Vĩnh Biệt Cuộc Đời

Một ngày nọ, có một gia đình Phật tử từ Mỹ về thăm quê hương, nhân tiện ghé thăm chùa Giác Ngộ. Những người con thảo cháu hiền dẫn người mẹ, người bà của họ vào chánh điện lễ Phật. Sau đó, họ yêu cầu bà đứng chụp một tấm hình. Khi ấy, tôi đề nghị người nhà hãy đưa bà đến một studio nổi tiếng để chụp cho đẹp. Bà cụ vội lắc đầu, thấy vậy tôi bèn hỏi lý do tại sao? Gạn hỏi mãi bà mới chịu trả lời: “chụp hình là lên bàn thờ sớm hơn”.

Đó là tâm lý chung khá phổ biến ở người có tuổi, cứ nghĩ rằng chụp hình là để thờ kỷ niệm sau khi mình chết. Nỗi sợ hãi này đã làm cho họ bị mất tự nhiên và không muốn để lại những kỷ niệm đẹp khi mình có niềm vui, sự hân hoan và đặc biệt là niềm vui trong sự chăm sóc hiếu thảo của con cháu.

Trong đạo thỉnh thoảng cũng xảy ra tình huống tương tự đối với các vị Thượng tọa lão niên, đạo cao đức trọng. Thay vì theo qui định của đức Phật ngày xưa, khi đến tuổi hạ lạp và có những đóng góp lớn cho Phật giáo thì mặc nhiên các vị ấy được tấn phong Hòa thượng. Thế nhưng nhiều vị Thượng tọa lại không muốn danh hiệu đó, mặc dù tuổi đã trên 60 và hạ lạp trên 30. Hỏi ra thì một số vị cho biết:“Khi lên Hòa thượng thì biết rằng cái tuổi gần đất xa trời cũng đã đến”. Lý giải từ góc độ nhân gian là thế, thực ra đối với những người xuất gia như các ngài thì không phải vậy. Bởi bản chất của người tu là hạnh khiêm tốn, việc phong tặng giáo phẩm đối với các ngài chỉ là xã hội hóa việc thừa nhận những đóng góp trong quá trình tu tập và đức hạnh của các ngài dành cho Phật giáo và cuộc đời. Phẩm hiệu đó có hay không đối với người xuất gia không quan trọng.

Đề cập và tìm hiểu cái chết là một nghệ thuật để sống có ý nghĩa hơn. Định đề này có vẻ xa lạ với hầu hết nhiều người. Bởi ai cũng cấm kỵ nói hoặc bàn về cái chết, nhất là vào dịp đầu năm mới, nghĩ rằng như thế sẽ bị xui xẻo, tạo cái “huông”  kéo theo cái chết trong gia đình. Phong tục tập quán ở Việt Nam và

Trung Hoa lại còn sai lầm hơn khi cho rằng, mỗi khi nghe chim cú kêu là báo hiệu điềm gở, điềm xấu sắp xảy ra, khu vực chung quanh đó sẽ có người chết. Điều này tạo ra lối ứng xử căm ghét, xua đuổi và thậm chí bắn giàn ná giết chết loài chim này. Ngược lại, với con chim khách lại được quan niệm là biểu đạt cho điềm lành của một gia đình hay làng xóm. Điều này cho thấy hệ nhân quả được thiết lập dựa trên quan niệm, phong tục tập quán và truyền thống văn hóa ở mỗi nơi.

CHẾT LÀ MỘT BẾN ĐÒ

Phật giáo xem cái chết như một bến đò hay chỉ là một trạm dừng chân, đã là bến đò thì cần có điểm xuất phát hay điểm đến. Bến đò và người lái đò phải liên tục đi và về để chuyên chở, phục vụ hành khách, và chức năng của nó cứ tiếp tục mãi như thế. Tiến trình của sự sống và cái chết cũng giống như một lượt đi qua đò. Khi kết thúc mạng sống, không phải là dấu chấm cuối cùng, mà là chuyến hành trình mới để quay về bến đò bên kia, tiếp tục rước những hành khách khác. Trong đạo Phật, việc rước hành khách được hiểu như thần thức của con người xuất hiện trong một mầm sống mới dưới hình thức là phôi thai. Tùy theo sự chiêu cảm của nghiệp và tính cách tương ứng của hành vi (còn được gọi là họ hàng nghiệp) giữa người chuẩn bị đi tái sanh và gia đình, cha mẹ, anh chị em mà người đó sẽ là một thành viên.

Hiểu như thế, ta không nên quá bi lụy trước cái chết, mất bến đò bờ bên này để cập bến bờ bên kia và ngược lại. Gọi nó là trạm dừng chân là bởi chức năng của trạm này không phải để cống hiến cho hành khách dừng tại đó một cách vĩnh viễn. Sự dừng chân chỉ mang tính tạm thời mà thôi, để rồi sau đó, hành khách lại phải tiếp tục lên chuyến xe đi đến nơi mà mình muốn đến. Việc dừng chân ở lại một chỗ chắc chắn sẽ làm mất hết giá trị của đôi chân và chức năng hoạt dụng của toàn cơ thể. Trạm là cảnh giới và loại hình sự sống mới mà bản chất của nó mang tính tương thuộc, thống nhất về nội dung với những gì con người đã tạo thông qua hành vi, lời nói và việc làm cụ thể trong quãng thời gian có mặt trên đời.

CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI ĐIỆN

Ngày 07- 09 – 2006, một tờ báo trong nước đã đưa tin về một sự kiện rất đau lòng với tựa đề: “Người điện bị điện giật chết”. Nhân vật trong bài báo tên là Huỳnh Văn Hùng, 44 tuổi, là một thợ điện. Anh có khả năng đặc biệt là điện giật không chết mà nhiều năm trước báo chí và truyền hình từng đưa tin, phỏng vấn. Khi ấy, anh trở thành người khá nổi tiếng, có thể dùng bàn tay của mình tiếp xúc trực tiếp với điện mà không cần phải cúp cầu giao và không sợ bị điện giật. Vì hoàn cảnh khó khăn, lương không đủ sống, anh có ý định tìm kiếm một công việc khác để mưu sinh. Trong thời điểm đó, anh ở lại tá túc tại nhà một người thân, nếp sống của gia đình này là ăn chay trường nên anh đành phải theo. Một hôm nọ, cũng như bao nhiêu ngày khác, anh đã thử điện mà không cần cúp cầu giao, đột nhiên có tiếng la thất thanh từ trong nhà vọng ra:“cúp cầu giao…” Khi chạy vào thì nhìn thấy cơ thể anh bị cháy đen, anh đã chết.

Có người lý giải rằng, do vì tá túc lại trong gia đình đó phải ăn chay nên kháng lực trong cơ thể anh xuống thấp, không đủ sức chịu đựng trước dòng điện bình thường, so với thời điểm trước đây khi ăn mặn thì không vấn đề gì. Thực ra, người ăn chay trường có sức khỏe tốt hơn người ăn mặn, sức dẻo dai, bền bỉ chẳng thua kém gì người ăn thịt cá. Lý giải như vậy là không đúng. Hoặc một lý giải khác cho rằng “sanh nghề tử nghiệp” sống bằng nghề nào thì chết bằng nghề ấy. Lý giải đó chưa có sự chứng thực đúng sai, nhưng đau lòng ở chỗ nó là một sự lên án rằng, những người như thế đáng phải chết với những gì họ làm.

Lý  giải  từ  quan  điểm  và  góc  nhìn  của  đạo  Phật  có  sự  khác biệt. Người có năng lực đặc biệt liên hệ đến chi phần hay một cơ quan nào đó của cơ thể, đừng nên ngộ nhận nó sẽ tồn tại vĩnh viễn một cách lâu dài. Lạm dụng vào nó sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, điển hình là cái chết của anh Hùng. Trong khi với năng lực đặc biệt này có thể hỗ trợ cho anh trong công việc khá nhiều. Do đó, chỉ nên sử dụng năng lực đặc biệt để chứng minh cho một sự kiện mà khoa học cần đến, bằng không việc lạm dụng có thể là trở ngại.

Thời của đức Phật ngày xưa, rất nhiều vị xuất gia có năng lực thần thông, mà lẽ ra với năng lực đó sự thu hút quần chúng sẽ khá dễ dàng. Bởi quan niệm một con người có khả năng siêu phàm sẽ làm cho rất nhiều người có niềm tin tôn giáo nghĩ rằng đây là một bậc thánh. Khi ấy, đức Phật đã khuyến tấn tất cả các vị xuất gia không nên thể hiện năng lực thần thông mà mình đạt được. Những ai làm việc đó để thu hút tín đồ sẽ bị giới luật trong đạo Phật trừng phạt. Vì Ngài nhìn thấy rõ sự nguy hại trong việc lạm dụng năng lực đặc biệt này, ít nhất về phương diện hòa hợp trong cộng đồng của người xuất gia. Một tu sĩ được thần tượng hóa như một vị chứng đắc, vị ấy cố tình làm việc này trong khi những người khác lại không thể hiện được sẽ dẫn đến tình trạng quần chúng đổ dồn, tập trung vào vị ấy, trong khi các giá trị thiết thực khác họ lại không mảy may quan tâm.

Truyền thống Lạt Ma tái sinh của người Tây Tạng là một truyền thống có giá trị. Bởi vì nó xác quyết được con đường và cảnh giới tái sinh khi các vị ấy đang còn sống khỏe mạnh, nhưng về lâu dài, thái độ ứng xử của người dân Tây Tạng đối với những vị Lạt Ma tái sanh lại tạo ra cung cách thần tượng hóa; và dĩ nhiên thái độ phân biệt đối xử đã xảy ra đối với những vị không phải là Lạt Ma tái sinh. Trong thời gian có mặt tại Lhasa, nơi được xem là vương quốc lưu vong của Phật giáo Tây Tạng tại Ấn Độ. Hằng ngày, tôi quan sát và cảm nhận rõ điều này. Người dân Tây Tạng rất thành kính đối với những vị Lạt Ma  tái  sinh,  thế  nhưng  càng  thành  kính  các  ngài  nhiều  chừng

nào thì thái độ của họ đối với các vị Lạt Ma không tái sinh lại xuống cấp nhiều chừng nấy. Trong đời sống hằng ngày, người Phật tử Tây Tạng lúc nào trên tay cũng có xâu chuỗi với 108 tràng hạt. Họ lần chuỗi trong lúc buôn bán, làm việc, chợ búa v.v… ở mọi nơi và mọi lúc giống như người xuất gia.

Chính vì vậy, họ mong muốn các vị xuất gia phải có điểm gì đó đặc biệt hơn, không thể nào tương tự như họ. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận yếu tố đặc biệt chỉ thông qua truyền thống tái sinh đôi lúc bị lệch lạc, đi sai với truyền thống và tinh thần của đạo Phật. Đức Phật từng xác quyết rõ việc có thần thông và sự chứng đắc, hai yếu tố này có thể song hành và cũng có thể biệt lập với nhau hoàn toàn. Trong thời đức Phật, rất nhiều vị A-la-hán không có khả năng thần thông nhưng nhiều người phàm lại có khả năng này. Do đó, đức Phật đã giới thiệu một loại hình thần thông mới có chiều sâu hơn, và Ngài sử dụng lối chơi chữ với tên gọi: “Giáo dục thần thông”, được hiểu theo hai nghĩa như sau:

Thứ nhất, sử dụng thần thông như một phương tiện giáo dục quần chúng, giúp họ tin sâu vào nhân quả, giá trị tốt xấu, đạo đức, hiểu được bản chất của đời sống là do con người định đoạt thay vì do Thần linh, Thượng đế. Trong tình huống này, việc vận dụng thần thông được tán thán. Tuy nhiên, cũng cần giới hạn chỉ khi nào thực sự cần thiết mới đem ra ứng dụng.

Thứ hai, điều quan trọng và là mục tiêu mà đức Phật muốn nhắm đến, đó là bản chất của giáo dục chánh pháp đối với cuộc đời là phép mầu. Ai biết vận dụng chánh pháp đưa vào cuộc sống bản thân để giải quyết khổ đau, không bị rơi vào tình trạng than trời trách phận. Hoặc ai ứng dụng lời Phật dạy trong việc giáo dục con cái, giúp cho chúng trở thành người hữu dụng về sau thì họ được xem là đang thể hiện phép mầu. Phép mầu của sự giáo hóa, chuyển hóa, và làm mới hoàn toàn nhân cách của con người. Điều mà đức Phật muốn nhấn mạnh là tất cả những người phàm, dù xuất gia hay tại gia đều có khả năng thực hiện phép mầu mà không cần phải có năng lực đặc biệt nào.

Lạm dụng năng lực đặc biệt trong những tình huống không cần thiết có thể tạo sự nuối tiếc về sau.  Báo chí tiếp tục đưa tin sau khi anh Hùng qua đời, vợ và hai con của anh bị hụt hẫng vì trụ cột kinh tế gia đình đều nương tựa vào anh. Do vì ỷ lại vào năng lực thần thông quá mức mà đôi lúc ta tự hại bản thân và hại luôn cả những người thân, người thương của mình nữa. Từ đó rút ra được bài học mà đức Phật từng nhắc nhở các vị xuất gia: “Cho đến lúc nào các vị trở thành thánh nhân thì có thể tạm yên tâm về con đường chuyển hóa, tu tập, đạo đức, nỗ lực… còn nếu chưa phải là một bậc A-la-hán thì đừng bao giờ cho phép mình ỷ lại.”

Câu nói đó có thể được ứng dụng trong công việc, sự nghiệp, lý tưởng mà người cư sĩ tại gia đang theo đuổi. Đừng nên ỷ lại dù quý vị là người có thể rất thành công trên thương trường, chính trị, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật… cùng nhiều lĩnh vực khác; đừng cho phép mình thỏa mãn, tự hào, vì đó là ổ khóa giam nhốt năng lực và sự đóng góp của bản thân đối với cộng đồng và xã hội. Những ai cho phép mình thỏa mãn, người đó khó có thể tiến bộ xa hơn. Ỷ vào khả năng là cách thức làm giảm đi giá trị bản thân.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.