Giảng Giải Kinh Duy Ma Cật – Chương II

Chương Thứ Hai

Phẩm Phương Tiện

(Inconceivable Skill in Liberative Tecnique)

Đây là phẩm Phương tiện, vậy thế nào là phương tiện? Phương là phương pháp và tiện là tiện dụng. Theo tiếng Phạn, phương tiện là Upaya, có nghĩa là những phương pháp đem ra ứng dụng tùy theo căn cơ, hoàn cảnh xã hội và trình độ của mọi chúng sinh để thiết lập và giải quyết tạm thời mà đưa chúng sinh vào con đường giải thoát giác ngộ tức là chứng hiểu Chân lý. Mà Chân lý chỉ có thể thực chứng chớ không thể diễn bày bằng ngôn ngữ hay kinh điển vì thế giáo lý nhà Phật không có mục đích trình bày Chân lý mà chỉ muốn dùng phương tiện để hướng dẫn người tu hành sáng suốt để tự mình đạt đến cứu cánh tối thượng là chứng được Chân lý. Một phương tiện cho dù thiện xảo tới đâu cũng không thể nào áp dụng cho tất cả mọi trường hợp và cho tất cả mọi người vì thế mà Đức Thế Tôn mới chế ra 84 ngàn pháp môn tức là 84 ngàn phương tiện và cũng là 84 ngàn cánh cửa để đi vào căn nhà giác ngộ. Chúng ta tham thiền, niệm Phật, trì chú, tu theo Tứ Diệu đế, Thập nhị Nhân Duyên hay Lục độ ba-la-mật, tu nhà, tu chợ, tu chùa …tất cả đều là phương tiện. Quý vị có thấy trong thế gian nầy có một viên thuốc nào có thể trị bá bệnh cho dù đó là viên thần dược? Ngày xưa những vị đạo sĩ của Lão giáo đã luyện thuốc trường sinh bất tử cho vua Tần Thủy Hoàng, nhưng tại sao vua nhà Tần vẫn chết? Ví cũng như khi tuổi về già, chúng ta phải uống thuốc chống áp huyết cao, thuốc làm giảm lượng mở trong máu, thuốc trị bệnh tiểu đường, thuốc cảm, thuốc đau nhức khớp xương, thuốc ăn không tiêu… Muốn thân được an thì phải uống thuốc. Người ít bệnh thì uống ít thuốc còn người nhiều biến chứng thì phải uống nhiều có khi năm bảy loại thuốc là thường. Phật Pháp thì cũng thế, con người nếu vỏ vô mình càng dày tức là bệnh nặng thì cần phải dùng nhiều loại thuốc cho nên có lúc chúng ta tham thiền, tư duy quán chiếu để thấy được bản Thể chân thật, có lúc thì kinh hành niệm Phật để tâm được an tịnh, có khi thì trì tụng thần chú vì đây là cánh cửa giao thông giữa con người và chư Phật. Khi hết bệnh tức là thức tỉnh giác ngộ thì uống thuốc để làm gì? Vì thế tất cả những phương pháp tu trên thế gian nầy chỉ là phương tiện, những liều thuốc nhiệm mầu giúp chúng sinh phá tan màng vô minh hắc ám mà thấy được ánh sáng Chân Lý. Nhưng phương tiện không phải là cứu cánh. Phương tiện là nhân mà cứu cánh mới là quả. Phương tiện là giả mà cứu cánh là thật. Cái vô minh lớn nhất của con người là chấp phương tiện với cứu cánh. Vì thế người tu Phật chỉ nương theo phương tiện để đạt cứu cánh, nương theo ngón tay để thấy mặt trăng. Nhưng đừng lầm phương tiện là cứu cánh, đừng nhìn ngón tay mà quên đi mặt trăng và đừng chấp kinh điển là Chân lý. Đừng nhìn vào ngón tay chỉ mặt trăng mà quên đi luồng ánh sáng tuyệt vời phát xuất từ mặt trăng. Do đó khi đạt được cứu cánh thì phải bỏ phương tiện, hết bệnh thì bỏ thuốc, tới bờ thì phải bỏ chiếc bè để lên bờ giác ngộ chớ đừng vác bè lên vai mà thêm nặng nhọc khổ đau.Tại sao lại gọi đây là phẩm phương tiện? Vì muốn tạo cơ duyên để hoằng pháp độ sanh nên Trưởng giả Duy Ma Cật mượn cớ bị bệnh để tạo cơ hội thuyết pháp cho chúng sinh. Đây là phương tiện về việc làm.

Bấy giờ ở trong thành Tỳ Xá Ly có ông Trưởng giả tên là Duy Ma Cật. Trưởng giả Duy Ma Cật là người đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, gốc rễ lành trồng sâu cho nên ông được vô sanh pháp nhẫn. Trong hàng Bồ-tát, Duy Ma Cật là vị Bồ-tát biện tài vô ngại. Du hí thần thông. Hàng phục các ma được vô sở úy. Vào sâu trong các pháp môn khéo nơi trí mà độ người. Thông suốt phương tiện. Biết rõ tâm tưởng của chúng sinh, phân biệt độn căn, lợi căn của đối tượng. Ở lâu trong Phật đạo, đã thuần thục thâm tín đại thừa. Việc làm vững chãi, suy nghĩ chín chắn, Trụ ở oai nghi Phật. Tâm rộng như biển cả. Chư Phật khen ngợi, hàng Trời cung kính. Vì muốn độ người, Trưởng giả Duy Ma Cật phương tiện ở thành Tỳ Xá Ly.

Cúng dường vô lượng Phật là đem của báu thế gian để dâng lên Đấng giác ngộ mà mong được sự giác ngộ cũng như Phật. Nhưng Phật đã vượt ra ngoài tam giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới thì đâu có cần hưởng những của báu thế gian? Vậy cúng dường vô lượng Phật phải được hiểu là xa lìa mọi lạc thú, bỏ đi những của cải vật chất quý báu giả tạm của thế gian để phát huy tăng trưởng lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả ngỏ hầu có được tâm thanh tịnh và trí tuệ sáng suốt.

Cúng dường vô lượng Phật cũng còn có một ý nghĩa khác là quên mình mà làm lợi ích cho chúng sinh bởi vì Phật là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sẽ thành. Hơn nữa, trong tất cả mọi chúng sinh ai ai cũng đều có Phật tánh như nhau tức có khả năng thành Phật. Thật vậy, tâm Phật và tâm của chúng sinh thật ra không hề khác nhau. Tâm của Phật ví như mặt nước hồ thu yên tĩnh mà trên đó mặt trăng Chân lý có thể phản chiếu một cách toàn vẹn. Trong khi tâm của chúng sinh thì giống như mặt nước đang bị các làn sóng vô minh khuấy động làm cho ánh trăng chân lý bị lu mờ, không cách nào phản chiếu được. Do đó nếu chúng sinh có thể đánh tan những làn sóng vô minh thì ánh trăng Chân lý sẽ hiện bày tức là thành Phật.

Đối với người Phật tử thì phải thấu hiểu sâu xa ý nghĩa của sự cúng dường lễ Phật.

1)Ngã mạn lễ: Những người giàu có thế lực trong xả hội muốn bỏ ra số tiền lớn để xây chùa hay tạo tượng Phật, Bồ-tát nên đến ngày khánh thành thì họ phải là người cắt băng hay dành riêng cho họ dâng nhang nghi lễ  trước nhất.

2)Cầu danh lễ: Cúng dường để được người biết tên tuổi mà mưu lợi chớ không thật tâm vì Phật pháp.

3)Cung kính lễ: Ngày nay chúng ta thấy có rất nhiều tông phái chế ra những pháp lễ lạy, hay màu sắc áo tràng khác nhau để đề cao tông phái của mình.

Ngã mạn, cầu danh và cung kính lễ tức là Sự lễ là những lễ nghi hình thức bề ngoài có giá trị rất thấp trong Phật giáo. Ngược lại giáo lý liễu nghĩa đại thừa thì chú trọng Phật tánh tức là tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mỗi chúng sinh. Đó là:

1)Pháp trí thanh tịnh lễ: Chúng sinh phải nhìn thấy cho được sự thanh tịnh của nội tâm để kiểm tra tư tưởng của mình. Tâm thức tức là tư tưởng thì biến chuyển không ngừng cho nên chúng sinh phải biết nó đang nghĩ gì, nó đang nói gì và nó đang muốn làm gì. Nếu ý thiện thì lấy còn ý xấu, ý ác thì bỏ ngay.

2)Chánh quán tâm thành lễ: Hằng ngày trong mọi uy nghi như đi, đứng, nằm, ngồi chúng sinh đều có thể suy tư quán chiếu hay gọi là hành thiền, tọa thiền hay ngọa thiền để xoay tâm mình trở về với chánh đạo và tránh xa tà kiến.

3)Biến nhập pháp giới lễ: Biến tâm mình trở thành rỗng rang để hòa nhập vào vủ trụ bao la mà không cần một đối tượng để không còn vui buồn, hờn giận, thương ghét, nhân ngã bỉ thử…Tâm hồn con người hoàn toàn rỗng rang thanh tịnh được xem như hòa tan vào trong hư không vô tận để buông bỏ tất cả. Trạng thái sống như vậy trong thời gian đó là biến nhập pháp giới lễ vậy.

4)Thực tướng bình đẳng lễ: Chúng sinh phải thấy cho được tính cách vô tướng của vạn pháp vì thật tướng là vô tướng. Tất cả các pháp là do duyên sanh nên không có chủ tể hay tự tánh nên không có vật gì là vĩnh viễn tồn tại, bền chắc vì thế chúng sinh dễ buông xả tất cả. Vì vạn pháp giai không duyên sanh như huyễn nên con người có thể coi thường cả sinh, lão, bệnh, tử của mình, coi thường cả sự thành, trụ, hoại, không của vủ trụ và coi thường ngay cả sinh, trụ, dị, diệt của cuộc đời nên lúc nào cũng an vui tự tại.

Thực hành được như thế thì tuy không lễ lạy trước Đức Phật mà chính chúng ta đã lễ lạy rồi vậy. Nếu chúng sinh không nhận thức được Phật tâm của mình để sống với cái tự tánh thanh tịnh bản nhiên để có an vui tự tại mà cầu Phật tướng bên ngoài thì chỉ gởi gắm tâm hồn vào nơi vô định. Tu hành theo hình tướng bề ngoài thì dĩ nhiên không có kết quả.

Gốc rễ lành trồng sâu có nghĩa là đã vun bồi vô lượng công đức trãi qua nhiều đời nhiều kiếp. Biện tài vô ngại là có tài nói năng, biện thuyết lưu lót và hợp với Chân lý nhưng chỉ với mục đích lợi lạc cho chúng sinh và làm cho thính chúng thấu hiểu giáo lý mà hoan hỷ tin theo chớ không dùng bạo quyền để áp chế người.

Du hí thần thông. Du là chơi, hí là vui còn thần thông là lối viết tắt của Thần Túc Thông có nghĩa là có phép biến hóa thay hình đổi dạng, biến chỗ nầy hiện chỗ kia, bay đi qua lại các cõi, ung dung tự tại. Vậy du hí thần thông là có đủ phép thuật để thiên biến vạn hóa, di sơn đảo hải mà luôn lấy sự hóa độ chúng sinh làm vui. Khác với những phép lạ của ngoại đạo là do công phu tu luyện và lòng mong cầu mà được tức là thực hành với mục đích tự lợi nên còn bị ngăn ngại trong khi Thần túc thông là do trí tuệ sáng suốt, chứng ngộ Chân tánh, không cầu mà được nên rất tự tại vô ngại tức là phép thuật thần thông xuất quỷ nhập thần mà không bị vật chất ngăn trở.

Hàng phục các ma. Ma tiếng Phạn là Marat có nghĩa là Ma Vương chuyên quấy phá làm chướng ngại người tu hành. Ma thì có nội ma và ngoại ma.

1)   Nội ma: là những chướng ngại phát xuất từ thân và tâm của con người làm cho tâm thức bất an và bấn loạn. Đây chính là Phiền não ma, Ngũ uẩn ma, Pháp hành ma và Tứ diệt ma.

–  Phiền não ma: Dục lục, bất mãn, đói khác, ái dục, uể oải, buồn ngủ, sợ hãi, hoài nghi, phỉ báng, cố chấp, danh lợi và tự cao là những động lực phát sinh những thói hư tật xấu, thú tính thấp hèn làm cho những chủng tử Tham-Sân-Si có cơ hội phát khởi. Đây là những chướng ngại rất thông thường làm cản trở mọi tiến bộ phát triển của tâm linh.

–  Ngũ uẩn ma: Vì lầm tưởng thân nầy là thật nên con người mới cung phụng, bảo vệ cho thân mà gây ra tội nghiệp. Mà còn nghiệp tức là còn sinh tử luân hồi. Nhưng Tâm kinh xác định rằng:”Ngũ uẩn giai không” tức thân nầy không thật.

–  Pháp hành ma: Vì không thông hiểu Phật pháp nên không kiềm chế làm cho Thân, Khẩu, Ý tác tạo mà gây ra nghiệp để phải chịu quả báo đời đời.

–  Tứ diệt ma: Sắc thân là vô thường nên không ai thoát  ra khỏi cảnh sinh lão bệnh tử. Có thân là có hoại vì thế nếu thấy mình già đi hay nay đau mai yếu thì sanh lòng buồn khổ, đau thương. Còn buồn khổ là còn chướng ngại cho người tu hành.

2)   Ngoại ma: là những ma cảnh từ bên ngoài thường lôi cuốn con người vào đường tối tăm tội lỗi làm cho tâm bất tịnh. Danh vọng, tiền tài, sắc dục, ăn sang, mặc sướng là những miếng mồi làm cho tâm trí con người không còn sáng suốt. Đây là những cạm bẩy của thế gian để cột chặt chúng sinh vào vòng sinh tử luân hồi. Con người càng si mê say đắm theo vật dục thì chân họ càng lún sâu vào vũng bùn tội lỗi đau thương. Cái đà của tham dục cũng giống như cái đà của một chiếc xe đang xuống dốc. Càng xuống dốc thì xe chạy càng nhanh cũng như con người càng say đắm thì càng đắm say không bao giờ biết đủ cả. Ngoài ra còn có những hương linh vì chưa đủ nhân duyên để đi tái sinh nên thường ẩn hiện làm con người kinh sợ nên gọi là ma.

Nhắc lại ngày xưa lúc Đức Phật ngồi tham thiền nhập định 49 ngày đêm dưới cội Bồ-đề, Ngài không ngừng chiến đấu với bọn Ma Vương. Trong thì có nội ma và ngoài thì có ngoại ma nhưng chiến đấu với ngoại ma thì không đáng ngại bằng các nội ma ở trong tâm. Cho nên khi thành đạo Đức Phật đã dạy rằng:”Dù chiến thắng vạn quân ở chiến trường không bằng chiến thắng chính mình, vì đó là chiến thắng cao thượng nhất”.

Vô sở úy là không còn lo sợ. Thử nghĩ trong thế gian nầy cái lo, cái sợ đã chiếm quá nửa cuộc đời con người. Chúng ta sợ nghèo, sợ đói, sợ bệnh, sợ già, sợ xấu, sợ khổ, sợ ma, sợ thi rớt, sợ không có việc làm, sợ thua sút bạn bè, sợ thiếu công danh, sợ ly tán, sợ không có tình yêu…và cuối cùng là sợ chết. Trong các thứ bố thí thì vô úy thí là quý nhất bởi vì làm cho chúng sinh không còn sợ hãi. Nếu giúp chúng sinh thấu hiểu thông suốt luật vô thường, lý vô ngã, thuyết nhân quả, tính duyên khởi của vạn pháp…thì họ sẽ không còn sợ hãi. Mà hết lo sợ thì tâm sẽ an định, chấm dứt mộng tưởng điên đảo và cảm ứng được sự thanh tịnh an lạc của Niết bàn.

Vào sâu trong các pháp môn. Pháp môn có nghĩa là phương pháp tu hành. Giáo lý đạo Phật có 84 ngàn pháp môn tức là có 84 ngàn cánh cửa để vào căn nhà giác ngộ. Tại sao lại có nhiều thế? Chân lý của Phật giáo thì chỉ có một là giác ngộ nhưng con đường dẫn tới chân lý thì có rất nhiều tùy theo căn cơ, hoàn cảnh, ý thích và sở nguyện của chúng sinh. Tu thiền, tu tịnh, tu mật, tu giới, tu tâm… chỉ là phương tiện tức là nhân nhưng đừng quên quả mới là cứu cánh tức là minh tâm kiến tánh, nhất tâm bất loạn, đại khai viên giải…mới là giải thoát giác ngộ. Nhưng ở đây trưởng giả Duy Ma Cật vào sâu có nghĩa là thấy biết rõ ràng phương pháp sâu kín nhiệm mầu tức là thâm nhập Chân lý, chứng ngộ lý Không, đạt tới tuyệt đối và tâm trí bừng sáng tức là minh tâm kiến tánh.

Khéo như trí mà độ người. Trí là trí tuệ và độ là vượt sang bờ bên kia. Vậy khéo như trí mà độ người là người tu đã khai mở trí tuệ sẳn có của mình để giúp người vượt qua sông mê biển khổ mà đến bờ bên kia tức là bờ giải thoát giác ngộ. Theo Phật giáo tiểu thừa thì chúng sinh vì bị vô minh che lấp Chân tánh, Tham-Sân-Si tác tạo nên sống trong điên đảo khổ đau ở bờ bên nầy. Nếu tu theo Tứ diệu đế để diệt sạch phiền não thì vượt qua sông mê bể khổ trầm luân mà đến được bờ an vui, giải thoát. Hết sinh tử luân hồi thì chứng đắc an lạc Niết bàn. Tư tưởng Phật giáo đại thừa thì không có đôi bờ bên nầy hay bên kia. Từ đó cũng không có dòng sông sinh tử, biển khổ sông mê làm ngăn cách. Tại sao? Vì sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, câu nói đầu tiên của Đức Phật là trong tất cả mọi chúng sinh ai ai cũng đều có Phật tính tức là có khả năng thành Phật. Ngay cả Lục Tổ Huệ Năng cũng thốt rằng không ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ, vốn tự thanh tịnh, vốn không sinh diệt…Đây chính là tánh giác, là Phật tính, là tự tánh thanh tịnh của con người. Nhưng con người vì luôn sống trong mê muội, thiếu sáng suốt nên mới thấy mình ở bờ bên nầy còn bờ bên kia thì nghìn trùng xa cách. Đến khi thức tĩnh quay về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình tức là bản lai diện mục thì biển khổ cũng tan sông mê cũng cạn, lấy gì để phân chia đôi bờ? Không có dòng sông thì làm gì có bờ? Còn thấy có bờ bên nầy bờ bên kia hay có mê có ngộ tức là còn đối đãi, còn vướng vào vòng nhị nguyên. Nhưng mê ngộ chẳng phải hai tức là Bất nhị. Thật vậy, Phật và chúng sinh chỉ khác nhau ở chỗ mê và giác. Mê là chúng sinh mà giác là Phật. Tâm niệm xấu ác là chúng sinh còn tâm niệm từ bi là Phật. Nếu con người biết chuyển ác thành thiện, chuyển tâm mê thành giác thì từ chúng sinh thành Phật chỉ trong một sát na. Vì thế kinh Phật mới có câu tu muôn kiếp nhưng ngộ một giây là vậy.

Biết rõ tâm tưởng của chúng sinh. Biết rõ tâm mình thì đã khó mà muốn biết rõ tâm người lại càng khó khăn hơn. Vì thế cổ nhân mới có câu: “Tri nhân tri diện bất tri tâm”. Do đó chỉ có những người tu chứng đắc đạo, trí tuệ sáng suốt, thấu rõ Chân tánh để được tâm ý dung thông thì mới cảm ứng được những tâm niệm sở cầu của chúng sinh mà nhà Phật gọi là Tha Tâm Thông.

Phân biệt độn căn, lợi căn của đối tượng. Độn căn là chậm chạp, chậm hiểu, thiếu căn bản. Lợi căn là căn tánh lanh lẹ, thông minh sáng suốt, nói một hiểu mười. Phật pháp thì có cao có thấp. Cao thì vô cùng vô tận, thâm sâu huyền diệu còn cạn thì dễ thấy dễ biết, dễ tìm. Vì thế Trưởng giả Duy Ma Cật đã cảm ứng được những tâm niệm sở cầu của chúng sinh để có thể phân biệt rõ ràng ai là người thông minh lanh lẹ và người nào là kẻ thiếu thông minh, chậm chạp mà tùy cơ dạy bảo đúng với trí thông minh, sức hấp thụ, lòng mong cầu và sở thích của họ.

Ở lâu trong Phật đạo là công phu tinh tấn tu hành trãi qua nhiều kiếp mới thấm nhuần Phật Pháp và kiến tạo đạo tâm bền vững.

Đã thuần thục thâm tín đại thừa là tâm đã thanh tịnh, chín chắn, thành thạo và thông suốt Chánh pháp làm ánh sáng chỉ đạo thì sẽ không còn lầm đường lạc lối. Cũng như Lục Tổ Huệ Năng ngày xưa chỉ cầu thành Phật, phát nguyện tâm Đại thừa để cầu đạo Bồ-đề mà thành Phật. Thực hành Bồ-tát đạo rốt ráo để quên mình mà phục vụ và làm lợi ích cho chúng sinh chớ không mong cầu những quả vị của hàng Thanh văn, Duyên giác hay cầu phước báo để được làm người hay Trời. Vì cho dù có thành A-la-hán thì mới phá được chấp Ngã mà chấp Tướng vẫn còn, đoạn diệt được phiền não nhưng trí tuệ chưa phát sinh tức là vô minh còn thì chưa thấy được Chân lý.

Việc làm vững chãi. Là phàm nhân nên con người có khuynh hướng chạy theo lục dục thất tình làm cho ba cánh cửa Thân-Khẩu-Ý tác tạo mà gây ra nghiệp. Khi thông hiểu Chánh Pháp, con người có cái nhìn khác hơn về nhân sinh vũ trụ, về cái thật, cái giả thì họ sẽ cẩn thận, cân nhắc từng ý nghĩ, từng lời nói và hành động để mang sự an vui đến cho mọi người. Thân-Khẩu-Ý bây giờ trở nên thanh tịnh nên từ lời nói đến mọi việc làm đều thích ứng với lòng mong cầu sở nguyện của chúng sinh khiến họ hoan hỷ mà tìm về với Chơn đạo. Khi Bồ-tát tu hành chứng đắc thì họ chuyển thức thứ sáu là Ý Thức thành ra Diệu Quan Sát Trí để có đủ trí tuệ và năng lực mà quan sát rõ ràng tất cả những tâm niệm của chúng sinh rồi tùy theo đó mà hành động cho khéo léo, hợp căn cơ và đúng với Chân lý.

Trụ ở oai nghi Phật. Trong Phật giáo khi đã thâm nhập Chánh Pháp và thọ trì giới luật nghiêm chỉnh thì bốn oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi được thể hiện một cách rất khoan thai thư thái, chậm rãi nhưng không kém uy nghi vì bốn đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả hiện bày trên chân tướng làm cho chúng sinh kính phục. Vì tâm được thanh tịnh nên hành vi của họ rất từ tốn, thanh nhã, không vội vàng hấp tấp và đó chính là trong ngoài tương trợ cho nhau làm cho mọi người kính mến.

Tâm rộng như biển cả. Ngày nào còn chúng sinh lặn hụp trong biển khổ thì còn Bồ-tát vào đời cứu độ. Họ quên thân mình mà làm việc lợi ích vì chúng sinh cho đến khi nào chúng sinh được an vui tự tại thì họ mới viên thành Phật đạo. Bồ-tát làm việc với tinh thần vô cầu vô chứng đắc. Tâm không còn chấp ngã chấp pháp nên họ rất an nhiên tự tại. Tâm bình đẳng nên Bô-tát không còn phân biệt thân sơ, kẻ lành người xấu vì tất cả đều là chúng sinh và Bồ-tát thương tất cả chúng sinh với tấm lòng bao la, vô cùng vô tận, không bờ không bến.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.