Lời nguyện thứ tám
“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Luôn nhẫn nại khoan dung”.
Chữ “nhẫn nại” là chịu đựng. “Khoan dung” là tha thứ. Chịu đựng, có những người chịu đựng để tha thứ, nhưng có những người chịu đựng để trả thù. Người học Phật phải thực hành chịu đựng để tha thứ, đừng nên chịu đựng để trả thù. Thí dụ như có một người chửi rủa, gây gổ với chúng ta, chúng ta đang ở trong thế kẹt, vì người ta đông quá, người ta chửi mình, lấn hiep mình thôi thì chịu nhẫn nhục, nhưng lát nữa về xách dao đến chém người ta. Có nghĩa là mình nhẫn nhục chịu đựng, nhưng chịu đựng lúc đó để rồi có cơ hội sẽ trả thù. Còn người học Phật chúng ta chịu đựng, mà chịu đựng trong tha thứ. Khi có người mắng nhiếc, hại mình, mình lấy lòng từ bi thương xót họ. Trước hết mình phải coi tất cả chúng sinh đều là quyến thuộc, cha mẹ, anh em. Thứ hai là chúng ta phải thương họ. Thương họ như thế nào? Thương họ không biết đến nhân quả. Bởi vì theo luật nhân quả, anh hại người thì anh lãnh lấy quả báo, ác nhân thì ác báo, gieo gió sẽ gặt bão. Bây giờ người ta hại mình, mắng nhiếc mình, chửi rủa mình, mình lại thương người ta, thương người ta đang gieo nhân xấu để rồi phải gặt quả xấu. Cũng giống như cha mẹ thương đứa con lầm lỡ, chúng ta phải có tình thương như vậy. Chúng ta chịu đựng để mà tha thứ, chứ không phải chịu đựng để trả thù.
Trong kinh Phổ Môn, đức Phật cũng có nói câu: “Từ nhãn thị chúng sinh”, nghĩa là dùng con mắt thương yêu nhìn chúng sinh.
Chúng ta phải có một tâm từ như vậy.
“Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan; lấy oán báo oán, oán oán chất chồng”.
Đây là một câu trong kinh Pháp Cú, rất có giá trị. Khi một người đối xử tệ với chúng ta, chúng ta luôn luôn lấy lòng từ tha thứ cho họ, tự nhiên một ngày nào đó tất cả những oán thù sẽ tiêu tan. Còn nếu người ta gây thù mình, mình gây thù lại, như vậy thù qua thù lại, oán oán càng chất chồng, không những đời này mà kéo dài cho đến các đời khác. Chúng ta hãy bắt chước cây trầm hương, người ta dùng búa chặt nó, nó tỏa hương thơm cho cây búa. Là người Phật tử, khi đã phát nguyện niệm Phật, thường xuyên niệm Phật, phải có tâm nhẫn nại, chịu đựng những thử thách, những lời thóa mạ của người khác và mình phải biết rải tâm từ tha thứ, cầu nguyện cho những người đó ý thức được việc làm sai trái, để họ đừng tiếp tục gây thêm khổ đau cho người khác và cũng chính là không gây khổ đau cho họ. Bởi vì “ngậm máu phun người, miệng mình dơ trước”, hoặc “phun nước miếng len trời, nước không tới trời mà trở lại rơi vào mặt mình”. Như vậy là lời nguyện thứ tám, nhắc nhở chúng ta phải có tinh thần chịu đựng và tha thứ. Đó là lời nguyện thứ tám.
Lời nguyện thứ chín
“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Sắc tài không đắm nhiễm”.
Sắc tài này nằm trong ngũ dục: tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kỹ năm thứ này làm cho người ta đắm nhiễm, đưa đến chỗ đau khổ và sa đọa. Sắc dục là một thứ ham muốn rất mạnh của tất cả chúng sinh trên thế gian này. Đối với con người chúng ta, khi lớn lên có hiểu biết một chút, bắt đầu đã có những suy nghĩ về vấn đề sắc dục và đi tìm đối tượng để thỏa mãn. Cho đến khi chết người ta vẫn chưa buông bỏ tâm niệm về sắc dục. Có những người biết dừng lại thì tốt, nhưng có những người không biết dừng lại coi như thân tàn danh bại. Người đắm sắc sẽ gây tai hại về sức khỏe và tuổi thọ. Người mà đắm mê sắc dục sẽ mất đi năng lượng, hay nói cách khác là mất đi sinh lực, tức là sức sống của con người. Người tham muốn sắc dục quá độ sinh lực bị mất đi và sẽ dẫn đến bịnh tật, chết yểu. Ví như một thân cây nhựa sống mất hết sẽ úa tàn và chết khô. Đối với Phật giáo, tham đắm sắc dục cũng là nguyên nhân đưa người ta đến chỗ luân hồi sinh tử đau khổ mãi mãi. Ngày xưa, những ông quan, những ông vua hay những người đắm sắc, thường hay bị mắc chứng bịnh “hoa liễu”. Người thời bây giờ nếu đắm mê sắc dục thì có nguy cơ bị nhiễm HIV/AIDS. Một thứ bệnh nan y cho đến nay chưa có thuốc chữa trị.
Thời nay, khoa học đã giúp cho người ta có những phương tiện để tránh những sự lây nhiễm qua đường sắc dục. Đó là một điều rất tốt. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, đây cũng là một phương tiện để giúp họ dễ dàng sa đọa. Ngày xưa, một cô gái mới lơn lên nếu không giữ gìn trinh tiết, quan hệ tình dục trước hôn nhân có thể dẫn đến hậu quả là có thai. Đó chính là một hình phạt rất nặng nề, làm tổn thương nhân phẩm, danh dự của bản thân và gia đình, cho nên người ta rất sợ và tìm mọi cách để giữ mình, không dám quan hệ bừa bãi. Ngày nay, nhờ có những phương tiện giúp người ta tránh thai, họ không cần giữ gìn tiết trinh gì nữa, cứ tha hồ thỏa mãn sắc dục. Do vậy, chúng ta thấy ở các nước phương Tây, có những học sinh đi học ở nhà trọ, mới 14-15 tuổi, nam nữ đã có vấn đề quan hệ sắc dục với nhau. Nhờ có phương tiện tránh thai nên họ cứ thỏa mãn sắc dục mà không sợ. Do vậy, người ta dễ buông lung phóng túng. Đối với nam giới nhờ có phương tiện bảo vệ tránh nhiễm HIV/AIDS nên họ tha hồ có bồ nhí, tha hồ đi bia ôm. Nếu như khoa học chế tạo những phương tiện tránh thai, phương tiện bảo vệ tránh nhiễm HIV/AIDS, kết hợp với nhà trường giáo dục người ta ý thức được sắc dục quá độ sẽ đánh mất nhân phẩm, tổn thương đạo đức, tiêu hao sức khỏe dẫn đến bệnh tật, chết yểu. Kết hợp giáo dục và khoa học như vậy sẽ giúp người ta ý thức được tham đắm sắc dục là tai hại, nhờ đó sẽ tránh được tình trạng buông lung quan hệ bừa bãi. Theo chúng tôi thấy rằng, việc này cần phải được quan tâm giáo dục cho thanh thiếu niên hiểu rõ. Nếu không giáo dục người ta không ý thức và sẽ dễ dàng dẫn đến chỗ đắm sắc sa đọa.
Kinh Pháp Cú, đức Phật có nói:
“Ai hàng phục được ái dục khó hàng phục, thì sầu khổ sẽ rụng tàn như nước giọt lá sen”.
Nếu người nào hàng phục được ái dục, cũng giống như là nước giọt trên lá sen, cái khổ sẽ không thể có đối với người vô dục.
Hoặc câu:
“Thắng được thiên binh vạn tướng chưa phải là chiến công oanh liệt; thắng được lòng mình mới thật là chiến công oanh liệt nhất”.
Vậy người niệm Phật phải luôn nhớ Phật và thấy được tác hại của sắc dục, không đắm nhiễm vào sắc dục.
Thứ hai là “tiền”.
“Tiền bạc mình tạo ra,
Để trao đổi lại qua;
Ta phải làm chủ nó,
Chia sớt người khốn khó”.
Đồng tiền là do con người tạo ra, để làm vật trao đổi trong cuộc sống, nó giả không phải là thật, chết chúng ta không thể đem theo nó được, nhưng nếu chúng ta không biết làm chủ nó, để nó làm chủ sẽ dẫn đến con đường đau khổ và tội lỗi. Vì đồng tiền mà có những người con dám giết cha. Cũng vì đồng tiền mà trong gia đình anh em bất hòa với nhau, chém giết nhau, kiện cáo nhau. Cũng vì đồng tiền mà người ta phải tự tử. Có người bị mất tiền tiếc quá phải tự tử. Cũng có những người vì đồng tiền mà thân bại danh liệt. Điều này quý vị có thể thấy được qua vụ án Năm Cam. Trong vụ án này, một số quan chức của nhà nước, những người có công rất lớn đối với cách mạng, đối với đất nước. Thế nhưng, cũng vì đồng tiền mà họ làm mất đi phẩm chất đạo đức, nhúng tay vào vòng tội lỗi, kết quả phải bị tù tội, thân bại danh liệt. Chúng ta đã thấy rõ ràng. Vì đồng tiền mà những thanh niên đi cướp của, giết người. Cũng vì đồng tiền mà những cô gái phải đem thân đi bán. Như vậy tiền bạc và sắc đẹp là hai thứ ham muốn, nó dẫn chúng ta đến chỗ đau khổ, sa đọa. Do vậy mà người niệm Phật biết rõ tai hại của sắc dục, tiền bạc không nên tham đắm. Đó là ý nghĩa của lời nguyện thứ chín.