Kim Cương Bát Nhã Luận – Quyển 2

LUẬN KIM CƯƠNG BÁT NHà – QUYỂN 2

Đã nói về Trụ xứ Dục xong (Trụ xứ thứ 3 trong 8 Trụ xứ được tóm lược). Nay nói về Trụ xứ lìa chướng ngại (Trụ xứ thứ 4). Nên biết có 12 thứ chướng ngại cần được đối trị. Những gì là 12 thứ chướng ngại? Đó là:

1. Kiêu mạn.

2. Không kiêu mạn nhưng thiếu hiểu biết.

3. Đa văn nhưng ít duyên hợp tạo niệm tu đạo.

4. Không ít duyên hợp tạo niệm tu đạo, nhưng không bỏ chúng sinh.

5. Không bỏ chúng sinh, nhưng vui thích theo nẻo tán động của ngoại luận.

6. Tuy không tán động nhưng phá bỏ tướng ảnh tượng, hợp với không có phương tiện thiện xảo.

7. Tuy có phương tiện thiện xảo, nhưng tư lương không đủ.

8. Tuy tư lương phước có đủ, nhưng vui thích nơi vị biếng trễ, lợi dưỡng.

9. Tuy lìa biếng trễ, lợi dưỡng, nhưng không thể nhẫn chịu khổ.

10. Tuy có thể nhẫn chịu khổ, nhưng tư lương trí không đủ.

11. Tuy tư lương trí có đủ, nhưng không tự thâu giữ.

12. Tuy đã tự thâu giữ, nhưng không chỉ dạy trao truyền.

Trong phần thứ nhất là lìa kiêu mạn. Kinh nói: Vị Tu-đà-hoàn khởi niệm nầy: Ta đã được quả Tu-đà-hoàn v.v…: Đây là dựa nơi nghĩa để hiển thị việc đối trị mạn ngã chứng đắc.

Lại nữa, Tu-đà-hoàn từng khởi niệm nầy: Tức là nói về tướng để hiển thị không mạn. Cũng tức là dục nguyện được thâu giữ.

Kinh viết: Thế Tôn! Không có chỗ nhập, không nhập nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp: Đây là an lập đệ nhất nghĩa.

Nếu Tu-đà-hoàn có niệm như vầy: Ta đã chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, tức là có ngã tưởng, nên biết nếu có ngã tưởng tức là có mạn. Như thế cho đến A-la-hán cũng vậy.

Thượng tọa Tu-bồ-đề tự hiển bày hành vô tránh bậc nhất và là A-la-hán cùng có công đức: Do chỗ chứng đắc của mình khiến được tin tưởng. Do không có pháp để chứng đắc A-la-hán, cùng không chỗ hành, nên nói là hành vô tránh (không tranh). Hành vô tránh, ở đây tức là an lập đệ nhất nghĩa. Vì lìa việc thiếu hiểu biết, nên kinh nêu: Như Lai, ở nơi trụ xứ của Phật Nhiên Đăng Ứng Cúng Chánh Biến Tri, có pháp nào để có thể thủ đắc chăng?: Nghĩa là lúc Đức Phật kia xuất hiện ở đời, đã thừa sự, cúng dường, có pháp có thể giữ lấy để lìa bỏ sự phân biệt ấy. Là dựa nơi nghĩa v.v… cùng đối trị v.v…, theo nghĩa tương ưng, nên biết.

Vì nhằm lìa ít duyên hợp, tạo niệm tu đạo, nên kinh viết: Tu-bồ-đề! Nếu có Bồ-tát nói như vầy: Ta sẽ thành tựu việc làm nghiêm tịnh cõi Phật v.v…

Nếu suy niệm làm nghiêm tịnh cõi nước: Tức đối với các sự như sắc v.v… đã phân biệt, sinh chấp trước nơi vị. Vì lìa bỏ điều ấy, nên kinh viết: Do đó, nầy Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên sinh tâm không trụ, không chỗ trụ như vầy: Không trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp v.v… Vì nhằm lìa việc xả bỏ chúng sinh, nên kinh nói: Tu-bồ-đề! Ví như có người thân như núi chúa Tu-di v.v…: Đây là hiển thị điều gì? Vì để thành tựu chúng sinh nơi cõi Dục. A-tu-la vương La-hầu-la kia, tất cả đại thân lượng như núi Tu-di, hãy còn không thấy được tự thể, huống chi là các chúng sinh khác.

Kinh nêu: Như Lai nói là phi thể: Là hiển thị pháp vô ngã.

Thể ấy là phi thể: Là hiển thị thể của pháp là không sinh, không tạo tác. Đây tức là hiển bày về tự tánh và tướng cùng sai biệt.

Vì nhằm lìa bỏ sự vui thích nẻo tán loạn của ngoại luận, nên kinh nói về 4 thứ nhân duyên, hiển thị pháp ấy là hơn hẳn:

1. Thâu giữ phước đức.

2. Chư Thiên cùng cúng dường.

3. Khó làm.

4. Khởi niệm về Như Lai v.v…

+ Kinh nêu: Do nhân duyên nầy nên đạt được phước nhiều hơn trường hợp kia: Là thâu giữ phước đức.

+ Kinh nói: Vì kẻ khác, hoặc thuyết giảng, hoặc trao truyền, hoặc giải thích, địa phần ấy là tướng Chi-đề: Là chư Thiên cùng cúng dường.

+ Kinh nói: Nên được đầy đủ hy hữu tối thượng: Là khó làm.

+ Kinh nêu: Địa phần nầy tức là trụ xứ của thầy chỉ dạy cùng các bậc đáng tôn trọng khác: Là khởi niệm về Như Lai v.v…

Ở đây, thuyết giảng là vì kẻ khác nên nêu bày trực tiếp.

Trao truyền: Là chỉ dạy, trao truyền cho kẻ khác.

Hiển thị pháp đối trị việc ưa thích nẻo tán động của ngoại luận, là thù thắng rồi, ở trong pháp như thế, hoặc dấy khởi như nói giữ lấy nghĩa để đối trị nơi tội vị lai kia, nên kinh nêu: Như Lai đã nói Bát-nhã Ba-la-mật tức phi Bát-nhã Ba-la-mật. Như Bát-nhã Ba-la-mật phi Ba-la-mật, như vậy cũng không có pháp khác.

Như Lai nói: Là để hiển bày nghĩa ấy, nên kinh viết: Từng có pháp để Như Lai có thể thuyết giảng chăng?: Đây là hiển thị về tự tướng cùng tướng bình đẳng nơi đệ nhất nghĩa của pháp môn.

Vì nhằm lìa, ở trong chỗ tự tại của tướng ảnh tượng không có phương tiện thiện xảo, nên kinh nói: Tu-bồ-đề! Như số vi trần hiện có nơi Tam thiên đại thiên thế giới v.v… Cảnh giới ấy không hạn lượng về tác ý duyên dựa, nên Bồ-tát luôn ở nơi thế giới duyên dựa, tác ý để tu tập, nên nói Tam thiên đại thiên thế giới.

Ở đây, vì phá bỏ tướng ảnh tượng về sắc thân, nên hiển bày hai thứ phương tiện:

1. Phương tiện tế tác: Như kinh nói: Số lượng vi trần hiện có nơi Tam thiên đại thiên thế giới là nhiều chăng?

2. Phương tiện chẳng niệm: Như kinh nói: Số lượng vi trần hiện có, Như Lai nói là phi vi trần, đó gọi là vi trần.

Vì nhằm phá bỏ tướng ảnh tượng nơi danh thân của chúng sinh, nên kinh viết: Thế giới hiện có, Như Lai nói là phi thế giới, đó gọi là thế giới.

Ở đây, thế giới: Là hiển bày thế giới của chúng sinh. Chỉ do danh thân nên gọi là chúng sinh. Phương tiện chẳng niệm danh thân, tức là hiển bày việc phá bỏ tướng ảnh tượng của danh thân kia, không còn nói về phương tiện tế tác.

Vì nhằm lìa chướng ngại là tư lương phước không đủ, nên kinh nêu: Tu-bồ-đề! Ý của Tôn giả thế nào? Có thể dùng ba mươi hai tướng đại trượng phu để thấy Như Lai chăng?: Là hiển thị về tư lương phước, nên lúc gần gũi cúng dường Như Lai, không nên dùng tướng thành tựu để thấy Như Lai. Làm sao thấy? Tức nên thấy Pháp thân đệ nhất nghĩa.

Vì nhằm lìa sự vui thích nơi vị biếng trễ, lợi dưỡng, nên kinh nói: Tu-bồ-đề! Như lại có người nữ, người nam, xả bỏ Hằng hà sa số tự thân v.v… Đây là hiển bày về điều gì? Như ở đây xả bỏ từng ấy tự thân như thế, thì phước hiện có không bằng phước nầy. Vì sao dùng một thân để làm rõ sự biếng trễ, nên là chướng ngại? Do đâu ở đây, Thượng tọa Tu-bồ-đề rơi lệ mà nói: Con chưa từng nghe pháp môn như thế! Do nghe phước thù thắng ấy là rất nhiều, vượt hơn đối với việc xả bỏ vô lượng thân, lại không nói phước thù thắng khác. Hoặc nghe phước thù thắng như thế, nên phát khởi tinh tấn rồi, nếu ở trong pháp ấy sinh khởi tưởng như nghĩa, vì để lìa lỗi lầm nầy, nên kinh nói: Ở trong sự thuyết giảng kinh ấy, sinh khởi thật tưởng, sẽ thành tựu hy hữu bậc nhất. Tức ở nơi tưởng thật như thế, vì để lìa sự phân biệt tưởng thật, nên kinh viết: Tưởng thật hiện có ấy tức là phi tưởng thật v.v…

Kinh nói: Thế Tôn! Con đối với pháp môn nầy, hoặc phân biệt, hoặc tin hiểu, không cho là hy hữu. Nếu vào đời vị lai, có các chúng sinh, ở nơi pháp môn nầy thọ trì, đọc tụng, thâu giữ, vì người khác giải thích, tức mới là hy hữu bậc nhất v.v… Đây là nghĩa gì? Vì khiến cho các Bồ-tát tham vướng nơi vị lợi dưỡng hơn cả biếng trễ, sinh hổ thẹn. Vì nơi đời vị lai, lúc chánh pháp bị hủy diệt, hãy còn có những Bồ-tát đối với pháp môn nầy dốc sức thọ trì, không có người chấp giữ cùng pháp được chấp giữ. Vì sao các vị, vào lúc chánh pháp hưng thịnh, xa lìa sự tu hành mà không sinh hổ thẹn?

Kinh nêu: Các vị Bồ-tát ấy không còn tưởng về ngã v.v… cùng chuyển: Là hiển thị về không có người chấp giữ.

Các tưởng về ngã hiện có tức phi ngã tưởng: Là hiển thị không có pháp được chấp giữ.

Kinh viết: Vì sao chư Phật Thế Tôn lìa tất cả tưởng: Là hiển thị các Bồ-tát thuận theo tướng học. Chư Phật, Thế Tôn đã lìa bỏ tất cả tưởng, vì thế chúng ta cũng nên học như vậy. Những đoạn kinh văn ấy là vì nhằm lìa bỏ sự thối chuyển nơi tinh tấn, nên nói. Ở đây, nói hoặc phân biệt, hoặc tin hiểu: Là câu sau giải thích câu trước. Thọ nhận là thọ nhận văn tự. Thâu giữ là thâu giữ về nghĩa. Vì nhằm lìa bỏ sự việc không phát khởi tinh tấn, nên kinh viết: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu lúc nghe thuyết giảng về chương cú của kinh nầy mà không kinh sợ v.v…: Tức do kinh sợ nên không phát khởi tinh tấn. Ở trong thừa Thanh-văn, Đức Thế Tôn thuyết giảng có pháp có không, nên khi lắng nghe kinh nầy, nghe pháp không có nên kinh, nghe không không có nên sợ. Khi suy xét, ở trong hai lý không có chẳng thể tương ưng nên sợ hãi. Lại có chỗ giải thích khác là ba thứ không tự tánh, nên biết. Tức là tướng, sinh, đệ nhất nghĩa là không tự tánh.

Kinh nói: Nầy Tu-bồ-đề! Vì sao Như Lai nói Ba-la-mật bậc nhất v.v… Đây có nghĩa thế nào? Lại nói thứ hai là sinh xứ hổ thẹn, nên nói pháp nầy là thắng thượng như thế, các vị không nên phóng dật. Ở đây, do đối với các Ba-la-mật khác là hơn hẳn, nên gọi là Ba-la-mật bậc nhất.

Kinh viết: Như Lai nói Ba-la-mật bậc nhất, vô lượng chư Phật cũng nói Ba-la-mật: Câu nầy hiển thị hết thảy chư Phật cùng nói bậc nhất, do đó gọi là bậc nhất.

Vì nhằm lìa bỏ chướng ngại không thể nhẫn chịu khổ, nên kinh nêu: Lại nữa, nầy Tu-bồ-đề! Như Lai nói Nhẫn nhục Ba-la-mật v.v… Ở đây, như chỗ có thể nhẫn, do tướng gì sinh khởi xứ nhẫn? Như nhẫn có sai biệt, là hiển thị sự đối trị nhân duyên kia. Do đâu có thể nhẫn? Là do thấu đạt pháp vô ngã. Thế nào là đối trị được? Như kinh nói: Như Lai nói Nhẫn nhục Ba-la-mật. Vì sao nên biết về tướng nhẫn? Như khi kẻ khác đối với mình dấy khởi điều ác, do không có tưởng ngã v.v… nên không sinh tưởng giận dữ, cũng không ở trong Nhẫn nhục Ba-la-mật sinh tưởng có, ở trong phi Ba-la-mật khởi tưởng không. Đây là hiển bày về điều gì? Như kinh nêu: Như Ta về thời xa xưa, bị vua Ca-lợi chặt đứt các chi phần nơi thân, bấy giờ, Ta ở nơi tưởng không có ngã cùng vô tưởng, cũng phi vô tưởng.

Những gì là chủng loại nhẫn? Nghĩa là nhẫn cực khổ nối tiếp nhẫn khổ. Đây là hiển thị điều gì? Như kinh viết: Như Ta về thời xa xưa, bị vua Ca-lợi chặt đứt tay chân, cùng nói: Ta nhớ lại trong năm trăm đời về quá khứ, làm Tiên nhân Nhẫn nhục v.v…

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.