Phật Pháp Cứu Đời Tôi

Lời thưa

Ngoài công việc Phật sự và các thiện sự thường nhật khác, dù ít khi rảnh rỗi, song Thầy vẫn đặc biệt dành thời gian quan tâm sách tấn chúng tôi, động viên nhắc nhở sự tu tập, học hỏi của chúng tôi cũng như toàn thể đại chúng. Nhất là quý Phật tử, Thầy lại càng ưu ái, khuyến tấn và ân cần nhiều hơn nữa. Thầy luôn suy nghĩ, sáng tạo nhiều hình thức tu học khác nhau phù hợp với từng căn cơ và tuổi tác của họ để có thể tổ chức thành công nhiều khóa tu dành cho nhiều người ở nhiều nơi về tham dự. Trong một năm, ngoài những lần tổ chức ngày tu cho các bệnh nhân Trung tâm Ung bướu Thành phố, khóa tu Mùa hè dành cho người trẻ nói chung hay sinh viên, học sinh nói riêng, Thầy có tổ chức sáu khóa tu Phật thất, số lượng khóa sinh tham dự mỗi đợt gần khoảng 3000 người. Trong số ấy có những người còn rất trẻ, có những người trưởng thành, cũng có nhiều người lớn tuổi, ấy vậy mà bằng tình thương và tâm đại nguyện, Thầy vẫn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ an tâm tu tập để rồi khi ra về, ai ai cũng ngậm ngùi tiếc nuối, nói sao Thầy không tổ chức nhiều khóa tu thêm…

Cũng từ thiện nguyện hoằng pháp lợi sinh cộng với tâm thiết tha muốn tu học của phần đông Phật tử, cùng với chư Tăng bổn tự, Thầy lại tổ chức một ngày tu (gọi là tu một ngày) để giúp những ai không có thời gian tham gia tu Phật thất (một tuần) vẫn có thể về chùa nghe pháp và niệm Phật. Nhưng điều không thể ngờ được là số lượng Phật tử tu một ngày lại càng lúc tăng cao, có khi lên đến 5000 người, vượt trội hơn khóa sinh trong những kỳ Phật thất. Điều này, theo như những nhận xét chung, quả thật Thầy rất có tài trong việc điều hành hay tổ chức.

Song điều đó cũng không thể phủ nhận mô thức tu tập rất khoa học và hiện đại của Thầy, mà trên hết là năng lực công phu và đức độ to tát. Mỗi lần như vậy, ngoài việc sắp xếp, hướng dẫn Phật tử các nghi thức cần thiết, Thầy luôn dành hơn một giờ để giảng pháp cho Phật tử. Bài giảng của Thầy bao giờ cũng sống động, tươi vui, giúp cho Phật tử mỗi lần nghe là mỗi lần cảm thấy hoàn toàn mới lạ thể như chưa được nghe ai giảng đề tài ấy lần nào. Thầy không dùng những ngôn ngữ cao sang, những văn từ bóng bẩy, lối diễn đạt lại không thiên về triết lý, mọi thứ đều nhẹ nhàng, bình dị nhưng lại chứa chan nhiều đạo vị sâu sắc đượm thắm nghĩa tình. Những ai có duyên được nghe pháp thoại của Thầy, được gặp gỡ hoặc tiếp xúc với Thầy dù chỉ một lần, sẽ cảm nhận ngay được sự thanh thoát, thảnh thơi và tràn đầy an lạc.

Chúng tôi là hàng đệ tử, luôn nhận được sự giáo dưỡng thâm trầm dẫu giản đơn bằng vài lời nói từ tốn hay lặng lẽ trong những việc làm rất tích cực của Thầy, chúng tôi đều rất quý trọng, nâng niu và lưu tâm gìn giữ tất cả. Nhất là những lời Thầy dạy, những bài Thầy giảng, ngoài một bộ phận chuyên môn về phim ảnh, âm thanh, ánh sáng của chùa phụ trách, chúng tôi luôn có ghi âm để sau này tiện việc phổ biến rộng rãi đến mọi người xem dưới dạng ấn phẩm. Những ai chưa có dịp diện kiến trực tiếp với Thầy có thể xem nghe qua đĩa hình, qua băng nén mà nhất là qua sách vở. Đây là gợi ý chung của đại chúng cũng như yêu cầu chung của rất nhiều người.

Tập sách PHẬT PHÁP CỨU ĐỜI TÔI này ra đời xuất phát từ tâm lành của toàn thể quý thầy bổn tự chúng tôi sau khi thông qua sự kiểm tra và thẩm duyệt kỹ. Kính thưa lên Thầy và nhận được sự hoan hỷ đồng ý, chúng tôi trân trọng chuyển thể bốn bài giảng của Thầy từ văn nói sang văn viết, gồm Phật pháp cứu đời tôi, Ngu si sinh tử, Giả và Vui buồn mùa xuân như một công việc mang đầy ý nghĩa diễm phúc. Tập sách vỏn vẹn chỉ có hơn 140 trang nhưng nội dung lại chứa đựng những lời khuyến tấn tu hành, những lời ân cần nhắc nhở mọi người tựa như những cảnh ngôn có tác dụng chuyển hóa thiết thực mọi vướng bận, buồn đau cho tất cả.

Tập sách vừa là một trang đạo, vừa là một trang đời đẫm đầy mọi thử thách, chông gai mà Thầy đã từng trải, đã đi qua trong suốt cuộc hành trình của tháng năm tuổi trẻ. Và thực trạng hiển nhiên của những lần tiếp xúc, đối diện ấy đã giúp Thầy rút ra được nhiều bài học bổ ích, những giá trị sống hữu hiệu cũng như nhiều kinh nghiệm đối nhân xử thế sâu sắc cho bản thân. Tập sách còn là một thanh âm giản dị, từ hòa xuất phát tự đáy lòng của một con người cũng rất giản dị, từ hòa như Thầy, cả cuộc đời dường như chỉ biết quên mình để sống vì người, vì an vui và lợi lạc cho hết thảy.

Chúng tôi ghi lại những dòng này như một lời thưa thỉnh chân thành về tập sách nhỏ và cúi kính dâng nó lên Thầy tôi trong niềm biết ơn vô bờ trước những gì cao cả, tốt lành mà Thầy vẫn mãi trao ban, dành tặng cho chúng tôi cũng như toàn thể đại chúng. Ngưỡng mong chư Phật sẽ luôn thùy từ gia hộ cho Thầy được sức khỏe dồi dào, tuệ đăng thường chiếu. Thầy sẽ mãi tiếp tục sứ mạng hóa độ thiêng liêng không ngừng nghỉ của mình, sẽ mãi chèo chống thuyền từ đưa bao lớp khách trần lần lượt vượt sông mê.

Mùa Vu lan tháng bảy
Ban Văn hóa chùa Hoằng Pháp kính ghi

Phật pháp cứu đời tôi
Kính thưa đại chúng!

Tất cả chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này, có người sinh ra được cả thế giới biết, có người sinh ra cả nước biết, có người sinh ra cả tỉnh biết, có người sinh ra cả huyện biết, có người sinh ra cả dòng họ biết, có người sinh ra chỉ có cha mẹ hoặc một vài người thân biết. Trong số những người sinh ra đó, tôi sinh ra chỉ có cha mẹ và một số người thân của cha mẹ biết mà thôi. Vì cha mẹ tôi ở miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, không có anh em thân thuộc đi theo, cũng không có chức có quyền hay giàu có gì cả, nên không có bạn bè nhiều.

Có người sinh ra có những điềm lành báo trước, có người sinh ra đẹp trai hoặc tướng tốt, có người sinh ra trong gia đình địa vị giàu sang. Còn tôi sinh ra trong gia đình chỉ đủ ăn đủ mặc, không có điềm lành khi sinh, không đẹp trai hay tướng tốt, cũng không giàu có sung sướng. Qua sự so sánh trên, đủ biết tôi sinh ra đời kém phước, kiếp trước vụng tu nên kiếp này không được tốt đẹp như người. Đó là nhân quả của mình, nhân nào quả nấy, mình làm mình chịu chứ than trách ai.

Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi, hết Xuân tới Hạ, hết ngày tới đêm, tôi cũng lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc của cha mẹ. Đến khoảng năm 1966, có một sự việc xảy ra mà tôi vẫn còn nhớ rõ. Thời đó, quân đội Mỹ còn đóng tại miền Nam Việt Nam. Ba tôi là lính công binh liên đoàn 30 đóng tại Thành Ông Năm, Hóc Môn. Lúc đó, nhà tôi ở mặt tiền đường, gần cổng nhà thờ Nam Hưng. Thỉnh thoảng, quân đội Mỹ hành quân tại Củ Chi. Mỗi lần đi như vậy rất đông, nào là xe Jeep, xe Cargo chở lính, xe thiết giáp chạy một dọc ầm ĩ trên đường.

Khi nghe tiếng xe thiết giáp, bọn con nít chúng tôi biết là quân đội Mỹ đi hành quân, nên kéo ra bên đường đứng, tay cứ vẫy vẫy, miệng la “ô kê”, “ô kê”. Quý vị có biết vẫy tay như vậy làm gì không? Không phải chúng tôi vẫy tay chào mừng họ, con nít biết gì mà chào mừng, chẳng qua vẫy tay để được lính Mỹ quăng cho bánh, kẹo hoặc đồ hộp. Khi họ quăng xuống như vậy, bọn con nít chúng tôi nhào lại tranh giành, đôi khi vì muốn được phải ẩu đả lẫn nhau. Thời đó, có nhiều đứa vì tranh giành bánh kẹo chạy ra đường bị xe cán chết thật thê thảm.

Một hôm, sau khi quân đội Mỹ hành quân từ Củ Chi trở về, đoàn quân dừng lại tạm nghỉ tại Thành Ông Năm, ngay phía trước nhà tôi. Bọn con nít chúng tôi thấy vậy cũng kéo ra bu quanh họ để kiếm bánh kẹo, nhưng có lẽ do họ đi hành quân về hết lương thực nên không cho đám con nít chúng tôi cái gì cả. Lúc ấy, ngay trước nhà tôi có đậu một chiếc xe Jeep, trên xe có hai ông lính Mỹ, một ông Mỹ đen và một ông Mỹ trắng. Ông Mỹ đen ngồi lái xe, ông Mỹ trắng ngồi kế bên. Chúng tôi lại gần để làm quen kiếm bánh, nhưng có lẽ do họ sợ điều gì nên vẫy tay đuổi đi. Chúng tôi bèn đứng cách xa khoảng hai mét. Lúc đó, tôi nhìn thấy một lon bia để bên hông xe, cạnh ông Mỹ đen. Nhìn lon bia, tôi liền nghĩ đến ba mình mỗi ngày đi làm về, chiều nào ăn cơm cũng uống một ly rượu đế, nếu được uống lon bia này chắc ngon lắm.

Quý vị biết thời đó bia lon rất hiếm, chỉ có bia chai thôi. Nhà giàu mới có tiền mua bia lon uống, không như bây giờ nhìn thấy bia lon quá thường. Vì muốn ba mình được uống bia lon, nên tôi mon men lại gần và chộp ngay lon bia rồi chạy, nhưng không hiểu sao chạy được hơn ba mét bèn dừng lại xem ông Mỹ đen có đuổi theo không. Lúc đó, tôi thấy ông Mỹ đen móc súng ngắn ra định bắn thì ông Mỹ trắng cầm tay giữ lại, tôi thấy vậy hoảng quá chạy một mạch vào nhà trốn. Thế là thoát chết. Nếu lúc đó ông Mỹ đen mà bắn thì ngày nay chắc thân tôi thịt nát xương tan, thành đất hết rồi. Đâu còn cơ hội để nói chuyện với quý vị hôm nay.

Sau đó, nhà tôi chuyển đi Sóc Trăng. Ở khoảng ba năm rồi lại chuyển qua Long Xuyên. Long Xuyên thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho nên tôi rất thường đi mò ốc bắt cua hoặc câu cá. Vào tháng mưa, tôi thường đi bắt cua ngoài ruộng. Trời mưa cua hay bò ra ngoài hang. Khi gặp người nó liền bò nhanh vào trong hang. Tôi thấy vậy chạy đến thò tay vào hang bắt. Có khi bị càng cua kẹp chảy máu tay. Lúc bị nó kẹp chảy máu tay, tôi nổi sân lên quyết bắt giết cho bằng được để trả thù. Quý vị thấy có vô lý không? Bắt nó bị nó kẹp là đúng rồi lại còn trả thù.

Mình bắt giết nó, nó trả thù mình là phải. Đằng này, mình lại trả thù nó. Đúng là mạnh hiếp yếu. Khi bắt được khoảng 20 hay 30 con là được một nồi canh bún riêu cua. Tôi đem về nhà bóc mai cua bỏ, còn thân nó thì cho vào cối giã. Lúc đó, nhà chưa có cối đá, lấy cái nón sắt của quân đội làm cối để giã. Sau khi giã nát, vắt lấy nước nấu canh. Khi nấu xong, riêu cua nổi lên cả mảng trông rất ngon. Canh cua mà nấu với rau đay thì tuyệt. Hôm nào có canh cua rau đay tôi thích lắm, ăn cơm nhiều hơn. Bình thường ăn ba chén cơm, có canh cua rau đay ăn bốn chén.

Có những lúc ban đêm trời mưa vừa dứt, ếch nhái ra rất nhiều, mấy đứa bạn rủ đi đâm ếch về nấu cháo ăn. Chúng tôi làm cái chỉa bằng căm xe đạp, mài thật nhọn, gắn vào đầu cây trúc. Ba đứa cùng đi, một đứa cầm đèn pin soi, một đứa cầm chỉa, nếu thấy ếch nhái là đâm, một đứa cầm sợi dây kẽm xỏ xâu ếch nhái lại. Đi khoảng hai tiếng đồng hồ, bọn chúng tôi đã bắt được mấy xâu ếch nhái, khoảng năm sáu chục con. Khi đem về nhà, không đứa nào dám làm thịt. Đứa này chỉ đứa kia, đứa kia chỉ đứa nọ. Lúc đó, máu anh hùng của tôi nổi lên, chê tụi nó là đồ nhát gan, liền đi vào bếp lấy dao ra cắt đầu từng con, rồi lột da.

Sau đó móc ruột bỏ đi, để lên thớt bằm cho nát thịt ra, trộn với hành, muối tiêu xong bỏ vào nồi nấu cháo. Cháo chín, cả bọn chúng tôi xúm lại ăn. Có những lúc đi câu được cá lóc đem về nướng trui. Mấy đứa bạn mua thêm xị rượu đế về nhâm nhi. Tôi không uống được nhưng bạn bè ép quá thì cũng phải uống cho tụi nó vui. Lúc đầu uống vào thấy cay cay đắng đắng, nhưng uống một lát thấy cũng hay hay. May là việc uống rượu này chỉ xảy ra một lần, nếu nhiều lần chắc cũng thành bợm nhậu.

Cuộc sống kinh tế gia đình tôi hơi khó khăn. Ba đi lính, mẹ ở nhà nội trợ, không có phụ giúp làm kinh tế gì cả. Chỉ chờ may mắn đến bằng cách đánh số đề, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy đổi đời gì cả, chỉ càng thêm nghèo. Do hoàn cảnh cuộc sống gia đình khó khăn, nên tôi xin đi làm thêm để phụ giúp cho gia đình, vừa làm vừa học. Tôi được một người bạn của ba giới thiệu vào làm một trong hai chỗ. Quý vị có biết làm việc gì không? Đó là lò giết heo hoặc lò giết bò.

Ngày đầu, tôi được họ dắt đến lò giết heo để thử việc. Do tôi là người mới nên họ chỉ cho làm việc lùa heo vào chỗ giết, rồi sau đó dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Có những con heo biết sắp bị giết nên nó kêu la thảm thiết không chịu đi, chúng tôi phải đánh đập lôi kéo nó vào lò. Lúc họ dùng dao đâm vào cổ heo, tôi để ý xem họ giết như thế nào, mổ như thế nào để sau này làm, vì làm những việc này tiền công cao hơn. Lúc đó, tôi rất mong được làm khâu giết mổ heo này để có được nhiều tiền phụ giúp gia đình. Tôi chỉ làm từ 24 giờ đêm đến 5 giờ sáng.

Ngày hôm sau tôi được dẫn đến lò giết bò. Đến nơi giết bò, tôi thấy họ cột 4 chân bò, 4 dây kéo về 4 góc, đầu bò ghịt vào một trụ cây trước sân. Một người đứng trên chiếc ghế cao cầm búa tạ đập liên tục xuống đầu bò. Nó đau đớn giãy giụa nhưng không cách nào thoát được, đành phải đứng chịu trận. Quá đau đớn nước mắt nó chảy ra. Đập vài chục búa, bò mới chết. Lúc đó tôi rất dửng dưng trước cái chết đau đớn của con bò, trái lại trong tâm còn chê ông ta đập dở quá, đập gì mà cả vài chục búa bò mới chết! Tôi nghĩ nếu sau này mình được làm khâu này chỉ đập chừng 5 búa là bò chết.

Quả thật ý nghĩ đầy tội lỗi độc ác. Qua hai ngày đi làm thử, ba tôi lại quyết định không cho đi làm. Lý do là thức khuya quá sợ mất sức không học được. Cũng may nếu lò mổ heo, hay lò giết bò làm ban ngày, có lẽ hôm nay tôi đã thành tên đồ tể đầy tội ác rồi. Quả báo đền mạng không biết bao kiếp mới trả xong, thật là đáng sợ.

Không làm nghề giết heo, giết bò được, lúc đó tôi cũng tiếc lắm, vì không có tiền để phụ giúp gia đình. Về sau, tôi xin đi bán bánh mì rong. Quý vị có biết bán bánh mì rong là gì không? Là mình đi bán chỗ này chỗ kia, không phải ngồi một chỗ tại cửa hàng. Mỗi sáng vào lúc 3 giờ tôi phải thức dậy để đi lấy bánh mì. Với cái tuổi mê ăn mê ngủ mà chịu thức sớm như vậy là cả một sự nỗ lực. Bình thường thì ngủ 7, 8 giờ mới thức dậy. Từ nhà đến lò bánh mì phải đi bộ hơn hai cây số. Tôi mua bánh mì tại lò rồi bỏ vào trong bao vải, bao này là bao quân trang của quân đội thời đó. Bánh mì mới ra lò cho nên còn nóng, vác lên lưng vừa nặng lại vừa nóng. Lúc đầu đi còn khỏe, càng đi xa càng thấy nặng. Đã thế, vừa đi lại phải vừa rao: “Bánh mì đây, bánh mì nóng dòn đây!”. Ngoài đường, xe chạy ồn ào, phải la lớn người ta mới nghe.

Những ngày đầu đi bán la khan cả tiếng. Khi đi bán như vầy, quý vị biết hạnh phúc nhất là gì không? Là được nghe người ta kêu mua bánh mì. Mỗi lần nghe kêu “bánh mì” là mừng lắm, mặc dù mệt nhưng cũng cố chạy nhanh đến bán, vì mỗi sáng có rất nhiều đứa trẻ cùng lứa đi bán, nếu mình không nhanh chân thì mất khách và phải bán lâu hơn, đi xa hơn. Có những hôm bán sớm, nhiều nhà còn ngủ, nghe tiếng rao của mình, họ mở cửa ra chửi và còn hâm dọa kêu cảnh sát bắt nữa. Nghe vậy tôi sợ quá, chạy đi chỗ khác bán. Có những hôm bán đắt thì khoảng 6 giờ sáng là hết, nếu ế phải tới 7, 8 giờ. Bán xong, lời được đồng nào là tôi đem về gia đình hết, không dám tiêu xài, trái lại còn mong cho được nhiều tiền để phụ giúp gia đình. Có những đứa bạn cùng bán chung thấy nó ăn xài nhiều quá, tôi bèn hỏi ăn như vậy thì tiền lời đâu còn bao nhiêu, rủi cha mẹ có hỏi thì làm sao. Nó nói là bán 50 ổ thì nói dối là bán 30 ổ, số tiền lời 20 ổ đó thì xài.

Thời gian cứ trôi qua, con người ngày một lớn, tâm sinh lý cũng phát triển theo thể xác. Một đêm nọ, vào ngày thứ bảy, tôi xin cha mẹ đi xem cải lương trong xóm. Thời điểm đó, gia đình nào khá lắm mới mua nổi ti vi, mà ti vi trắng đen chứ chưa có ti vi màu như ngày nay. Cả xóm chỉ vài nhà có ti vi. Những nhà này rất tốt, hàng tuần vào tối thứ bảy có chương trình cải lương, họ đem ra phía trước nhà cho mọi người đến xem. Dân miền Tây rất mê cải lương, cho nên cứ tối thứ bảy họ đi xem rất đông, kẻ đứng người ngồi chật cả sân nhà, giống như ngày nay chúng ta đi xem chương trình ca nhạc sống ngoài trời vậy. Hôm đó, hai đứa bạn trai không xem cải lương rủ tôi đi dạo mát. Lúc đi, tụi nó mới thổ lộ là sẽ rủ một con nhỏ hàng xóm cùng đi. Con nhỏ tuổi khoảng 14, 15 nhưng đã hư, thường hay đi chơi đêm với những đứa con trai khác.

Nghe tụi nó bàn như vậy, tôi can ngăn sợ có chuyện gì xảy ra là ở tù cả đám. Nhưng hai đứa kia cứ thuyết phục mãi. Vì tuổi trẻ bồng bột, lại thêm vấn đề ái dục rất mạnh, nên tôi cũng xiêu lòng đồng ý. Lúc đó, tôi và một đứa đi vào trong khu mộ nơi cánh đồng chờ đợi. Còn một đứa quen con nhỏ đó có nhiệm vụ về dụ dỗ nó ra. Trước đây, khi đi ngang khu mộ này, chúng tôi rất sợ ma, vì người ta đồn ma rất nhiều. Không hiểu sao hôm đó chúng tôi lại không biết sợ ma, chắc có lẽ do sức mạnh của tình dục chăng? Hai đứa vào đó ngồi chờ, nhưng chờ mãi đến hơn 22 giờ đêm không thấy nó dắt con nhỏ kia ra. Lúc đó, chúng tôi thất vọng đi về, sợ ngồi lâu hết cải lương về nhà sẽ bị cha mẹ rầy la. Quả đúng như dự đoán, về đến nhà thì hết cải lương. Gia đình hỏi tại sao về trễ, phải nói dối là trời nóng nực đi uống nước mía với bạn nên về trễ.

Sáng hôm sau gặp lại đứa bạn hỏi lý do, nó nói là hôm đó cải lương hay quá, con nhỏ mê xem nên rủ mãi không chịu đi, ngồi dụ một hơi không được, thấy cải lương hay quá thế là ngồi xem luôn. Quý vị nghe có tức không? Trong khi mình ngồi ngoài mả đợi từng phút từng giây, nó ở nhà ngồi xem cải lương. Lúc đó tôi tiếc lắm, nhưng bây giờ mới biết là may mắn. Nhờ trắc trở như vậy mình mới không phạm vào tội lỗi. Kể từ đó đến nay tôi cố gắng giữ mình không để phạm vào sắc dục. Nếu ngày đó vướng vào sắc dục, có lẽ bây giờ cái giây oan nghiệt đó cột trói mình không biết bao giờ thoát ra được. Thật là may mắn.

Trong thời gian nghỉ hè, vì rảnh rỗi nên tôi lấy những quyển kinh sách ra đọc cho đỡ buồn. Những quyển sách này gia đình tôi đem theo từ Hóc Môn, do Sư Tổ chùa Hoằng Pháp cho. Hồi đó, sách Sư Tổ ấn tống rất nhiều và ai đến chùa Ngài cũng đều tặng. Ngoài những sách của chùa Hoằng Pháp ra, còn có những sách của các sư. Sư Tổ chùa Hoằng Pháp rất quý các sư Khất sĩ, thường hay mời pháp sư Giác Nhiên ở Tịnh Xá Trung Tâm quận Gò Vấp về giảng. Mỗi lần đi giảng, pháp sư đều mang theo kinh sách tặng cho Phật tử.

Lần đầu, tôi đọc cuốn “Lược Sử Phật Tổ” do chùa Hoằng Pháp ấn tống. Sau khi đọc xong, tôi bị thu hút bởi cuộc đời cao quý của đức Phật. Tôi tự nghĩ: về gia tộc Phật sinh ra thuộc dòng vua chúa; về thân thể Phật có 32 tướng tốt; về trí tuệ Phật thông minh hơn người; về địa vị Phật là Thái tử con vua; về quả phước Phật hưởng thụ đầy đủ mọi thứ hạnh phúc trên cuộc đời. Thế mà Ngài đã từ bỏ tất cả địa vị, quyền thế, vợ đẹp, con ngoan, giàu sang, sung sướng để một thân một mình vào rừng sâu tu hành khổ hạnh tìm cầu chân lý cứu độ chúng sinh, thật là cao quý biết bao! Nếu đem bản thân mình ra xét thì tôi chẳng có một thứ gì xứng đáng để bỏ cả. Vậy mình còn ham muốn làm chi những thứ mà Ngài đã bỏ, để rồi lãng phí cả một đời người theo đuổi tìm cầu!

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.