Gọi Là Chút Nhân Duyên

Trong quyển tiểu thuyết “Đêm Dài Một Đời” được giải thưởng văn học toàn quốc vào năm 1966, cố văn sĩ Lê Tất Điều đã viết: “Tôi sanh ra đời là một ngôi sao xấu…” để mở đầu cho lời tâm sự của một đứa trẻ mù lòa. Điều đó khiến tôi cảm động đã khóc suốt cả buổi trời vì thương nhân vật trong truyện. Ôi ! đó chẳng qua là cái tật thương vay, khóc mướn của mình. Như vậy mà cũng làm má phải lo, rồi má phải ngồi kế bên mà giải thích, mà khuyên nhủ: “ Con sanh ra may mắn có cha, có mẹ và bạn bè thân hữu kế bên con. Vậy là con đã tạo đủ duyên lành để sống trên cõi đời này rồi, con ạ…”

Má nói chữ duyên với tôi, quý thầy dạy chữ duyên cho tôi. Có lần tôi đặt câu hỏi : Chữ duyên là gì? Một người bạn đạo vừa giải thích và vừa mắng yêu: “ Mầy hư quá mà, nghe pháp mà lỗ tai để ở đâu rồi. Quý thầy nói duyên là sự gặp gỡ.”

Bây giờ tôi chiêm nghiệm càng thấy lời nói của má là đúng. Tôi quả có phần phước là được may mắn sống trong môi trường tốt cũng như gặp được những vị thầy mà đối với tôi có thể gọi là Minh Sư hay là những bậc Thiện tri thức đưa đường chỉ lối cho tôi hướng đến những giá trị tâm linh cao quý vốn có của đạo Phật.

Nhân mùa Phật Đản năm naychúng tôi có đầy đủ nhân duyên để hưởng phước lành, vì sau ngày Hòa Thượng Tông trưởng vãng sanh, lần đầu tiên Giáo hội tổ chức An Cư Kiết Đông tại chùa Quang Minh. Vậy là khóa tu ngắn hạn lại được mở ra nhằm khuyến khích Phật tử từ xa gần đến tham gia. Đây là lần thứ nhì của Khoá xuất gia ngn hạn được tổ chức tại chùa Quang Minh, mà cũng là lần đầu tiên sau ngày khánh thành Đại Hùng Bửu Điện.

Tôi lò cò, lộc cộc vào chùa khi lễ tắm Phật đã chấm dứt, các bạn đạo tề tựu ăn uống vui vẻ. Tôi làm một dĩa bánh cuốn chay. Ăn một đĩa bánh cuốn để tâm thầm nhớ ơn từ người trồng lúa, xây bột, ủ bột, tráng bánh, làm chả, nước mắm chay vân vân và vân vân… Ăn và cảm ơn rồi thì mới biết mình thật là vô dụng vì không làm nên tích sự gì cả. Thôi thì trong bài “Thập chủng đại nguyện” của Ngài Phổ Hiền, tôi xin chọn lời nguyện thứ Năm “ Ngũ giả tuỳ hỉ công đức” để làm hành trang cho con đường tu tập của mình. Dường như thầy trụ trì cũng biết ngoài một số bạn đạo tích cực làm công quả cho chùa thì cũng có một số không làm việc gì cả, do nhiều lý do khó nói trong số đó có tôi. Tấm lòng thầy rộng lớn vừa muốn vớt cả đám đệ tử siêng năng cần mẫn, có nhiều công đức lại vừa muốn vớt luôn đám đệ tử ăn không ngồi rồi như tôi, nên thầy tận tình khuyên nhủ và dặn dò: “ Trong tâm tuỳ hỉ, tán thán công việc người khác làm thì công đức cũng bằng công đức người”. Tôi xin thành tâm ca ngợi việc làm của các bạn đạo trong những ngày Đại Lễ nhưhôm nay.

Buổi tối hôm đó có 23 vị đã phát nguyện phủi tóc đắp y vàng để thực tập hành trì giới luật sống trọn 10 ngày theo hạnh của người xuất gia, 19 vị đắp y nâu dự tu trọn khóa. Vậy là cũng phải trên 40 mươi vị cùng nhau gieo hạt giống lành trên mảnh đất Phật hay nói theo nhà Phật là quý vị đã gieo duyên trên mảnh ruộng phước điền trong mùa Phật Đản năm nay.

Lành thay và cao quý thay những tâm tình của các bạn đạo !

Đoàn tăng lữ vận y vàng rực rỡ từ từ tiến lên chánh điện trong ánh hào quang của chư Phật trong ngày Đại Lễ. Không gian trầm lắng, trang nghiêm và tĩnh lặng, tôi nghe dường như âm vang tiếng nhạc từ các cung trời chuyển đến lời chúc mừng ngày Khánh Đản của Đấng Từ Phụ. Thoảng hương trầm cúng dường Đấng Đạo Sư xuất thế. Lòng chúng tôi dâng lên niềm hỉ lạc.

Những chiếc y vàng tỏa sáng một góc trời, làm bầu trời quang đãng lại càng thêm quang đãng. Ánh sáng từ muôn phương dường như cũng vui lây với niềm vui của nhân loại, chan hòa xuống trần gian mang hơi ấm cho chúng sanh, trong cõi Diêm Phù Đề vào ngày đầu đông, nơi vùng đất Braybrook tại chùa Quang Minh. Mọi người hưởng được một buổi sáng an lành và ấm áp tạo nên một không khí đầm ấm và thân thương làm ấm lòng khách thập phương đến dự. Thế nên trong câu chuyện giữa tôi và hai vợ chồng vị khách là ân nhân của chùa trở nên ròn rã. Ông có thắc mắc đến cách vận y vàng và nâu của hai nhóm Phật tử vừa nhận giới. Ông cũng nêu lên nhận xét năm nay số lượng tăng ni gia tăng hơn những năm trước nhiều. Ông lại cũng tỏ lòng vui mừng trong cung cách sử dụng ngôi chùa dành cho sinh hoạt cộng đồng của thầy trụ trì. Đồng thời ông cũng khen ngợi cách bày trí các tượng Phật trong khuôn viên chùa và niềm ao ước của ông. Ngắm nhìn và ca tán vẻ đẹp của chư Phật cũng là một duyên lành mà tôi cho là quý vị đó đã gieo được trong hiện đời mà cũng có thể là đời sau họ sẽ gặp được Phật pháp ?

Tôi có nói với ông những kiến thức mà tôi biết được chỉ là phần nhỏ nằm trong kiến thức của quý thầy, nếu ông có thì giờ nhiều hơn để nghe thầy trụ trì Phước Tấn giải thích thì chắc là ông sẽ hài lòng và thỏa mãn hơn. Đó cũng là một duyên lành mà ngày hôm đó tôi có cảm nhận là niềm thông cảm chan hoà trong câu chuyện giữa tôi và họ, những người bạn tốt, không cùng màu da, không cùng tôn giáo và không cùng chủng tộc nhưng có cùng dòng máu đỏ.

Tôi không ngờ thầy Phước Hưng là một vị tăng sĩ trẻ tuổi trong tăng đoàn lại có nhiều tài ba như vậy. Thầy tụng kinh đã rất hay mà dịch ra tiếng Anh nguyên bài nói của thầy Phước Hựu lại càng hay hơn.

Cũng lại là chữ duyên, trong mùa Phật Đản năm nay chúng tôi có đủ duyên lành để được nghe thầy Trụ trì giảng tính vô thường của vạn pháp bằng hai cả ngôn ngữ Việt lẫn Anh . Không nhầm lẫn thầy dùng một thí dụ giản dị về chiếc xe để nói lên được tánh vô thường và giả danh của vạn pháp. Phải nói là thầy quá khéo trong việc diễn đạt một thí dụ mà mọi người đều có thể hiểu được trong một diễn đàn gần như đủ tầng lớp, đủ mọi căn cơ và kiến thức về Phật pháp. Cao như chư vị tăng ni cũng có; thấp lè tè như chúng tôi cũng có; hay không không, sắc sắc như mấy ông tây bà đầm là những thân hữu của chùa cũng có. Đoạn thầy lại dùng lời của Hoà Thượng Nhất Hạnh để chứng minh sự vô thường vốn đã có từ khi một đứa trẻ vừa mới chào đời, làm tôi nhớ lời của cố văn sĩ Võ Đình Cường trong cuốn “Thử Hoà Điệu Sống”. Ông viết: “…Hãy nhìn cuộc đời như đứa trẻ nhìn vào ống kính vạn hoa…” Vâng, hãy nhìn đời trong tâm an vui và hỉ lạc cho dù nó là vô thường đi nữa, ta cũng nên dang hai tay đón nó trong tâm hoan hỉ và vô tư.

Vậy thì ai dám bảo đạo Phật là bi quan yếm thế?

Tôi là đứa bao giờ cũng đi đầu mùa và cuối mùa còn ở giữa thì không có lõi như thân cây chuối. Vậy thì nhân duyên được nghe thầy Phước Thái giảng về thuyết vô ngã quả là một phước duyên của tôi nói riêng và đại chúng ngày hôm đó nói chung. Thuyết vô ngã, tôi đã được đọc trong quyển What The Buddha Taught của Đại Sư Tiến Sĩ Walpola Rahula bằng tiếng Anh do ông xã tôi giới thiệu. Tôi đọc lùn bùn cả hai lỗ tai, lật mấy chục trang của quyển tự điển mà có hiểu được gì đâu. Ngày hôm nay, được thầy giảng rõ bằng tiếng Việt thấy lòng thích thú và mở rộng tầm hiểu biết rất nhiều. Đây là một thuyết gọi là quá tuyệt vời và độc đáo của đạo Phật mà không tôn giáo nào có được. Nó là thuyết căn bản của Phật giáo, cả Nam Tông lẫn Bắc Tông đều chấp nhận, dựa vào đó để luận và giảng. Hiểu biết thì không có nghĩa là mình đạt đến điểm gì trong sự giác ngộ cả, nhất là hiểu chút chút như tôi. Nhưng có một điều là mình nhận ra bao nhiêu điều mà mình cho là bị ức hiếp hay chèn ép hay gì gì đi nữa thì cũng là do ngũ uẩn chi phối. Thầy còn cho biết Đức Phật ví thân người như cây chuối không lõi. Vậy thì chuối mà có đè chuối thì chuối nào cũng dẹp. Tất cả đều được tồn trữ trong kho A lại da thức, thầy nói. Nhận ra là một lẽ nhưng thực hành được nó hay không lại là lẽ khác.

Ôi ngũ uẩn ! Ôi sắc thân ! Ôi tâm thức ! Không có cái ta trong cõi đời này thì giận ai làm chi cho mệt. Vậy mà cũng giận, cũng hơn thua, cũng tranh giành để rồi tạo bè phái, tạo uy quyền sát phạt nhau. Thầy còn giảng rõ, nếu không có linh hồn thì cái gì bị trừng phạt ở cõi địa ngục: Kho A lại da thức sẽ nhận được phần đó. Tâm và ý là cội nguồn của mọi phước báo hay tội lỗi. Thầy nói cái bản ngã hành khiển ta, khiến ta tác tạo những điều thiện ác, do vô minh che mờ Phật tánh của chúng ta. Vô minh khiến ta như người mù không không nhận ra đ̣ược chân giá trị của bản tánh chân như đang có. Vậy thì cho dù có đủ năm căn mà ta hành động thiếu sáng suốt thì ta cũng như người mù. Ôi ! tôi khóc cho đứa trẻ mù trong câu chuyện nhưng xét cho cùng, đôi khi hành xử những việc trong đời mà không biết rằng: “ chính tâm mình đã mù mất đi rồi.”

Cuối cùng thầy phân tích cho thấy sự khác nhau của hai nguồn Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền là chỗ trong kinh “ Đại Bát Niết Bàn” Đức Phật nói có thường, lạc, ngã, tịnh mà Phật giáo Nam truyền không chấp nhận. Đây là cái đoạn mà tôi bị mù vì không rõ được: Làm sao lý giải được từ chỗ vô thường, khổ, không, vô ngã để đi đến chỗ có thường, lạc, ngã, tịnh đây?

Thôi thì phải hỏi quý thầy vậy.

Tôi thấy trong tôi còn đầy chấp ngã, kêu mạn, sân si.. Vậy là con đường tu tập của tôi còn dài dài… Tâm thức tôi cũng mù như đứa trẻ mù kia nếu tôi làm điều xấu ác…

Ây da, tu thiệt là khó, biết chừng nào mình mới đạt tới vô ngã đây? Vậy mà câu kết luận của thầy Phước Thái làm tôi mừng hết lớn.

Thầy nói không phải ai cũng đạt đến vô ngã được. Vì nếu đạt được vô ngã thì phiền não đoạn diệt, các lậu đã tận và chứng được quả A La Hán. Những bậc Bồ Tát, những bậc Thánh khi đạt đến Vô Ngã thấy mình và chúng sinh là một, họ thương yêu tất cả chúng sinh và sống vị tha, quên mình lo cho tất cả. Điều đó chúng ta chưa đạt được.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. À ra vậy ! Thôi ráng hành trì pháp môn niệm Phật, tu tâm sửa tánh … làm điều thiện tránh việc ác… để cái kho A lại da thức có được phần tốt đẹp còn việc gì nữa thì chắc hạ hồi phân giải. Tôi cũng muốn biết cách luyện tâm vô ngã như thế nào mới gọi là đúng đường? Hôm nào chắc cũng phải hỏi quý thầy.

Quả xứng đáng như lời thầy Phước Tấn nói, chúng tôi có một Đại Lễ Phật Đản kéo dài và đầy giá trị qua buổi giảng của Đức Đạt Lại Lạt Ma với bài Bát Nhã Tâm Kinh vào ngày 19/06/2013. “ Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Đa La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách….” bài kinh do thầy Phước Tấn tụng, mở đầu trong buổi giảng Pháp của Ngài vào buổi sáng. Bài Kinh này là cốt lõi rút ra từ kinh Đại Bát Niết Bàn được vị Thánh Tăng dùng thuyết Tánh không để diễn giảng. “Form is empty, but emptiness is form. Emptiness is not other than forms and forms are not other than emptiness.” Ngài nói rất rõ ràng và mạch lạc qua Tạng ngữ và được diễn dịch bằng Anh ngữ và đôi khi Ngài dùng cả Anh ngữ để giải thích. Theo tôi được biết: nói trước công chúng, Ngài dùng Anh ngữ nhưng giảng Pháp thì phải là Tạng ngữ. Ngài còn cho biết câu cuối cùng: “ Yết Đế, Ba La Yết Đế , Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha” là câu mở đường, chuẩn bị cho cuộc hành trình đưa ta đến bờ giải thoát. Ngài nhấn mạnh về thuyết “Emptiness of Emptiness” . Hôm nào chắc chúng tôi cũng phải nhờ quý thầy diễn dẫn lại bằng tiếng Việt bản kinh nầy.

Cuối cùng Ngài giảng Tám Thi Kệ Chuyển Tâm. Tôi cho là quá xuất sắc, câu kệ thứ Năm là phần tâm đắc của tôi; nhưng không biết mình có làm được hay không? Xin trích dẫn để chia sẻ cùng quý vị.

5. Có chúng sanh do tâm ghen ghét

Phi lý chửi mng, phỉ báng, … con

Xin nhn hết phn thua v mình

Nguyện dâng tng cng sanh phn thng.

Thật là quá lý tưởng. Tôi xin cám ơn Ngài đã bỏ thời giờ ra giảng cho Tám câu kệ này. Xin cám ơn sư phụ Phước Tấn đã dành hơn 200 vé cho các đệ tử của thầy, trong số đó có tôi là đứa vừa lu bu, lại vừa lù khù được phước duyên của ngày hôm nay.

Như vậy xem như mùa Phật Đản năm nay, chúng tôi có nhân duyên được nghe những bài thuyết pháp rất quan trọng cũng có thể nói là cốt lõi của Phật giáo Đại Thừa. Khởi đầu là thuyết Vô thường và Tánh không với ví dụ cái xe, rồi thuyết Vô ngã, cuối cùng cũng lại là thuyết Tánh không với bài Bát Nhã Tâm Kinh. Với thuyết Tánh không thì gồm có: Giả danh, Trung đạo và Tánh không và còn một thuyết nữa thì tôi quên mất rồl.

Hồi nhỏ không thông chuyện gì thì tôi chạy đến đòi cha mẹ giải thích. Bây giờ, tôi là đứa con bồ côi, bồ cút. Những việc thắc mắc này biết hỏi ai đây? Hỏi trời? Hỏi đất? Đã quy y tam bảo thì là con Phật, mà việc Phật pháp thì nên hỏi quý thầy là phải rồi. Rõ ràng tôi là đứa lẩm cẩm nhất đời, chuyện gì lo cũng không xong, chỉ làm bận lòng quý thầy mà không nên tích sự gì cả.

Tôi yêu quý Phật giáo một phần nhờ sự hunđúc tinh thần của cha mẹ tôi. Tôi yêu quý Phật giáo Đại thừa nhờ vào những tấm gương của quý thầy, chịu khó, chịu khổ hi sinh, khuyến khích, sách tấn chúng tôi trong việc tu tập và sống cuộc đời vị tha.

Tôi viết bài này trước là tri ơn quý thầy đã cho tôi những bài pháp đầy đủ ý nghĩa trong mùa Phật Đản năm 2013. Sau là cho mình đọc để tự mình rèn lấy bản thân mình cho xứng đáng với công ơn sinh thành, dạy dỗ của cha mẹ.

Kính lạy song thân người đã tạo ra hình hài của con và hướng con trong lý tưởng sống tốt đẹp.

Con xin hồi hướng công đức có được trong bài viết này cho tất cả chúng sanh trong pháp giới và các đấng sanh thành đã có từ nhiều đời trong mùa Vu Lan này.

Tôi xin trích phần kệ thứ 7, để kính dâng mẹ yêu :

7. Tóm li, dù trc tiếp hay gián tiếp

Dâng mi lợi lc lên Mu thân

Nhng tn hi khđau ca m

Nguyện bí mt nhn hết v mình.

Diệu Thông

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.