Hòa Thượng Tịnh Không Khuyên Không Nên Hiến Xác?
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính thưa quý Phật tử
Nhân vì chúng tôi nhận được một số thư gởi về hỏi liên quan đến đề bài được đăng trên Diễn Đàn của Đại Tạng Kinh Việt Nam (nhấn vào đây để xem) là “Hòa Thượng Tịnh Không Khuyên Không Nên Hiến Xác“, do Cư Sĩ Diệu Âm (Úc) trả lời. Chúng tôi cũng đã vào link và đã đọc câu trả lời của Cư Sĩ Diệu Âm.
Chúng tôi xin thưa và cũng như nhấn mạnh ở đây là Đạo Phật là đạo của Từ Bi, Giác ngộ và Trí Tuệ. Sự cống hiến bộ phận của người phát nguyện cho y học là một việc làm cao quý và là hạnh của Bồ Tát đạo.
Theo như chúng tôi biết thì khi người tắt hơi (chết) thì thần thức của họ vẫn chưa ra khỏi thân xác mặc dù những tế báo của họ đã dần chết đi. Cũng như chúng ta biết, khi một người chết, não bộ là một trong những phần chết sau nhất. Do đó, mà những bậc tiền bối tu theo Tịnh Độ nói riêng, Phật giáo nói chung đã có lời khuyên chúng ta ít nhất là đừng nên chạm vào thân xác của họ ít nhất là 6 đến 8 giờ. Vì theo quan niệm người vừa tắt hơi thần thức của họ vẫn chưa ra khỏi thân xác hẳn, sẽ có cảm giác khó chịu hay đau đớn khi đụng vào, mà sanh tâm sân hận, oán ghét sẽ mất lý trí khiến sanh vào cõi ác. Do đó, mà các bậc tiền bối đã có lời khuyên là nên để thân xác của người chết ít nhất từ 6 đến 8 giờ, thường áp dụng cho người tu theo pháp môn Tịnh Độ nói riêng, để trợ giúp cho việc vãng sanh của người đó.
Tuy nhiên, người học Phật chơn chánh phải hiểu cho rõ nghĩa lý, không thể bảo rằng người phát nguyện cống hiến bộ phận trong cơ thể này cho y học là không thể vãng sanh hay sẽ sanh vào đường ác. Vì hai trường hợp này hoàn toàn khác xa. Người có lòng đại từ bi, phát nguyện cống hiến cho y học là một trong những việc làm của Bồ Tát đạo. Rõ ràng người phát nguyện này đã có sự chuẩn bị trước. Do đó, việc làm cao cả đó không thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc vãng sanh của người đó. Quí vị Phật tử chớ ngại về việc này, sợ chúng ta không thể xả được cái tôi quá lớn tự thân, chớ đừng ngần ngại phát nguyện cống hiến cho đời hay hoan hỷ trước sự phát nguyện của người khác..
Chúng tôi không thể tin rằng Hòa Thượng Tịnh Không có thể trực tiếp dạy rằng là “ Không Nên Hiến Xác” hoặc có lẻ vị cư sĩ Diệu Âm này hiểu nhằm vào lời nói của Hòa Thượng, rồi vội đưa vào để làm chứng là Hòa Thượng bảo như vậy. Phải nên nhớ đạo Phật là đạo giác ngộ, là vô ngã. Cho dù là quí vị hiện đang tu theo Pháp môn nào cũng không thể chạy ra khỏi giáo lý của Ngài được.
Trước khi chúng ta nói hay viết một bài nào đó liên quan đến giáo lý của Phật giáo, kính mong rằng đừng tuỳ tiện nói sao cũng được, vì sẽ gây ảnh hưởng cho rất nhiều người. Giúp người hiểu đạo là tốt, nhưng đừng hiểu sai lệch với chân lý của đấng giác ngộ đã dạy.
Chúng tôi sẽ làm sáng tỏ về việc này, sẽ thưa với Hòa Thượng Tịnh Không về sự việc này, là có phải Hòa Thượng đã dạy như vậy không. Còn hiện tại chúng tôi xin trích dẫn bài trả lời của thầy Thích Phước Thái trả lời để mọi người cùng suy ngẫm. Bài này được đăng trên trang Tạng Thư Phật Học.
Việc hiến cơ phận trong thân thể sau khi chết là do sự phát nguyện của đương sự. Nghĩa cử cao đẹp nầy, không phải ai cũng có thể làm được. Đây là hạnh bố thí rộng lớn của Bồ tát. Vì bố thí có nội tài và ngoại tài. Ngoại tài là cho những vật dụng ngoài thân mình, như tiền bạc của cải v.v… Ngược lại, nội tài là bố thí những bộ phận trong cơ thể, như hiến máu hay bất cứ một bộ phận nào khác còn lành mạnh.
Nói về lợi, thì sau khi chết, dù thiêu hay chôn thân thể người ta cũng phải tan rã. Thay vì tan rã một cách vô ích, người ta lại tình nguyện cho những bộ phận nào đó còn tốt trong thân thể của họ, để cho các nhà y khoa nghiên cứu, thí nghiệm rồi đem ra chữa trị giúp người. Đó là một điều rất hữu ích cho nhơn loại. Phải nói, đây là một hạnh nguyện rộng lớn của Bồ tát mà người thường không thể làm được. Vì Bồ tát khi còn sống, các Ngài lợi dụng cái thân thể còn mạnh khỏe để làm lợi ích cho tha nhân, đến khi chết, các Ngài cũng nghĩ đến mọi người mà hiến bộ phận trong thân thể để cứu mạng sống cho những ai không may bị mang bệnh nặng hiểm nghèo.
Một việc làm do phát tâm nguyện vị tha cao cả như thế, thì thử hỏi làm gì có lòng sân hận mà có hại? Nếu có hại, với điều kiện là người đó không có sự phát nguyện mà người ta tự nhiên mổ xẻ cắt xén lấy một bộ phận nào đó trong người của họ, thì điều đó mới thật sự là xúc chạm gây ra tai hại cho người mới chết. Và như thế, thì chắc chắn là thần thức của người mới chết đó, sẽ sân hận mang lại hậu quả không tốt. Điều đó, thì rất là tai hại. Bằng ngược lại, thì không có gì là tai hại cả. Chẳng những không hại mà nó còn mang lại một lợi ích thiết thực rất lớn cho người sống, vì đã cứu được mạng người.
Đối với hạng người tầm thường, vì ngu si chấp ngã quá nặng, nên khi còn sống thì họ một bề chỉ nghĩ đến những điều gì có lợi lộc cho riêng mình, cung phụng cho thân thể đủ mọi thứ nhu cầu sung túc, đến sau khi chết, cũng vẫn còn luyến tiếc thân thể, không muốn cho thân thể bị hư hoại. Đó là hạng người quá ích kỷ, chỉ biết có mình mà không nghĩ đến ai. Họ coi thân thể của họ nặng hơn núi Tu di. Người như thế, khi còn sống cũng không làm điều gì lợi ích cho ai, dù là một việc làm rất nhỏ nhặt cũng không có. Hạng người như thế quả họ sống không có ích lợi gì cho nhân quần xã hội cả.
Trong xã hội, ta thấy có lắm người giàu có, tiền kho bạc đụng, nhưng vì không có từ tâm, nên họ không bao giờ biết thương xót cứu giúp ai cả. Khi còn sống, thì họ lo xây dựng cơ đồ sự nghiệp của họ cho thật vững chắc, ai chết mặc ai, đến khi gần chết, họ trăn trối lại cho con cháu phải xây lăng mộ cho họ thật kiên cố sang trọng. Dù biết trước rằng, đó chỉ là chôn cất một cái thây thúi. Đó là hạng người mà Phật gọi là tham si chấp ngã quá nặng.
Ngược lại, đối với những người mà họ coi thường bản ngã, sống, thì làm lợi ích cho mọi người, đến khi chết, họ cũng vẫn nghĩ đến làm lợi ích mọi người. Quả đây không phải là hạng người tầm thường dễ tìm thấy trong xã hội loài người.
Tuy nhiên, người có tâm nguyện hiến cơ phận, thiết nghĩ, cũng nên giải thích rõ với những người thân thuộc trong gia đình về bản nguyện của mình, để không gặp sự cản trở có thể xảy ra sau khi lâm chung. Mặt khác, tang quyến cũng nên nói rõ cho quý Tăng Ni biết về bản nguyện hiến cơ phận của bệnh nhân trong giờ phút hộ niệm mà bệnh nhân đang trong tình trạng hấp hối hay lúc tẩn liệm. Mục đích là để thức nhắc cho bệnh nhân nhớ lại bản nguyện vị tha cao đẹp của mình lúc còn sống và hết lòng hộ trì cho nhân viên bệnh viện thực hành nhiệm vụ cắt lấy cơ phận.
Tóm lại, khi đã nói hiến cơ phận là đã có sự phát nguyện rồi. Đã có phát nguyện như thế, thì làm gì có sự giận hờn. Vì người khác chỉ làm theo những gì mà mình đã phát nguyện. Như thế, thì đây là điều hoàn toàn có lợi chớ không có hại chi cả. Thích Phước Thái
Chúc quý vị Phật tử thân tâm thường an lạc và tinh tấn trên bước đường học Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát!
Trân trọng,
Tạng Thư Phật Học
http://www.tangthuphathoc.net/lathuphathoc/28-httkkknhx.htm