Chuyện xảy ra ở hành lang một bệnh viện. Cô con dâu nhăn mặt nói với chồng:
– Ở nhà đủ thứ phải lo, làm sao mà vô trong đây hầu ba được? Anh nói cô Năm hay cô Bảy ở không thì chia nhau vô chăm sóc ba.
Anh con trai chưa kịp trả lời thì có lẽ cô Năm hay cô Bảy gì đó đã cong môi phản đối:
– Tui cũng có đủ thứ chuyện để lo chứ bộ, quên tui đi.
Một cậu con trai khác cau cau lông mày:
– Nói chung là ai cũng bận hết, với lại ba mắc bệnh lây nhiễm, vô hầu ba rồi lỡ bị lây thì làm sao?
Cô con dâu trưởng phán một câu:
– Thôi khỏi bàn tán gì hết, mướn người nuôi là xong chuyện.
Tất nhiên sau đó, sự việc xảy ra đúng như hoạch định của họ. Một phụ nữ khỏe mạnh, có dáng vẻ nông dân đang nuôi một người bệnh nằm giường bên cạnh ông cụ đã chủ động đề nghị nuôi bệnh cho ông cụ luôn. Công việc tỉ mỉ, cần sự chu đáo, từ việc cho uống sữa, uống thuốc đến thay quần áo, lau người (ông cụ đã mất hết cảm giác vệ sinh), nhưng chị vẫn làm với sự chăm chút, không để lộ bất cứ thái độ ghê tởm nào, lại còn có vẻ hiền hậu, dịu dàng như con đối với cha mẹ.
Trong lúc ấy, có lẽ yên tâm vì cha đã có người chăm sóc, đám con trai, con gái, dâu, rể hơn một chục người của ông cụ thỉnh thoảng mới lượn qua như một luồng gió nhẹ. Tiếc thay, sự chăm chút của chị phụ nữ không kéo dài bao lâu, chỉ hơn một tuần sau là ông cụ đã qua đời. Con cái, cháu chắt ông kéo vào mới đông chứ. Họ khóc lóc khá ồn ào nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy việc khâm liệm ông cụ, và ở hành lang lại xảy ra một cuộc cãi vã xem người nào phải chi nhiều nhất cho đám tang?…
Anh con trai trưởng cầm một xấp tiền đến trả cho chị phụ nữ đã nuôi bệnh cha mình. Hai mắt đỏ hoe, chị trả lời:
– Tôi nuôi cụ ấy vì thấy xót xa cho cụ có lắm con nhiều cháu mà chẳng ai đoái hoài, chứ tôi có làm cái nghề này đâu mà lấy tiền?
Đám người đang khóc mếu, cãi nhau… đột nhiên im bặt. Rồi từng người một lẻn ra ngoài…
0O0
Con dâu nói: “Nấu lạt tý bà chê nhạt nhẽo, giờ nấu mặn chút bà lại bảo nuốt không vô, rốt cuộc bà muốn sao đây?”
Mẹ nhìn thấy con trai vừa về đến nhà, một câu không rằng bèn gắp thức ăn bỏ vào miệng nhai. Cô ta hằn học nhìn chồng. Anh gắp thử một miếng ăn, nhả ra ngay tức thì.
Con trai nói: “Anh không phải đã dặn em rồi sao, mẹ bị bệnh không thể ăn quá mặn!”
“OK! Mẹ là của anh, sau này do anh nấu nhé!”
Con dâu giận dỗi đi thẳng vào phòng. Con trai chỉ còn cách thở dài, và quay sang nói với mẹ: “Mẹ, đừng ăn nữa, con đi nấu mì cho mẹ ăn.”
Mẹ nói: “Không phải con có chuyện muốn nói với mẹ sao, có thì giờ hãy nói, đừng để trong lòng!”
Con trai nói: “Mẹ à, tháng sau con được thăng chức, con sẽ rất là bận… Còn phần vợ con, cô ta nói muốn ra ngoài kiếm việc làm, cho nên…”
Ngay lập tức mẹ hiểu ý con trai muốn nói gì: “Con trai ơi, đừng gửi mẹ vào viện dưỡng lão nhé con!” Giọng nói nức nghẹn như khẩn cầu van xin.
Con trai trầm tư nghĩ ngợi một hồi lâu, trong đầu anh ta như đang cố tìm một lý do tốt hơn để thuyết phục mẹ:
“Mẹ à, thật ra viện dưỡng lão không phải là một nơi không tốt, mẹ biết rồi đấy. Khi vợ con kiếm được công việc, nhất định sẽ không còn thời gian chăm sóc mẹ chu đáo nữa đâu. Trong viện dưỡng lão vừa có cái ăn, vừa có chỗ ở, lại có người chăm sóc, không phải tốt hơn nhiều so với ở nhà hay sao?”
Tắm xong, ăn tạm một tô mì gói, con trai bèn đi vào phòng sách. Anh thừ người đứng trước cửa sổ, có vẻ do dự. Ngày ấy mẹ còn trẻ đã ở góa, ngậm đắng nuốt cay nuôi anh khôn lớn nên người, và còn gửi anh ra nước ngoài du học. Nhưng, bà chưa bao giờ dùng tuổi thanh xuân đã một đời hy sinh vì anh của mình đem ra uy hiếp mặc cả về sự hiếu thảo của anh, ngược lại, người vợ đã đem hôn nhân ra uy hiếp anh! Không lẽ phải cho mẹ vào viện dưỡng lão thật sao? Anh tự hỏi bản thân, anh có chút không nhẫn tâm.
“Có thể cùng cậu đi hết cuộc đời là vợ cậu, không nhẽ là mẹ cậu sao?” Con trai của bác Tài thường hay nhắc khẽ anh như thế.
“Mẹ cậu đã lớn tuổi như thế, tốt số thì có thể sống thêm vài năm. Tại sao không tranh thủ thời gian đó sống thật hiếu thảo với bà cơ chứ? Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà người còn đâu!” Bà con họ hàng thường hay khuyên nhủ anh như thế.
Con trai không muốn suy nghĩ thêm nữa, sợ mình sẽ vì thế mà thay đổi quyết định. Ánh mặt trời tắt dần những tia nắng chói chang và khuất dần sau ngọn đồi, trả lại bầu trời một màn đêm u tịch. Một ngôi nhà quý tộc dành cho người già được xây dựng ở vùng ngoại ô trên đồi núi.
Đúng thật, tiền càng chi ra nhiều, con trai càng cảm thấy an lòng. Khi con trai dắt mẹ bước vào đại sảnh, một chiếc ti vi 42 inch mới tinh đang chiếu một bộ phim hài, nhưng người xem nơi ấy không hề nở một nụ cười.
Những người già mặc cùng một kiểu áo, tóc tai đều na ná nhau đang ngồi cô quạnh trên chiếc ghế sofa, thần sắc đờ đẫn đến u buồn. Có người thì đang ngồi lẩm bẩm một mình, có người thì đang chầm chậm cúi người xuống muốn nhặt lấy một mẩu bánh vụn đang nằm trên sàn nhà.
Con trai biết mẹ thích nơi tươi sáng, vì thế đã chọn cho bà một căn phòng đầy đủ ánh sáng. Từ cửa sổ nhìn ra ngoài, dưới bóng râm là một vườn cỏ thơm ngát. Mấy cô y tá đang đẩy những người già ngồi trên xe lăn, cùng họ tản bộ dưới ánh hoàng hôn, bốn bề tĩnh lặng khiến cho người ta cảm thấy xót lòng. Dù hoàng hôn có đẹp bao nhiêu, ánh chiều tà rồi cũng dần buông xuống, anh ngậm ngùi tiếc nuối.
“Mẹ ơi, con… con phải đi rồi!”
Mẹ chỉ biết gật đầu.
Khi anh đi khỏi, đôi tay gầy guộc của mẹ giơ lên vẫy chào anh, miệng không còn một chiếc răng, đôi môi khô tái nhợt muốn lên tiếng gọi với anh, nhưng gọi không thành tiếng, lộ ra một ánh mắt ngập ngừng đậm vẻ u sầu.
Lúc này con trai chợt nhận ra mái tóc của mẹ đã bạc dần, đôi mắt sâu thẳm và khuôn mặt xuất hiện nhiều vết chân chim. Mẹ quả thật đã già đi rồi!
Anh chợt hồi tưởng lại một số chuyện ngày xưa. Năm đó anh mới 6 tuổi, mẹ có công chuyện phải về quê, không tiện dắt anh theo, nên đành phải gửi tạm nhà bác Tài vài hôm. Lúc mẹ sắp rời khỏi, anh sợ hãi ôm chặt lấy chân mẹ không chịu buông, khóc thật thê lương và kêu gào trong nước mắt: “Mẹ, mẹ ơi, đừng bỏ con mà đi! Mẹ đừng đi mẹ ơi!” Cuối cùng mẹ đã không bỏ lại anh một mình.
Anh vội rời khỏi phòng, tiện tay đóng cửa phòng lại, không dám ngoáy đầu nhìn lại, anh sợ, sợ cái ký ức ấy hiện về như bóng ma cứ lởn vởn bám lấy anh.
Anh về đến nhà, nhìn thấy vợ và mẹ vợ đang hăng tiết vứt bỏ tất cả những vật dụng trong phòng của mẹ với khuôn mặt khoái chí vui mừng.
Một chiếc huy chương – đó là chiến lợi phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi viết văn hồi tiểu học của anh với chủ đề “MẸ CỦA TÔI”; Một quyển từ điển Anh – Việt, là món quà đầu tiên mẹ đã dành dụm tiền chi tiêu cả tháng trời để mua tặng anh! Và còn nữa, chai dầu gió mẹ phải xoa trước khi đi ngủ, không có anh xoa dầu cho bà, gửi bà đến viện dưỡng lão thì còn ý nghĩa gì nữa kia chứ?
“Đủ rồi, đừng vứt nữa!” Con trai tức giận.
“Rác nhiều như thế, không đem vứt đi, thì sao có thể chứa được đồ của tôi.” Mẹ vợ thở hổn hển nói.
“Thì đúng rồi đấy! Anh mau mau đem cái giường cũ nát của mẹ anh khiêng ra ngoài đi, ngày mai tôi sẽ mua cho mẹ tôi một chiếc giường mới!”
Một đống ảnh lúc ấu thơ chợt hiện ra, đó là những tấm ảnh mẹ đã dẫn anh đi sở thú chụp lưu niệm.
“Tất cả đều là tài sản của mẹ tôi, một thứ cũng không được bỏ!”
“Anh tỏ thái độ gì vậy hả? Dám lớn tiếng với mẹ tôi ư? Tôi bắt anh phải xin lỗi mẹ tôi ngay lập tức!”
“Tôi cưới cô là có nghĩa vụ yêu thương mẹ cô, vậy cô lấy tôi thì không thể yêu thương mẹ tôi được sao?”
Cơn mưa sau đêm tối mang một chút hơi lạnh lẽo, đường phố vắng lặng đìu hiu, xe cộ và người đi trên đường thưa thớt dần. Một chiếc xe hơi đang chạy vượt đèn đỏ và phóng qua những biển cấm nguy hiểm, không ngừng tăng tốc phóng nhanh trên đường. Chiếc xe hơi ấy chạy thẳng đến viện dưỡng lão được nằm trên lưng chừng đồi núi, anh ngừng xe và phóng nhanh lên lầu, mở cửa phòng ngủ của mẹ. Anh đứng nhìn bất động, mẹ đang lấy tay xoa đôi chân phong thấp của mình âm thầm khóc trong đêm.
Bà nhìn thấy con trai đang cầm trên tay chai dầu gió, cảm thấy an ủi và nói: “Mẹ quên lấy đi, cũng may con mang đến cho mẹ!”
Anh bước vội đến bên mẹ và quỳ xuống.
“Tối rồi, tự mình mẹ có thể xoa được mà, ngày mai con còn phải đi làm, hãy về nhà đi!”
Anh ngập ngừng một hồi lâu, nhưng cuối cùng không nhịn được khóc và nói: “Mẹ ơi, con xin lỗi, xin hãy tha thứ cho con! Chúng ta cùng về nhà nhé!”
Sưu Tầm
http://www.trungtamhotong.org