Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc – Chương 7 & 8

KỆ NGÔN VII

HẠNH PHÚC XXII

Gāravo
Sự tôn kính các bậc đáng tôn kính

Tôi xin chia Hạnh phúc này ra làm ba phần để cho quí vị dễ nhận định;

– Tôn kính là gì?

– Thế nào gọi là tỏ vẻ tôn kính?

– Có nhiều lý lẽ khác nhau.

Sự tôn kính là sự hành động của người tôn kính. Xin đừng tưởng rằng lạy lục, chào hỏi, gọi là tôn kính. Lạy lục chào hỏi chẳng qua chỉ là hành động bên ngoài. Người không có sự tôn kính trong thân tâm, họ cũng vẫn hành được, vì đó là sự giả vờ bên ngoài.

Sự thật của sự tôn kính ta không thể trông thấy bằng mắt được. Phạn ngữ gọi là Gārava (tôn kính). Chữ Gāravabiến thể từ chữ Gāru, nghĩa là nặng, ý nói rằng: ta thành thật tôn kính với tất cả tâm kính thành đối với các bậc như cha mẹ thầy tổ v.v… Tôn kính là tôn thờ và kính trọng.

Khi ta đến một nơi nào gặp một nhân vật trọng yếu, hay là đển chỗ phụng thờ tôn nghiêm, ta thấy lòng ta phát sanh ra sự tôn kính ở bên ngoài.

Phật giáo cho sự chào hỏi rất lễ phép bên ngoài cũng chưa phải hoàn toàn là tôn kính, mà chú trọng đến là sự tôn kính ở trong tâm.

Chú giải có dạy rằng: người biết tôn thờ, kính trọng các đấng có đặc ân cao cả như chư Phật, chư thánh nhân, chư Tăng, bậc có giới đức, và cha mẹ, thầy tổ và những bậc trưởng thượng.

Trong bài kinh Culakammavibhanga sutta ở Catutthavagga, Đức Thế Tôn có dạy người thanh niên tên Subharằng: “Này Subha, người nữ hoặc người nam trong đời này là người cương ngạnh, ngã mạn, không chịu lễ bái các bậc đáng lễ bái, không chịu đứng dậy tiếp rước, không chịu nhường chỗ ngồi cho bậc đáng nhường, không tiếp đãi bậc đáng tiếp đãi, không kính trọng các bậc đáng kính trọng, không thân mến với các bậc đáng thân mến, không cúng dường đến các bậc đáng cúng dường”.

“Người ấy sau khi chết sẽ bị sanh vào ác đạo, vì nghiệp mà tự mình đã làm ấy. Nếu người ấy không sanh vào bốn đường ác đạo, khi được sanh làm người thì bị sanh vào gia đình thấp hèn. Này thanh niên Subha, người có tánh cương ngạnh, ngã mạn … không cúng dường đến các bậc đáng cúng dường; chính người ấy tự tạo ra con đường đi đến nơi gia đình dòng họ đê hèn”.

“Này thanh niên Subha, trái lại, người nam hay nữ ở trong đời này không cương ngạnh, không ngã mạn, … cúng dường đến các bậc đáng cúng dường, người ấy sau khi thoát sanh, sẽ được sanh về cõi thiên đàng vì người ấy tạo ra thiện nghiệp.

“Nếu người ấy không sanh cề cõi trời, sanh lại làm người, thì sẽ được sanh vào gia đình cao thượng, gia đình quí phái. Này thanh niên Subha, người không cương ngạnh, ngã mạn, … cúng dường đến các bậc đáng cúng dường, đó là hành vi của người đi đến cõi an vui.”

Theo Phật ngôn này thì ta thấy rằng sự tôn kính này không tùy thuộc giai cấp xã hội, chỉ dành cho người có tuổi tác, đức hạnh mà thôi.

Trong Túc sanh truyện, có một sự tích dạy về sự tôn kính:

Có lúc nọ, chư Tăng hội lại rất đông để hầu Phật. Nhiều thầy Tỳ khưu choán chỗ ở rộng lớn, có vị một mình chiếm hai chỗ hoặc ba chỗ. Đại đức Xá Lợi Phất đến sau, không có chỗ ở, đành phải ra ngoài trời, khuya lại đi kinh hành gặp Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết chuyện ấy từ trước, nhưng để đến khi gặp Đức Xá Lợi Phất, Ngài mới hỏi lại sao lại ở ngoài trời. Đức Xá Lợi Phất: “Vì tới trễ không có chỗ nghỉ”.

Nhân chuyện ấy, sáng ngày Đức Thế Tôn mới cho họp chư vị Tỳ khưu lại và nhắc tích rằng: Lúc quá khứ tại rừng Tuyết Lãnh có một cây vừng to, nơi ấy là nơi cư ngụ của ba con thú. Ba con thú ấy là chim đa đa, khỉ và tượng (voi), chơi với nhau rất thân, nhưng không biết ai lớn nhỏ. Ba con thú ấy mới bàn với nhau rằng: “Chúng ta chơi với nhau chưa đủ, vì chúng ta thiếu phép cung kính nhau, vì không biết kẻ nào lớn nhỏ để chỉ dạy nhau”.

Rồi chúng mới hỏi nhau rằng: “Vậy chúng ta ai biết cây vừng này từ bao giờ?”

Tượng đáp: “Này các bạn, trong khi còn là tượng con, mẹ tôi dẫn tôi đi ăn qua đây, thì cây vừng này còn ở dưới bụng tôi. Tôi biết cây vừng ngay khi ấy.”

Khỉ đáp: “Này các bạn, khi tôi còn bú, tôi ngồi trên đất không cần phải ngước đầu lên, cũng có thể dùng miệng cắn ngọn cây vừng này được. Vậy tôi biết cây vừng từ khi ấy”.

Chim đa đa nói: “Này các bạn, khi trước, bên kia có cây vừng to tôi ăn trái cây vừng ấy, về đại tiện nơi đây, nên mới có cây vừng này được. Vậy tôi biết cây vừng từ khi ấy.”

Từ lúc ấy trở về sau, khỉ và tượng tôn kính chim đa đa lên làm anh cả; cả hai kính trọng vâng lời chỉ bảo. Chim đa đa dạy khỉ và tượng phải giữ ngũ giới. Sau khi chết, cả ba đều sanh về cõi trời.

Sau khi nhắc tích này xong. Ngài dạy rằng: “Này các thầy Tỳ khưu, loài thú mà còn biết tôn trọng nhau, phương chi các thầy, xuất gia theo giáo pháp của Như Lai, lại không biết tôn trọng lẫn nhau.”

Sau khi thuyết tích này xong, Ngài dạy: “Kẻ nào thông hiểu pháp, biết kính trọng bậc cao thượng hơn mình, kẻ ấy trong đời này đáng là người được ngợi khen, về đời sau được sanh về cõi trời.”

Chú giải có gom ý câu kệ như vầy: “Này các thầy Tỳ khưu, chúng sanh bất luận hạng nào, vua chúa, bà la môn, nông gia, người xuất gia, chẳng hạn, là người thông hiểu về sự biết tôn kính các bậc đáng tôn kính, vì lớn tuổi hơn hay là có đức hạnh cao hơn, chúng sanh ấy trong đời này được sự ca tụng ngợi khen, về vị lai được sanh về cõi trời.’

Sự tích khỉ, tượng trên đây có ngụ ý dạy ta nên kính trọng bậc niên cao kỷ trường, người có đức hạnh, dù người ấy thuộc hạng người nào trong xã hội. Sự tôn kính ấy còn có tác dụng là diệt lòng ngã mạn của ta.

Hơn nữa, sự tôn kính còn gọi là Hạnh phúc, vì sự tôn kính có thể đưa người khỏi tai nạn, được những đặc ân, và đắc được chỉ quán hay minh sát. Vì vậy, có một vị chư thiên vào hầu Phật và bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

– Bảy pháp làm cho các thầy Tỳ khưu tránh khỏi tai nạn là pháp gì?

Ngài đáp:

– Bảy pháp ấy là:

1. Buddhagāravatā: tư cách người biết tôn kính Phật.

2. Dhammagāravatā: tư cách người biết tôn kính Pháp.

3. Samghagāravatā: tư cách người biết tôn kính Tăng.

4. Sikkhāgāravatā: tư cách người biết tôn kính điều học.

5. Samādhigāravatā: tư cách người biết tôn kính thiền định.

6. Appamādagāravatā: tư cách người biết tôn kính sự không dễ duôi.

7. Patisanthāgāravatā: tư cách người biết tôn kính sự tiếp đãi.

– Bạch Đức Thế Tôn, bảy pháp này làm cho chư vị Tỳ khưu tránh khỏi tai nạn.

Đến sáng ngày, Đức Thế Tôn thuật câu chuyện ấy cho chư vị Tỳ khưu bằng câu kệ rằng:

Satthagaru dhamagaru

Sanghe ca tippagāravo

Abhabbo parihānnaya

Nibbānasseva santipe.

Nghĩa là: Thầy Tỳ khưu có sự kính trọng Phật, Pháp, Tăng … là người không bị tai nạn lìa xa đạo quả, và thầy Tỳ khưu ấy đã ở gần Niết Bàn.

Đây xin giải bảy điều tôn kính ấy.

Sự tôn kính là một pháp rất cần cho đời và đạo. Người biết tôn kính bậc trưởng thượng thì người ấy làm gì cũng được dễ dàng, vì có người giúp đỡ.

1. Tôn kính Phật: Ta tôn kính Phật vì hai lẽ:

a) Dù khi Ngài còn tại gia, Ngài là một vị Đế Vương, giòng cao quý.

b) Khi ngài xuất gia tầm đạo, Ngài đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là đấng cứu thế độ đời, dùng đuốc tuệ phá tan bầu trời mờ tối, là vô minh làm cho chúng sanh không thấy đường. Tất cả như chư thiên, Phạm thiên đều hoan hô ca tụng Ngài có được mười hồng danh, từ Ưng Cúng đến Thế Tôn.

Trong Chú giải viết rằng: Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, các bậc Tỳ khưu biết kính Phật, mỗi ngày đều vào hầu Phật để cung kính kim ngôn của Ngài giáo huấn. Khi Đức Thế Tôn đi kinh hành, các thầy không dám đi nơi cao hơn. Khi vào hầu Phật, các Thầy không dám bận y trùm, phải chừa vai trái ra. Các thầy không dám mang giày trong chỗ mà tầm mắt Đức Thế Tôn có thể trông thấy, không dám đi lại tiểu tiện chỗ mà Đức Thế Tôn có thể thấy. Đệ tử chánh thức của Phật là ngài Xá Lợi Phất được Đức Phật khen ngợi là người rất kính trọng Phật, là người hằng đêm khi đi ngủ biết Đức Phật ngủ hướng nào để nằm dây đầu về hướng ấy. Có nhiều vị Phàm Tăng hỏi ngài: “Tại sao lại chọn hướng dây đầu?”, ngài đáp: “Vì tôi kính trọng Phật nên dây đầu về hướng Phật ngự.”

Riêng chúng ta là người rất xa Phật thì phải kính trọng Phật bằng cách nào? Chúng ta phải năng lễ Phật, tụng kinh và khi vào chùa, lên chánh điện, phải tỏ ra trang nghiêm và hết lòng tôn kính trước kim thân Ngài, như Ngài còn ở hiện tiền.

2. Tôn kính Pháp: Pháp gọi là Dhamma, Tàu âm là Đạt ma, Đàm ma, Đàm. Ở trước đã có giải sơ lược về tiếng Pháp, bây giờ xin giải thêm, Dhamma nghĩa là phàm vật vì có bản tính là tính chất của nó, không cho hư hại hay tiêu diệt.

Tôi xin ví dụ cho dễ hiểu: Như miếng vải trắng, nó giữ được màu trắng, khiến cho ai trông thấy cũng nhận biết miếng vải màu trắng, chớ không ai nói là miếng vải đen.

Nói cho dễ hiểu thêm, thì vật gì cũng có hai trạng thái là giữ chắc cái tính chất của nó, và phô bày kiểu, cảnh, màu sắc do người nhận định phân biệt được. Như vậy gọi là Pháp. Tôn kính Pháp là ta hết lòng thực hành theo lời giáo huấn của Phật.

Pháp có ba chi khác nhau là:

a) Pháp học: ý nói là tám mươi bốn ngàn pháp môn; phải gắng học, không dễ duôi.

b) Pháp hành: là Giới-Định-Tuệ; là pháp mà hành giả vâng hành theo đúng để được giải thoát.

c) Pháp thành: chỉ các bậc thánh nhân đã đắc từ sơ quả Tu Đà Hườn.

Ba pháp trên có quả báu khác nhau. Pháp học là người thông minh hiểu rõ chân lý dễ hành đúng theo chánh đạo. Pháp hành này làm cho con người thấy rõ các pháp là vô thường, khỗ não, vô ngã, trí tuệ phát sanh, diệt tận phiền não đắc được đạo quả Niết Bàn.

Người đã đắc đạo quả Niết Bàn giải thoát khỏi vòng sanh từ luân hồi,cũng do nơi tôn kính pháp. Trong trường hợp này, nghĩa là tôn kính là thực hành theo pháp.

Riêng nơi đây, tôi muốn giải thêm cho chư thiện tín thấy rằng những người biết kính trọng pháp khi nghe lời giảng giải của các bậc trí thức mà có chuyện gì xảy ra, cũng không màng những người ấy được hạnh phúc, như ông trưởng giả trong tích sau đây:

Có một trưởng giả có đức tin vào chùa nghe thuyết pháp, trong khi ông trong sạch nghe pháp, thì ở nhà có bọn cướp đến vây nhà ông và tính cướp hết của ông.

Khi ấy có một người trong gia đình ông trốn thoát, chạy đến chỗ ông nghe pháp bảo ông rằng: “Bọn cướp đến vây nhà mình rồi xin hãy về xem.” Ông nói: “Nếu quả thật của ấy là của bọn cướp, thì cứ mang đi, còn như không phải thì chúng nó không thể đem đi được.” Rồi ông lại chăm chỉ nghe pháp như không có gì hết.

Người kia về nhà rồi trở lại bảo ông rằng: “Bây giờ chúng nó đã phá cửa vào nhà rồi, chỉ còn mang đồ đi thôi”. Ông bình tỉnh nói: “Cửa của ta thì ở lại với ta, còn cửa của bọn cướp thì chúng tha hồ mang đi.” Rồi ông lại chăm chú nghe pháp nữa. Người ấy về đến nhà thì thấy bọn cướp đang khuân vác đồ ra. Người ấy trở lại lần thứ ba và nói với ông trưởng giả: “Bọn cướp mang đồ ra khỏi nhà rồi.” Ông vẫn bình tỉnh đáp rằng: “Của nào của chúng thì chúng mang đi tự ý. Của nào của chúng ta sẽ ở với chúng ta.” Người ấy lập tức về thì thấy bọn cướp đã dọn nhà ra sân rồi, y nói với bọn cướp rằng: “Chủ nhân nhà này không màng đến của cải, vậy các ngươi cứ lấy tự do. Tôi đã bảo ông ta hai ba lần, nhưng ông ta không cần, Vậy các ông tùy tiện.” Những người ấy nghe vậy, phát sanh lòng kinh sợ và nghỉ rằng những của này, chủ nhân đã không màng rồi, vậy chúng ta lấy của này để làm gì. Bọn cướp mới họp nhau bàn tán, đồng ý đem của trả lại chỗ cũ, rồi cùng nhau vào chùa nghe pháp. Những người ấy phát sanh tâm chán nản về tội lỗi, nên xin xuất gia, và đạt được đạo quả Tỳ khưu tùy theo duyên lành của mỗi người.

Theo tích này, ta thấy rằng sự tôn kính pháp không làm mất trật tự hay hết lòng nghe pháp như ông trưởng giả này có sự hạnh phúc như thế. Đây mới sơ qua của sự tôn kính pháp mà thôi.

Người hết lòng nghe pháp, hết lòng thực hành theo pháp thì được sự hạnh phúc như ta thấy trên. Đức Thế Tôn có dạy rằng: Dhammo rarukatappo, người kính trọng pháp nên thực hành theo pháp. Người thực hành đúng theo pháp mới gọi là người kính trọng pháp thật sự.

3. Tôn kính Tăng: Tăng có hai hạng là Phàm Tăng và Thánh Tăng. Tăng là các bậc ly gia cắt ái, thân xa mùi tục tạm theo đạo mầu, là bậc thừa hành theo chánh pháp, là ngọn cờ của Phật giáo, là hướng đạo của tín đồ. Nếu không còn Tăng thì Phật giáo cũng không còn.

4. Tôn kính điều học: đây nghĩa là hết lòng hành theo giới hạnh của mình đã thọ trì, rồi không cho phạm vào, nghĩa là luôn luôn xem giới hạnh của mình, cũng như là người đã bị mù mất một mắt rồi, cố giữ con mắt còn lại không cho đau. Đại ý nói rằng rất cố gắng bài trừ những phiền não còn trong lòng, không dám dễ duôi.

5. Kính trọng thiền định: tức là cố hành thiền định, không hề dám xao lãng. Thiền định là pháp dạy tâm, kềm chế tâm không để cho tâm xao lãng phóng túng, bắt buộc tâm phải yên tru. Nhất là các bậc xuất gia, thiền định đối với quí ngài không khác nào cá với nước, ý tôi muốn nói không thể xa nhau được, vì người tu sống chết gì cũng phải biết giữ lấy tâm mình thôi, nhờ có thiền định là nấc thang đi đến Niết Bàn.

Trong bộ Chú giải Visuddhimagga có dạy rằng trần cảnh ví như một thứ nhựa rất dẻo rất dính, mùa nắng nhựa ấy chảy ra dưới gốc cây, trông thấy như một miếng nhung trải rất đẹp. Có một con khỉ đến gần, thấy nhựa tưởng tấm nhung liền ngồi lên, thì lại bị dính cứng vào nhựa, khỉ cố hết sức để chống hai tay đứng lên, hai tay bị dính luôn, nó liền dùng hai chân chỏi dậy, nhưng rồi lại càng bị dính vào. Sau rồi chỉ còn có cái miệng cố cắn để gỡ thì cả cái miệng cũng bị dính vào nhựa ấy.

Con người cũng dính mắc vào một thứ nhựa, mà một thứ nhựa còn dẻo hơn nhựa kia, không biết bao nhiêu lần mà kể, đó là nhựa trần tục. Khi còn ở trong gia đình thư thả, khi có vợ là dính vào cái đít như con khỉ mới bị dính vào lần thứ nhất, sau lại có con cũng như khỉ bị dính hai tay. Khi có của tiền lại càng bị dính nhiều hơn như khỉ bị dính thêm hai chân. Người có quyền chức càng dính không thể nào cựa quậy được, cũng như khi mắc luôn cái miệng, chỉ có đợi chết thôi. Thật ra tâm con người bị mắc vào vòng tài, tình, danh, lợi, khó mà gỡ cho được, chỉ còn do nhờ thiền định là phương pháp chữa trị bị phiền não ngự trị. Nhờ có thiền định nên không cho tâm say mê trong trần cảnh.

Thưở xưa, ở xứ Ấn Độ, trước khi làm lễ hỏa táng, người dùng chỉ buộc hai tay chân và cổ người chết. Người ta chỉ theo phong tục ấy mà thực hành, kỳ thật không biết ý nghĩa ra sao.

Có người đến hỏi vị Đại đức tên là Kāla. Ngài mới dạy rằng: “Của cải là cái vòng cột cổ, vợ là cái vòng buộc chân, con là cái vòng buộc tay. Vì lòng thương con nên không thể tu hành được, chỉ biết lo kinh doanh hầu để sự nghiệp lại cho con, mà chính mình quên già và chết. Cũng vì yêu vợ, gắng lo bôn ba để tìm chút danh vọng để vợ được hãnh diện với đời, không nhớ rằng những tội lỗi mà mình đã làm không ai chịu thế cho được. Cũng vì thương yêu vợ con nên có chân mà cũng không thể dùng chân ấy chạy khỏi vòng luân hồi, trái lại đi sâu vào luân hồi. Cũng vì thương vợ con và của cải, nên tay bị buộc, không thể lấy của mình đã có đem ra cho ai cả, mặc dù người ấy là quyến thuộc, nên cũng ví như dây buộc tay.”

Tục lệ này dạy con người gián tiếp rằng con người đến chết vẫn còn phải bị cột chặt vào ba mối là vợ, của, con. Thật ra thì tâm con người bao giờ cũng vẫn luyến tiếc ba mối đó nên không giải thoát được.

Đức Phật dạy ta tôn kính thiền định nghĩa là phải cố vâng giữ hành theo, không cho gián đoạn được. Như tôi đã nói, thiền định là nấc thang thứ nhì (sau giới) để đi đến nơi giải thoát, vậy người biết mình còn trầm luân trong biển khổ, nên cố gắng tham thiền. Đành rằng ta không thể giải thoát trong kiếp này, nhưng đó là duyên lành để trợ lực cho ta ngày vị lai, vì hiện giờ ta đã mài giũa mòn đi hết một ít phiền não.

Giàu sang, quyền chức trên đời không thể đem hạnh phúc lại cho ta. Tiện đây tôi xin nhắc sơ lược sự tích của Đại đức Anurudha để quí vị trông thấy gương lành của ngài.

Đức Anurudha là dòng Thích Ca. Ngài là người được kế vị ngai vàng của đức vua Tịnh Phạn. Sau lại, ngài xuất gia và ngài thường ngồi dưới cội cây nơi thanh vắng.

Khi ngài ở nơi ấy, ngài thường nói rằng: “Hạnh phúc thay, hạnh phúc thay!” Các vị Tỳ khưu nghe vậy mới bạch với Đức Thế Tôn rằng ngài Đại đức Anurudha muốn khoe mình là bậc cao nhân.

Đức Thế Tôn cho gọi ngài đến và hỏi có phải vậy không. Ngài đáp có.

Đức Thế Tôn hỏi: “Vì sao ngươi lại nói câu ấy?”

– Bạch Đức Thế Tôn, khi đệ tử còn trị vì, có thành trì kiên cố, có ngự lâm quân canh tuần cẩn mật, nhưng đệ tử vẫn còn e dè lo sợ có kẻ thích khách. Ngoài ra còn sợ quân xâm lăng của các cường quốc. Ngày nay, đệ tử xuất gia, bỏ ngai vàng, ở nơi rừng sâu, hang thẳm, cội cây vắng vẻ, đệ tử vẫn thấy lòng mình tự toại, an vui hạnh phúc, không sợ ai cướp của giựt đồ, vì đệ tử không thấy quả của sự không có của cải như vậy, nên đệ tử hằng nói: “Hạnh phúc thay!”

Sự tích này cho ta thấy rằng của cải, quyền chức không đem lại cho ta sự an vui thật sự mà thường tạo ra lo âu kinh sợ. An vui hạnh phúc thật sự là không có gì cả. Vì người không có gì không lo sợ mất gì.

6. Tôn kính sự không dễ duôi: ý nói không phung phí thì giờ quí báu của mình mà làm những điều vô ich.

Sự không dễ duôi ấy có hai phần: không dễ duôi bậc thấp và không dễ duôi bậc cao.

Sự không dễ duôi bậc thấp có 3 trường hợp:

– Không dễ duôi cho sự diệt trừ tội lỗi và làm nên các việc thiện.

– Không dễ duôi mà diệt trừ tội lỗi do khẩu nghiệp là có nói việc lành.

– Không dễ duôi trong sự suy nghỉ ác, nghĩa là không dám suy nghĩ ác.

Về việc không dễ duôi bậc cao cũng có ba trường hợp:

– Không dễ duôi sự quan sát gìn giữ tâm, không cho tâm tham mến theo trần dục, trong khi có cơ hội gần trần dục.

– Không dễ duôi để tâm si mê, giải phóng, phóng túng.

– Không dễ duôi để tâm sân hận, trong khi gặp phải trường hợp sân hận.

Người biết tôn trọng những điều kể trên gọi là những người biết tôn trọng những người không dễ duôi.

7. Tôn trọng sự tiếp đãi: sự tiếp đãi này là thuộc về phép xã giao lịch ở đời. Pháp này chia ra làm hai phần:

a) Tiếp đãi bằng tiền tài, nghĩa là khi có khách đến ta tiếp bằng những bữa cơm nước, chuyện trò thân mật vui vẻ, không tỏ vẻ bực mình.

b) Tiếp đãi bằng pháp, nghĩa là trong trường hợp thuận tiện cho ta, ta có thể khuyên người bỏ dữ về lành, hoặc dạy bảo quyến thuộc. Sự tiếp đãi này được lợi là ta được sự thương mến của mọi người, có nhiều bạn lành, sau khi chết được sanh vào cõi trời, kiếp vị lai có nhiều quyến thuộc và khi đi lầm đường có các bậc trí thức nhắc nhở.

Tôn kính các bậc đáng tôn kính sẽ được hạnh phúc là:

1. Đại phước cho mình.

2. Giữ được lễ độ và văn hóa của một dân tộc.

3. Là người trí thức, là người có giới đức, là người hành theo thiện pháp.

4. Có thể làm gương mẫu trong tôn giáo và người trong xã hội.

5. Là nguyên nhân làm cho nhiều người thương mến.

6. Là nguyên nhân sinh ra lòng từ i đối với mọi người.

7. Là người có nhiều trí nhớ.

8. Là người không có sự hối hận trong tâm.

9. Là người đã chuẩn bị vật thực về ngày vị lai.

10. Là nguyên nhân sanh ra sự an vui.

11. Là người biết ngăn ngừa không bị việc ác xâm chiếm vào lòng và không sanh vào ác đạo.

12. Là người thỏa thích trong sự an lạc.

13. Là người chắc chắn sẽ sanh vào cõi trời.

14. Là nhân khiến cho được sanh vào gia đình quý phái.

15. Là người hành theo Giới-Định-Tuệ.

16. Là người không làm mất minh sát tuệ và đạo quả.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.