Niệm & niệm Phật

Trong Phật giáo, niệm là một thuộc tính của tâm, gọi là tâm sở pháp; nó được xếp vào một trong năm loại tâm sở biệt cảnh. Biệt cảnh có nghĩa là nó chỉ xuất hiện trong những trường hợp và cảnh vực sai biệt, duyên vào từng đối tượng cụ thể mà sanh khởi.

Niệm, tiếng Phạn là smṛti, có nghĩa là nhớ. Theo Duy thức học, niệm là tác dụng của tâm nhằm ghi nhớ rõ ràng, không để quên mất một đối tượng nào đó. Thông thường, chúng ta hay nói là hoài niệm, tức là chỉ cho cái tâm nhớ về cảnh giới quá khứ, nhớ những chuyện đã qua.

Phẩm loại túc luận nói “niệm là rõ tâm, nhớ tính”. Câu-xá luận nói “niệm là nhớ rõ đối tượng không quên”. Đại thừa quảng ngũ uẩn luận ghi: “Niệm là gì? Tự tính của nó là nhớ rõ không quên mất của tâm đối với việc đã từng quen thuộc. Việc đã từng quen thuộc nghĩa là những việc đã từng được huân tập (đã từng trải qua trước kia). Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho sự không tán loạn (sở y cho định)”.

Thành duy thức luận cũng định nghĩa: “Niệm là gì? Tự tính của nó là sự ghi nhớ rõ ràng không quên mất của tâm đối với cảnh đã từng quen thuộc. Nghiệp dụng của nó là làm sở y cho định. Tức là thường xuyên ghi nhớ cảnh đã từng được tiếp nhận không để cho quên mất thì có thể dẫn đến định. Đối với cảnh mà thể và loại1 của nó chưa hề được tiếp nhận, niệm hoàn toàn không phát khởi. Giả sử đối tượng đã từng được tiếp nhận nhưng không được ghi nhận rõ ràng, niệm cũng không phát sanh”.

Định nghĩa này cho chúng ta thấy rõ rằng, muốn “niệm” phải có cảnh, và cảnh này phải là cảnh đã từng tiếp nhận, từng huân tập, từng ghi nhớ dấu ấn trong tâm, tức là những cảnh đã được huân tập thành chủng tử. Như vậy, niệm là nhớ những cảnh ở trong tâm, hay nói cách khác là nhớ những hạt giống đã gieo trồng trong tâm.

Cảnh có hai loại. Một là thể cảnh, là đối tượng mà mình có thể nhận thức trực tiếp, mắt thấy, tai nghe, gọi là thể cảnh (cảnh hiển bày trước mắt). Hai là loại cảnh, là đối tượng được nhận thức do loại suy, tức là dựa vào những hình ảnh, những cảnh giới… được miêu tả trong kinh sách mà tưởng tượng ra những hình ảnh, những cảnh giới giống như đã miêu tả, gọi là loại cảnh. Đối với cả hai cảnh này, tâm phải từng tiếp nhận, từng huân tập, từng huấn luyện sao cho đối tượng in dấu trong tâm thức rõ ràng, trở thành chủng tử, thành hạt giống nằm ở trong tâm thức thì chúng ta mới có thể “niệm” nó được. Bởi vì, như luận đã nói, “đối tượng đã từng được tiếp nhận nhưng không được ghi nhận rõ ràng, niệm cũng không phát sanh”, huống chi là đối tượng mà mình chưa từng tiếp nhận, chưa từng huân tập làm sao “niệm” (nhớ) cho được?!

Nhưng những điều mình nhớ đa phần là vọng tưởng. Bởi những nỗi nhớ đó làm cho mình đánh mất hiện tại, nó kéo mình về quá khứ, để vui, để buồn với những chuyện đã qua… Mà cuộc sống hiện thực là bây giờ và ở đây, ngay trong giờ phút hiện tại. Cho nên, nhớ về quá khứ hay mơ tưởng về tương lai đều không giúp gì được cho mình hết. Nếu mình biết sống trong hiện tại cho thật hạnh phúc, cho thật chánh niệm và tỉnh giác thì mình biết quá khứ hay tương lai đều đang có mặt trong từng phút giây hiện tại, mình không cần phải nhớ hay mơ ước gì hết. Cho nên, niệm ở trong đạo Phật là nhớ những gì đưa mình tới an lạc và giải thoát mà thôi, còn những gì làm cho mình mệt, mình khổ, mình phiền não, thì mình không cần phải nhớ.

Những cái mình nhớ mà đưa tới an lạc giải thoát, đưa tới ly dục, ly bất thiện pháp, thì Phật chỉ cho mình niệm. Như Phật dạy mình nhớ hơi thở. Thực tập theo dõi và đếm hơi thở ra vào gọi là quán sổ tức, hay còn gọi là an ban niệm; mình nhớ Phật, nhớ Pháp, nhớ Tăng, nhớ bố thí, nhớ giữ Giới, nhớ cõi Thiên thì gọi là lục niệm… Còn nhiều thứ Đức Phật chỉ dạy mình nhớ, để mình thoát khổ, như nhớ Tứ niệm xứ, nhớ Tứ vô lượng tâm…Khi mình nhớ những cái đó gọi là niệm. Niệm như vậy là một pháp môn tu tập.

Muốn niệm được thành công thì mình phải có ước muốn, tức là phải làm cho tâm sở dục phát sanh. Tâm sở dục là gì? Câu-xá luận định nghĩa: “Đặc tính của nó là hy vọng ở nơi đối tượng đáng yêu thích. Đối tượng đáng được yêu thích là những gì muốn thấy, muốn nghe… thì hy vọng, mong cầu. Nghiệp dụng của nó là sở y cho tinh thần”.

Chẳng hạn, mình muốn niệm Phật thành công thì mình phải có ước muốn, ưa thích Tịnh độ, điều mà trong kinh Vô lượng thọ gọi là “tín nhạo”: “nhược hữu chúng sanh, dục sanh ngã quốc, chí tâm tín nhạo” (nếu có chúng sanh nào ưa muốn được vãng sanh về cõi nước của Ta, thì hãy hết lòng tin tưởng và ưa thích). Hết lòng tin tưởng và ưa thích không phải là điều kiện của Phật A-di-đà đưa ra để ai tin tưởng và ưa thích Ngài thì Ngài tiếp dẫn về thế giới Cực lạc; mà đó là điều kiện để mình có thể tu Pháp môn Niệm Phật được. Tâm mình có tin tưởng, ước muốn và ưa thích rồi thì nó mới có thể ghi dấu lên tâm thức, tức làm cho đối tượng thành chủng tử, mà thuật ngữ gọi là thắng giải.

Thắng giải là, Câu-xá luận định nghĩa: “Đặc tính của nó là ghi dấu ấn trên đối tượng đã được xác định, nhận thức đúng như bản chất của nó. Nói ‘xác định’ tức là duy trì dấu ấn trên sự thể đã được xác định. Nghiệp dụng của nó là không bị dẫn chuyển, vì nó có tăng thắng, không thể bị dịch chuyển bởi cái khác”. Khi mình “nhớ Phật” (tức là niệm Phật) là mình ghi dấu ấn Đức Phật cùng với những phẩm tính vô cùng thù thắng, hy hữu của Ngài lên tâm thức của mình. Tâm thức một khi đã “xác định”, đã duy trì dấu ấn Đức Phật, cũng như cảnh giới Tây phương Cực lạc rồi thì không có gì dẫn chuyển tâm của mình đi về hướng khác được; nó nhất định đưa mình tới Niệm – Định – Tuệ, và nhất định thành Phật.

Như vậy, tuần tự của quá trình tu tập Pháp môn Niệm Phật nói riêng, tu học theo Phật pháp nói chung, để đạt được định, từ định mà có tuệ thì lộ trình của nó  phải là: Dục – Thắng giải – Niệm – Định – Tuệ.

Lẽ hẳn nhiên là mình không thể “niệm”, tức là không thể nào “nhớ” được cảnh giới mà mình chưa từng nhìn thấy, chưa từng tiếp nhận, chưa từng được ghi dấu trong tâm thức. Đối với những cảnh giới, những hình ảnh, những sự kiện mình mới nghe qua, thấy qua… một đôi lần mà không ấn tượng gì thì mình cũng khó nhớ, hoặc nhớ một cách mơ hồ, tức là tâm sở niệm không thể phát sanh. Tâm sở niệm không phát sanh thì không có định; nếu niệm mơ hồ thì cũng khó đắc định.

Đây là lý do vì sao chúng ta phải học thuộc lòng kinh A-di-đà. Học thuộc lòng để cảnh giới Tây phương Cực lạc được giới thiệu trong kinh in sâu vào trong tâm, làm cơ sở cho tâm niệm loại suy ra cảnh giới đó, để khi nghe đến tên kinh, nghe đến thất trùng lan thuẫn, thất trùng hàng thọ, thất trùng la võng, hoa sen lớn như bánh xe v.v… thì cảnh giới Tây phương Cực lạc lập tức hiện tiền trước mắt liền. Danh hiệu của Phật A-di-đà cũng vậy, chúng ta phải huân tập, phải niệm làm sao mà khi tâm vừa khởi niệm hay nghe đến danh hiệu Phật A-di-đà thì lập tức hình ảnh của Phật A-di-đà đầy đủ tướng hảo, công đức thù thắng, bổn nguyện độ sanh… đều hiển hiện rõ ràng trong tâm, như thấy trước mặt, thì như vậy là niệm Phật thành công.

Như vậy, với một người suốt đời không tin Tam bảo, tạo tội ngũ nghịch, làm mười việc ác… gây đủ mọi thứ tội lỗi thì hẳn là chưa từng huân tập hình ảnh và công đức của Phật, tức là đối với cảnh mà thể và loại của nó chưa hề được tiếp nhận, thì người ấy không thể niệm Phật được, vì tâm sở niệm hoàn toàn không phát khởi. Nói một cách khác, đối với một người chưa bao giờ biết đến chùa, chưa từng tụng kinh, niệm Phật, thì hẳn chưa từng biết đến thế giới của chư Phật, chưa từng biết có cảnh Tây phương, cũng không hề biết có Phật A-di-đà, tức là họ chưa từng huân tập những hạt giống Tây phương Tịnh độ, thì đối với những người này không thể niệm Phật được.

Giả sử có người đã từng đi chùa, cũng có đôi ba lần tụng kinh, niệm Phật, cũng từng nghe nói đến thế giới Tây phương Cực lạc, nghe nói đến công đức của Phật A-di-đà, tức là đã từng được tiếp nhận đối tượng, nhưng những đối tượng đó không được ghi nhận rõ ràng, thì tâm sở niệm cũng không phát sanh, người ấy cũng không thể niệm Phật được.

Để đạt được định thì bắt buộc phải tu niệm, do niệm mà dần đi vào định. Trong kinh có nói, tâm của chúng ta phiền não tán loạn, khi nghĩ cái này khi nghĩ cái kia, không một sát-na dừng nghỉ, cho nên cần phải cho nó một đối tượng để cho nó duyên vào đó, để cột nó lại, khiến cho nó từ từ an trụ. Cũng giống như con trâu cứ chạy đông chạy tây, nếu mình lấy sợi dây xỏ mũi và cột nó lại dưới gốc cây, bấy giờ nó có chạy cũng chỉ chạy lui chạy tới một chỗ dưới gốc cây thôi, chạy một hồi nó sẽ mệt, nó sẽ dừng lại và sẽ nằm xuống. Cái tâm của mình cũng giống như vậy, nếu mình buộc nó vào một chỗ thì từ từ nó sẽ đi vào định.

Không những mình tu định cần phải có niệm, mà ngay cả khi tu quán, tu huệ cũng cần phải có niệm. Cho nên, ở trong Phật pháp, niệm là một pháp vô cùng quan trọng. Niệm có nhiều loại, tùy theo đối tượng mình niệm mà có tên gọi khác nhau, như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Tứ đế…

Bây giờ mình nói niệm Phật, tức là lấy Đức Phật làm cảnh giới, làm đối tượng để mà niệm, mà nhớ. Khi mình niệm Phật thì tâm của mình chuyên chú vào danh hiệu Đức Phật hoặc cảnh giới của Phật, niệm cho đến khi đắc định thì gọi là niệm Phật tam-muội. Nhưng mà phải niệm cho thật chuyên chú, chứ nếu niệm không chuyên chú thì cái tâm sở niệm không dễ gì hiện ra rõ ràng, định không dễ gì thành tựu. Nếu có thể làm cho tâm hết tán loạn, tâm không chạy theo những đối tượng khác, mà chuyên chú tập trung vào một cảnh thôi thì tu niệm mới có khả năng thành công.

Trong kinh có nói một thí dụ như sau: Có một người nọ đắc tội với quốc vương, đáng phải xử tử. Bấy giờ quốc vương sai lấy một bát đựng đầy dầu, bắt người tội bưng lấy bát dầu đi ra đường phố đến một địa điểm đã quy định, nếu như anh ta có khả năng giữ bát dầu không rơi ra ngoài một giọt thì quốc vương sẽ miễn tội chết cho. Kẻ phạm tội đó trong khi tính mạng đang bị uy hiếp mà tìm thấy con đường sống, cho nên đã để hết tâm ý vào tay bưng bát dầu. Trên đường đi có biết bao nhiêu màn ca múa hát xướng anh ta cũng không nghe không thấy; có biết bao trò đánh đá cãi vã ồn ào anh ta cũng mặc kệ; cho đến những đoàn xe ngựa chạy tới chạy lui, biết bao cảnh vật xung quanh tác động vậy mà anh ta đều không để mắt tới, chỉ duy nhất tập trung tâm ý vào việc giữ gìn bát dầu sao cho khỏi rơi ra ngoài dù chỉ một giọt. Cuối cùng thì anh ta cũng bưng được bát dầu đi đến nơi quy định mà không để rơi một giọt nào, nhờ vậy anh được thoát khỏi tội chết.

Cũng như anh tử tù, chúng sanh đang bị chìm đắm trong thế gian vô thường, đang bị bức bách bởi sanh tử khổ nạn, đang bị thiêu đốt trong nhà lửa Tam giới… Trong khi sự sống mong manh, vô thường như ngàn cân treo đầu sợi tóc ấy thì mình tìm thấy con đường sống bằng cách niệm Phật, như anh tử tù tìm thấy đường sống bằng việc làm sao bưng bát dầu không bị đổ trên suốt hành trình nghiệp lực quy định. Chúng ta nếu muốn thoát ly sanh tử, thoát khỏi sự trói buộc trong ba cõi thì phải tu niệm, phải buộc niệm cho chuyên tâm nhất ý, không để cho cảnh giới ngũ dục đáng ưa, đáng thích, đáng yêu trói buộc, đối với cảnh đáng sân mà không nổi sân, trong hoàn cảnh biến động, tán loạn mà giữ tâm bất động, như vậy gọi là buộc niệm chuyên nhất. Tham, sân, si… các thứ phiền não không khởi thì tâm sẽ gom về một chỗ, sẽ an trú trong trạng thái yên lặng, trong suốt, tức là đắc định. Có định thì sẽ phát tuệ, từ đó, vô lượng công đức đều được thành tựu.

Ngược lại, nếu không tu niệm, sẽ không được định tâm. Mà tâm không có định thì dù có đọc kinh, học Phật pháp, bố thí, cúng dường, trì giới… đều không thể đạt được công đức thù thắng trong Phật pháp, chỉ có thể đạt được một chút tri thức, một chút phước nghiệp, hưởng phước báo trời người mà thôi.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.