Ý nghĩa 12 lời nguyện niệm Phật

Lời nguyện thứ mười

“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Trừ phiền não trái oan”.

Phiền não là những thứ làm cho chúng ta bực bội, khó chịu. Trong đó gồm có tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ v.v… Do phiền não mà mình gây tạo nghiệp. Vì tạo nghiệp cho nên mới có oan trái nhiều đời nhiều kiếp. Thí dụ như chúng ta vì tham ăn mà giết hại biết bao nhiêu chúng sinh. Khi chúng ta giết một chúng sinh là đã kết oán thù, oan trái. Mình giết kẻ khác tất nhiên phải nợ máu. Nợ máu phải trả bằng máu. Mình giết họ rồi, một ngày nào đó họ giết lại. Vòng oan trái này nối nhau nhiều đời nhiều kiếp. Ngày hôm nay chúng ta phát nguyện niệm Phật, thường xuyên niệm Phật để phiền não tiêu tan và oan trái của mình được cởi mở. Mình có niệm Phật như vậy thì tâm mới định và mình mới không gây tạo thêm nghiệp ác, tức là không tạo thêm nhân ác, do vậy mà dần dần những oan trái sẽ được cởi mở.

Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, gây oan trái với biết bao chúng sinh. Quý vị cứ suy nghĩ kỹ. Một đời này chúng ta giết hại biết bao nhiêu chúng sinh, biết bao nhiêu chúng sinh oan trái với mình. Rồi trong vô lượng kiếp chúng ta giết hại bao nhiêu chúng sinh nữa, như vậy oan trái này chồng chất lên oan trái kia. Nếu chúng ta không niệm Phật, không nhất tâm thì oan trái này không được cởi mở. Khi chúng ta niệm Phật, một mặt để cho phiền não dứt trừ, mặt khác nhờ niệm Phật mà những oan trái thấy mình tu hành, cầu nguyện cho chúng được siêu thoát thì chúng cũng hoan hỷ và không còn oán thù mình nữa. Do vậy, người niệm Phật, thường xuyên niệm Phật để cho tâm an định, phiền não dứt trừ, oan trái được cởi mở. Đó là lời nguyện thứ mười.

Lời nguyện thứ mười một

“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Trải lòng thương muôn loại”.

Người niệm Phật không chỉ thương mình mà còn phải thương mọi người. Mình niệm Phật, trước hết là thương mình. Vì thương mình cho nên mới niệm Phật, để mau được giải thoát. Thương người là mình muốn cứu độ họ cũng được giải thoát. Nói cách khác, chúng ta với mọi người đều có mối quan hệ thân thiết với nhau trong vòng luân hồi sinh tử. Họ đều là bà con, cha mẹ quyến thuộc với chúng ta cả. Đã là thân thuộc cha mẹ anh em của chúng ta, họ đau khổ, sa đọa thì ta cũng không yên. Như vậy mình phải có lòng thương, muốn cho họ được giác ngộ, được an vui, được giải thoát. Và lòng thương này, khi chúng ta trải ra thì tự nhiên mọi người đều hưởng được từ điển hay gọi là điển lành.

Ngày xưa, lúc đức Phật Thích-ca Mâu-ni vào trong rừng để tu tập. Thời buổi đó, quý vị biết rằng, các loài thú như là cọp, sư tử, chó sói… những thứ ăn thịt người rất nhiều. Thế nhưng, tại sao Ngài ở trong rừng mà không bị các loài đó ăn thịt? Là do Ngai có một tâm từ rất mạnh. Tâm từ này có sức cảm phục, cảm hóa không những người mà cả loài vật hung dữ.

Gần đây, ở bên Trung Quốc, có Hòa thượng Quảng Khâm. Trong tiểu sử ghi, Ngài lên một ngọn núi tu. Lúc lên núi Ngài thấy một cái hang liền vào trong đó ngồi tu. Không ngờ hang đó là hang của hổ. Khi Ngài ngồi tu được nửa ngày hay một ngày gì đó tự nhiên hổ xuất hiện. Ngài đang ngồi tham thiền niệm Phật bỗng ngửi có mùi tanh, liền mở mắt ra thấy con hổ đứng trước mặt. Ngài cũng bình tĩnh và nói “A-di-đà Phật”. Con hổ nghe Ngài nói tự nhiên hoảng hốt bỏ chạy ra ngoài. Nó hoảng chạy ra một lúc rồi trở vào. Chắc nó nghĩ rằng chỗ đó là chỗ ở của nó, tại sao ông sư này lại chiếm lấy và có lẽ nó quay lại với ý định ăn thịt Ngài. Khi nó quay trở vào, Ngài bèn nói: “Ngươi hãy hoan hỷ cho ta mượn tạm chỗ này tu hành, khi ta đắc đạo sẽ độ cho nhà ngươi”. Ngài nói xong, nó gật đầu bỏ đi. Hôm sau nó trở lại, đi lui đi tới một thời gian rồi dắt cả hổ vợ hổ con đến chơi giỡn với Ngài. Chúng ta thấy những bậc chân tu có lòng từ rộng lớn, tự nhiên cảm hóa được những con vật hung dữ, không ăn thịt họ.

Còn ở Việt Nam chúng ta, chúng tôi có nghe nói trước đây trên núi Tà Cú, có vị tổ tên là Hữu Đức. Năm đó hình như năm một chín bốn mấy hay năm mấy gì đó. Ngài lên núi Tà Cú, chỗ mà hiện nay chúng ta đi du lịch chiêm bái tham quan. Chúng tôi cũng có lên đó một lần, khoảng năm 1981. Ở trên đó có một bức tượng Phật nằm rất lớn. Chúng tôi được biết tổ Hữu Đức lúc lên đó tu hành, cọp cũng đến, rồi Ngài cảm hóa và nó cũng không ăn thịt Ngài. Quý vị thấy những bậc chân tu, có một lòng từ rộng lớn thì tự nhiên có sức cảm hóa thú vật.

Hiện nay, quý vị sống trong khu vực của mình, nếu biết trải lòng từ rộng rãi, thương yêu mọi người, giúp đỡ mọi người, gần gũi mọi người thì chúng tôi tin chắc rằng quý vị sẽ được mọi người thương yêu. Những người có lòng từ rộng lớn thương yêu cả loài vật, loài vật cũng mến yêu họ. Cho nên, người niệm Phật phải cố gắng mở rộng lòng thương. Nhờ có lòng thương này mà mọi người với ta không có sự ngăn cách, luôn luôn gần gũi và thương yêu nhau. Tình thương đó phải như ánh nắng mặt trời sưởi ấm muôn loại trong giá rét mùa đông. Đó là ý nghĩa lời nguyện thứ mười một.

Lời nguyện thứ mười hai

“Kính lạy Phật Di-đà,
Con nay xin phát nguyện,
Thường niệm danh hiệu Ngài,
Chí vãng sinh không phai”.

Câu cuối cùng này chúng tôi gút lại là “chí nguyện vãng sinh”. Từ “vãng sinh” có nghĩa là sinh đến. Vậy sinh đến đâu? Sinh đến thế giới Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà. Chúng ta thường nói là “vãng sinh Lạc quốc”. Tại sao chúng ta phải về đó? Người tu học Phật pháp trước hết phải thấy rõ cái khổ sinh tử và xem việc sinh tử là việc lớn. Từ vô thủy kiếp đến nay chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi, kiếp đọa địa ngục, kiếp làm ngạ quỷ, súc sinh, kiếp thì sinh lên cõi A-tu-la, cõi người, cõi trời, xoay quanh trong 6 cảnh giới này. Mà 6 cảnh giới này, hết 5 cảnh giới là đau khổ, còn cảnh giới trời tuy không khổ nhưng hưởng hết phước vẫn trở lại 5 cảnh giới kia, cho nên nói khổ là vậy. Muốn thoát khỏi sinh tư trong các cảnh giới này phải về thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà. Vì thế giới Phật A-di-đà không có các thứ khổ. Sinh về đó sẽ không còn thoái chuyển tâm Bồ-đề và nhờ các duyên tốt tu tập dễ thành tựu đạo quả. Đó là lý do thứ nhất mà chúng ta cần phải vãng sinh về thế giới Cực Lạc.

Lý do thứ hai là muốn sớm thành tựu đạo quả Bồ-đề mà vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Mục đích của người học Phật là để thành Phật. Mà muốn thành Phật phải đoạn trừ tham, sân, si, ái v.v… dứt sạch hết các phiền não. Thế nhưng, một đời này chúng ta không dễ gì đoạn trừ hết phiền não, thành tựu đạo quả. Nếu không thành tựu quả vị Phật trong kiếp này, chúng ta phải tiếp tục luân hồi, hoặc trở lại làm người tu tiếp, hoặc sinh lên cõi trời hưởng phước. Do phước báo tu tập của kiếp này, kiếp sau làm người sẽ được giàu sang, khi giàu sang sẽ tham đắm hưởng thụ quên mất sự tu, rồi lại tạo thêm ác nghiệp, chắc chắn kiếp thứ ba chúng ta sẽ bị đọa. Do vậy, để đảm bảo việc tu hành không bị thoái chuyển, chúng ta phải quyết chí vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Trong lời nguyện thứ 11 Đức Phật A-di-đà có nói: “Nếu tôi được thành Phật mà trời người trong cõi nước tôi không trụ vào chánh định tụ, mãi cho đến khi chứng quả Niết-bàn, tôi không chịu thành Phật”. Đó là lý do thứ hai.

Lý do thứ ba vì thương chúng sinh chìm đắm trong biển khổ sinh tử mà mong muốn vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Ở tại thế gian, trong một gia đình, người cha người mẹ thương con phải lo làm ăn, tạo ra của cải để lo cho con ăn học, lo cho con có sự nghiệp. Người tu hành nghĩ đến chúng sinh còn đang chìm đắm trong biển khổ thì phải ráng lo tu, sớm thành tựu đạo quả để cứu độ chúng sinh. Chúng ta về thế giới Cực Lạc không phải để hưởng thụ mà vì muốn mau chóng thành tựu đạo quả, để trở lại Ta bà cứu độ chúng sinh. Ví như một học sinh sống trong một đất nước nghèo khổ, đi ra nước ngoài du học mong muốn sớm thành tài để trở về quê hương giúp dân giúp nước được giàu có, được ấm no hạnh phúc. Cho nên, người niệm Phật phải lập chí vãng sinh. “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta cứ vững như kiềng ba chân”. Khi ta đã có định hướng tu học theo pháp môn niệm Phật phải một lòng một dạ quyết chí một đời vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Về Cực Lạc để làm gì? Để thành Phật, để thoát khỏi luân hồi lục đạo, để cứu độ chúng sinh. Đó là ý nghĩa của lời nguyện thứ mười hai.

Trong 12 lời nguyện niệm Phật này, có lẽ quý vị thắc mắc tại sao chúng tôi không nói đến pháp tinh tấn. Mà tinh tấn lại là một pháp rất cần thiết để thành tựu đạo quả. Thật ra nếu quý vị đọc kỹ thì trong những bài kệ này, có chứa đựng pháp tinh tấn bên trong. Chúng tôi nêu ra để quý vị thấy. Câu: “Con nay xin phát nguyện, thường niệm danh hiệu Ngài”. Chúng ta thường niệm, đó là tinh tấn. Yếu tố tinh tấn này rất cần thiết. Không có tinh tấn thì chúng ta không thành tựu được đạo quả. Do vậy mà trong đây chúng tôi nhắc đi nhắc lại câu: “Con nay xin phát nguyện, thường niệm danh hiệu Ngài”. Thường niệm Phật là lúc nào chúng ta cũng tinh tấn, cũng tỉnh giác, cũng sống trong chánh niệm. Nhờ chánh niệm, tỉnh giác mà chúng ta làm chủ được thân khẩu ý, làm chủ được cuộc đời của mình, sáng suốt thẳng tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.

Tóm lại: Chúng tôi soạn ra 12 lời nguyện niệm Phật này để giúp cho quý vị ý thức được đường hướng tu tập của mình về pháp môn niệm Phật. Nếu thường xuyên đọc và thực hành theo những lời nguyện đó ta sẽ có được an vui hạnh phúc, không chỉ cho mình và cả cho mọi người. Tương lai chắc chắn sẽ vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Đó là ý nghĩa của 12 lời nguyện niệm Phật mà chúng tôi vừa trình bày cho quý vị.

Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.