Hãy Làm Chủ Tâm Mình, Ta Sẽ Làm Chủ Cuộc Sống

Nhìn lại trật tự của mọi việc trải qua, ta sẽ dễ dàng nhận ra một kết quả rõ ràng, chỉ là sự đi lặp lại mà thôi. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, kiếp này rồi kiếp khác, mọi việc đến rồi đi, nhân duyên hình thành và tự nhiên biến đổi, rồi hoại diệt.

Dòng chảy vô tình cứ trôi mãi không bao giờ có bến đỗ người ta gọi là cuộc sống, hết lên rồi xuống, nhịp điệu thay đổi theo thời gian, những biến cố chìm nổi đó được gọi một cái tên “Nhân quả”. Như những con sóng nhấp nhô, một gợn sóng lớn đánh vào bờ thì dội ra lại hàng nghìn con sóng nhỏ, cứ liên tiếp, nối với nhau thành một chuỗi dài bất tận, tôi và anh đều trong dòng chảy đó. Thế giới hiện sinh là vậy.

Nhìn lại trật tự của mọi việc trải qua, ta sẽ dễ dàng nhận ra một kết quả rõ ràng, chỉ là sự đi lặp lại mà thôi. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, kiếp này rồi kiếp khác, mọi việc đến rồi đi, nhân duyên hình thành và tự nhiên biến đổi, rồi hoại diệt.

Trên dòng chảy ấy người ta đã đặt cho nó rất nhiều tên gọi khác nhau, là hạnh phúc, là khổ đau, là thành công, là thất bại, là thánh, là phàm, là thiện, là ác,…và những thông điệp được vẽ mãi thành những bức tranh tuyệt đẹp, hay tang thương đổ nát, xong đặt cho nó một tên gọi dễ nghe “Cuộc đời!”

Cuộc đời vẫn đẹp sao!
Cuộc đời lắm thương đau!
Cuộc đời mong manh quá!

… Dù đặt tên nó là gì, cuộc đời vẫn chỉ là một kiếp sống vô thường, bất toại nguyện. Khổ, vô ngã, dù có đảo quanh, trộn lẫn, tính chất này vẫn không thay đổi, nên đức Phật gọi nó là “Duyên sinh vô ngã”. Cái này có mặt kéo theo cái kia có mặt, cái này làm nhân để tạo thành cái kia.

Vậy thôi, cái này mất đi cái kia cũng không thể tồn tại một mình, dòng chảy duyên sinh này sẽ không bao giờ chấm dứt, sẽ dừng lại, chỉ khi nào mình nhận biết rõ nó vô ngã (thông suốt không có cái tôi nào tồn tại vĩnh hằng), nó là một sản phẩm sinh ra từ ý tưởng khổ vui.

Đó là tôi, đó là cái của tôi, bởi “Khi tâm sở hữu có mặt, cũng là lúc khổ đau có mặt”. Tâm sở hữu hay khổ đau ấy chính là hình bóng của ngã (cái tôi) do chính mình vẽ ra. Cái này chính là cái kia là vậy đó, người này chính là người kia là vậy đó, hạnh phúc của người này cũng chính là hạnh phúc của người kia là vậy đó, khổ đau của người này cũng chính là khổ đau của người kia là vậy đó,…Mãi mãi truy tìm cái riêng là điều không thể, vì cái riêng vốn nằm trong cái chung.

“Làm sao có thể tách Phật ra khỏi chúng sanh, và làm sao tách chúng sanh ra khỏi Phật?”. Thánh phàm đồng cư là vậy, một sự hi sinh vĩ đại người ta gọi là đại thừa Bồ Tát, một sự ích kỷ chỉ biết mình người ta gọi tiểu nhân phàm phu, cái vĩ đại luôn có cái tầm thường, cái tầm thường luôn có cái vĩ đại.

Đây là tính chất của con người cũng là tính chất của cuộc sống và lời khen tiếng chê cũng bắt đầu từ đó. Thật thật giả giả, giả giả thật thật có gì khác nhau, chỉ có khác là ngay tại tấm lòng, một tấm lòng chân thật thì mọi hành động đều chân thật.

“Hành động tà, tâm không tà vẫn chánh. Hành động chánh, tâm không chánh vẫn tà”. Đây là một thước đo chân thật nhất, rõ ràng nhất. Dù diễn tấu một ngàn vở tuồng thì cũng chỉ cần một diễn viên chính mà thôi.

“Vạn pháp do duyên sinh
Lại cũng do duyên diệt
Tâm đã không bờ bến
Lo gì chướng ngại sinh.”

Mong mọi người hãy suy ngẫm nhiều hơn tính chất cùng tồn tại trong nhau của cuộc sống này, chiêm nghiệm lại những câu nói của đức Phật:

“Hãy làm chủ tâm mình, ta sẽ làm chủ cuộc sống
Hãy làm chủ vận mệnh của mình, vì không ai khác có thể thay đổi được nó, ngoài chính mình
Hạnh phúc không của riêng ai, mà mỗi cá nhân đều có khả năng thực hiện
Cái này có mặt để cái kia có mặt. Cái này sinh để cái kia sinh. Cái này diệt cái kia cũng diệt”.

Thích Minh Khương

Nguồn tin: phatgiao.org.vn

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.