Mái Ấm Gia Đình

1. Tôi vừa sinh bé thứ hai được 10 ngày thì biết tin chồng tôi có người đàn bà khác. Tôi đọc được những tin nhắn rất tình cảm của họ. Chồng tôi thề thốt sẽ rời xa người đàn bà ấy nhưng những tin nhắn kia luôn ám ảnh tôi. Những ngày qua tôi sống như người vô hồn, tôi đã gần như mất sữa. Tôi phải làm sao để quên đi câu chuyện đau buồn này? Tôi lấy đâu ra nghị lực để nuôi con đây? Hoàng Thanh Nga, Hải Phòng

Biết chồng có bóng hồng khác trong thời điểm chị vừa khai hoa nở nhụy cháu thứ hai quả là một nỗi đau khó tả. Ý niệm về đứa con chung là hoa trái của tình yêu đích thực trong chị đã nhanh chóng không còn chỗ đứng độc nhất trong tình cảm giữa vợ chồng chị, khi các tin nhắn tình tứ của chồng chị dành cho người phụ nữ khác, thay vì phải cho người duy nhất là chị.

Dù sao, lời thề thốt của chồng chị rằng anh ấy “sẽ rời xa người đàn bà ấy” cũng là niềm an ủi trong tình huống không có sự lựa chọn tốt đẹp hơn. Hãy chấp nhận nó bằng thái độ tha thứ cao thượng để vượt qua nỗi đau, còn hơn sầu khổ và uất hận trong thời gian mà lẽ ra chị cần đến sự chăm sóc tình cảm để sớm phục hồi sức khỏe, sau thời gian mang nặng đẻ đau.

Ám ảnh về sự không chung thủy của chồng trong tình huống chị có thể trở thành kẻ sát nhân vô hình của tình yêu giữa vợ chồng chị. Nỗi ám ảnh đó sẽ kéo lôi chị về với quá khứ bất an, làm cho chị “mất sữa” và “vô hồn” trong tuyệt vọng, trong khi, hiện tại chị cần bao dung, tha thứ để tự chữa lành vết thương lòng của bản thân và dĩ nhiên có khả năng ngăn chận tính hoa nguyệt của người chị đã trao thân gửi phận.

Đừng “đánh người quay về” nhất là trong tình huống anh ấy đã “hối lỗi” với cam kết “sẽ rời xa người đàn bà ấy.” Sự cao thượng sẽ có khả năng giúp cho chồng chị không chỉ “sẽ rời xa” mà thực chất “rời xa ngay” bây giờ và tại đây để bù đắp lại tình yêu giữa hai người đã có phần bị sứt mẻ.

Đây là lúc chị cần có nhiều nghị lực hơn để nuôi con. Do đó, đừng tự hành hạ chính mình với cảm giác buồn đau và tuyệt vọng. Hãy sớm quên đi nỗi đau hiện tại, xem nó như chuyện quá khứ, cần sớm khép lại. Ôm giữ cảm giác bất hạnh sẽ biến chị trở thành nạn nhân thêm một lần nữa. Cảm thông, tha thứ, lạc quan, tự tin và tình thương cao thượng dành cho chồng và con lúc này sẽ là các dược chất giúp cho chị có thêm nghị lực để sớm vượt qua thử thách.

Nếu ám ảnh là độc dược làm cho chị bị “tuyệt vọng” thì niềm lạc quan về sự thay đổi tích cực từ anh ấy sẽ làm cho lửa tình yêu giữa hai người có thể sưởi ấm gia đình chị, và nhất là cho hai đứa con của chị ở hiện tại và trong tương lai.

2. Bé nhà tôi 10 tuổi, bé rất ngoan và dễ thương. Chỉ có điều bé thật thà quá, thật đến mức làm mếch lòng người khác. Ví dụ chú của bé mua tặng bé một món đồ chơi, khi chú hỏi “Con có thích không?” thì bé không ngần ngại đáp “Con không thích, đồ chơi đó rởm lắm chú ạ”. Nhiều lần vợ chồng tôi đã nhắc bé nếu con không thích thì cũng đừng nói ra kẻo người khác buồn, nhưng cháu lại bảo chúng tôi “Như vậy là nói dối, bố mẹ vẫn dạy con không được nói dối cơ mà”. Chúng tôi phải làm sao đây? Làm thế nào để dạy cháu đâu là nói dối, đâu là nói khéo để không làm mếch lòng người khác? Trương Tùng Lâm, Hà Nội

Xem ra, lời dạy về lối sống “chân thật” từ anh chị đã có tác dụng “chân phương” đối với cách hành xử của bé. Đó là điều đáng mừng, thay vì là nỗi lo. Ở lứa tuổi thiếu nhi, quan trọng nhất vẫn là lòng chân thật, từ lời nói cho đến việc làm. Đức tính này sẽ giúp cho bé trở thành bậc “chân nhân” về sau.

Điều mà hai bạn lo ngại đối với cháu là làm thế nào để có sự tương nhượng của “lòng chân thật” đối với “sự ngoại giao” khéo léo để “không làm mếch lòng người khác.” Điều đó có thể thực hiện dễ dàng đối với một người đã trưởng thành, có sự cân nhắc giữa đắc và thất nhân tâm trong các quan hệ gia đình và xã hội. Nhưng đối với một bé vị thành niên quả là điều khó làm, nếu không nói là không thể làm được. Anh chị không phải quá lo lắng về việc bé không chưa được khéo léo trong ngoại giao, nhất là trong chối từ hoặc tiếp nhận.

Đối với các cháu vị thành niên, ứng xử “yes hoặc no” hay “thích hoặc không” là một phản ứng hành vi khá phổ biến. Không có gì phải quá bận tâm. Khoảng bốn năm năm sau, khi cháu bắt đầu vào tuổi cặp kê, sự khéo léo, do tác động của sự phát triển ý thức xã hội, sẽ giúp cháu điều chỉnh dễ dàng những sự vụng về trong giao tế, nhất là khi cháu có được hai bậc cha mẹ lịch thiệp trong giao tế và quan tâm cháu như anh chị.

Đối với người lớn, không nói dối vẫn chưa đủ. Tiêu chí quan trọng trong truyền thông giữa các tương quan xã hội là phải biết nói những lời phù hợp với chân lý khách quan, thể hiện sự hòa hợp đoàn kết, giữ được phong cách văn hoa và văn hóa trong giao tế và mang lại giá trị và lợi ích. Đối với trẻ thơ, hồn nhiên và chất phác vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần được khích lệ. Do đó, anh chị đừng quá lo lắng về tiêu chí làm thế nào để giáo dục cho cháu nắm bắt được nghệ thuật “đâu là nói dối, đâu là nói khéo” trong giao tế với mọi người nói chung và người thân nói riêng.

3. Tôi đi làm dâu đã hơn 10 năm nay. Mẹ chồng tôi là người ghê gớm, bà bắt nạt tôi ra mặt, lúc nào cũng xét nét, nhiếc móc không tiếc lời, lúc nào bà cũng nói tôi về nhà bà là quá sướng, như chuột sa chĩnh gạo, còn con gái bà đi làm dâu thật là khổ cực. Và hình như bà hành hạ tôi để “trả thù” cho việc con gái bà không được nhà chồng yêu chiều. Nhiều lần tôi định ly hôn với chồng tôi vì anh ấy chỉ bênh mẹ, và hùa với mẹ, nhưng tôi không muốn các con tôi bị tan đàn xẻ nghé. Tôi phải làm sao để có thể sống vui vẻ với mẹ chồng, với gia đình chồng?

Khi xem mẹ chồng là “người ghê gớm” thì phản ứng thông thường của một nàng dâu là khó chịu đựng nổi tính cách “xét nét, nhiếc móc không tiếc lời” của mẹ chồng. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu vừa có yếu tố tình cảm, vừa có yếu tố tình thương, trong sự cân nhắc từ cả hai bên, ai được xem nặng, ai bị coi nhẹ; ai được nhiều, ai được ít?

Dù muốn dù không, khi nàng dâu sống trong sự căng thẳng với mẹ chồng thì hạnh phúc với tình yêu của chồng sẽ bị thách đố lớn. Càng muốn cho chồng đứng về phía mình nhiều chừng nào thì mâu thuẫn đó có khả năng gia tăng chừng đó. Càng buồn tủi chồng nhiều chừng nào, khi nghĩ rằng anh ấy “chỉ bênh mẹ, và hùa với mẹ” thì người vợ càng không còn muốn thừa nhận hạnh phúc hiện có, dù chưa được như ý và trọn vẹn.

Trong câu chuyện của bạn, chồng bạn không có lỗi lầm gì để bạn phải nghĩ đến chuyện “định ly hôn với chồng.” Nếu đặt hạnh phúc gia đình của bạn lên trên hết, con cái của bạn với anh ấy càng không nên “bị tan đàn xẻ nghé” chỉ vì mâu thuẫn giữa bạn và mẹ chồng, mà vốn nó không can hệ gì đến đời sống của các cháu. Tình thương mà bạn dành cho các con sẽ là yếu tố giúp bạn không quan trọng hóa và đào sâu sự khác biệt cá tính giữa bạn và mẹ chồng cũng như gia đình chồng, nhờ đó, có thể khắc phục được tình trạng bất hạnh đang diễn ra.

Thay vì nghĩ mình là “con dâu” tức là người ngoại tộc đối với gia đình chồng, tôi đề nghị bạn hãy ứng xử như “con gái ruột” đối với người mẹ đáng kính và là em gái ruột trong gia đình chồng thì mọi bất đồng dù lớn hay nhỏ giữa mẹ chồng nàng dâu sẽ có khả năng được vượt qua, hoặc tối thiểu là không bị cường điệu hóa, nhân lớn và lây lan.

Người lớn tuổi thường khó thay đổi hơn người trẻ vốn có khả năng thích ứng nhanh. Mẹ chồng bạn có thể nghĩ rằng nếu bạn thật sự yêu con của bà thì bạn phải chìu bà và thậm chí trải qua các thách đố của bà. Hãy quan niệm đó là phản ứng tâm lý thông thường để bạn dễ dàng bỏ qua những sơ thất nếu có từ mẹ chồng và gia đình chồng, để đồng lúc đó, bạn có thể giữ gìn trọn vẹn được tình yêu thương đối với chồng con mà bạn đã từng có nhiều năm chắt chiu, vun bón. Tiếp tục với văn hóa như thế không phải là quá thiệt thòi, hay khó khăn, kiệt sức đối với bạn trong lúc này.

Thái độ không lý tưởng hóa mẹ chồng và bên chồng, không tuyệt đối hóa mọi việc, không cường điều hóa sự tình… sẽ vừa là thái độ và vừa là cách ứng xử khôn ngoan mà bạn nên làm quen, để tạo ra sự thích ứng với gia đình chồng. Hãy xem mâu thuẫn và bất đồng giữa bạn và gia đình chồng là việc nhỏ và như lửa thử vàng hạnh phúc lứa đôi, bạn sẽ không phải tốn nhiều công sức để vượt qua các thử thách hiện tại, để được sống hạnh phúc bên chồng con.

Nếu mâu thuẫn giữa bạn và gia đình chồng đã đến hồi quá căng thẳng, không thể cứu vãn được sau nhiều nỗ lực, thì bạn có thể tâm sự chân thành với chồng bạn và đề nghị giải pháp thuê nhà để vợ chồng và con cái bạn được ở riêng, nhằm làm giảm thiểu tối đa các xung đột không đáng có với gia đình chồng.

Thay đổi không gian sống, hay đào tẩu khỏi thực tại bế tắc thực ra không phải là giải pháp tốt để hướng đến. Sự khéo léo, chịu đựng và sáng suốt của bạn là yếu tố duy nhất giúp bạn vượt qua các khó khăn, mà bạn đã từng làm được trong suốt mười năm qua. Tôi tin tưởng và chúc bạn thành công trong việc tháo gỡ các gút mắc, để sống trong hạnh phúc và bình an với chồng con.

Thích Duy Tân

http://www.daophatngaynay.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.