Ý nghĩa 12 lời nguyện niệm Phật

Lời nguyện thứ sáu

“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Không gây khổ cho ai”.

Khi chúng ta niệm Phật, nhớ tới đức Phật, không nên gây những điều phiền toái, đau khổ cho mọi người. Chúng ta có thể làm khổ người khác bằng ý nghĩ, lời nói và hành động. Thí dụ chúng ta có ý lấy của người, hoặc là có ý nghĩ lừa gạt tình cảm. Mình dụ dỗ người để thỏa mãn dục vọng, xong rồi mình trốn tránh trách nhiệm. Hoặc vì muốn thỏa mãn khẩu vị của mình mà tìm cách giết hại những chúng sinh. Hoặc chúng ta có những lời nói ác, lời nói thô lỗ khiến người nghe phải đau khổ.

Trong gia đình chúng ta, có rất nhiều những chuyện mà chồng, vợ hoặc con làm khổ cho nhau. Đôi khi chúng ta làm khổ cho nhau mà không biết, lại đổ lỗi cho ông trời. Chẳng hạn như người chồng đi làm về, bày ra ăn nhậu, ngày nào cũng ăn nhậu. Khi ăn nhậu say lại gây gổ với vợ, với con làm cho vợ con phải đau khổ. Có những người vợ, chồng đi làm rất cực khổ, mình ở nhà chỉ “ngồi lê đôi mách”, chưa kể đến những chuyện ngoại tình, làm cho chồng con phải tủi nhục đau khổ. Đôi khi trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người vợ cứ đua đòi may sắm, tiêu xài phung phí, hoặc chơi số đề gây khổ cho chồng cho con. Có những người con thích chạy theo thời mốt, quần nọ áo kia. Thay người ta may quần áo kiểu này mốt nọ mình cũng đòi may cho bằng được. Thấy người ta nhuộm tóc đỏ tóc vàng, mình cũng muốn nhuộm tóc đỏ tóc vàng. Thấy người ta có điện thoại di động, mình cũng muốn có điện thoại di động. Thấy người ta có xe Dream, mình cũng muốn có xe Dream. Chưa kể đến có những đứa con không chịu học hành, rồi quan hệ với những bạn bè xấu, bị rủ rê hút chích xì ke ma túy. Những thứ này gây khổ cho mình, gây khổ cho cha mẹ. Có những trường hợp, người mẹ lúc nào cũng đòi hỏi con tiền bạc, trong khi gia đình hoàn cảnh con cái khó khăn, bắt nó phải đưa; không đưa thì chửi, rồi nói bất hiếu, đó là chúng ta làm khổ con cái của mình. Có những người rất siêng năng đi chùa, đi hết chùa này đến chùa kia nhưng tiền không có, lại đòi hỏi con phải cho tiền, không cho cũng la rầy mắng nhiếc nó. Chúng ta đi chùa là điều rất tốt. Chúng ta càng đi nhiều nơi thì càng tốt, nhưng phải xem lại có tiền để đi hay không? Nếu mình có tiền để đi thì đó là một điều rất tốt và đồng tiền đó phải do chính mình làm ra, hoặc con cái hoan hỷ cho. Còn bây giờ hoàn cảnh của con cái khó khăn mà mình cứ bắt nó cho tiền để đi chùa, cúng chùa vô tình lại làm đau khổ cho con cái. Người đã tu hành, đã niệm Phật dứt khoát không làm khổ ai.

Trong đạo Phật chúng ta có giáo lý “thiểu dục tri túc” – ít muốn và biết đủ. Khi mình biết đủ thì tất cả đều đủ. Còn chúng ta không biết đủ dù có nằm trên đống vàng cũng không thấy đủ. Do vậy mà pháp “thiểu dục tri túc” này, giúp chúng ta không làm khổ mình, khổ người. Chúng ta đã biết niệm Phật, nhớ Phật thì phải noi gương hạnh của đức Phật. Quý vị thấy đức Phật Thích-ca Mâu-ni, từ bỏ hết tất cả địa vị giàu sang sung sướng, vợ đẹp con khôn để sống một cuộc đời rất đơn giản – tam y nhất bát, đi xin ăn, ngủ dưới gốc cây. Thế nhưng, sự nghiệp của Ngài cho đến bây giờ vẫn còn mãi. Còn chúng ta tham đắm đòi hỏi nhiều quá, chỉ làm khổ mình, khổ người. Người niệm Phật phải biết thiểu dục tri túc để khỏi phải làm khổ mình, khổ người. Đó là lời nguyện thứ sáu.

Lời nguyện thứ bảy

“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Hằng trì trai giữ giới”.

Khi quý vị quy y, trở thành một người Phật tử phải giữ gìn năm giới. Nhờ có giới mới giúp cho quý vị trở thành một người có đạo đức, có nhân cách cao thượng. Vì giới là hàng rào an toàn để bảo vệ đời sống chúng ta được hạnh phúc, an vui. Giới cũng giống như một cái lan can của nhà lầu, nó cũng giống như một cái thành của chiếc cầu, hoặc là bờ đê của đồng ruộng. Quý vị cứ nhìn lên một cái nhà lầu, nếu không có lan can sẽ không bảo đảm mạng sống của những người ở trên đó, có thể bị té, bị rớt xuống lầu mất mạng. Khi chúng ta đi lên một cái cầu bắc qua con sông, nếu cái cầu đó không có bờ thành chúng ta rất lo sợ, rất dễ bị lọt xuống sông. Một thửa ruộng, nếu không có những bờ đê nước sẽ tràn ngập vào, làm hư cây. Như vậy giới là những cái hàng rào bảo vệ cho đời sống của chúng ta được an vui, hạnh phúc.

Có người cho rằng khi chưa quy y, chưa thọ giới còn tự do, khi quy y giữ giới rồi lại bị ràng buộc. Theo chúng tôi câu nói này cũng đúng, mà cũng không đúng. Đúng là khi chưa quy y thọ giới họ tha hồ tự do sát sinh, tự do uống rượu, tự do tà hạnh v.v… Tự do như vầy có ngày sẽ hư thân mất nết, bị vào tù. Còn không đúng là do họ đã có thói quen sát sinh, thói quen uống rượu nhậu nhẹt… nên bây giờ giữ giới không sát sinh, không uống rượu họ cảm thấy khó chịu, cảm thấy ràng buộc. Còn đối với người không sát sinh, không uống rượu thì việc giữ giới không sát sinh, không uống rượu đâu có gì là khó chịu, đâu có gì là ràng buộc. Họ vẫn tự do đấy chứ!

Một người sống mà không giữ giới, người đó sẽ buông lung, phóng túng, không có việc ác nào họ không dám làm. Một gia đình mà không có tôn ti trật tự, kỷ cương, lễ nghĩa, gia đình đó sẽ mất hạnh phúc. Một xã hội mà không có luật pháp, xã hội đó sẽ loạn. Người Phật tử, khi quy y phát nguyện giữ 5 giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Năm giới này là năm giới căn bản để chúng ta hoàn thiện nhân cách. Người giữ trọn vẹn năm giới này sẽ không lo sợ tù tội, không lo sợ người ta hại mình. Bởi vì người giữ giới trong sạch là người không làm khổ ai, không làm tổn hại ai. Chúng ta không sát sinh là không giết ai; không trộm cắp là không lấy của ai; không tà hạnh là không xâm phạm đến trinh tiết của người; không nói dối là không lưa gạt người; không uống rượu say là không làm cho người khác phải phiền não lo sợ. Như vậy khi giữ giới trong sạch là mình không làm khổ mình và không làm cho người khác lo sợ. Khi giữ giới trọn vẹn là mình không sợ người và ngược lại người cũng không sợ mình. Bởi vì một người nào đó đến với chúng ta, họ biết chúng ta giữ giới trong sạch chắc chắn họ sẽ không lo sợ. Sống với một người mà giữ giới trong sạch chúng ta rất yên tâm. Khi quý vị thân cận một người chuyên môn ăn cắp thì quý vị rất lo – lo coi chừng họ móc túi mình. Hoặc quý vị thân cận những người hay sát sinh hại vật – coi chừng họ nổi cơn điên lên giết mình lúc nào không hay, cũng sợ lắm! Hoặc mình thân cận những người háo sắc tham dâm cũng lo sợ, sợ người này có ngày sẽ xâm phạm đến thân thể của mình. Cho nên, người giữ giới, ai đến gần cũng không lo sợ.

Khi chúng ta giữ giới trong sạch sẽ thể hiện ra ngoài oai nghi của mình – thân tướng trang nghiêm – trong sách thường nói “tướng hảo quang minh”. Đức Phật do giữ giới trong sạch, ba nghiệp thanh tịnh, cho nên Ngài phát ra tướng hảo rất quang minh, ai nhìn thấy cũng cảm mến. Sở dĩ thân tướng của chúng ta không được trang nghiêm, tướng hảo không quang minh là do ba nghiệp không thanh tịnh. Những người đã đạt được ba nghiệp thanh tịnh rồi thì họ có thân tướng rất trang nghiêm, ai nhìn cũng cảm thay mến, cảm thấy an lạc và hình như ai cũng thích đến gần. Bởi vì những người đó tỏa ra sự bình an, tươi mát, trong sạch. Khi chúng ta giữ giới cẩn thận, ba nghiệp thanh tịnh thì trời và người đều cung kính, đều muốn gần. Bởi vì một người có những tư tưởng xấu ác, phạm giới – phạm giới có nghĩa là xấu ác, thì tư tưởng đó là tư tưởng đen tối, nó hợp với tư tưởng của ma quỷ – ma quỷ thì tư tưởng đen tối. Những người phạm giới là những người có tư tưởng đen tối, cho nên giữa người đó với ma quỷ rất gần – vì cùng tư tưởng với nhau. Ví dụ như ở thế gian người tốt tìm người tốt chơi, người xấu tìm người xấu chơi, hoặc rau nào sâu nấy, nồi nào vung nấy. Cái gì hợp với nhau mới đi chung với nhau được. Còn những người giữ giới trong sạch thì tư tưởng của họ là tư tưởng sáng, tư tưởng trong phù hợp với các bậc Thánh. Cho nên, những người có được ba nghiệp thanh tịnh thì chư Thiên Hộ pháp thường ủng hộ. Quý vị thấy những bậc chân tu, giữ giới nghiêm mật, ba nghiệp trong sạch họ làm gì cũng được thành tựu, nhờ có giới đức mà chư Thiên Hộ pháp ủng hộ. Còn những người có tà tâm, chư Thiên Hộ pháp không đến gần, chỉ có ma quỷ đến gần thôi. Cho nên có câu:

“Giữ giới đồng như băng tuyết sạch,
Gìn lòng cho được Thánh Hiền gần”.

Mình giữ giới làm sao cho được trong sạch cũng như băng, như tuyết, không có một tí tỳ vết nào. Gìn lòng cho được Thánh Hiền gần, là khi lòng mình trong sạch thì Thánh Hiền, chư Thiên Hộ pháp mới gần được.

Cho nên, người học Phật, người thường xuyên niệm Phật phải trì trai giữ giới. Trì trai ở đây có nghĩa là ăn chay. Người niệm Phật cần phải ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi, không gây thêm tội ác giết hại chúng sinh để bồi bổ sinh mạng của mình. Chúng ta ăn để sống, không phải sống để ăn. Vả lại thân người là giả tạm, khi chết cũng chỉ là cái xác thối không có giá trị gì cả.

Người học Phật không nên vì cái thân giả tạm này mà sát sinh hại vật để thỏa mãn khẩu vị của mình, đánh mất lòng từ bi và gây oán thù đền mạng trong vòng luân hồi lục đạo. Cho nên, trì trai giữ được năm giới đầy đủ trong sạch là chúng ta hoàn thiện nhân cách, cũng là giới căn bản để bước lên con đường giải thoát. Đó là lời nguyện thứ bảy.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.