người tuổi trạc ngoài năm mươi, còn người kia thì còn rất trẻ khoảng chừng mười ba hay mười bốn tuổi. Hai người quỳ ngước mặt nhìn lên tượng Phật trông có vẻ thành kính lắm. Như đang hướng lòng dốc hết tâm thành cầu nguyện. Nhất là người đàn ông trọng tuổi, trông gương mặt lộ vẻ hơi buồn. Còn chú bé kia thì lại hết nhìn lên tượng Phật rồi lại đưa mắt nhìn chung quanh, trông gương mặt của chú còn ngây thơ trong trắng và thật dễ thương.

Một lát sau, có một nhà sư trẻ đến bên hai người kề tai nói nhỏ như căn dặn điều gì quan trọng. Chú bé thơ ngây xoay người về phía sau lưng như muốn đi ra ngoài. Nhưng khi thấy nhà sư trẻ tới, thì chú liền xoay người lại và quỳ nghiêm chỉnh hơn. Sau đó, hai người vội đứng lên và theo sau nhà sư trẻ đó đi xuống hậu Tổ. Nhìn kỹ nhà sư trẻ đó người ta mới biết là thầy Huệ Văn. Còn chú Huệ Minh thì đang loay hoay ở hậu Tổ. Chú lo chuẩn bị nhang đèn và khai lễ. Xong rồi, chú thắp sẵn ba cây nhang và đứng hầu bên chuông. Thầy Huệ Văn bảo hai thiện nam đứng vào vị trí. Cả hai đều đứng chắp tay kính cẩn nghiêm trang xoay mặt về bàn Tổ. Họ dành một khoảng trống ở phía trước vừa đủ cho nhà sư lạy.

Trong khi đó, nhà sư trụ trì trong bộ y hậu nghiêm trang từ trong phòng bước ra. Dáng đi của ngài thật chậm rãi khoan thai, như biểu hiện tràn đầy sức sống an lạc. Đó là thói quen đi thiền của nhà sư. Ngài đi trong tỉnh lặng và chánh niệm. Mỗi bước đi của ngài thật vững chãi và thảnh thơi, dù chỉ đi có vài bước là tới bàn Tổ. Khi nhà sư đến nơi, mọi người đều cúi đầu xá chào một cách thành kính nghiêm trang. Chú thị giả Huệ Minh thì trịnh trọng dâng ba cây hương cho Thầy. Nhà sư bảo hai người thiện nam quỳ xuống. Chú Huệ Minh liền thỉnh ba tiếng chuông, báo hiệu cho mọi người phải nhiếp tâm thành ý. Đó là ba tiếng chuông thức nhắc mọi người hãy lập tức trở về với hơi thở chánh niệm. Vì đây là giờ niệm hương bạch Tổ rất quan trọng. Nhà sư quỳ xuống niệm hương. Xong rồi, thầy Huệ Văn khởi xướng đảnh lễ chư Tổ. Nhà sư lạy ba lạy. Lạy xong, nhà sư đứng qua một bên và bảo hai người kia đứng lên lạy ba lạy.

Trong khi hai người lạy thì thầy Huệ Văn lên trên chánh điện cử ba hồi chuông trống bát nhã để cung thỉnh nhà sư lên bảo điện hành lễ. Sau khi thỉnh ba tiếng chuông, chú Huệ Minh bưng khai lễ đi trước và nhà sư đi kế rồi đến người đàn ông và chú bé đi sau cùng.

Khi tới chánh điện, thầy Huệ Văn làm duy na đứng thủ bên chuông, còn chú Huệ Minh thì làm duyệt chúng đứng thủ bên mõ. Có một cái ghế dựa để sẵn gần bên cái chuông gia trì. Thầy Huệ Văn thỉnh nhà sư ngồi vào. Nhà sư từ từ nhẹ nhàng ngồi xuống. Và chú Huệ Minh bảo hai vị cư sĩ kia quỳ xuống. Vâng lời, cả hai đều quỳ trước điện Phật và như đang chờ đợi lắng nghe nhà sư dạy bảo.

Bấy giờ, nhà sư mới ân cần nhắc nhở đôi điều. Nhà sư nói, hôm nay là ngày lành tháng tốt, thầy sẽ làm lễ thế phát xuất gia cho chú bé nầy. Chú bé tuy còn nhỏ tuổi, nhưng sớm đã có nhân duyên với Phật pháp, nên hôm may mới được duyên lành xuất gia theo Phật. Tuy nhiên, trước khi thầy làm lễ thế phát cho con, thì con hãy chắp tay xoay về người đàn ông nầy lạy ba lạy. Ba lạy nầy là để đền đáp cái công ơn sanh thành giáo dưỡng của cha con, người đã bỏ nhiều công sức khổ cực nuôi con. Người đã bồng bế nuôi con từ khi con mới chào đời cho đến ngày nay. Cái công ơn lớn lao đó ví như trời cao bể rộng, không sao nói cho hết được.

Nói xong, chú bé ứa nước mắt lạy người cha ba lạy. Khi đó, người cha nhìn thấy con mình lạy mà lòng của ông thật chua xót xúc động nghẹn ngào. Ông không ngăn được giọt lệ, hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Bất giác, ông đến ôm chầm lấy đứa con trai mình vào lòng và rồi bật khóc nức nở. Sau những giây phút xúc động đó, ông gạt nước mắt lấy lại bình tĩnh và nhỏ nhẹ ôn tồn xin lỗi nhà sư. Đồng thời, ông xin nhà sư cho phép ông được có đôi lời khuyên nhũ an ủi dạy bảo đứa con. Thưa xong, ông lạy nhà sư ba lạy như để tỏ lòng kính trọng biết ân. Lạy xong, ông đưa mắt nhìn nhà sư rồi lại nhìn thầy Huệ Văn và chú Huệ Minh như khẩn khoản van xin điều gì.

Xong rồi, ông ôn tồn dạy bảo đứa con. Ông nói trong lời nói nghẹn ngào chứa đựng đầy thâm tình phụ tử. Nầy con, kể từ hôm nay trở đi con sẽ là con của nhà Phật rồi, con không còn cận kề bên Ba nữa. Ba cũng không có cận kề bên con để hôm sớm chăm sóc cho con như ngày nào. Mọi việc con phải nghe lời sư phụ và các thầy dạy bảo. Con phải ngoan hiền lễ độ. Con không được tự do đi chơi như mấy đứa trẻ ngoài đời. Con phải khép mình theo quy luật của thiền môn. Con ráng cố gắng siêng năng cần mẫn học hành. Ba sanh con ra bằng hình hài thể xác, nhưng làm nên thân con được vẻ vang sau nầy là do công ơn dạy dỗ của thầy, của bạn. Sư phụ và quý thầy sẽ dạy dỗ chỉ bảo cho con nên người. Ba có mấy lời khuyên bảo con, vậy con hãy cố gắng ghi nhớ mà làm theo. Vì thời giờ không có nhiều Ba chỉ nói vắn tắt bấy nhiêu đó thôi. Nói xong, ông xoay qua nhà sư lạy ba lạy sau cùng, như để tạ lễ bày tỏ thâm ân và hết lòng gởi gắm đứa con của mình, mong mỏi nhà sư chỉ dạy. Nhà sư hiểu ý, nên có vài lời khuyên giải an ủi ông…

Phần chú bé, sau khi nghe những lời của người cha khuyên bảo, chú chỉ biết lặng thinh mặc cho hai hàng nước mắt tuôn rơi. Chú chỉ biết nói một lời ngắn gọn. Dạ! con nghe lời Ba dạy. Con hứa với Ba con sẽ nghe lời sư phụ và quý thầy. Ba yên tâm đừng có lo lắng cho con nhiều. Nói đến đây, chú bật khóc thành tiếng. Người cha ôm lấy và chỉ biết xoa đầu an ủi đứa con ngây thơ…

Sau đó, là một buổi lễ xuất gia diễn ra. Nhà sư niệm hương và cầu nguyện. Tụng niệm xong, nhà sư liền đặt pháp danh cho chú bé là Huệ Tân. Nhà sư nói, kể từ hôm nay trở đi, con phải ghi nhớ pháp danh của con là Huệ Tân. Huệ là trí huệ sáng suốt; còn Tân là mới mẻ. Cuôc đời của con kể từ hôm nay trở đi sẽ bắt đầu thay đổi. Đổi mới thân tâm con. Con nên nhớ, người xuất gia là phải thân tâm khác tục. Con hãy làm mới cho cuộc đời mình luôn thăng tiến theo chiều hướng đạo đức, nghĩa là con phải cố gắng siêng năng tu học theo hạnh nguyện của người xuất gia. Con hãy ghi nhớ pháp danh của con mà thật hành cho đúng. Có thế, thì mới xứng đáng mình là người xuất gia ở chùa. Nói xong, nhà sư bảo thầy Huệ Văn ra phía sau cạo tóc cho chú Huệ Tân. Và nhà sư còn căn dặn là phải cạo chừa chóp. Cạo xong, chú bé cởi bộ đồ trần tục rồi mặc vào mình bộ đồ vạt khách. Bộ đồ màu đà, đó là màu hoại sắc của người tu. Chú mặc vào trông chú rất là dễ thương.

Điều làm cho người ta xúc động là khi chú giao bộ đồ đời kỷ niệm của chú cho người cha mang về. Người cha nhận lấy bộ đồ trong sự buồn vui lẫn lộn. Buồn là vì thương nhớ không được cận kề bên con. Rồi mai đây không biết con mình có chịu nỗi cái nếp sống trong cảnh thiền môn hay không? Vì nếp sống trong chùa hoàn toàn khác hẳn nếp sống ngoài đời. Nhưng ông rất tin tưởng vào đứa con của mình. Bởi chú ngoan hiền và dễ dạy. Tuy còn nhỏ mà tánh tình rất chịu khó. Vui là khi nhìn thấy con mình đã đi vào con đường đạo đức. Bên cạnh còn có Thầy hiền bạn tốt sẵn sàng lo lắng giúp đỡ. Nghĩ đến đó, ông mỉm cười, vì thấy được hiện tại và tương lai sáng lạn của con mình. Một người sẽ được huấn luyện tài bồi đạo đức và sẽ trở nên hữu ích cho đạo pháp và xã hội sau nầy.

Sau buổi lễ, chú bé thấy mình khác hẳn. Khác ở nơi bộ đồ và đầu tóc. Chú cảm thấy hơi buồn và lo. Buồn là vì từ nay không còn đi rong chơi với chúng bạn được nữa. Còn đâu những buổi chiều tan học về nhà, cùng một vài đứa bạn đi bắt dế, bắt cào cào, thẩy đáo, bắn bi… Một thoáng nghĩ, bỗng nghe âm thanh của tiếng chuông thỉnh lên, chú giật mình. Đó là ba tiếng chuông báo hiệu đã kết thúc buổi lễ. Buổi lễ kết thúc vừa đúng giờ ngọ trai. Cả bốn thầy trò cùng nhau đến trai đường thọ trai. Bà Bảy mời người cha của chú bé cùng với một vài bà Phật tử ở lại dùng cơm. Cơm xong, ông đến chào từ giả nhà sư ra về.

Thế là, kể từ hôm ấy chú bé ngây thơ trong trắng kia, phút chốc đã trở thành một chú tiểu quét lá đa ở chùa. Nhà sư bảo thầy Huệ Văn và chú Huệ Minh luôn quan tâm hướng dẫn chỉ dạy cho chú.

Qua một tuần lễ khép mình sống trong quy luật của thiền môn, chú cảm thấy rất buồn. Vì cái gì cũng phải theo quy củ giờ giấc hết. Trước kia, ở nhà ăn ngủ thế nào cũng được, nay thì phải thức khuya dậy sớm. Ăn thì phải theo nghi thức giữ đúng oai nghi giờ giấc. Thầy Huệ Văn bắt chú phải học thuộc lòng nghi thức cúng quá đường và hai thời khóa tụng. Chú học kinh Di Đà và năm đệ thần chú Lăng Nghiêm. Ngoài ra, còn phải học giới luật và oai nghi. Đi đứng phải nghiêm trang, không được nô đùa chạy giỡn. Chú Huệ Minh thì chỉ cho chú về cách thức lễ nghi hầu Thầy. Đối với mọi người dù lớn hay nhỏ đều phải tỏ ra kính trọng lễ độ. Không được nói những lời thô tục, mà phải nói những lời nhỏ nhẹ hòa nhã. Nói chung, là phải gìn giữ đúng theo luật nghi của một người xuất gia.

Có những lúc, chú cảm thấy nhớ nhà, nhớ bạn tha thiết. Nhất là nhớ đến người cha của chú. Chú Huệ Minh như hiểu được tâm trạng của chú, nên thường lân la trò chuyện an ủi chú. Chú Huệ Tân nhỏ hơn chú Huệ Minh bốn tuổi. Chú Huệ Minh năm nay vừa tròn mười tám tuổi. Còn chú Huệ Tân thì được mười bốn tuổi. Tuổi tác của hai người cách nhau không xa lắm. Vì vậy mà chú Huệ Minh coi chú Huệ Tân như đứa em trai của mình. Hai người rất cởi mở thân thích với nhau. Cái gì Huệ Tân cũng thường hay tâm sự hỏi chú Huệ Minh. Bởi chú Huệ Minh rất vui tánh. Ngược lại, Huệ Tân thì rất sợ thầy Huệ Văn. Vì thầy Huệ Văn rất nghiêm khắc. Mỗi khi thầy Huệ Văn kêu chú trả bài, thì chú rất sợ.

Có lần, thầy Huệ Văn kêu chú trả bài phẩm đầu của thần chú Lăng Nghiêm. Chú run sợ quýnh lên liền tụng: “Nam mô tát đát tha tô rô bà già bà đá bò đá bà già bà già bắt dế án tế bà già… bà già …” Chú đang ấp úng ngập ngừng, thầy Huệ Văn vừa mắc thất cười vừa tỏ ra nghiêm khắc bảo chú ngưng ngay. Trong khi đó, Huệ Minh đứng rình lén nghe, chú không thể nín cười được. Chú ôm bụng cười lăn ra, nhưng không dám cười lớn tiếng, vì sợ sư huynh Huệ Văn la rầy. Còn thầy Huệ Văn thì nghiêm sắc mặt lại nói: Đệ tụng cái gì mà có bà già bà đá, bà đá bà già rồi lại có bà già bắt dế trong đó nữa. Có phải đệ nhớ lại hồi còn ở nhà đi rong chơi bắt dế cho đá phải không? Thói quen bắt dế của đệ nó đã ăn sâu trong tiềm thức của đệ rồi. Bởi vậy, nên đệ mới nhớ lộn xộn hết. Tu là mình phải tập dẹp bỏ lần những cái thói quen xấu đó. Đệ có biết không? Từ nay về sau, đệ phải cố gắng học và phải nhớ từng chữ cho thật kỹ lưỡng, không được tụng bắt quàng lộn xộn nữa nghe chưa. Đệ mà trả bài như thế nầy, trước mặt sư phụ chắc chắn là đệ phải bị ăn đòn và quỳ hương.

– Dạ! đệ biết. Mong sư huynh tha lỗi, lần sau đệ không dám như thế nầy nữa.

Dứt lời, chú Huệ Minh liền nói xen vào, có lẽ tại sư huynh kêu Huệ Tân trả bài bất thần, nên chú mới nhớ lộn xộn như thế. Thật đệ không thể nín cười được. Đệ cũng xin lỗi sư huynh.

– Thôi! lỗi phải gì. Bây giờ, Huệ Tân vô trong chùa coi sư phụ có sai bảo làm công viêc gì không. Còn Huệ Minh, chú đi ra ngoài vườn cắt vài trái khổ qua và nhổ vài cây cải bẹ xanh đem vô cho bà Bảy nấu canh.

– Dạ! đệ xin tuân lệnh.

Có một hôm, vào giờ học, nhà sư hỏi chú Huệ Tân đã thuộc lòng bài nghi thức cúng dường ở quá đường chưa?

– Dạ! bạch sư phụ đã thuộc.

– Vậy con hãy tụng cho thầy nghe thử.

– Chú tụng một hơi không dấp một chữ.

Chú Huệ Tân, sau lần trả bài tụng sai chú Lăng Nghiêm, đã bị thầy Huệ Văn la rầy và khuyên bảo, từ đó, chú rất chăm chỉ học hành. Cho nên hôm nay, khi sư phụ bảo trả bài nghi thức cúng dường, chú đều trả thuộc lòng vanh vách rành mạch. Hỏi tới bài nào, chú đều thuộc lòng bài đó. Phải nói, chú là một đứa bé cũng rất thông minh. Không bao lâu, chú đều thuộc lòng hai thời khóa tụng. Ngoài việc chăm chỉ học hành ra, chú cũng được sư huynh Huệ Minh hướng dẫn chú làm những công việc lặt vặt trong chùa. Những gì chú Huệ Minh làm trước đây, nay Huệ Minh chỉ lại cho chú. Chẳng hạn như những buổi thọ trai quá đường, chú lãnh phần cúng “xuất sanh”. Và buổi chiều thì cúng thí thực cô hồn.

Có lần chú Huệ Tân thắc mắc hỏi thầy Huệ Văn về ý nghĩa của bài kệ khi cúng “xuất sanh”.

Chú hỏi: Thưa sư huynh, sư huynh có thể giải thích cho đệ biết qua ý nghĩa của bài kệ cúng xuất sanh được không?

– Được. Nhưng trước khi giải thích, sư huynh muốn đệ hãy đọc lại bài kệ đó cho sư huynh nghe.

– Dạ! Chú liền cất giọng tụng thuộc lòng lớn tiếng và có ca, có kệ:

Đại bàng kim sí điểu
Khoáng dã quỷ thần chúng
La sát quỷ tử mẫu
Cam lồ tất sung mãn.

Bài kệ đó nguyên văn chữ Hán Việt là như thế. Nếu dịch nghĩa ra tiếng Việt, thì tạm dịch như thế nầy:

Chim đại bàng cánh vàng
Chúng quỷ thần hoang dã
Mẹ con quỷ La Sát
Cam lồ đều no đủ

Đó là mình tạm dịch nghĩa của bài kệ đó thôi. Bây giờ, sư huynh sẽ giải thích về ý nghĩa từng câu của bài kệ đó. Đệ phải chăm chú lắng lòng theo dõi. Lần sau, sư huynh hỏi lại phải nói cho thông suốt đó nhe.

– Dạ! đệ hết lòng theo dõi lắng nghe.

– Tốt lắm.

Đại bàng kim sí điểu: nghĩa là con chim đại bàng có cánh vàng. Kim là vàng, sí là cánh, điểu là chim. Con chim nầy, tiếng Phạn gọi là Ganruda, phiên âm là Ca lâu la, còn gọi là diệu sí điểu, một loại chim thần to lớn, hung dữ có lông màu vàng. Loại chim nầy chúng hay đi kiếm loài rồng để ăn thịt. Đó là nghiệp báo của chúng. Có lần, chim sí điểu đuổi bắt rồng, rồng hoảng sợ ẩn trốn dưới tòa sen của đức Phật và nó xin Phật từ bi cứu mạng. Đức Phật dùng oai thần che chở rồng và đồng thời, Phật giảng một bài pháp cho kim sí điểu nghe, hầu để hóa giải oan gia nghiệp chướng truyền kiếp lâu đời của hai loài nầy. Đệ thấy hiện nay, thế giới loài người của chúng ta, cũng có những chủng tộc, họ nuôi hận thù truyền kiếp có dịp sát phạt bắn giết lẫn nhau, không biết đến bao giờ họ mới thực sự hóa giải chấm dứt hận thù. Ở đây, hai loài nầy may mắn là gặp được đức Phật, nên Phật mới hóa giải hận thù cho chúng. Sau khi nghe Phật giảng dạy, thì kim sí điểu phát tâm quy y Tam bảo, trở thành một trong tám bộ chúng ủng hộ Phật pháp. Theo truyền thuyết, lúc đức Phật thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở núi Thứu, thì có rất nhiều loài chim nầy đến dự nghe.

Khoáng dã quỷ thần chúng: Quỷ thần, tiếng Phạn gọi là Tavika, phiên âm A thác bạt câu, Hán dịch là “lâm nhân”. Loại quỷ thần nầy chúng thường cư trú ở những nơi đồng không mông quạnh, rừng rú hoang vắng, ưa ăn thịt uống máu chúng sanh. Về sau được đức Phật cảm hóa chúng, nên chúng từ bỏ nghiệp ác và sống nhờ vào sự cúng thí thực phẩm cho chúng hưởng dụng. Cho nên Phật dạy, người xuất gia mỗi khi thọ trai phải nhớ cúng thí cho chúng. Nếu không, thì chúng phải chịu đói khát khổ sở.

La sát quỷ tử mẫu: La sát tiếng Phạn gọi là Raksha, Hán dịch là khả quý, tốc tật quỷ, hộ giả. Theo thần thoại Ấn Độ, La sát là loài ác quỷ. Nam La sát có hình thù đen thui xấu xí, tóc đỏ mắt xanh. Nữ La sát thì hình tướng xinh đẹp, quyến rũ. Loài nầy, chúng thích ăn thịt uống máu huyết tanh hôi. Chúng có thần thông thường phi hành trong hư không, đi nhanh trên mặt đất. La sát còn chỉ cho loài quỷ mang đầu trâu, ngựa coi việc trừng phạt ở địa ngục.

Quỷ tử mẫu: tiếng Phạn gọi là Hriti, Há lợi đế, Hán dịch là ái tử mẫu, quỷ mẹ của năm trăm quỷ con, là vợ của ác thần. Loài nầy, do sân hận nên phát lời thề độc là chuyên đi tìm ăn thịt trẻ sơ sinh trong thành Vương Xá, nên bị đọa thành Dược xoa. Đức Phật vì muốn độ chúng nên dùng thần thông giấu mất đứa con mà chúng yêu quý nhất. Bấy giờ, quỷ mẹ thương nhớ con khóc la gào thét cầu khẩn van xin thảm thiết. Chúng khẩn cầu đức Phật cứu giúp cho. Đức Phật dạy, Bà có đến 500 đứa con nay chỉ mất có một đứa, sao Bà lại đau buồn khổ lụy đến như thế? Như vậy, bà thử nghĩ, những bà mẹ ở trong thành Vương xá nầy, khi mất con thì họ sẽ đau buồn khổ sở bi lụy đến như thế nào?! Quỷ mẹ nghe Phật dạy, liền tỉnh ngộ cầu xin Phật sám hối và nguyện từ nay trở đi sẽ bảo hộ những phụ nữ sanh sản và các đứa trẻ sơ sanh cho mọi người được an lành.

Cam lồ tất sung mãn: Cam lồ ( lộ ) tiếng Phạn là Amrta, nghĩa là sương ngọt, chỉ cho thức ăn quý báu của chư thiên. Khi ăn vào thì sẽ được trường sanh bất tử. Hai chữ cam lồ còn tượng trưng cho ý nghĩa từ bi. Dùng chất cam lồ ngọt mát để tưới tẩm xoa dịu những nỗi đau khổ cho chúng sanh. Tất sung mãn, nghĩa là tràn đầy. Lòng từ bi của chư Phật và Bồ tát lúc nào cũng tràn đầy khắp cả.

Tóm lại, ý nghĩa của bài kệ trên là nói lên tấm lòng từ bi vô lượng vô biên của đức Phật. Ngài đã dùng lòng từ bi (dụ như nước cam lồ) để hóa độ cho các loài hung dữ trở thành hiền hòa. Và những loài hung dữ nầy, sau khi đã được đức Phật hóa độ, chúng phát nguyện luôn ủng hộ Phật pháp, đồng thời, còn bảo hộ cho những bà mẹ và các trẻ em sơ sanh, như mẹ La sát chẳng hạn. Điều đó, cho chúng ta thấy rằng, chỉ có từ bi mới có thể hóa giải xóa tan mọi tranh chấp hận thù. Bởi hận thù làm sao diệt được hận thù? Nếu lấy oán mà báo oán thì oán kia ắt phải chất chồng. Đệ thấy, ngoài từ bi ra, thì không có một giải pháp nào khác mà có thể hóa giải được hận thù cả. Nhưng từ bi phải có trí huệ đi kèm. Nếu chỉ có từ bi không thôi cũng chưa đủ để hóa giải những hận thù nội tại và ngoại tại.

– Sư huynh nói nội tại và ngoại tại là thế nào?

– Nội tại là trong tâm thức của đệ, của huynh. Bởi hạt giống thù hận ai ai cũng sẵn có. Tùy theo sự huân tu của mỗi người mà nó có cường độ phát khởi nặng nhẹ khác nhau. cường độ nặng thì nó có thể tàn hại phạm vi rất rộng lớn; còn nhẹ thì nó sát hại trong phạm vi nhỏ hẹp hơn. Ngoại tại là những hận thù gây nên chiến tranh đẩm máu bên ngoài. Họ bắn giết nhau gây nên những thảm cảnh máu đổ đầu rơi ngoài trận địa. Hoặc tranh chấp sát phạt giữa quốc gia nầy với quốc gia khác. Đó là những mối hận thù tranh chấp dai dẳng triền miên của các quốc gia vì quyền lợi hoặc vì kỳ thị chủng tộc. Nhưng suy cho cùng, thì nó cũng phát nguyên từ ở nơi tâm địa độc ác của con người mà ra.

Thầy Huệ Văn giải thích đến đây, thì chú Huệ Tân vui mừng, vì đã hiểu được phần nào qua ý nghĩa của bài kệ. Tuy nhiên, chú vẫn còn thắc mắc là tại sao sư phụ lại dùng đủa gấp bảy hạt cơm bỏ vào trong chung nước, rồi tay bắt ấn và miệng thầm đọc bài kệ:

Pháp lực bất tư nghì
Từ bi vô chướng ngại
Thất liệp biến thập phương
Phổ thí châu sa giới

Quỷ tử mẫu khoáng dã
Thần kim sí điểu vương
Tất linh giai bảo mãn
Án độ lợi ích tóa ha

– Xin sư huynh có thể giải thích lý do tại sao phải gấp bảy hạt cơm? và tay bắt ấn và cái ấn đó là ấn gì? và ý nghĩa của bài kệ đó ra sao?

– Được. Sư huynh sẽ giải thích cho đệ hiểu, nhưng trước khi giải thích sư huynh muốn đệ hãy tụng thuộc lòng nghĩa của bài kệ mà sư huynh đã dạy cho đệ hôm trước.

– Dạ! Đệ sẽ tụng cho sư huynh nghe. Nếu có sai thì sư huynh sửa lại giùm.

Pháp lực không nghĩ bàn
Từ bi chẳng chướng ngại
Bảy hạt biến mười phương
Cho khắp vô lượng cõi

Mẹ con quỷ đồng nội
Cánh vàng vua thần điểu
Hết thảy đều no đủ.
Án độ lợi ích tóa ha

Đúng rồi. Đệ tụng không có sai. Đệ nhớ cũng khá đó. Bây giờ sư huynh sẽ giải thích đại khái cho đệ nghe nhe. Tại sao phải là bảy hạt? Con số bảy nầy trong nhà Phật thường dùng lắm. Như cúng thất cũng cúng bảy ngày, Phật ra đời cũng đi bảy bước và mỗi bước đều có hoa sen v.v… Tuy nhiên, với con số bảy nầy có nhiều thuyết nói khác nhau. Và người ta cho rằng, không ai có thể giải thích tường tận ý nghĩa của nó được cả. Tùy theo quan niệm nhận thức hiểu biết của mỗi người mà người ta giải thích mỗi cách có khác nhau. Con số nầy, không những trong nhà Phật hay thường đề cập đến, mà ngay cả các lĩnh vực học thuyết khác cũng đều có đề cập đến. Bởi nó là một con số linh thiêng mầu nhiệm của vạn hữu vũ trụ. Trong nhà Phật có câu nói: “Pháp nhĩ như thị“. Nó là thế ấy, xin đừng hỏi tại sao. Cũng như đừng hỏi tại sao lửa lại nóng và nước lại lạnh.

Còn cái ấn đó gọi là ấn cam lồ. Như trên đã nói cam lồ là tượng trưng cho từ bi.

Ý nghĩa của bài kệ trọng tâm cũng chỉ nói lên cái tấm lòng từ bi của Phật, Bồ Tát rộng lớn vô biên không có giới hạn. Khi gấp bảy hạt cơm, thì mình phải tập trung tâm ý, nghĩa là phải có chánh niệm để chú nguyện cho các loài đó. Mục đích là để cho chúng được hưởng dụng ăn no đầy đủ. Đó là pháp lực của Phật không thể nghĩ bàn. Vì có bảy hạt cơm mà bố thí châu biến pháp giới.

Một người tu hành, khi đã thể nhập sống trọn vẹn với bản tâm rồi, thì không thể dùng lời nói hay tâm lượng mà có thể suy nghĩ luận bàn đến được. Vì đó là cảnh giới ly ngôn, bặt hết mọi dấu vết. Sau khi chứng ngộ, thì sẽ phát sanh vô số thần thông diệu dụng làm lợi ích cho chúng sanh. Và những diệu dụng nầy cũng không thể suy lường được. Điều nầy với trình độ hiểu biết thô thiển hạ liệt như của đệ, của huynh, thì làm sao mà có thể thấu hiểu? Mình có nói, thì cũng chỉ nói diễn tả trên mặt văn tự chữ nghĩa rỗng suông mà thôi. Chỉ có khi nào mình gắng công tu tập chứng đạt tới đó, thì mình mới có thể nhận hiểu thấu đáo. Bởi tất cả ngôn từ lý thuyết chỉ là những bánh vẽ, trò đùa, tất cả đều là những khái niệm danh ngôn giả lập. Chấp vào danh tự thì có khác gì là kẻ bắt bóng trong gương hay mò trăng dưới nước. Điều nầy trong Khởi Tín Luận gọi là “kế danh tự tướng” còn trong Duy Biểu học thì gọi là “biến kế sở chấp“. Nghĩa là chấp chặt những gì do thức biến hiện, rồi so đo tính toán hơn thua, kỳ thật thì bản thân của các pháp chỉ là hư huyễn. khác nào như hoa đốm lăng xăng giữa hư không.

Đối với người tu hành, ai tu tới đâu thì thầm nhận biết tới đó. Khác nào như người uống nước lạnh nóng tự biết. Làm sao sư huynh có thể diễn tả được mùi vị của sầu riêng? Đệ muốn biết mùi vị của nó như thế nào, thì chỉ có cách là đệ phải ăn mới biết được. Nãy giờ sư huynh nói triết lý với đệ hơi dong dài khó hiểu rồi đó. Làm cho đệ thêm rối lên. Thôi thì, đệ hiểu được chút nào thì hay chút đó. Huynh đệ mình sẽ còn nhiều dịp để trao đổi học hỏi với nhau. Thời gian gần đây, sư huynh thấy đệ đã có cố gắng tìm hiểu học hỏi và có phần tiến bộ. Nhưng đệ không nên tự mãn, cần phải trau dồi học hỏi không ngừng. Bởi biển học mênh mông không có bờ bến. Học hoài, học mãi, học không bao giờ cùng. Nhớ lại, ngày xưa, khi sư huynh mới vào chùa tu trong chùa chỉ có sư huynh với sư phụ thôi. Sau đó, sư phụ mới nhận thêm chú Huệ Minh. Nhiều lúc có những thắc mắc mà sư huynh cũng không dám hỏi sư phụ. Đâu có được như đệ và Huệ Minh bây giờ. Cho nên cái gì sư huynh học hỏi được ở nơi sư phụ chỉ dạy, thì sư huynh sẵn sàng chỉ dạy lại cho hai sư đệ. Đệ ráng cố gắng học đừng để phụ lòng sư phụ nhe!

Dạ! đệ xin vâng lời sư huynh chỉ dạy.

– À! Thưa sư huynh đệ còn có một thắc mắc, đệ chưa hiểu rõ về năm phép quán tưởng. Vậy xin sư huynh giải thích giùm cho đệ hiểu.

– Được. Sư huynh sẽ giải thích cho đệ nghe, nhưng trước khi giải thích, sư huynh muốn đệ đọc lại năm phép quán tưởng.

– Đọc chữ và nghĩa luôn phải không sư huynh?

– Đúng vậy.

– Dạ! Được. Sư huynh nghe nhe, nếu có sai sót thì sư huynh sửa lại.

Nguyên Văn Chữ Hán Việt là:

Nhứt kế công đa thiểu lượng bỉ lai xứ.
Nhì thổn kỷ đức hạnh toàn khuyết ứng cúng.
Tam phòng tâm ly quá đẳng tham sân
Tứ lương dược vị trị liệu hình khô
Ngũ vị thành đạo nghiệp phương thọ thử thực.

Nghĩa là:

Một, kể công nhiều ít so chỗ kia đem đến.
Hai, xét đức hạnh của mình đủ hay thiếu mà thọ của cúng dường.
Ba, ngừa tâm xa lìa các tội lỗi tham,sân, si là cội gốc.
Bốn, Chí là vị thuốc hay để chửa lành bệnh khô gầy.
Năm, Vì thành đạo nghiệp nên thọ cơm nầy.

– Như sư phụ thường dạy chúng ta, người xuất gia làm bất cứ điều gì cũng cần phải giữ chánh niệm. Bởi chánh niệm trong đạo Phật rất là quan trọng. Nếu chúng ta không có chánh niệm, tức thất niệm, thì dễ gây ra những lỗi lầm sái quấy. Chánh niệm là sự có mặt của mình ngay trong giây phút hiện tại. Nghĩa là, mình nhận diện rất rõ những gì đang xảy ra ở nơi chính mình và chung quanh mình. Như đệ đi thì đệ biết rằng đệ đang đi. Khi ngồi xuống đệ biết rõ rằng đệ đang ngồi xuống. Khi ăn cơm cũng thế. Nghi thức thọ trai của người xuất gia, từ khi đến quá đường cho đến khi ăn xong, đệ thấy chư Tổ luôn luôn thức nhắc chúng ta phải gìn giữ oai nghi chánh niệm cẩn trọng. Chư Tổ bày ra nghi thức nầy, một là, để cho buổi thọ trai được trang trọng, hai là, để cho mọi người ý thức từng cử chỉ động tác của mình trong khi thọ thực. Đó là luật nghi phép tắc ăn uống của người xuất gia. Từ tụng bài cúng dường, xuất sanh, xướng tăng bạt, nâng bát lên ngang mày tụng bài kệ và câu chú, đến tam đề và cuối cùng là năm phép quán tưởng. Tất cả đều thức nhắc mình phải ý thức trong chánh niệm.

Về phép quán thứ nhứt: khi bưng bát cơm lên, ta phải quán xét biết bao công lao mồ hôi khó nhọc của người nông phu. Họ làm lụng vất vả cực khổ chân lấm tay bùn hì hục ở ngoài đồng ruộng. Từ khi gieo mạ cho đến khi có được hạt lúa đem về nhà, trải qua không biết bao nhiêu công lao khổ cực. Rồi đến công lao của những người làm bếp nấu nướng. Ta ngồi không, người ta làm đổ bao mồ hôi nước mắt mới có được hạt cơm và những thức ăn nầy. Vậy ta nỡ lòng nào không nghĩ đến công lao của họ. Khi quán tưởng như thế, để ta thấy rằng cái giá trị của hạt cơm đánh đổi biết bao nhiêu công lao khó nhọc mới có. Do đó, khi ăn ta cần phải giữ chánh niệm và cố gắng nỗ lực tu hành mới mong tiêu của Đàn na tín thí. Đó là xét công lao nhiều ít người ta mang đến.

Đến phép quán thứ hai, ta lại càng thêm xấu hổ. Ta phải thành thật tự xét lại mình có được bao nhiêu đức hạnh. Đức hạnh có ra từ đâu? Bình nhựt, nếu ta sống buông trôi phóng túng, không giữ giới, tham thiền, niệm Phật, tụng kinh và làm tất cả việc lành, phụng sự Tam bảo, thì thử hỏi, ta có xứng đáng thọ dụng những thức ăn nầy không? Dù ta có tu hành đạo cao đức trọng đến đâu đi nữa, thì ta cũng vẫn phải quán tưởng để nỗ lực tiến tu, như thế mới có thể tương ưng phần nào với đạo giải thoát. Thọ dụng càng nhiều, người cúng họ càng thêm lợi. Ngược lại, phước ta càng ngày càng kém, nếu ta không gắng chí nỗ lực tu hành, thì làm sao tránh khỏi cảnh mang lông đội sừng đền trả nợ cho Đàn na thí chủ!

Đến phép quán thứ ba, ta càng thấy mình mang nhiều tội lỗi. Tội lỗi từ đâu có? Từ tâm ta mà ra. Tức từ cái tâm vọng tưởng, tạo bao nhiêu ác nghiệp. Vì mất chánh niệm, nên bao nhiêu phiền não tham, sân, si dấy khởi lên. Tam độc nầy là nguồn gốc gây ra khổ đau cho chúng ta. Trừ nhân thì không có quả, ngăn ngừa cái tâm tham lam, vì ham ăn món ngon vật lạ. Và phải ngừa cái tâm sân hận vì chê món ăn sơ sài quá dở. Phép quán nầy, không những chỉ quán trong bữa ăn thôi, thiết nghĩ, chúng ta còn cần phải luôn luôn quán xét thường xuyên để ngăn ngừa mọi thứ ham muốn khác. Có thế, thì rất ích lợi cho sự tu hành của chúng ta.

Đến phép quán thứ tư, ta cần nên chú ý thận trọng. Ta xem món ăn dù ngon hay dở, dù hợp khẩu vị hay không, tất cả đối với ta chỉ là vị thuốc để chửa lành bệnh khô gầy yếu đuối mà thôi. Ăn uống chỉ là vay mượn tứ đại bên ngoài để nuôi dưỡng bồi bổ tứ đại trong thân ta. Mục đích là để cho thân thể ta được khỏe mạnh mà tấn tu đạo nghiệp. Nếu ta cố tâm tham đắm, thì đó là mắc phải cái chứng bệnh tham ăn. Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Thật là xấu hổ!

Đến phép quán thứ năm, đối với người xuất gia thật là quan trọng. Phép quán nầy dạy ta nâng cao đời sống đạo đức, vượt qua những lối sống hưởng thụ thường tình của thế gian. Ngồi đây thọ dụng những hạt cơm nầy, những thức ăn công khó của biết bao người đây, ta chỉ có một mục đích duy nhất là tạm mượn nó để sớm thành tựu đạo nghiệp. Cái đạo nghiệp mà khi mới vào chùa, ta đã mong muốn chóng được đạt thành. Nếu không đạt được mục tiêu nầy, thì than ôi! của tín thí dâng cúng làm sao tiêu dùng?! Cho nên mỗi khi thọ thực ta phải kính cẩn quán tưởng năm phép quán. Phải quán một cách sâu sắc, chớ không được làm cho có lệ. Sư huynh chỉ giải thích đơn sơ đại khái cho đệ hiểu chút ít thôi, sau nầy, nếu có dịp đệ sẽ tìm hiểu sâu sắc hơn. Đó là điều sư huynh rất mong muốn.

Có lần, sau giờ lạy sám hối mệt mỏi, ba huynh đệ ra phía trước sân chùa để hóng mát cho khỏe. Hôm đó là đêm trăng mười bốn, trăng sáng lung linh huyền ảo tuyệt đẹp! Mỗi người tìm mỗi nơi thuận tiện ngồi xuống. Có mấy cái tảng đá nên thơ đã để sẵn chung quanh cội tùng. Ba huynh đệ ngồi trên ba cái tảng đá gần nhau. Đêm trăng trò chuyện đạo lý với nhau thì thật là thú vị thơ mộng không gì bằng. Sau khi ngồi yên, bấy giờ Huệ Minh liền cất tiếng hỏi chú tiểu đệ Huệ Tân:

– Nầy đệ, sao hôm đệ làm lễ xuất gia, huynh chỉ thấy có mỗi một mình ba đệ, vậy còn má của đệ ở đâu mà không tới? Còn anh em của đệ như thế nào? Và ông bà bên nội, bên ngoại của đệ ra sao? Đệ có thể kể sơ cho huynh và sư huynh Huệ Văn nghe được không?

– Dạ được chớ! Nhưng mà đệ không có nhớ hết. Đệ nhớ đâu thì đệ nói đó. Nếu như đệ kể không có đầu đuôi, thì hai sư huynh cũng đừng có cười chọc quê đệ nhe!

– Được rồi, hai sư huynh không cười đệ đâu.

– Thật ra, đệ không còn mẹ. Đệ nghe ba của đệ kể lại là mẹ của đệ chết hồi lúc đệ vừa mới sanh ra. Nghe nói, mẹ của đệ bị băng huyết gì đó mà chết. Từ đó, ba của đệ ở vậy, người chăm sóc lo lắng cho đệ từ miếng ăn giấc ngủ. Ba cực khổ với đệ nhiều lắm! Người không muốn có thêm người mẹ kế. Bởi vậy, người ta nói, Ba của đệ là người làm thân gà trống nuôi con. Ba thật là vất vả cực khổ. Vì thế, nên đệ thương Ba của đệ nhiều lắm.

– Vậy còn các anh chị em của đệ ở đâu?

– Đệ chỉ có một người anh thôi. Nghe Ba của đệ kể lại, là anh của đệ đi lính đánh giặc chết ngoài mặt trận. Ba nói, Lúc hay tin người anh của đệ chết, má và ba rất đau buồn mất ăn mất ngủ. Nhất là má của đệ, nghe nói, bà rất là đau khổ! Còn người chị của đệ thì bị bệnh chết.

– Còn ông bà của đệ?

– Đệ chỉ còn có một bà nội. Năm nay bà đã già lắm rồi. Còn ông ngoại mới chết hồi năm ngoái.

– Nhưng sao đệ lại xin Ba của đệ đi tu vậy? Đệ không thương Ba của đệ sao?

– Đệ cũng không biết sao. Nhưng mỗi khi đệ thấy quý thầy thì đệ thích muốn đi tu như quý thầy. Lúc nào đệ cũng nghĩ đến Phật, đến chùa. Đệ nhớ, có hôm, đệ vào trong chùa, thấy mấy chú điệu mặc áo nâu, và nhất là đắp y vàng tụng kinh, đệ thích lắm. Đệ ao ước có một ngày nào đó đệ sẽ vào chùa tu làm điệu mặc bộ đồ nâu và đắp y vàng như mấy vị đó.

– Đệ xin Ba của đệ như thế nào? Và Ba của đệ biết được đệ muốn đi tu, ông có buồn trách gì không?

– Đệ nhớ có một hôm, đệ thấy Ba rất vui, không biết Ba vui về vấn đề gì. Nhân dịp đó, đệ liền đến bên Ba và thưa với Ba là xin Ba cho con đi vô chùa tu.

– Lúc đó thái độ của ông ra sao?

– Đang vui cười, ông liền nghiêm sắc mặt lại và hỏi đệ: “Tại sao hôm nay con có ý nghĩ kỳ hoặc vậy? Con có biết đi tu như thế nào không? Con có chịu nỗi nếp sống trong chùa không? Con có ăn chay trường được không? Từ hồi nào tới giờ, con sống với Ba con chưa từng biết ăn chay một ngày, con liệu con có ăn chay nổi không? Và rồi đối với những bè bạn mà con chơi thân thì sao? Nếu con trả lời những câu hỏi của Ba được, thì Ba sẽ cho con đi tu”.

– Đệ trả lời sao?

– Đệ nói, những gì Ba nói, tất cả con đều có thể chịu đựng được hết. Tại vì đó là điều con muốn, con thích. Không có ai bắt buộc. Cái gì con muốn con thích, thì dù cho có gặp khó khăn đến đâu con cũng có thể khắc phục chịu đựng vượt qua được. Con chỉ lo sợ cho Ba, khi Ba già yếu ở nhà một mình, sớm hôm không có ai cận kề săn sóc phụng dưỡng cho Ba đó thôi!

– Đệ nói thế, ông ta nói sao?

– Ông nói. Được! nếu như con có tâm quyết mạnh như vậy, thì Ba sẵn sàng cho con đi. Ba nói, phần của Ba con khỏi phải lo. Vì tuổi của Ba chưa phải là già lắm. Ba vẫn còn mạnh khỏe và vẫn còn đi làm công kia việc nọ được. Nhưng đi tu, đâu có phải là con không còn nghĩ gì đến Ba, khi Ba bệnh đau con vẫn có thể chăm sóc cho Ba được mà. Đâu có phải đi tu là đoạn tuyệt tình cha con đâu!

Nghe Ba nói thế, đệ rất yên tâm. Đệ không còn lo lắng gì nữa. Đệ nghĩ mình đi tu sau nầy cũng có thể trả hiếu cho Ba được. Ngày Ba già yếu hay đau bệnh, thì đệ cũng có thể cận kề săn sóc cho Ba, đâu có sao. Phải không sư huynh?

– Phải. Nhưng đệ có nghĩ đến khi vào chùa sẽ cực khổ thức khuya dậy sớm công phu bái sám và còn phải học kinh kệ nữa không?

– Đệ đâu có biết ở trong chùa sống ra sao. Đệ chỉ nghĩ là mình tu hành thì sẽ không còn bị đau khổ nữa. Đệ thấy một đứa bạn cùng trang tuổi với đệ, nó chết một cách rất là thê thảm tội nghiệp!

– Nó chết như thế nào mà đệ nói thê thảm?

– Đệ còn nhớ, hôm đó, nó đi ra đồng thả diều rồi đi kiếm bắt dế. Bỗng có một trái cành nông hay u bi gì đó rớt xuống nổ bên cạnh nó, nó chết tại chỗ và tan xác luôn. Nhìn thấy thi thể của nó tan nát ai cũng xót thương rùng mình ghê sợ!…

Nãy giờ, thầy Huệ Văn ngồi yên lặng để lắng nghe hai sư em của mình hỏi đáp nhau. Thầy lắng nghe trong chánh niệm. Nhờ có chánh niệm, nên thầy biết rất rõ nỗi khổ đau của người sư em mình. Đó là một sự mất mát rất lớn. Thầy cũng là người mất mẹ, nên thầy thấu hiểu tâm trạng của những kẻ mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ. Trên đời, người nào diễm phúc lắm mới còn đủ cả cha lẫn mẹ. Thầy trầm ngâm suy tư nỗi khổ đau của con người. Đi tìm nguồn vui trong cái khổ. Nếu không có cái khổ thì không thể tìm ra được cái vui. Tuy trong nỗi khổ mất mát lớn lao đó, nhưng cả ba huynh đệ còn có một diễm phúc rất lớn là đã chọn cho mình một hướng đi trong sáng lành mạnh, một con đường trở về. Trở về với chánh pháp và trước hết là trở về với chính bản thân mình. Trở về để nhận diện thật rõ ở nơi thân tâm mình. Tất cả đều là sự sống mầu nhiệm, nếu mình thật sự có mặt từng giây phút với chính mình. Người xuất gia là phải tìm cho ra cái chân thật ở nơi chính mình. Chỉ có con đường khéo biết nhận diện và chuyển hóa đó, thì mới mong chấm dứt được con đường sanh tử khổ đau mà thôi.

Sau những giây phút trầm mặc suy tư, thầy Huệ Văn liền đứng lên và kêu hai sư em của mình mau đi về phòng ngủ. Vì khuya còn phải thức dậy sớm để công phu. Thế là cả ba đều đi chậm rãi lặng lẽ trở về phòng…

Thích Phước Thái

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.